Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

CÂU CHUYỆN KỲ DIỆU: ƯỚC MƠ 10 NĂM CỦA CÔ GIÁO BẢN LÀNG

10 năm trước, 2012, Lý Thị Xúa (1998) thôn Pờ Sì Ngài xã Pa Cheo (Bát Xát, Lào Cai) học lớp 9 trường THCS của xã. Pa Cheo là xã đặc biệt khó khăn, nghèo, 100% người dân tộc Hmong, khi ấy thuộc vùng trũng nhất về giáo dục của huyện nghèo Bát Xát tỉnh Lào Cai theo lời thầy Sa Văn Anh, người cả đời làm việc gắn bó với giáo dục vùng cao Bát Xát. Ở xã em lúc ấy con trai con gái học nhiều nhất là hết cấp 2, 14 15 tuổi ở nhà bẻ ngô, lấy vợ lấy chồng, quanh quẩn mãi với đói nghèo lạc hậu.
Xúa, một trong những cô gái đầu tiên của xã Pa Cheo lên học Cấp 3 hệ chính quy trường huyện, rồi cao đẳng, rồi đại học.
Tháng 3/2022, Xúa là cô gái Hmong đầu tiên của xã Pa Cheo về làm cô giáo dạy chữ cho trẻ Hmong ở chính thôn bản tuổi thơ mình.
Như một nhân duyên, Giỏ thị bắt đầu Cây Dài Ngày là từ năm 2012 ấy, ở xã Pa Cheo ấy.
Bố mẹ Xúa cũng như nhiều cha mẹ Pa Cheo nghe nói cho con đi học tiếp cứ lắc đầu với vốn tiếng Kinh ít ỏi “không đi đâu, ở nhà thôi, ở nhà thôi”. Xúa là một trong hai cô gái của xã Pa Cheo năm đó nghe lời thầy cô và cô bác Giỏ Thị đi trọ học cấp 3 - trọ học vì trường cách thôn Pờ Xì Ngài 40 km mất nửa ngày đường đi bộ. Tốt nghiệp Cấp 3, lớn hơn hiểu hơn chút rồi, tháng 8/2019 Xúa đi học cao đẳng sư phạm ở tận Thái Nguyên, cách Pa Cheo tính bằng trăm cây số. Học xong chưa xin được việc lại học tiếp liên thông đại học. Những năm cuối, để quỹ có thể giúp các bạn khác, Xúa vừa học vừa làm chỉ xin hỗ trợ học phí khi không đủ.
Tháng 6/2021 Xúa tốt nghiệp Đại học sư phạm ngạch giáo viên tiểu học. Với sự kiên trì bền bỉ đi qua thiếu thốn khó khăn, với tâm huyết và mong muốn của thầy cô Pa Cheo, với sự dìu dắt hướng dẫn từng bước của cô bác Giỏ thị, với sự giúp đỡ từ tấm lòng của thầy Sa Anh hiệu trưởng và thầy cô Cấp 3 Bản Vược, sự chân nhận từ Phòng Giáo dục huyện Bát Xát, ngày 15/3/2022 Xúa được huyện nhận về làm cô giáo, và điều kỳ diệu cảm động nhất là Xúa được cử về dạy đúng tại điểm trường Pờ Sì Ngài quê hương ruột (nay thuộc xã Bản Xèo huyện Bát Xát, Lào Cai).
Vòng kết nối thầy Sa Anh (Cấp 3 Bản Vược) – thầy Cường, thầy Minh (Cấp 2 Pa Cheo trước) – dì Huệ Oanh người đỡ đầu Xúa tại Thái Nguyên và cô bác Giỏ Thị ngập tràn hạnh phúc ngày Xúa nhận việc. Xúa nói “Con vui lắm. Con biết con thật May mắn và con không biết phải nói Cảm ơn thế nào nữa mẹ và cô bác ạ”. Ngược lại, cô bác Giỏ thị cũng vô cùng cảm ơn con. Bằng nỗ lực vượt khó con và các bạn đã thực hiện mong ước của cô bác Giỏ thị theo cách không thể đẹp hơn, rằng “Đến một ngày Pacheo sẽ có những tri thức sinh ra lớn lên ở Pacheo, biết cái tập tục của người Hmong, nói cái tiếng người Hmong, được đi học có đủ kiến thức để quay trở về trợ giúp bản thân, gia đình và bản làng đỡ đói nghèo lạc hậu”.
Giờ đây Xúa sẽ về dạy chữ cho những đứa trẻ Hmong ở chính thôn bản quê hương. Hơn cả con chữ, Xúa sẽ dạy bọn trẻ biết ước mơ, biết vươn lên thoát nghèo. Xúa sẽ kể cho chúng về con đường học, về cuộc sống dài rộng hơn con rẫy, về những khó khăn và những cơ hội cho người biết kiên trì, về những nhân duyên may mắn và rằng Đấng trên cao sẽ ban tặng khi ta sống thiện lành và biết sống Biết Ơn.
Câu chuyện 10 năm của Xúa và các bạn nhiều điều để kể vô cùng, một hai trang giấy không viết hết. Chuyện nào cũng vui, cảm động, đáng nhớ. Xin tạm chia sẻ một số tấm hình 10 năm qua của Giỏ thị với Xúa. Bà con bạn bè ai muốn đọc từng câu chuyện có thể vào trang facbook Giỏ Thị Cho Trẻ Vùng Cao tìm “Lý thị Xúa”, hoặc vào link này: 
https://www.facebook.com/groups/221639571344504/search/?q=L%C3%BD%20Th%E1%BB%8B%20X%C3%BAa
Cuối cùng, xin nhắc lại câu của bác Trần Đăng Tuấn CCT trong một comment cho Giỏ Thị “Góp phần vào để thay đổi chỉ một cuộc đời thôi cũng là hạnh phúc lớn lắm”.
Xin chia sẻ hạnh phúc ngọt ngào hôm nay tới những tấm lòng đã chung tay với Giỏ thị 10 năm qua cho câu chuyện CÂY DÀI NGÀY và SỰ HỌC Ở PA CHEO.


Trong lớp học khối 9 Cấp 2 Pa Cheo 03/2013. Xúa ngồi đầu bàn dãy bên trái trong áo ấm đỏ đen Giỏ Thị. Ảnh phải là những cánh tay giơ lên khi cô Lana và thầy Đỗ Quốc Minh hỏi "em nào muốn cùng cô bác Giỏ thị học lên Cấp 3" (ảnh: anh Hoàng Minh Hùng).

 
Xúa tạm biệt bố mẹ và thôn bản đi học, 06/2016 (ảnh thầy giáo Đỗ Quốc Minh chụp).

Điểm trường tuổi thơ thôn Pờ Sì Ngài của Xúa, 05/2013 (ảnh: anh Hoàng Minh Hùng).

Xúa và các bạn Pa Cheo cùng thầy Sa Anh và cô bác anh chị Giỏ thị trước nhà trọ học Pa Cheo quỹ Giỏ thị góp xây tại trường Cấp 3 Bản Vược (09/2013)

Nhập học CĐSP Thái Nguyên 08/2016

15/3/2022, Pờ Sì Ngài tiễn Xúa đi, Pờ Sì Ngài đón cô giáo Xúa trở về.

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

TỔNG KẾT TOÀN BỘ QUỸ GIỎ THỊ NĂM 2017

Thưa bà con bạn Giỏ, 02 thủ quỹ (Mốc Mít, Lana) xin báo cáo toàn bộ Tổng kết quỹ Giỏ Thị năm 2017 (01/01/2017 - 20/12/2017) bao gồm chi tiết các các khoản ủng hộ/chi theo từng hoạt động của Giỏ trong năm, như sau:

I. PHẦN ỦNG HỘ CHUNG VÀO QUỸ GIỎ:
1.1 Tổng số dư TK Quỹ Giỏ đến hết 31/12/2016 + 106,426,431 đ (1a) (+ 4,949,049 đ lãi NH) - bao gồm 01 sổ TK 100 tr đồng. Xin xem bài "KẾT TOÁN THU CHI CHUYẾN ẤM ĐỨC HẠNH VÀ QUỸ GIỎ THỊ 01/10/2016 - 31/12/2016" (ở đây).
* Để dễ cho các lần cập nhật, thủ quỹ tách thống kê riêng các khoản tiền ủng hộ và Lãi NH phát sinh nhờ TK.
1.2 Giỏ viên và bạn bè, cá nhân ủng hộ vào quỹ Giỏ tổng cộng: 222,946,500 đ (1b), chi tiết như sau:

II. THU, CHI THEO CÁC ĐỢT HOẠT ĐỘNG, CHUYẾN ẤM:
2.1 Đợt ủng hộ đột xuất nhà Lý A Cở ở Pacheo bị cháy (Cở là HS nhóm hỗ trợ lâu dài): các TNV và bạn Giỏ góp 13,000,000 đ, chuyển đi gấp được 11,000,000 đ, số dư ủng hộ vào quỹ Giỏ 2,000,000 đ. (2.1)

2.2 Chuyến EM ĐI LÊN BẢN (Pò Rẻ, Cao Bằng) 07/2017: Thành viên Giỏ Thị và TNV chuyến đi góp ủng hộ + 26,552,000 đ (không bao gồm các ủng hộ bằng hiện vật), chi phí mua vở, bút, đồ chơi, bánh kẹo liên hoan cho HS Pò Rẻ - 16,699,900 đ; dư góp quỹ + 9,851,100 đ. (2.2)
(Chi phí ăn ở xe cộ của chuyến đi do TNV chuyến đi hoàn toàn tự túc).

2.3 Đợt huy động ủng hộ sách vở đồ dùng học tập cho Nậm Chà đầu năm học (giao thầy cô 10/9/2017): Thành viên Giỏ Thị, bạn bè, cá nhân ủng hộ + 73,453,000 đ (không bao gồm các ủng hộ bằng hiện vật); Chi mua  - 90.648,000 đ, hụt thiếu, Quỹ Giỏ bù: - 9,851,100 đ. (2.3)

2.4 Chuyến ấm Nậm Chà tháng 12/2017Thành viên Giỏ Thị, bạn bè, cá nhân ủng hộ + 219,264,000 đ (không bao gồm các ủng hộ bằng hiện vật); Chi mua  - 212,390,700 đ, Còn dư góp Giỏ: + 6,873,300 đ. (2.4)

Theo nguyên tắc của Giỏ Thị, toàn bộ tiền ủng hộ được chi ủng hộ cho các cháu học sinh vùng cao, chi phí đi lại ăn ở dọc đường của tất cả các chuyến đi do các tình nguyện viên tự túc chi trả.

Chi tiết Phần II như trong các bảng sau:




III. CÁC KHOẢN CHI CHO NHÓM TRỢ HỌC LÂU DÀI (DỰ ÁN CÂY DÀI NGÀY): học kỳ II năm học 2016-2017, trong hè và Học kỳ I năm học 2017-2018 (tính đến thời điểm quyết toán), tổng cộng - 145,385,000 đ (3), cụ thể:

Xin bấm vào hình để hiện rõ hơn

=> Tính đến hết ngày 20/12/2017 ngăn quỹ Giỏ Thị chưa bao gồm lãi NH có: (1a) + (1b) + (2.1) + (2.2) + (2.3) + (2.4) + (3) =  + 185,517,331 đ (dùng để quy chiếu cập nhật tiếp kỳ sau).

III. Cộng dồn lãi suất NH đến thời điểm quyết toán: 5,027,154 đ (4) 

=> Cộng lãi NH, tính đến 15/04/2016 Tổng số dư trong Tài khoản Giỏ Thị có: 185,517,331 + 5,027,154 = 190,544,485 đ.
Trong đó trích gởi sổ TK 100,000,000đ từ 15/05/2015 lấy lời NH góp Quỹ, Tài khoản VCB của Giỏ Thị thời điểm 20/12/2017 có số dư khả dụng 90,544,485 đ.

* Trường hợp có khoản nào bị thiếu hay sơ sót mong bà con báo cho Lana Nguyen hoặc Mẹ Mốc Mít để bổ sung, điều chỉnh, Cảm ơn thật nhiều.

Xin chân thành cảm ơn và xin chúc một mùa đông ấm áp, một Năm Mới 2018 may mắn anh lành tới tất cả bạn bè đã chung tay cùng Giỏ Thị cho các cháu nhỏ vùng cao.

Người quyết toán: Mẹ Mốc Mít (fb Phuong Nguyen Lien) - Lana (fb Lana Nguyen).

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

"NHỚ NGƯỜI THẦY CỦA NÚI"

Thầy Mông Văn Nguyễn, người Thầy tự nguyện gắn 17 năm đời người với bà con Hmong trên núi cao Lũng Mần mép biên Tổ quốc, không chỉ là lên dạy chữ mà là cõng cái chữ lên núi cõng cả cách lấy cái nước của Trời cách có được cái ngô trong đá. Khi chỉ còn hai năm nữa tới tuổi nghỉ hưu được về gần gia đình, trong một lần cứu người qua dong Nho Quế ngày lũ thầy bị cuốn... Sống cho đi, thác cũng vì sống cho đi. Vô cùng tiếc thương Thầy. Lũng Mần là điểm trường trên núi thuộc xã Đức Hạnh, Cao Bằng mà Giỏ Thị đã có chuyến mang áo ấm, khăn, ủng, chăn ấm lên trong tháng 12/2016. Cảm ơn Hoài Phương và clip tư liệu quý này của ĐTH Cao Bằng. (Hoài Phương, ĐTH Cao Bằng: Bản này thiếu PTV giới thiệu mong mọi người thông cảm. Clip"NHỚ NGƯỜI THẦY CỦA NÚI thực hiện cách đây khoảng 5 - 7 năm.) https://www.youtube.com/watch?v=z_-hE2I1bWU&feature=youtu.be

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

CÂY DÀI NGÀY GIỎ THỊ - Thăm và chúc tết các con, 14-15/01/2017

Dịp cuối năm và kết thúc học kỳ I năm học 2016-2017, trong hai ngày 14-15/01/2017 nhóm TNV thay mặt Giỏ Thị đi một vòng thăm và nắm tình hình học tập ăn ở của 20 "cây dài ngày" Giỏ Thị, lớn nhất là hai anh Lý A Sử và Cứ A Vềnh năm nay sẽ tốt nghiệp Trung cấp Y Lào Cai, bé nhất là bé Vàng Thị Mỷ thôn Tả Lèng, Pacheo, không có bố mẹ bé ở với ông bà già yếu, cô bác Giỏ Thị 'đỡ đầu' từ 2 tuổi, giờ là nữ sinh lớp 2.
Danh sách các con "cây dài ngày" Giỏ Thị. Những dòng màu xám là quỹ dừng hỗ trợ từ năm học này do một số lý do hoặc các con nghỉ/ thôi học

Lịch bố trí để trong hai ngày gặp được đầy đủ các con Giỏ Thị ở Pacheo (xã Pa Cheo, Bát Xát, LC), Cấp 3 Bản Vược, CĐSP Lào Cai, Trung cấp Y Lào Cai, Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp Vĩnh Phúc, Trung cấp Kinh tế và Du lịch Hoa Sữa Hà Nội. Trưa Thứ Bảy Pacheo, ăn tối Thứ Bảy với nhóm học ở Lào Cai và trưa Chủ Nhật với hai con ở CĐ nghề Vĩnh Phúc để có thời gian trò chuyện, nghe các con báo cáo tình hình, tâm sự chuyện học chuyện cuộc sống, dặn dò.

Sáng thứ 7 xuất phát 5h sáng ở Hà Nội, 11h lên đến trường Cấp 3 Bản Vược. Thầy Sa Anh hiệu trưởng và ba bạn hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiếu học đã đợi cô bác ở vườn Keo trong trường. Cô Ngọc Anh, trưởng phòng GD huyện Bát Xát đã đón để cập đi cùng đoàn cả ngày. Người tâm huyết với dạy và học vùng cao, gặp nhau.
Thầy Sa Anh khoe Giàng Thị Dợ vừa đạt giải 3 học sinh giỏi văn của tỉnh Lào Cai. Dợ người dân tộc Dao mồ côi cả cha và mẹ, từ xã Trịnh Tường xuống Cấp 3 Bản Vược học em phải ở nội trú tại trường. Tóc dài xinh xắn hiền ngoan, nhận quà Tết và nghe dặn dò ráng học, nói cảm ơn cô bác mà mắt rớm đỏ. Con nói sau khi tốt nghiệp con ước mơ học lên Đại học ngoại ngữ. Ước mơ màu xanh của cô bé mồ côi hiếu học.

Ảnh chụp tại vườn Keo trường Cấp 3 Bản Vược với 3 cháu Giỏ Thị đỡ đầu, Từ trái qua: thầy Huyến PGD huyện BX, thầy Sa Anh hiệu trưởng Cấp 3 Bản Vược, Lana, cháu Châu Thị Hà (xã Phìn Ngan, BX), nhà văn Phạm Ngọc Tiến, cháu Giàng Thị Dợ (xã Trịnh Tường, BX), cháu Hoàng Thị Linh (xã Trịnh Tường, BX), Ngọc Anh trưởng PGD huyện BX, anh Hoàng Minh Hùng.

Dừng Bản Vược mấy phút đoàn phải tiếp tục vào xã Pa Cheo - nơi Giỏ Thị như về nhà. Đã đặt trước thầy Cường HT Cấp 2 nấu cơm gia đình giao lưu với thầy với bản, cuối cùng đoàn chỉ góp tiền con lợn cắp nách, phụ huynh các con Giỏ Thị nghe tin đã bắt 4 con gà mang tới đòi các thầy cho góp, rồi các bố mẹ bảo nhau tự vào bếp trường nướng gà giúp cùng làm cơm trưa. Hạnh phúc nhận về cho nhóm Giỏ Thị mà người trực tiếp đi được thay mặt nhận, khó tả hết được cảm xúc nhen lên trong lòng, ấm cháy lòng trong trời mưa mù lạnh rét Pacheo.
Lý Thị Xúa (Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên) và hai cậu học Cấp 3 trường PTTH số 1 Bát Xát (Sếnh, Phình) không bố trí gặp được nên cô bác gởi phụ huynh nhận giùm kèm lời dặn nhớ cho con đi học không được bắt con ở nhà làm ngô đâu đấy, phải học mới thoát nghèo. Bố Sùng A Sếnh người nhỏ thó rắn rỏi bắt tay cứ lắc lắc mãi, nói mấy câu rất dài 10 từ thì 9 từ tiếng Mông, căng tai nghe mãi mới được mấy chữ "đi học... đi học... giúp đỡ ... cảm ơn...". Còn bố Lý Thị Xúa - cô gái đầu tiên của xã Pa Cheo học hết Cấp 3 hệ chính quy và học tiếp nghề cô giáo tiểu học, nghe dặn "nhớ động viên Xúa học không được bắt Xúa về lấy chồng bẻ ngô đâu nhá, thì bảo "Ừ không bắt nó lấy chồng nhưng bảo nó về làm rẫy cho bố mẹ đấy, lần nào cũng nói nó về mà nó cứ nói nó không về đâu, nó đi học thôi". Thật thà cũng đến thế là cùng.

bố của Lý Thị Xúa nhận quà Tết của Giỏ Thị tặng cho con gái đang học CĐSP Thái Nguyên

gởi quà của Sùng A Sếnh đưa bố nhận giùm tại Pa Cheo
Vàng Thị Mỷ giờ đã là nữ sinh Hmong lớp 2 trường Tiểu học Pacheo; thấy con mặc lạnh hỏi sao không mặc áo rét, Mỷ nói nhưng mặc váy mới đẹp (nhất định chọn váy Hmong để đón cô bác)

Thầy cô đã giúp tìm được một chiếc áo ấm mặc cho Mỷ

Tối Thứ 7, 4 sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Lào Cai và 2 anh cả của nhóm con-Giỏ-Thị, Lý A Sử và Cứ A Vềnh được ăn bữa tối Tất Niên cùng các cô bác, cô Ngọc Anh, thầy Huyến PGD huyện, thầy Cường Pacheo cũng ra giao lưu gặp gỡ học sinh cũ và là lớp tri thức nối tiếp của mình. Bọn trẻ mỗi ngày mỗi trưởng thành trông thấy. Tự tin, hiểu biết, ngoan ngoãn, ý thức, tiết kiệm, và biết nói ra những lời cảm ơn rất thật, qua cô bác gửi lời cảm ơn tới toàn nhóm Giỏ Thị, hứa cố gắng bảo ban nhau học thành nghề, quyết tâm thay đổi số phận, thoát nghèo.
Ngày Chủ Nhật Lào Cai về Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc và TC Hoa Sữa Hà Nội. Dành nhiều thời gian cho Chính và Vàng ở Vĩnh Phúc. May có Chính đi trước, Vàng có bạn. Trang A Chính chắc chắn, cương nghị. Dặn Chính "Vàng không còn cả bố mẹ, Chính hãy làm chỗ dựa cho bạn nhé". Cậu bé gật đầu "Dạ vâng con biết, chúng con sẽ luôn cố gắng cô ạ".
Về tới Hà Nội, vẫn khó quên ánh mắt cảm xúc của cậu bé Hầu A Vàng "Con sẽ cố gắng hết sức mình để không phụ lòng cô bác giúp chúng con".
6 sinh-viên-Giỏ-Thị tại Lào Cai bên nhà văn Phạm Ngọc Tiến đang ký tặng tạp chí Nhân Dân hàng ngày có bài viết của anh "CHIẾC CẦN CÂU CHỮ NGHĨA" về sự học ở miền núi, Pacheo và  "cây dài ngày Giỏ Thị"

Sùng A Chinh (trái, CĐSP Lào Cai) và Lý A Sử (phải, Trung cấp Y Lào Cai) - những tràng trai tri thức nguồn Hmong Pacheo thay mặt các bạn trong bữa cơm tối tất niên nói lời cảm ơn cô bác Giỏ Thị. Ngồi giữa hai bạn là anh Nguyễn Hải Hoàng TNV kỳ cựu của nhóm
Thăm và tặng quà 2 cháu Trang A Chinh và Hầu A Vàng (thứ hai và ba từ phải qua) đang học ở trường Cao đẳng cơ khí Nông nghiệp tại Vĩnh Phúc
Tặng quà các con học Trung cấp nghề Hoa Sữa (Hà Nội). Thứ hai từ phải qua là Hạng A Chứ (Sàng Ma Sáo, mồ côi cha mẹ) học trung cấp quản trị nhà hàng khách sạn; thứ hai và ba từ trái qua là Lý A Cở, Sùng A Lừ (Pacheo) đang học nghề nấu ăn nhà hàng với sự hỗ trợ của quỹ Giỏ Thị 

Thăm cụ Lý Thị Dính người Hmong ở thôn Tả Lèng, Pa Cheo. Cụ Dính là cụ của bé Mỷ và là người cao tuổi nhất hiện đang sống của xã Pa Cheo. Năm nay cụ 101 tuổi.

Một cảnh khiến mấy anh em phải dừng xe bên đường (thôn Kin Sáng Hồ, Pacheo, Bát Xát, Lào Cai). Cái đói rét nghèo còn cần đổi thay...

-------------------------------------------------------------------------------------------
BÁO CÁO CHI TIÊU HỖ TRỢ CÁC CON DỰ ÁN CÂY DÀI NGÀY GIỎ THỊ HỌC KỲ 1 NĂM HỌC 2016-2017


CHIẾC CẦN CÂU Ý NGHĨA

(Bài của NV Phạm Ngọc Tiến, trên Nhân Dân hằng tháng, 15/01/2017)
Những đứa trẻ ở đây là học sinh miền núi. Trong đó có nhiều em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ở đó điều kiện vật chất thiếu thốn, khó khăn hơn nhiều những đứa trẻ miền xuôi và thành thị. Các em không chỉ ở nơi điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, lạc hậu với những tập tục có từ ngàn đời mà còn phải chịu thiệt thòi từ những điều kiện khác như nghèo khó, thiếu điện, thiếu nước, giao thông chia cắt, nền sản xuất nhỏ lẻ, du canh du cư, đất đai canh tác eo hẹp, cằn cỗi. Những đứa trẻ miền núi đến trường tìm con chữ đang phải đối mặt với vô vàn thách thức.

Việc học từ nhiều năm nay luôn là một bài toán khó giải dù học sinh miền núi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ chính sách của Nhà nước đến sự chia sẻ của cộng đồng xã hội. Cách nay chỉ 20 năm ngoài đường liên huyện và những thắng cảnh nổi tiếng như Sapa, Mẫu Sơn... đường giao thông thuận tiện, các bản làng xa trung tâm hầu như bị chia cắt. Để vào được những nơi đó chủ yếu phải dùng các phương tiện như xe máy hoặc đi bộ. Nhưng chỉ sau đó miền núi đã được đầu tư đồng bộ bằng Chương trình 135 bắt đầu từ năm 1998. Nội dung cơ bản nhất của Chương trình 135 là giải quyết xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng địa phương thiết yếu như làm đường giao thông, điện lực, trường học, trạm y tế, nước sạch và nâng cao đời sống cũng như văn hóa. Sau các giai đoạn của chương trình được kéo dài đến 2010 về cơ bản giao thông đã bê-tông hóa về đến các trung tâm xã. Ngoài đường giao thông, các trường học ở điểm chính đã được xây dựng kiên cố. Các xã có trạm xá. Những hộ nghèo cũng được quan tâm trợ giúp thường xuyên. Bên cạnh đó là những chính sách đãi ngộ trẻ miền núi về nhiều mặt. Trẻ em học nội trú từ bậc tiểu học được chu cấp tiền ăn tháng. Trẻ mầm non được tiêu chuẩn ăn trưa phát bằng tiền. Sách vở đồ dùng học tập được tài trợ cho các cấp học... Tất nhiên những chính sách này chỉ giải quyết được một phần nhu cầu của trẻ em đến trường và đời sống của đồng bào. Đặc biệt tình trạng trẻ em đến trường không đều và trẻ ngại học, bỏ học hoặc không đủ điều kiện học lên trung học phổ thông và các cấp học cao hơn. Đó là một sự thật.

​Từ lâu trong xã hội đã nảy ra những cuộc tranh luận về thuyết cần câu và con cá. Sở dĩ có việc này là vì đã thành truyền thống của người Việt lá lành đùm lá rách, nên người dân miền xuôi trước thực trạng thụt lùi về mặt bằng xã hội của miền núi đã luôn luôn có những động thái chia sẻ. Cá nhân hoặc nhóm, một cơ quan hay là cả một tập đoàn, những tổ chức thiện nguyện có pháp nhân hay không có đều luôn có mặt ở miền núi đặc biệt là những khi có thiên tai như bão lụt hay băng tuyết. Chống đói thì có gạo mỳ thực phẩm. Quần áo, khăn ủng, chăn để chống rét. Trường học vẫn là đối tượng tài trợ chính. Sách vở, bút giấy, những đồ dùng học tập và tất nhiên cái ăn, cái mặc cho các em được coi trọng. Lớn hơn nữa là dựng trường ở những nơi chính sách Nhà nước chưa với tới được hoặc ở các điểm trường cắm bản hẻo lánh. Sự tương trợ này nhiều nhưng không đồng nhất vì là tự phát và tập trung vào một số nơi thuận tiện hơn về giao thông. Là người có mặt rất sớm và tham gia nhiều chuyến đi tôi hiểu rằng tất cả những thứ vừa nêu chỉ là những con cá, có nghĩa nó chỉ là giải pháp tình thế. Rất cần, nhưng những con cá ấy không thay đổi căn bản được tình trạng miền núi vẫn giậm chân ở một khoảng cách tụt hậu khá xa so với miền xuôi và trẻ em thất học nhiều. Cần phải tạo ra chiếc cần câu cho miền núi. Vậy chiếc cần câu đó là gì?

​Là phải thay đổi nhận thức của đồng bào thiểu số về sản xuất và tổ chức đời sống mà không làm phương hại đến bản sắc dân tộc của họ. Nhưng thay đổi bằng cách nào? Chương trình 135, những chính sách về giáo dục cho học sinh, sự trợ giúp ào ạt của người dân miền xuôi đối với miền núi với rất nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Nhiều giải pháp như chọn công nghệ nuôi trồng, cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác nhưng chưa đủ để thay đổi. Vậy có cách gì?

​Pa Cheo là một xã nghèo nhất huyện miền núi Bát Xát, Lào Cai. Đất đai canh tác thiếu dù diện tích rộng nhưng toàn núi đá. Năm 2011, tôi đi cùng quỹ Trò nghèo vùng cao đến huyện Bát Xát tài trợ việc tổ chức nấu ăn trưa cho các cháu mầm non ở một số xã. Đến Pa Cheo khảo sát thấy đây là điểm trũng nhất huyện về giáo dục. Cho đến năm 2011 chưa hề có một học sinh nào đi học trung học phổ thông. Người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông, dân trí thấp, nhiều hộ nghèo, lạc hậu. Phát hiện ra Pa Cheo có không ít nhóm bạn từ Hà Nội đã tổ chức các đợt giúp đỡ học sinh nơi đây. Vẫn là đồ chống rét, dụng cụ học tập như truyền thống. Trong đó có một nhóm bạn gồm các doanh nhân, viên chức, bác sĩ, nhà báo gọi là nhóm Giỏ Thị đã áp dụng một phương thức mới đó là liên hệ với chính quyền địa phương và hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bát Xát để cách nào đó động viên các em tốt nghiệp THCS lên học tiếp. Thầy giáo Sa Anh vốn là một lãnh đạo Phòng Giáo dục Bát Xát cũ nay là hiệu trưởng hiểu vấn đề nên rất ủng hộ phương thức này. Nhóm đã cùng nhà trường và chính quyền xã tổ chức cuộc gặp mặt với học sinh và phụ huynh của họ động viên và cam kết sẽ bảo trợ các em ở những năm học xa nhà. Thậm chí có trường hợp nhóm đến tận nhà để thuyết phục. Sau đó tổ chức cho các em đến tham quan trường để tạo quyết tâm. Trường THPT số 2 Bát Xát cách Pa Cheo vài chục cây số. Kết quả đã có một số học sinh đủ tiêu chuẩn điểm đồng ý đi học chuyển cấp. Giỏ Thị đã xây dựng một nhà nội trú, hỗ trợ tiền đóng các khoản học ngoài tiêu chuẩn Nhà nước, trang bị đồ dùng, ti-vi, may đồng phục, hết năm học tổ chức cho các em tham quan Hà Nội. Từ năm học 2012 đến nay đã lần lượt thu hút được học sinh Pa Cheo đi học và lứa đầu tiên đã ra trường. Số học sinh tốt nghiệp tiếp tục được tài trợ đi học tiếp. Hiện Pa Cheo có 11 học sinh theo học cao đẳng chuyên nghiệp và trung cấp, sơ cấp nghề. Em Lý Thị Xúa là học sinh nữ đầu tiên của Pa Cheo học hết THPT, hiện đang học cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Lý A Sử, Cứ A Vềnh học Trung cấp Y tế Lào Cai. Các trường hợp này đều đặc biệt khó khăn. Sử mồ côi cha, Vềnh không có mẹ từ nhỏ. Cá biệt có em Hầu A Vàng mồ côi cha mẹ phải ở với chú là Hầu A Chúng, Bí thư Đảng ủy xã, nhóm bằng mọi cách động viên để em đi học Trường cao đẳng nghề Cơ khí Nông nghiệp ở Vĩnh Phúc. Pa Cheo hiện nay với sự trợ giúp của Quỹ Trò nghèo vùng cao cho 414 học sinh tiểu học là diện không nội trú, không được hưởng tiêu chuẩn Nhà nước có bữa cơm trưa tại trường thay cặp lồng với số tiền cho năm học 2016-2017 hơn 400 triệu đồng, cộng với nhóm Giỏ Thị bảo trợ cho học sinh THPT và sau khi ra trường học lên cấp, học nghề đã thật sự là một điểm sáng giáo dục của huyện Bát Xát.

​Tỉ mỉ những điều này bởi tôi nghĩ đây chính là chiếc cần câu mà chúng ta đang tìm lời giải. Phải mang được chiếc cần câu chữ nghĩa về cho các em. Những con chữ với lớp học sinh hôm nay sẽ là chủ nhân của Pa Cheo tương lai. Chính các em sẽ thay đổi cuộc sống của quê hương mình. Tôi tin thế. Từ dẫn chứng Pa Cheo, thiết nghĩ với miền núi ngoài chính sách của Nhà nước cần xã hội hóa sự trợ giúp của đồng bào. Nếu các nhóm thiện nguyện khoanh vùng để cụ thể từng trường học thì chắc chắn sẽ có nhiều Pa Cheo khác. Dĩ nhiên lúc đó với những chiếc cần câu chữ nghĩa, miền núi của chúng ta sẽ khác. Sự thay đổi là tất yếu cho dù không phải trong một tương lai gần. Xin hãy bắt đầu.
Em Hầu A Vàng (đứng giữa) trong ngày nhập trường

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

ĐỨC HẠNH - LỜI CẢM ƠN XIN GỞI

Trở về với thật nhiều cảm xúc từ Đức Hạnh, thay mặt những người tổ chức chuyến đi/chuyển chia sẻ đóng góp từ bạn bè lên núi và được trực tiếp nhận về cảm xúc hạnh phúc sẻ chia, xin gởi lời cảm ơn ấm áp nhất tới những cá nhân/nhóm đã cùng chung tay với chuyến ấm Đức Hạnh, đóng góp tiền bạc, công sức, thời gian với nhóm trong suốt quá trình chuẩn bị cho tới tham gia chuyến đi:
- Xin cảm ơn Chau Ny, Vu Anh Nguyen và Chăn Ấm, Chau Quynh Nguyen và Cty Ford Thủ Đô, chị Nguyen Lan Anh và Chăn Ấm TP HCM, Dang DoThe và nhóm ZEN, cảm ơn các anh/chị/bạn Hải Dư - Le Bon Cafe, anh chị Lam Nguyen - Xuân Đỗ, anh chị Hung Vu - Thu Hương Lê, các bạn Michael Huy, Thu Anh Nguyen Thi, Nguyen Thi Thu, Ngoc Diep, Do Song Huong, chị Lê Hồng cùng em gái.. đã dõi theo ủng hộ nhiều hạnh mục hàng thiết thực cho Đức Hạnh, tô màu tím ấm áp cho bảng hàng của chuyến đi.
- Hết sức cảm ơn nhà văn Phạm Ngọc Tiến vì tình cảm với nhóm Giỏ Thị và Đức Hạnh. Thật sự cảm động với cách anh vận động bạn bè góp tiền cho quỹ Giỏ Thị mua áo ấm. Xin cảm ơn anh cùng những người bạn quý.
- Xin cảm ơn gia đình TuanAnh Nguyen - Phong Lan, gia đình bạn Hoang L. Doan - Thao Vu và anh Thang Nguyen Dai đã cùng Giỏ Thị giúp toàn bộ đồ bếp ăn, bàn ghế, bạt che.. để thầy cô Đức Hạnh tổ chức nấu bữa ăn tập thể cho các con nhà xa trọ học tại TT xã, dự kiến sẽ khai bếp trong ngày gần nhất tới đây.
- Xin cảm ơn anh Hoang Minh Hung ủng hộ chi phí chuyến xe tải chở toàn bộ hàng lên Đức Hạnh, những chiếc khăn len rất đẹp tặng 57 cô giáo của Đức Hạnh và áo đồng phục kỷ niệm tặng TNV chuyến đi với chữ "Cao Bằng" ấm áp.
- Cảm ơn các TNV tới 02 buổi lao động giúp phân hàng đóng hàng và bốc xếp hàng hóa cho chuyến đi, trong đó không thể không kể tới nhóm NV của công ty Ford Thủ Đô.
- Xin cảm ơn tình cảm và sự phối hợp hỗ trợ hết sức nhiệt thành của chính quyền xã Đức Hạnh, của cô giáo Lương Nụ PGD huyện Bảo Lâm cùng thầy cô trò 03 đơn vị trường tại 15 điểm thôn bản Đức Hạnh, của tập thể anh em bộ đội Đồn biên phòng Cốc Pàng đã giúp cho chuyến đi của nhóm thật sự hiệu quả và thành công.
- Đặc biệt cảm ơn các nhóm bạn, các cá nhân góp tiền cho tài khoản Quỹ Giỏ Thị để cùng đặt may hơn 1300 chiếc áo ấm trẻ em cho Đức Hạnh + mua những hạng mục thiết yếu chưa được ủng hộ bằng hiện vật (phấn viết bảng, bạt che...); trong đó có những khoản ủng hộ thường xuyên của BS Ngo Manh Hung, Lưu Hoa, có chú lợn đất của bạn trẻ Duc Tran 'Ngỗng' Lào Cai, có những khoản góp quỹ phần danh chỉ ghi "một thành viên Giỏ" và những anh/chị/bạn cách xa Tổ Quốc nửa vòng trái đất và chưa một lần gặp mặt như các anh/chị/bạn nhóm bạn San Jose của anh Michelle Huong Tran - Thai NC. Thật sự cảm động vì sự gởi gắm niềm tin của anh/chị/em/bạn bè; Giỏ Thị xin nhận và sẽ cố gắng để từng đồng gởi gắm tới quỹ được chi hiệu quả nhất và đúng địa chỉ.
Chi tiết thu - chi cho đợt Đức Hạnh sẽ được hai thủ quỹ nhóm tổng hợp trong báo cáo kết Quỹ trong vài ngày sắp tới.
Bức thư gởi từ Đức Hạnh, Bảo Lâm, Cao Bằng và những hình ảnh dưới đây là của tất cả các anh/chị/em/bạn đã chung tay cho chuyến ấm thật sự ý nghĩa và hiệu quả. Xin chúc tất cả các anh/chị/em/bạn Năm Mới 2017 đến với thật nhiều May Mắn và Hạnh Phúc.