Bọn trẻ con nội trú được báo trước có khách Hà Nội lên, đã ngóng chờ từ chiều. Một số đứa nhà rất xa, không đợi được, phải về để hôm sau mang gạo đến trường. Mới sà vào lân la bắt chuyện với chúng, thì bác Tuấn, bác Trâm, bác Linh đã bắt đầu phát áo khoác ấm cho bọn tiểu học. Các bác Tiến, bác Khôi thì làm phụ tá. Nhìn bọn trẻ háo hức nhận quà, mặc áo, đội mũ với vẻ mặt hân hoan mà thấy sướng quá
Xong Tiểu học, bác Tuấn lại dẫn mọi người qua trường THCS phát áo, phát khăn. Có chút trục trặc là áo khoác cỡ nhỏ nhiều quá, ít cỡ to, nên phải chọn, đổi hơi lâu cho những đứa lớn mặc vừa. Bọn con gái thích áo màu sặc sỡ, đỏ đỏ, hồng hồng, hơn là áo màu xanh, màu đen.
Thùng quần áo cũ mình gửi các thầy cô THCS phát cho các em sau. Thùng sách truyện thì gửi cho Thư viện của THCS luôn. Xong xuôi cả rồi, đã hơn 20h, ai đó mới sực nhớ, hỏi: “Thế cây chè cổ thụ nổi tiếng trông thế nào?”. Bác Tuấn dẫn ra góc sân Trường, chỉ mấy cây chè cao khoảng hơn 2m, gốc to bằng bắp chân, nói chè đây này. Một thầy giáo bấm đèn pin cho khách coi chè, chỉ dẫn: “Mấy gốc chè này chỉ 20-30 năm thôi. Chè cổ thụ phải cả trăm tuổi kia”. Thế là cuộc thưởng ngoạn chè Suối Giàng diễn ra trong chưa đầy 5 phút, dưới ánh đèn pin! Thôi thì lần khác có dịp lên coi, hoặc vào mạng search hình coi đỡ vậy.
Trên sườn dốc xa xa cũng thấy lấp loáng ánh đèn pin. Một cô giáo nói đó là những đứa nhà gần (cũng phải 5-6 km) tối nay đi bộ về lấy gạo mai mang lên nộp cho cả tuần sau. Nói đến ăn, lúc đó mới thấy đói khiếp! Đang băn khoăn định hỏi xem ở đây có hàng quán gì không, thì nghe nói ông chủ tịch xã, bí thư xã, các thầy cô giáo đã làm cơm tiếp khách tại Văn phòng trường Tiểu học. Bữa cơm ấm cúng, thân tình, rất vui! Trong bữa, có một cô giáo hát tặng khách mấy bài, có cả bài hát do cô sáng tác về nghề dạy học, rất hay! Bác Khoai thì đọc một bài thơ. Ăn xong, mình vòng vòng ngó xem mấy lớp học. Thực lòng mà nói cơ sở trường lớp ở đây ổn, khá hơn nhiều nơi, nếu căn cứ vào những bức ảnh mình đã thấy. Nhà xây, tuy nhỏ, nhưng cũng sạch sẽ, khang trang. Với Suối Giàng, vấn đề chỉ là đồ ấm chưa đủ, và thức ăn cho học sinh nội trú còn thiếu thốn. Một cô giáo nói bây giờ nhờ bác Tuấn, cơm có thịt, bọn trẻ thích đi học hơn, ít bỏ học hơn. Nhiều đứa hơn tháng qua lớn phổng lên, tăng mấy cân luôn. Ai cũng mừng! Nhìn chung, mình thấy tụi trẻ dân tộc bé quá, nhiều đứa học lớp 5-6 mà bé bằng bọn lớp 2-3 ở Hà Nội. Nếu nhờ có thịt, có áo ấm mà chúng nó khỏe mạnh hơn chút, ít ốm đau hơn chút, cao hơn chút, nặng hơn chút, thì còn gì làm chúng mình vui hơn.
Bác Tuấn từ lúc nào đã kịp lượn qua chỗ có một nhóm học sinh đang coi phim gì đó trên TV, có lẽ là cái TV duy nhất ở Trường. Rồi bác ấy nhắc thầy cô giáo là không nên cho tụi nhỏ coi những phim nhiều cảnh bạo lực như thế. Mọi người lại bàn tán nên chuyển những băng đĩa gì từ Hà Nội lên cho tụi trẻ ở đây xem.
21h30, cả đoàn qua thăm một dãy nhà của nội trú của Tiểu học. Căn nhà này trước là Trạm Y tế xã, sạch sẽ, ấm áp, nhưng có vẻ hơi ít cửa sổ, và các căn phòng hơi nhỏ. Mỗi phòng kê 3-4 chiếc giường tầng sát nhau. Hôm nay nhiều giường trống vì nhiều đứa về nhà ngày cuối tuần. Nhiều đứa đã chui vào chăn ngủ khò khò, nhiều đứa đi ngủ vẫn để nguyên áo mới, mũ mới không muốn rời. Bọn trẻ mới 6-7 tuổi đã biết tự lập, đến giờ tự đi ngủ, tự biết gấp chăn.
22h, cả đoàn 12 người rời Suối Giàng, chạy xe về Nghĩa Lộ (cách hơn 20 km) thuê khách sạn để ngủ.
Sáng Chủ nhật, ăn sáng xong, các bác lại lên đường đi Y Tý, mang theo rất nhiều chăn mền, bánh mì, sữa, ... cho các bé mẫu giáo, hình như trên đường đi còn định ghé qua mấy điểm ở Mù Cang Chải. Mình chia tay mọi người để quay về Hà Nội, vì chiều chủ nhật có việc bận. Con đường các bác ấy sắp đi lên Y Tí còn xa và gập ghềnh hơn nhiều chặng Hà Nội đi Suối Giàng.
Bác Tuấn gửi lời chào và cảm ơn các bạn Giỏ Thị và Lana nhé.
Bác Tuấn gửi lời chào và cảm ơn các bạn Giỏ Thị và Lana nhé.
Đường về đã quen, thong thả hơn, tranh thủ ngắm cảnh và còn dừng lại chụp ảnh mấy lần.
Người mẹ trẻ địu con giặt đồ trên sông |
Đang đổ xuống một con dốc dài thì gặp hai mẹ con người dân tộc đi ngược chiều. Thấy mình dừng xe, giơ máy ảnh, hai mẹ con dừng lại, cười tươi cho chụp hình. Có lẽ đây là bức ảnh đẹp nhất mình đã từng chụp!
Trên xe chỉ còn một lốc sữa tươi khả dĩ để làm quà, mình mang đến cho con bé. Con bé tần ngần không cầm, mẹ nó nói gì đó, nó mới nhận sữa. Mình hỏi người mẹ: "Có biết uống sữa này không?". Chị ta nói được tiếng Kinh: "Có biết mà!". Lúc đó, mình mới phát hiện ra trên lưng chị ta còn địu một đứa con nhỏ đang kêu e e.
Tự nhiên chẳng biết viết gì để kết thúc bài này. Ờ, đúng là mình đã bắt đầu mê đi Tây Bắc rồi! Lần sau có dịp mình sẽ lại xin đi theo các bác Tuấn, bác Tiến lên Tây Bắc. Sẽ xin nghỉ phép vài ngày để đi những chặng xa hơn, đến được những nơi hẻo lánh hơn. Nơi đây không chỉ có núi non hùng vĩ, mà còn có những nụ cười hồn nhiên thế, những ánh mắt trong veo thế.