Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

NẶNG LÒNG...

Măng gọi cho tôi lúc 9h tối. "Ừ cô đây, Măng đang ở đâu đấy", "Em gọi cho cô ở trên núi, bố với anh trai lại uống rượu lại đuổi nhau, đuổi cả em ra khỏi nhà, buồn lắm cô ơi".
Tôi hình dung trên bản Pờ Sì Ngài lẫn trong đá của Pacheo, giờ này chỉ có gió, núi, và mênh mông bóng đêm.
'Ừ...',
nào biết nói câu gì.
Tôi biết Măng chỉ cần một người để em gọi. nghe em nói, nhát ngừng bằng ngôn ngữ tiếng Kinh không hẳn sõi của người Mông."Nhiều lúc chán lắm cô ơi, chẳng biết sống làm gì nữa. Hôm nọ em buồn quá em ăn lá ngón nhưng người ta lại cứu được em. Có lúc muốn đi học em nhớ cô em gọi cho cô, giờ thì em chẳng biết làm sao nữa".

Hai năm trước Phàng A Măng quyết tâm đi học cấp 3 xa bản sau hai năm nghỉ học đi làm thuê. Mỗi cuối tuần Măng nhận bốc vác ở cửa khẩu trang trải việc học và tự sống. Bản Pờ Sì Ngài của em ở đồi lẫn với đá cách trường Cấp 3 40 km. Mẹ mất từ lâu, bố em đã lấy đến người vợ thứ mấy. Người Mông Pacheo là thế, người ta dễ chết vì đủ thứ lý do, cảm, bệnh tật, rượu, bế tắc và lá ngón. Người còn lại tiếp tục lấy vợ, lấy chồng, tiếp tục đẻ ra những đứa trẻ đói, nghèo, bơ vơ, thất học. Người ta thấy chúng đói và thiếu mặc nhưng không có đủ gạo và tiền mua áo quần. Chẳng ai thấy chúng cần học.

Măng được cô bác Giỏ Thị hỗ trợ để là những bạn đầu tiên của xã Pacheo trọ học cấp 3 Bản Vược. Nhưng để lớp người cha Măng hiểu giữa việc theo học tri thức với lao động bốc vác 70 ngàn một ngày cái nào tốt hơn là việc dường như không thể. Giữa lớp 11 anh trai và bố bắt em nghỉ học để giúp làm rẫy và lao động. Một bên là thầy Cường thầy Minh, bác Páo chủ tịch xã và cô Lana phân tích thuyết phục, một bên là cha và anh và cách nghĩ xưa giờ của người Mông ở bản. Cuối cùng, em nghỉ học.

Em vẫn thi thoảng gọi cho tôi, là những khi trong đêm tối ở bản Pờ Sì Ngài, cha và anh trai uống rượu đuổi nhau đuổi em ra khỏi căn nhà nếu có thể gọi là nhà, cả những lần em biết tôi cùng nhóm lên Pacheo, Bản Vược thăm các bạn học của em. Măng gọi cho tôi bảo em tiếc lớp học, em vẫn đi bốc vác 70 ngàn khi có việc còn lại ở bản, bố và anh vẫn rượu, em không biết sống để làm gì.

Quả thật tôi không có câu trả lời, chỉ cố vớt vát 'hãy nghe cô, tuyệt đối đừng bao giờ nghĩ tới lá ngón'.

Măng đại diện cho sự mâu thuẫn của những đứa trẻ sinh ra từ bản làng lạc hậu, được tiếp xúc/ bắt đầu thấy ánh sáng tri thức văn minh rồi không thể theo đuổi, quay quắt khi trở lại cuộc sống cũ, bế tắc.

Biết bao câu hỏi nhói lòng và bao chữ giá như.

Tôi cũng từng có những thời khắc muốn buông bỏ mọi điều. Nhưng tôi thường nói với hai bạn nhỏ ở nhà, và tất cả các bạn nhỏ nếu có dịp trò chuyện, rằng chúng ta có hai thứ bồi đắp nên, là những gì cha mẹ/ cốt cách và tạo hoá sinh ra, và tri thức mà chúng ta học/ đọc được. Cái thứ nhất vốn dĩ đã có như sinh ra, cái có thể thêm chính là tri thức ta từng chút một trau dồi. Ơn Chúa, những điều đó khiến tôi hiểu và yêu cuộc sống này đủ để không cho phép mình thả trôi khi bế tắc.

Và vì thế, tôi biết nếu có điều gì giúp được những đứa trẻ như Măng, những đứa trẻ lớp sau Măng, là giúp các em đi học, có bạn bè, có thầy cô, có những trang sách để đọc và học từ đó nhiều điều.

Năm 2006 xã Pacheo có trường cấp 2; 2012-2013 có 3 em đầu tiên theo học Cấp 3 chính thức; năm sau đó có 13 em, và năm học 2014-2015 này dự kiến 25 em lên học. Âu cũng là những con số hy vọng.

Bốn triệu đồng một năm cho một đứa trẻ Pacheo đi học. Những tiết kiệm sẻ chia chúng ta chung lại cộng với sự động viên, dẫn dắt không ngừng nghỉ, nhất định không vô ích.

Ít nhất cũng để rừng lá ngón Pacheo dần bớt người hái lá.

Và bớt những câu gọi 9h đêm từ heo hút bóng đêm trên bản "em không biết sống để làm gì, cô ơi",
đau lòng lắm.

* Bài viết về PHÀNG A MĂNG, tháng 2/2014 (link này

Phàng A Măng (bìa phải) cùng các bạn Lý A Sử và Cứ A Vềnh tại sân trường Cấp 3 Bản Vược, 03.2013

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

THÔNG TIN THỰC ĐỊA A MÚ SUNG

Trong hai ngày 30-31/05 nhóm TNV Giỏ thị 5 thành viên đã đi thực tế địa bàn xã A Mú Sung để dự định hoạt động hỗ trợ trẻ em vùng cao năm học tới của Giỏ thị (bên cạnh những công việc đang và tiếp tục theo đuổi tại Pacheo và Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai). Xin báo cáo bà con kết quả như sau:
* Kết quả thực địa:
- Xã A Mú Sung là xã nghèo trải dài dọc theo sát mỏm biên giới phía bắc thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai. Xã gồm 11 thôn bản, 5 dân tộc trong đó chủ yếu là người Mông, Dao, Hà Nhì. Khoảng 80% dân số xã thuộc hộ nghèo. Đặc biệt khi thăm hỏi trực tiếp nhận thấy khá nhiều gia đình các em nhỏ có cha hoặc mẹ qua Trung Quốc làm ăn kiếm sống. Rất nhiều em bé do vậy thường xuyên thiếu sự chăm sóc, không có bố và/ hoặc mẹ bên cạnh, ở với ông bà hoặc người họ hàng.
- 11 thôn bản của xã phân bố rải rác khá xa nhau, có thôn cách trung tâm xã khoảng 30km, đường liên thôn rải nhựa xen lẫn đường cấp phối ô tô có thể vào được đến gần điểm trường.
- Sĩ số học sinh toàn xã năm học 2013 – 2014: Cấp 2 (THCS): 201 em, Cấp 1 (Tiểu học): 316 em, Mầm non: 184 em. Trừ trường cấp 2 học sinh học tập trung tại điểm trung tâm xã (148/201 em xa trường ở nội trú 5 ngày/ tuần tại trường), còn lại khối Mầm non và Tiểu học đều có các điểm cắm tại các thôn bản. Các thôn bản xa, các thầy cô cắm tại bản suốt những ngày trong tuần, chỉ về nhà những ngày nghỉ cuối tuần (hiện còn hai thôn chưa có điện lưới).
- Các điểm trường hầu như đều được biên phòng và chính quyền đầu tư lớp học xây gạch, kín gió. Nước sinh hoạt dòng từ trên núi, thiếu các thiết bị lọc nước vệ sinh. Những thứ thiết yếu còn thiếu thốn ngoài quần áo mùa hè, áo ấm mùa đông, chăn ấm cho các bé nội trú, bán trú tại trường, còn cần hỗ trợ vở viết, sách giáo khoa, sách truyện thiếu nhi, nước sạch… Tương tự như Pacheo, các em đi học cấp 3 phải lên trường ở Thị xã Bát Xát hoặc Bản Vược, cách AMS 35 – 40km, nhiều em hiếu học thèm học nhưng bố mẹ không thể có mấy trăm ngàn/tháng trang trải nên đành bỏ học.
- Một điều không thể không nói đến là sự nhiệt thành, tấm lòng và sẵn sàng chung tay của chính quyền xã, bộ đội biên phòng, và các thầy cô giáo ở cả 03 cấp học của A Mú Sung. Tình cảm, tấm lòng của họ sẽ là khâu cuối giúp chuyển những sẻ chia gởi gắm qua nhóm lên cho các em bé một cách thật sự hiệu quả.

* Chi phí chuyến đi: Nhận ủng hộ:
Một TNV ủng hộ Giỏ thị 8,5 triệu đồng cho chuyến đi
Anh Nguyễn Hải Hoàng ủng hộ 1/3 số tiền bánh kẹo cho các cháu (1,000,000đ) Tổng ủng hộ: 9,500,000đ.
Chi: Tiền bánh kẹo cho 200 phần quà: 3,000,000đ
100 búp bê cho bé gái: 100 x 9,000đ = 900,000đ
100 ô tô đồ chơi cho bé trai: 100 x 15,000đ = 1,500,000đ
01 trái bóng chuyền + 02 bộ vợt cầu lông quà tặng các anh biên phòng: 500,000đ
Tặng hai gia đình khó khăn nhất Thôn Sa Pả xã A Mú Sung: 2 x 200,000 = 400,000đ
Tổng chi: 6,300,000đ
Còn dư: 9,500,000 – 6,300,000đ = 3,200,000đ (xin phép chuyển vào ngăn Giỏ Áo ấm Quỹ Giỏ Thị).
Chi phí dọc đường trong chuyến đi do các TNV tự chi trả toàn bộ.

Dưới đây là một số hình ảnh trong chuyến thực địa 31/05 - 01/06 của các TNV nhóm Giỏ Thị chụp tại A Mú Sung: