Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Những nặng lòng hạnh phúc

Update thông tin về Giỏ thị xóm Blogspot: Đợt 2 (theo quý), số tiền những tấm lòng thơm thảo góp vào Giỏ thị xóm Blogspot cộng thêm 170 USD từ đợt 1 trữ lại do một số bạn gởi về một lần cho một năm, tổng thành 4tr VNĐ + 720 USD, quy ra tiền Việt là 19 triệu 178 ngàn VNĐ góp Quỹ 'cơm có thịt' cho các em bé vùng núi nghèo.

Đợt này ngoài những bạn đã góp chung từ đợt đầu, Giỏ thị còn có thêm thị từ Trăng Quê, Carpe Diem, và các bạn đọc Blog: Quỳnh Ni (Đà Nẵng, quynhni2003@gmail.com), Hoàng Ly (Hà Nội, nghoanglan@gmail.com), Bạn Thu (michellehuongtran09@yahoo.com). Không biết nói gì ngoài hai từ cảm động.
Bạn Thu viết qua email "Mình muốn nhờ Lana chuyển giùm một số tiền góp vào gánh hàng giúp Pa Cheo (chị Sống Thật Chậm tổ chức). Mình muốn đóng góp qua Giỏ Thị thay vì gởi thẳng vào tài khoản của bác Tuấn bởi vì mình biết được chương trình này là nhờ đọc blog của Lana".

Phần góp cho cơm thịt, Giỏ thị đã chuyển 17 triệu đến Quỹ Suối Giàng (Xác nhận sao kê chuyển khoản ở bảng này, ngày 29/12 và được reconfirm ở đây nha bà con). Hiện còn một trái thị đang trên đường về, sớm mai Lana sẽ nhận và chuyển nốt số còn lại. Đợt này miền núi rét, nhiều tình nguyện viên cùng bác Tuấn xúc tiến các chuyến mang cơm thịt mang tiền mang chăn mền áo ấm vớ tất lên cho các con nên Quỹ tạm thời khá cạn.
(Chốt xong đợt Lana sẽ email gởi cập nhật chi tiết trong email chung Giỏ thị, mọi người chịu khó check mail đọc Lana xì pam tị nhé).

Trích về chia sẻ cùng nhà mình:
Bác Tuấn: Để chuẩn bị lên Điện Biên, chúng tôi đi tìm mua áo rét cho học sinh mầm non với số lượng trên ngàn chiếc. Cũng lần mò không ít chỗ, cuối cùng mua được 1.150 chiếc áo rét, cả cho cháu trai, cả cho cháu gái, với giá 85.000 đ/áo nữ và 105.000đ/ áo nam. Có thể nếu nhiều thời gian hơn, sẽ tìm ra "mối" rẻ hơn. Nhưng đến giờ, với chất lượng tương đương, đó vẫn là giá tốt nhất chúng tôi tìm được. Điều vui là thày cô, phụ huynh đều khen áo đẹp và tốt, phù hợp với các em nhỏ vùng cao.
Giữa chừng hết áo, điện về Hà Nội, lấy tiếp lô 650 áo len xuất khẩu, gửi qua xe khách chạy đêm, sáng sớm nhận ở bến xe, lại đi tiếp để trao cho các cháu. Giá gốc mỗi áo là 85.000 đ, người bán biết đem đi 'cho chúng nó' - bọn trẻ con miền núi, chỉ lấy 35.000 đ/chiếc.
Nhưng vẫn thiếu.
Chúng tôi rời Điện Biên, ngậm ngùi vì còn nhiều cháu chưa có áo ở những trường chúng tôi đã đến. Không biết chúng tôi có thể kịp huy động giúp đỡ để khoảng 500 cháu nữa có áo rét mới như 1800 cháu vừa nhận hay không. Trẻ con hay tủi thân nếu thấy bạn có mà chúng không có.


Cô giáo Tuyền trường Dềnh Thàng - gửi theo comment ở Blog bác Tuấn (link)
"Các chú ơi Hà Nội giờ có lạnh lắm không, trên Dềnh Thàng bây giờ mây mù bao phủ đứng cách nhau 1m là không nhìn thấy ai nữa rồi. Nhiệt độ ngoài trời bây giờ là 3 độ C thôi. Nhìn lũ trẻ buổi trưa ngủ ấm trong chăn ngủ ngon lành không muốn dậy chiều, cháu thầm cảm ơn các cô các chú đã mang bao niềm vui ấp áp niềm hạnh phúc cho lũ trẻ và cho các cô giáo nơi đây. Mấy năm trước ở đây rét quá trẻ hay trốn học ở nhà đến năm nay học sinh của cháu đi học đủ và đều hơn, buổi trưa được ăn cơm thịt ngủ trong chăm ấm, rét quá còn đốt lửa sưởi ấm, chúng thích lắm các chú ạ. Nhìn bạn bào cũng tăng cân lên trông thấy".

Cô Tuyền viết không dấu, mình gõ lại tới khúc này nghe cay nơi sống mũi. Lại chảy nước mắt.

Chuẩn bị sắp đồ theo đoàn đi Pa Cheo, Y tí đầu tuần tới. 3 ngày. Những lần đi mọi người đều tự túc từ xe cộ đến ăn ở không chạm vào tiền cơm thịt cho các con. Vất vả nhưng ấm lòng, và cả nặng lòng nữa vì còn nhiều các bé nghèo quá lực bất tòng tâm. Những nặng lòng rất tình người, nặng lòng nhưng biết đang có nhiều người ủng hộ, nhiều tấm lòng cùng chia sẻ, nên mình nghĩ đó cũng là những nặng lòng hạnh phúc.

Áo ấm rồi, mà chân..., hỏi sao không nặng lòng.

*** Toàn bộ về GIỎ THỊ XÓM BLOGSPOT

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Thư gởi từ Suối Giàng

Trời vừa tắt nắng, xe của đoàn bác Tuấn đã leo lên đến trung tâm xã Suối Giàng trong sự đón tiếp hân hoan và nồng nhiệt của các thầy cô giáo cùng các em học sinh nơi đây. Dù đã nhiều lần đặt chân lên Suối Giàng, nên hôm nay các bác như trở lại miền đất quen thuộc và các em học sinh cũng như hẹn người mong gặp, các thầy cô giáo rất hối hả đợi chờ. Tất cả đều xúc động và cảm thấy hạnh phúc khi vợ chồng Bác Tuấn cùng các bác, cô chú trong đoàn thay mặt các nhà hảo tâm ân cần trao từng chiếc áo ấm, âu yếm quàng từng chiếc khăn, trau truốt đội từng chiếc mũ len cho các em học sinh nghèo nơi đây. Tất cả, tất cả những hành động đó đã diễn ra như duyên hẹn ước. Tình cảm của họ như là "mẫu tử tình thâm".

Những câu nói rất mộc mạc mà chân tình rằng: "mấy đứa nhỏ chưa ăn cơm thì mang thịt lên nấu thêm cho chúng ăn luôn", "thằng này áo có vừa không?", "đứa này áo chật đổi cho nó cái khác cho vừa",... Những câu nói ấy cùng những hành động ân cần tỉ mỉ của các cô bác đã làm chúng tôi thật cảm động. Sau một thời gian rất khẩn trương và hối hả đoàn đã trao hằng trăm chiếc áo ấm, hàng trăm chiếc khăn, hàng trăm chiếc mũ và nhiều vật dụng thiết yếu cho công việc học tập của học sinh trong ánh mắt nụ cười rạng rỡ của các em và ánh mắt trìu mến của các cô chú trong đoàn, các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo. Tất cả điều đó chỉ là những việc làm nho nhỏ của những người trong quỹ mà thôi.

Các bạn có biết không, mong muốn của các bác, cô chú là tất cả, tất cả học sinh Suối Gàng được ăn "cơm có thịt", thường xuyên. Vì thế các cô Bác đã huy động số tiền không nhỏ để đã gửi cho các em học sinh nơi đây. Hiện nay nhà trường cũng rất cần và trân trọng đến sự giúp đỡ trong sáng và tâm huyết những người đã, đang và sẽ xây dựng quỹ này. Vì vậy nhà trường đã sử dụng quỹ rất đúng mục đích, mang lại ý nghĩa và hiệu quả rất cao trong công tác giáo dục; quỹ đã thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với các các em học sinh bán trú dân nuôi nơi đây. Điều đó đã tạo lên một luồng gió mới cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục Suối Giàng. Có lẽ sau này dù có đi công tác xa Suối Giàng hay trưởng thành trên mảnh đất quê hương chắc rằng các em sẽ không bao giờ quên những kỷ niêm tuổi ấu thơ đã lơn lên trong vòng tay yêu thương che trở cua gia đinh, các thầy cô và đặc biệt quỹ "cơm có thịt".

Cuối cùng các em học sinh Suối Giàng và người viết bài viết này không quên cảm ơn vợ chồng bác và các bác, các cô chú trong đoàn đã không quản ngại khó khăn đem hơi
ấm và tình thương đến với các em nhỏ Suối Giàng. Rất mong sự quan tâm giúp đỡ tiếp tục của các anh chị và các bạn cũng như những người đọc bài viết này đang trực tiếp
hoạch định chính sách tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế cho các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong công tác xã hội hóa giáo dục để có thêm nhiều "Suối Giàng" như thế . Xin trân thành cảm ơn Casc bác và các cô chú, các anh chị trong đoàn,hẹn gặp một ngày gần nhất trong hơi ấm tình người hướng về các em nhỏ vùng cao nơi đây.

Suối Giàng, ngày 26 tháng 11 năm 2011

Xuân Kiểm (THCS Suối Giàng)
ĐC: xuankiem_sg@vanchan.edu.vn
(nguồn ở đây)

*** Cùng một chuyến đi:
- TỚI NHỮNG MIỀN XA HƠN

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Đầu tuần bận rộn, nhưng...

1. ... Nhưng đã và đang có những trái thị thơm gởi về "Giỏ Thị" góp để tiếp sức cho Dự án Cơm thịt nhân văn mà hiệu quả của Quỹ Suối Giàng. Vậy không blogging sẽ cảm thấy thiếu và lỗi. Giỏ Thị đã nhận được Thị từ Hoàng Yến, Sông, Mẹ Mốc Mít, Quỳnh Ni (Đà Nẵng). Thông tin cụ thể Lana sẽ sớm thông tin qua email chung nhóm. Ngoài ra, hôm nay dịch vụ chuyển tiền báo có một món tiền USD gởi về, không khớp với số tiền nào mà Lana được báo đang chuyển. Lana đang chờ thêm tin. Lỡ nhận rồi mà chưa biết ai gởi thì làm sao để email báo đã nhận đây?

2. Bận rộn, nhưng có việc này cứ thú vị mủm mỉm mình ên hoài im tiếp không có được. Có một bạn chỉ đọc comments mà vẽ nên chân dung người còm. Lúc đầu Lana ngó thấy tên mình bị đưa lên "đoạn đầu đài" thì run rẩy sợ hãi lắm, nhưng coi thì thấy bạn í viết hay quá. Mà bạn í vẽ chân dung Lana hiền ghê (giống, hihi). Bạn í lại có biệt tài xóa nếp nhăn nên Lana cứ như soi vào cái gương có phép làm thời gian lùi lại ấy, hihi, sướng. Ở đây này.

3. Đầu tuần bận rộn, nhưng có việc này nữa làm cảm động muốn share. Một bạn đọc blog hôm nay email rằng bạn sẽ gởi một số tiền góp cho ý định mà bạn Sống Thật Chậm sau một chuyến đi theo nhóm Suối Giàng đã trăn trở là mua đồ ấm, nước sạch, nồi nấu bếp, thuốc... (link) giúp các bé mẫu giáo Pa Cheo. Bạn viết "Mình muốn đóng góp vào Giỏ Thị thay vì gởi thẳng vào tài khoản của bác Tuấn bởi vì mình biết được chương trình này là nhờ đọc blog của Lana". Mình email cho bạn rằng Giỏ Thị gom trong nhóm kẻ ít người nhiều thành một khoản rồi gởi qua Quỹ Suối Giàng, Quỹ này sẽ chi cho mục đích khởi đầu là cơm thịt cho trẻ miền núi, đầu tư cho từng điểm chắc chắn rồi thì mở rộng cơm thịt sang các điểm khác, sao để bảo đảm duy trì được đều đặn và lâu dài. Những việc giúp hiện vật (quần áo ấm, chăn mền, sách vở, đồ dùng sinh hoạt... ) diễn ra song song và độc lập với Quỹ Cơm thịt. Là để Quỹ tập trung cho mục đích chính, không bị phân tán thôi chứ giúp thế nào cũng ý nghĩa và đáng trân trọng. Lana đã nhận với bạn sẽ làm trung chuyển đến đúng nơi và truyền đạt đúng mong muốn của bạn. Cảm ơn tấm lòng của bạn rất nhiều.

Hà Nội mà còn đang rét buốt. Trời lạnh căm căm. Tết đến gần rồi.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Dự án 9 triệu - tới những miền xa hơn

Tuần trước nòng cốt dự án 9 triệu cùng một số tình nguyện viên có chuyến đi dài, thăm, tiếp tế thêm cho các trường 'đã phủ sóng cơm thịt' và khảo sát những trường xa hơn, nghèo hơn dọc ba tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào cai.

Mình ở nhà, dõi theo chuyến đi của nhóm bằng cách đọc đủ tất cả những bài cảm nhận của những người tình nguyện theo đoàn. Nhâm nhi hoài câu này của Blogger 'Sống thật chậm' "Theo chân đoàn lần này chỉ muốn tìm câu trả lời cho một số băn khoăn của mình". Mình đoán một trong những băn khoăn ấy là muốn nhìn tận mắt cơm thịt đến với các cháu như thế nào. Và chuyến đi đã thật sự làm chị cảm động. Những bài viết của chị đầy ắp cảm nhận của một người giàu trắc ẩn, của một người làm mẹ trước những đứa trẻ thiếu thốn, lấm lem.

Mình sẽ trích một ít từ các blog bạn về chuyến đi này của Dự án 9 triệu chia sẻ nhé:

Dù đã rất cố gắng, bọn mình cũng chỉ lên được Suối Giàng vào lúc đã tối hẳn. Gần hai trăm đứa học sinh nội trú Tiểu học và Trung học sơ sở vẫn đợi. Quà mang lên khá nhiều: 200 áo gió người bạn ở Vinatex tặng, 340 chiếc áo ấm mua bằng tiền bạn MH gửi đến, Nhóm Giỏ Thị gửi lên 130 mũ len, 80 khăn len, rồi sách truyện... Dọc đường, dừng lại chợ ngã ba mua quà "đặc biệt". Chính là thịt. Quầy miền núi, chỉ có một vài cân, thế là người bán ới các quầy khác ở xa. Mấy bà chạy rầm rập đến với các miếng thịt trên tay... Gom được gần chục ký ngon nhất. Như sống lại thuở bao cấp, thăm người thân bằng thịt là quý nhất, mà không thì lạc, cá khô, trứng... cũng quý vô cùng. (Một chuyến đi dài - TĐT)

Bọn trẻ con nội trú được báo trước có khách Hà Nội lên, đã ngóng chờ từ chiều. Một số đứa nhà rất xa, không đợi được, phải về để hôm sau mang gạo đến trường. Mới sà vào lân la bắt chuyện với chúng, thì bác Tuấn, bác Trâm, bác Linh đã bắt đầu phát áo khoác ấm cho bọn tiểu học. Các bác Tiến, bác Khôi thì làm phụ tá. Nhìn bọn trẻ háo hức nhận quà, mặc áo, đội mũ với vẻ mặt hân hoan mà thấy sướng quá.
... Bác Tuấn gửi lời chào và cảm ơn các bạn Giỏ Thị nhé
.
(Lên Suối Giàng - Phần 2 - HAT)

Tiện đường rẽ vào Lao Chải thăm trường tiểu học. Sau khi nhận được tiền hỗ trợ từ quĩ "cơm thịt", nhà trường đã tổ chức nấu ăn cho tụi nhỏ nội trú... "Trứng gà, trứng vịt" ở Lao Chải không còn phải cúi rạp người thổi lửa nấu cơm sau buổi học nữa. Mà hơn chục trứng gà, trứng vịt này còn phải cõng thêm "trứng chim cút" nữa chứ. Vì em nhỏ học mẫu giáo gần đấy nên đến bữa lại sang anh chị chúng bên tiểu học để ăn... ké. Lần này lên, "cơm thịt" quyết định chi tiền luôn cho "trứng chim cút" để khỏi phải "ấp nhờ" ổ của anh chị. Tổ chim của chúng cheo leo bên sườn núi hiu hắt trong nắng chiều.
... Nghe các thầy cô nói, khu nội trú đã tăng lên 60 đứa so với 50 lúc cơm chưa có thịt.

Trên đường đi Y Tý rẽ qua Pa Cheo, một xã nghèo nhất của huyện Bát Xát. Quả danh bất hư truyền. Nghèo mạt rệp. Hai lớp học mẫu giáo của xã nằm không xa đường quốc lộ từ Sa Pa đi Y Tý nhưng cảm giác như bị bỏ quên. Xơ xác từ vật chất đến con người. Đám trẻ co ro trong cái lạnh 14 độ C. Quần áo phong phanh, có đứa đi chân đất, nhiều bé gái mặc váy lộ ra cẳng chân khẳng khiu tím tái. Thương các con chảy nước mắt... Mình có cảm giác khi lên xe rời Pa Cheo như là chạy trốn. Chạy trốn khỏi sự lãng quên, vô cảm, tội ác...
Ngay như trên đường từ Y Tý về Lào Cai, đã biết thêm ba trường mẫu giáo nghèo nữa là Tả Ngải Thầu, A Lù và Trịnh Tường. Toàn xã vùng biên. (Chủ nhân của IQ cao - Thùy Linh)

Có lẽ ai cũng biết, cái nghèo còn nhiều lắm nên càng đi càng thấy chưa đủ. Nói riêng một xã nghèo huyện nghèo, giúp được điểm này thầy cô và bà con các điểm khác trong xã trong huyện sẽ ngóng trông: Cái trường kia may mắn quá, bao giờ cái người tốt mới đến trường con mình?
Thế nên, càng đi, sẽ càng thấy nặng lòng.
Thế nên, cần lắm tiếp tục bàn tay chung góp của những tấm lòng với trẻ vùng cao.
Mình, ngày xưa, thời sơ tán, cũng từng là một đứa trẻ vùng cao...
Chờ em tan trường
Đứa được ấm (Tiểu học Suối Giàng),
Đứa còn rét tím chân... (Mầm non Pa Cheo)

*** Mời bạn đọc:
- ÁNH SÁNG CỦA NGÀY
- GIỎ THỊ XÓM BLOGSPOT

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Lên Suối Giàng (Phần 2)

(Bài của HAT đăng tại http://tuanhavn.blogspot.com/)

Bọn trẻ con nội trú được báo trước có khách Hà Nội lên, đã ngóng chờ từ chiều. Một số đứa nhà rất xa, không đợi được, phải về để hôm sau mang gạo đến trường. Mới sà vào lân la bắt chuyện với chúng, thì bác Tuấn, bác Trâm, bác Linh đã bắt đầu phát áo khoác ấm cho bọn tiểu học. Các bác Tiến, bác Khôi thì làm phụ tá. Nhìn bọn trẻ háo hức nhận quà, mặc áo, đội mũ với vẻ mặt hân hoan mà thấy sướng quá







Xong Tiểu học, bác Tuấn lại dẫn mọi người qua trường THCS phát áo, phát khăn. Có chút trục trặc là áo khoác cỡ nhỏ nhiều quá, ít cỡ to, nên phải chọn, đổi hơi lâu cho những đứa lớn mặc vừa. Bọn con gái thích áo màu sặc sỡ, đỏ đỏ, hồng hồng, hơn là áo màu xanh, màu đen.



Thùng quần áo cũ mình gửi các thầy cô THCS phát cho các em sau. Thùng sách truyện thì gửi cho Thư viện của THCS luôn. Xong xuôi cả rồi, đã hơn 20h, ai đó mới sực nhớ, hỏi: “Thế cây chè cổ thụ nổi tiếng trông thế nào?”. Bác Tuấn dẫn ra góc sân Trường, chỉ mấy cây chè cao khoảng hơn 2m, gốc to bằng bắp chân, nói chè đây này. Một thầy giáo bấm đèn pin cho khách coi chè, chỉ dẫn: “Mấy gốc chè này chỉ 20-30 năm thôi. Chè cổ thụ phải cả trăm tuổi kia”. Thế là cuộc thưởng ngoạn chè Suối Giàng diễn ra trong chưa đầy 5 phút, dưới ánh đèn pin! Thôi thì lần khác có dịp lên coi, hoặc vào mạng search hình coi đỡ vậy.

Trên sườn dốc xa xa cũng thấy lấp loáng ánh đèn pin. Một cô giáo nói đó là những đứa nhà gần (cũng phải 5-6 km) tối nay đi bộ về lấy gạo mai mang lên nộp cho cả tuần sau. Nói đến ăn, lúc đó mới thấy đói khiếp! Đang băn khoăn định hỏi xem ở đây có hàng quán gì không, thì nghe nói ông chủ tịch xã, bí thư xã, các thầy cô giáo đã làm cơm tiếp khách tại Văn phòng trường Tiểu học. Bữa cơm ấm cúng, thân tình, rất vui! Trong bữa, có một cô giáo hát tặng khách mấy bài, có cả bài hát do cô sáng tác về nghề dạy học, rất hay! Bác Khoai thì đọc một bài thơ. Ăn xong, mình vòng vòng ngó xem mấy lớp học. Thực lòng mà nói cơ sở trường lớp ở đây ổn, khá hơn nhiều nơi, nếu căn cứ vào những bức ảnh mình đã thấy. Nhà xây, tuy nhỏ, nhưng cũng sạch sẽ, khang trang. Với Suối Giàng, vấn đề chỉ là đồ ấm chưa đủ, và thức ăn cho học sinh nội trú còn thiếu thốn. Một cô giáo nói bây giờ nhờ bác Tuấn, cơm có thịt, bọn trẻ thích đi học hơn, ít bỏ học hơn. Nhiều đứa hơn tháng qua lớn phổng lên, tăng mấy cân luôn. Ai cũng mừng! Nhìn chung, mình thấy tụi trẻ dân tộc bé quá, nhiều đứa học lớp 5-6 mà bé bằng bọn lớp 2-3 ở Hà Nội. Nếu nhờ có thịt, có áo ấm mà chúng nó khỏe mạnh hơn chút, ít ốm đau hơn chút, cao hơn chút, nặng hơn chút, thì còn gì làm chúng mình vui hơn.

Bác Tuấn từ lúc nào đã kịp lượn qua chỗ có một nhóm học sinh đang coi phim gì đó trên TV, có lẽ là cái TV duy nhất ở Trường. Rồi bác ấy nhắc thầy cô giáo là không nên cho tụi nhỏ coi những phim nhiều cảnh bạo lực như thế. Mọi người lại bàn tán nên chuyển những băng đĩa gì từ Hà Nội lên cho tụi trẻ ở đây xem.

21h30, cả đoàn qua thăm một dãy nhà của nội trú của Tiểu học. Căn nhà này trước là Trạm Y tế xã, sạch sẽ, ấm áp, nhưng có vẻ hơi ít cửa sổ, và các căn phòng hơi nhỏ. Mỗi phòng kê 3-4 chiếc giường tầng sát nhau. Hôm nay nhiều giường trống vì nhiều đứa về nhà ngày cuối tuần. Nhiều đứa đã chui vào chăn ngủ khò khò, nhiều đứa đi ngủ vẫn để nguyên áo mới, mũ mới không muốn rời. Bọn trẻ mới 6-7 tuổi đã biết tự lập, đến giờ tự đi ngủ, tự biết gấp chăn.




22h, cả đoàn 12 người rời Suối Giàng, chạy xe về Nghĩa Lộ (cách hơn 20 km) thuê khách sạn để ngủ.

Sáng Chủ nhật, ăn sáng xong, các bác lại lên đường đi Y Tý, mang theo rất nhiều chăn mền, bánh mì, sữa, ... cho các bé mẫu giáo, hình như trên đường đi còn định ghé qua mấy điểm ở Mù Cang Chải. Mình chia tay mọi người để quay về Hà Nội, vì chiều chủ nhật có việc bận. Con đường các bác ấy sắp đi lên Y Tí còn xa và gập ghềnh hơn nhiều chặng Hà Nội đi Suối Giàng.

Bác Tuấn gửi lời chào và cảm ơn các bạn Giỏ Thị và Lana nhé.

Đường về đã quen, thong thả hơn, tranh thủ ngắm cảnh và còn dừng lại chụp ảnh mấy lần.


Người mẹ trẻ địu con giặt đồ trên sông


Đang đổ xuống một con dốc dài thì gặp hai mẹ con người dân tộc đi ngược chiều. Thấy mình dừng xe, giơ máy ảnh, hai mẹ con dừng lại, cười tươi cho chụp hình. Có lẽ đây là bức ảnh đẹp nhất mình đã từng chụp!


Trên xe chỉ còn một lốc sữa tươi khả dĩ để làm quà, mình mang đến cho con bé. Con bé tần ngần không cầm, mẹ nó nói gì đó, nó mới nhận sữa. Mình hỏi người mẹ: "Có biết uống sữa này không?". Chị ta nói được tiếng Kinh: "Có biết mà!". Lúc đó, mình mới phát hiện ra trên lưng chị ta còn địu một đứa con nhỏ đang kêu e e.


Tự nhiên chẳng biết viết gì để kết thúc bài này. Ờ, đúng là mình đã bắt đầu mê đi Tây Bắc rồi! Lần sau có dịp mình sẽ lại xin đi theo các bác Tuấn, bác Tiến lên Tây Bắc. Sẽ xin nghỉ phép vài ngày để đi những chặng xa hơn, đến được những nơi hẻo lánh hơn. Nơi đây không chỉ có núi non hùng vĩ, mà còn có những nụ cười hồn nhiên thế, những ánh mắt trong veo thế.

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Lên Suối Giàng (Phần 1)

(Bài của HAT đăng tại http://tuanhavn.blogspot.com/)

Từ mấy bữa trước thấy “Giỏ thị trưởng” Lana thông báo nhóm Giỏ thị Blogspot sẽ quyên góp quần áo để gửi qua Quỹ “Cơm có thịt” của Bác Trần Đăng Tuấn lên giúp trẻ em vùng cao, mình về kêu con trai soạn hết tủ quần áo, đồ gì còn tốt nhưng không dùng, hoặc ít dùng thì để riêng, giặt sạch, gấp cẩn thận để gửi các bạn. Góp được một túi, nhưng chủ yếu đồ hè, đồ ấm thu-đông thì lại không có nhiều, mà bây giờ bắt đầu mùa đông, trẻ em vùng cao cần gấp đồ chống rét. Lana cũng có một thùng quần áo cả cũ và mới. Lana bàn với mình nên mua thêm một ít đồ ấm cho tụi trẻ con, nhưng mặt khác lại không muốn tiêu lạm vào số tiền “thịt” mà nhóm Giỏ thị đã góp. Riêng mình đã có kế hoạch góp “tiền thịt” lâu dài, hàng quý, khoản góp thêm đột xuất để mua quần áo ấm lần này cũng có thể thu xếp được, nhưng không nhiều. Đang lăn tăn tính có nên kêu gọi các bạn tài trợ tiếp không, thì tìm ngay được nhà tài trợ "sộp".

Chẳng là bà xã mình vào đọc blog của bác TĐT, đọc xong mắt đỏ hoe, nói muốn mua chút đồ tặng cho tụi nhỏ vùng cao. Mình nói chuyện cuối tháng 11 các bác í lên Suối Giàng, Y Tý … đó, mua áo quần, khăn mũ gửi lên đi. Bà xã ok cái rụp, nói nhưng em bận quá (ngoài việc cơ quan, tháng 12 lại thi cao học), không có thời gian đi mua đồ, thôi ủy quyền cho anh mua gì thì mua! Ngoài quần áo có cần mua sách vở, giấy bút, đài, băng đĩa hay sách thiếu nhi không?

Viết thư hỏi Bác Tiến (mà bên blog bác TĐT gọi là Tiến Trọc, còn nhóm Giỏ thị gọi thân mật là Khoai), bàn với Lana, hỏi cả ý kiến AnKhanhCongChua (một bạn tình nguyện viên trong nhóm Bác TĐT). Cuối cùng quyết định mua mũ len khăn len cho học sinh nội trú ở Trường Tiểu học và THCS Suối Giàng. Bây giờ đồ chống rét là cần nhất. Những thứ khác tính sau.

Chủ nhật vừa rồi, rủ Lana đi mua đồ. Khảo giá các cửa hàng thì thấy khá đắt. Ra chợ Đồng Xuân, thấy giá mềm hơn nhiều. Chỉ còn chút băn khoăn là khăn mũ của Việt Nam thì giá đắt hơn hàng Tàu khá nhiều. Mà tụi mình chỉ muốn mua hàng made in Vietnam, hổng có khoái made in China. Dạo vòng vòng, chọn lên lựa xuống, cuối cùng cũng mua được 70 mũ len nam (Vietnam), 60 mũ len nữ (nhiều khả năng hàng TQ), 80 khăn len (có lẽ là hàng VN – nhưng không chắc lắm). Ngân sách có ít, nên đành chọn hàng rẻ, để đủ đồ cho cả trăm đứa trẻ. Tuy thế, tụi mình lại lựa đồ rất cẩn thận, làm mấy bà bán hàng, chắc quen bán xỉ hàng ngàn chiếc, theo mớ, theo lô, hàng bao tải cau có khó chịu. Tụi mình cứ phớt lờ, bắt các bà đổi đi đổi lại những thứ không vừa ý mà người bán cứ giúi vào tay.

Giữa tuần, bác Tiến Khoai thông báo cuối tuần đi Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) và khảo sát thêm mấy điểm, đi một vòng mất ít nhất 3 ngày, trong kế hoạch gần không có đi Suối Giàng. Đi như thế hơi dài ngày, cuối tháng cuối năm mình lại khá bận. Đành báo cho bác Tiến là khăn mũ tụi em đã mua, chuyến này em không đi cùng các bác được, nếu các bác không đi Suối Giàng, thì nhờ các bác cứ mang theo, trên Bát Xát có trường nào cần thì các bác cứ chuyển giùm.

Đùng cái, chiều thứ 6 bác Tiến báo 13h trưa mai thứ bảy sẽ đi, trên đường đi Y Tý sẽ qua Suối Giàng. Mình mừng húm, bảo vậy em tự lái xe theo các bác lên Suối Giàng, ngủ đêm ở đó, sáng hôm sau các bác đi Y Tý thì em về Hà Nội. Rồi vội chuẩn bị thùng xếp đồ đã mua, đã gom được, cộng thêm một thùng truyện thiếu nhi mình mới mua dạo hè.

Bà xã mình đang bận ôn thi, nhưng thấy chương trình ngắn gọn, thứ bảy đi, chủ nhật về, cũng quyết định vứt sách, đi Suối Giàng cái đã! Lana đang đi công tác, không bám càng được, tiếc hùi hụi, than thở mãi.

Mình chưa lên Tây Bắc bao giờ, đường xá không thạo thì cũng có thể xem bản đồ hoặc dùng định vị GPS, hoặc hỏi dân, nhưng chỉ ngại đèo dốc, không đi nhanh được thì làm vướng chân các bác ý, nên định tự mình khởi hành sớm hơn chút. Ai dè 11h, bác Tiến a lô, nói cần nhờ xe mình đi nhận ngay mấy thùng bánh mì và sữa cho trẻ em, bởi các xe khác đã xếp đầy áo khoác, chăn mền …. Thế là chạy đi nhận bánh mì, sữa, rồi đổ xăng. Về nhà chỉ kịp ăn vội ăn vàng, rồi lên đường, đã gần 13h.

Bác Tiến dặn cứ theo quốc lộ 32 mà đi, gần đến Nghĩa Lộ sẽ có biển chỉ dẫn rẽ vào Suối Giàng. Đi khoảng gần 100 km, qua Thanh Sơn, bắt đầu vùng đồi núi. Bên đường có những đồi chè thật đẹp. Nhưng mình chẳng tâm trí đâu ngắm cảnh, cứ chạy đều, mặc bà xã chụp ảnh được gì thì chụp, qua cửa kính xe. Máy ảnh amateur, người chụp amateur, cách chụp cũng amateur nốt, nên chẳng được ảnh nào đẹp. Thỉnh thoảng đến những ngã rẽ không có biển chỉ dẫn, vẫn phải dừng lại hỏi đường. Đường núi vắng heo hắt, nhà dân thưa thớt, lâu lâu mới thấy bóng người hay xe chạy qua. Sau 16h, bắt đầu thấy nhiều học sinh tan học, đi xe đạp trên đường về nhà. Những đoạn dốc cao, chúng đều phải dắt xe, từng tốp, từng tốp đông. Hầu hết học sinh đều mặc đồng phục khá tinh tươm.


Từ ngã ba Thu Cúc, thấy một xe con biển số Hà Nội chạy bám sát đằng sau. Mình bảo bà xã, chắc xe bác Tuấn đây, thôi nhường bác ấy chạy trước, ta cứ bám theo là tới. Mấy chục cây số mình chạy theo xe đó, đột nhiên thấy họ dừng lại hỏi đường, lại nghi không phải bác Tuấn, vì bác ấy đã lên Suối Giàng, lý gì không biết đường. Tuy thế vẫn hy vọng là ai đó trong nhóm “Cơm có thịt”, vẫn kiên trì bám theo. Với lại đi đường dốc núi quanh co, trời sắp tối, có xe khác chạy trước mình cũng dễ lái hơn.


Gần đến Nghĩa Lộ, vướng mấy chiếc xe tải khó vượt lúc lên đèo, chiếc xe kia mất hút khỏi tầm nhìn. Đi thêm vài km thì thấy biển chỉ lối rẽ: Suối Giàng 12 km. Bắt đầu từ đây chỉ có dốc dựng ngược lên, quanh co khúc khuỷu. Bên núi cao, bên vực sâu. Những đoạn vào cua gấp, bà xã ngồi bên lại sợ dúm người.


Hỏi đường chạy thẳng đến Trường Tiểu học Suối Giàng, vào cổng trường, đã thấy chiếc xe khi nãy đỗ đó, hóa ra mình đoán đúng, là xe bác Tuấn. Chỉ là lái xe cho bác ấy lần này là người khác, chưa thạo đường, nên thỉnh thoảng phải dừng xe hỏi. Có một xe nữa cũng đến từ trước khá lâu, trong xe lèn chặt chăn và áo khoác trẻ em. 30 phút sau, khoảng 6 giờ, xe bác Tiến, bác Thùy Linh cũng đến nơi. Mọi người dỡ đồ từ các xe xuống. Nơi tập kết đồ để chuẩn bị phân phát cho các cháu là cửa hàng tạp hóa của anh Thắng, nằm ngay trước cổng Trường Tiểu học, chỗ này có sân rộng bằng phẳng, có đèn điện sáng sủa, và có cái sạp đá to tướng, có thể xếp đồ lên cho sạch sẽ.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Ánh sáng của ngày

Thông tin cập nhật từ Dự án cơm thịt cho trẻ em vùng cao của bác Tuấn đúng thật là ánh sáng ấm của ngày. Tựa đề của bác í là "Bạn sẽ rất vui khi xem những hình này" (link) mà coi hình nước mắt mình cứ chảy thôi. Vui, ừ rõ ràng là thế, mà cứ nước mắt không biết diễn tả thế nào.

Mới có 2 tháng mà theo tin từ các thày cô trên đó, bọn trẻ vui vẻ chạy nhảy hoạt bát hơn hẳn, có bé tăng 4kg. Đang thiếu ăn thiếu chất bỗng dưng đủ no ngày một bữa có đạm, đương nhiên là thế rồi. Mình nhớ ngày xưa bắt đầu đi du học, từ VN ăn nghèo sang Tây bánh mì bơ sữa mới qua đứa nào đứa nấy tăng ký vùn vụt, qua 4 tháng đầu mình tăng một nhát từ 42 ký ròm lên 50 ký, má tròn căng hây. Mấy anh năm trên cứ hỏi chọc mình với nhỏ Lan Anh cùng khóa "Hai đứa em có ăn nhầm cái gì méc tụi anh với". Bệnh đau đầu và dị ứng mùa của mình bỗng nhiên từ đó cũng hết sạch. Vậy nên càng thấy cơm thịt cho các bé ý nghĩa biết bao.

Có một điều muốn nói: Sự chung tay của những tấm lòng không chỉ mang thịt tới các bữa ăn cho bọn trẻ mà còn cho chúng bữa ăn chung có không khí gia đình, sẻ chia. Các cô giáo có thêm nhiệt huyết đứng ra tổ chức bữa ăn chung và trực tiếp nấu nướng cho các bé, bà con dân bản góp củi góp sức, nhóm dự án góp tiền mua thêm bát đũa nồi xoong, quyên thêm áo ấm, chăn nệm và bạt che gió. Tiền cơm thịt nuôi dưỡng những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, còn những điều không tính ra tiền này sẽ góp phần nuôi dưỡng những giá trị nhân văn cho chúng.

Mỗi người góp một chút mà Dự án 9 triệu đã có hơn 700tr (khoảng gần 29 ngàn USD), từ đó đã chuyển đi 490 triệu VNĐ tới các trường nội trú Suối Giàng, Lao Chải, Nậm Khắt và hai trường Mẫu giáo/ Mầm non Dền Thàng và Y Tý (link). Với 490tr này nhiều trăm em bé có bữa cơm đầm ấm có thịt mỗi ngày, liên tục trong nửa năm hoặc 1 năm. 'Giỏ thị Xóm Blogspot' mình chung tay trong đó hơn 20tr (quý đầu). Vậy là bà con mình mến, trong bát cơm của các bé ở những tấm ảnh mới gửi về này có một chút thơm thảo từ 'Giỏ thị'. Thật vui và ấm lòng.

Trước đây bọn trẻ tự nấu bữa hoặc nhóm theo nhóm tự phát (hình chụp bọn trẻ trường tiểu học Lao Chải):
Thế này:
Rồi ăn:
Tiện đâu nhóm đó:
Lao Chải bây giờ:

Bếp chung nên các cô còn tổ chức vườn rau chung:
Y Tý là trường mầm mon, các bé nhỏ nên tới bữa các cô chuẩn bị sẵn cho mỗi bé một tô:
Nguồn ảnh Ở đây, đây, và đây.

Mình trích mấy câu trong thư của cô giáo trường mầm non Y Tý gửi về cho bác Tuấn nhé. Thật ra theo link bên nhà bác Tuấn đăng đủ cả rồi nhưng đọc thư cô nghe cứ như có tiếng chim rừng hát reo, thích quá cứ muốn đem một chút về.

"Các Chú ơi! Tuần này học sinh của bọn cháu được ăn thịt rồi,tụi nhỏ thích lắmcác chú ạ, lại còn được mặc quần áo mới hôm nọ các chú cho nữa, chúng nó thích đi học lắm...
"... hôm thứ sáu vừa rồi trường cháu họp,cô giáo ở Hồng Ngài thôn xa nhất báo cáo phụ huynh học sinh ở đấy rất thích, họ mang đến cho cô giáo rất nhiều bí, toàn quả to xếp đầy gầm rường, nấu cho cô và cháu ăn cả tháng không hết...."
"Các chú ơi! Hôm nay phụ huynh học sinh họ nộp củi nhiều lắm, 3 phụ huynh mỗi người một đựu to, mọi khi chúng cháu nhắc mãi chỉ nộp được vài thanh, cháu mừng lắm lại có nhiều củi để nấu cơm cho học sinh rồi. À mà các chú ơi họ còn đến tận trường xem con mình ăn cơm nữa đấy, thấy họ nói với nhau bằng tiếng địa phương cháu không hiểu gì nhiều nhưng nhìn khuôn mặt họ cháu biết là họ rất vui"...


*** Link:
- GIỎ THỊ VÀ DỰ ÁN 9 TRIỆU

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Giỏ thị xóm Blogspot (1)


Bữa cơm đã có thịt (chắc là trong tô đậu + nước). Sao mình cứ nhìn những hình này là không thôi cảm thương (nguồn).

Cập nhật ngày 10/10/2011:
1. Giỏ thị Xóm Blogspot đã chuyển qua Quỹ Suối Giàng số tiền 20.582.000đ (đợt 1), xác nhận sao kê chuyển khoản ở bảng kê này, ngày 10/10 nha bà con.
2. Tính đến ngày 8/10/2011 đã có khoảng gần 500 triệu gửi về TK của Quỹ Suối Giàng. Những người bạn tình nguyện đang cùng anh Tuấn xúc tiến các thủ tục thành lập một Quỹ giúp trẻ em vùng cao"
3. A Khoai cùng các tình nguyện viên chuẩn bị cho chuyến đi khảo sát thêm địa điểm để đem đến bữa cơm có thịt cho thêm một trường nội trú nữa sau Suối Giàng.

------------------------------------
8/10/2011Từ entry đem về tản bút Suối Giàng, nhiều bạn xóm blogspot mình đã cùng góp chung cho dự án 9tr đem thịt đến với bữa cơm trẻ em vùng cao của nhóm bác Tuấn và những người bạn, tạm gọi là Giỏ thị của xóm Blogspot (cái tên này từ ý tưởng của bạn HY truyện thơ Tấm Cám đấy).

Tính cho đến 16:00 VN - 8/10/2011, Giỏ thị đã có 15 tr 470 ngàn VND + 740 USD từ các bạn:
Sông (chomotdongsong@gmail.com);
Katie Khanh (chị em
Ba Đậu);
HY - Tấm Cám;
Mẹ Mốc Mít;
Nhóm bạn Trỗi: Đỗ (Sáu Bảnh), AK7 (anhk7sg@gmail.com), Việt, Hai Thành;
Lana-Dim-Mei-Tuyết;
bạn trẻ HeoH;
Rita;
Minh Trúc (longtruc2304@gmail.com);
Khoai;
HAT;
BeBo;
LU;
a Thụy Dolphin (Blog Thuy Dam Minh);
Quyên
Tổng này sau khi góp qua Dự Án 9 triệu số tiền hơn 20tr cho Quý I, hiện còn lại trong Giỏ 500 USD vì một số bạn ở xa gởi về một lần cho cả năm.

Thông tin cụ thể bà con góp thị check mail nhóm nha.

Có một thông tin vui là nhà văn Phạm Ngọc Tiến (đây) hoặc (đây) bạn thân cùng anh TĐT trong dự án cơm thịt cho các em đã 'đăng ký' góp chung với xóm mình. Bác í có nick là Khoái sau đổi thành Khoai :D
Khoai: "Chào Lana và các bạn trong nhóm. Mình theo địa chỉ vào đây và đọc của các bạn thấy đồng cảm và vui... Sáng kiến của Lana hợp lý lắm. Dù đang tham gia điều hành bên kia nhưng mình vẫn muốn góp vào một chút ở đây. Sáng nay đầu tuần mới nhận được cái tin nhắn nhuận bút. Vậy cho mình tham gia nhé, tượng trưng thôi mà... mình sẽ đặt một cái nickname mới, là gì nhỉ, à, thằng Khoái - là nhân vật của mình trong phim Gió Làng Kình hay nói câu Thánh họ ý.
Chào các bạn. Chúc các bạn một tuần mới vui vẻ, tràn ngập niềm vui
."

------------------------------------
6/10/2011Thông tin cập nhật từ Blog anh TĐT: "Với số tiền khoảng 220 triệu mọi người đã chuyển đến thời điểm này, đủ để các em học sinh Nội trú ở Suối Giàng (80 em tiểu học, 88 em PTCS) ăn cơm có thịt trong hai năm (ngày một bữa có thịt). Tuy nhiên, đã có những sự ủng hộ của các nhà hảo tâm đến với Suối Giàng ngày thứ bảy vừa qua (độc lập với hoạt động của chúng ta)... Tôi đề xuất trích một phần số tiền đã có cho đến nay chuyển tới các em ở Suối Giàng, thông qua một cơ chế quản lý và giám sát chủ yếu dựa vào các thày cô giáo và phụ huynh, cộng với số tiền các em đã được các nhà hảo tâm giúp đỡ, sẽ đảm bảo mỗi ngày một bữa ăn có thịt cho các em, và 1-2 ngày cả hai bữa có thịt trong tuần. Số tiền còn lại cộng số tiền mà tôi hy vọng và tin rằng sẽ được tiếp tục gửi đến, chúng ta sẽ mau chóng chuyển sang các em ở nơi khác".

Sự ủng hộ của các nhà hảo tâm mà anh Tuấn nói 'độc lập với quỹ 9tr' là của báo Giáo dục VN, thật ra cũng là sau tản bút "Một ngày lên Suối Giàng" của anh Tuấn, báo GD VN đã nhanh chóng có chuyến đi hỗ trợ các em Suối Giàng.


Lana thấy vui khi coi những hình ảnh chuyến đi của báo GD, duy là Lana comment "sẽ thích tự mình chụp những bức hình các em ngày thường hơn là khi các em mặc những bộ quần áo tươm tất nhất đón khách như này. Thật. Là mình cứ 'người lớn' thế thôi chớ đúng trẻ em thì chả quan trọng chuyện khách hay không, nhìn nụ cười khi chúng thưởng thức bữa cơm có thịt rạng rỡ thật. Yêu ghê".
Nhận được trả lời của anh Tuấn "Đây là của báo chí, họ làm kiểu quy mô. Cái này là hoạt động riêng của báo. Chúng ta sẽ theo kiểu cá nhân tình nguyện thôi. Lúc nào lên thì như bọn anh hay đi-kiểu "thầm lặng", lúc đó không có áo mới mặc sẵn đâu. Giúp các em thì là việc chung, còn tùy mỗi nơi có cách làm riêng...
Có điều anh thiên về cách làm sao cho ít có tính "sự kiện""
(link).
Thật là trúng ý Lana và xóm Blogspot quá!

*** Theo dòng trên giaoduc.net, lại gặp một bức hình khác sáng nay lấy của tôi thật nhiều nước mắt

*** Về Giỏ thị Xóm Blogspot:
- GIỎ THỊ VÀ DỰ ÁN 9 TRIỆU

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Dự án 9 triệu (bữa cơm có thịt) khởi động

Cả nhà quý mến,

Bác Trần Đăng Tuấn đã khởi động dự án 9 triệu cho bữa cơm có thịt của trẻ em vùng cao, tính ban đầu sẽ là cho các em học sinh nội trú ở Suối Giàng có thịt + đậu phụ cho 1 bữa cơm mỗi ngày. Khi quỹ lớn hơn sẽ mở rộng sang trường khác.

Bữa cơm của các em Suối Giàng không thịt nhưng Suối Giàng còn là nơi có đường trải nhựa tới tận nơi, tức là còn nhiều nơi các em thiếu ăn thiếu mặc thiếu học hơn Suối Giàng. Có lẽ sẽ là những nơi xa xôi hơn. Theo bác Tuấn thì chính phủ vừa phê duyệt chương trình đầu tư 4000 tỉ đồng cho các trường dân tộc nội trú giai đoạn 2012 - 2015, nhưng biết là tiền đó sẽ ĐẦU TƯ NHƯ THẾ NÀO, biết tới 2015 có còn các em không có được bữa ăn 2 ngàn nữa không. Nên thôi sức nhỏ làm việc nhỏ. Việc nhỏ làm được thì mong nhiều người góp sẽ được việc lớn hơn.

Bác Tuấn nói dự án 9 triệu là kế hoạch thường xuyên lâu dài nên đóng góp mỗi lần một ít và đều đặn thì tốt hơn một món tiền lớn nhưng một lần. Tuy nhiên cũng nhiều người đóng góp 1 lần ban đầu cũng rất quý - thì bác Tuấn sẽ lập quỹ và thông báo danh sách đóng góp và khoản chi đều đặn qua kênh web (ở đây).

Chuyện góp tiền, dù lớn hay nhỏ cũng rất cần minh bạch và bảo đảm số tiền đó được sử dụng đúng nơi, hiệu quả và có ích. Rõ ràng bác Tuấn được rất rất nhiều người quý mến và tin tưởng. Bác í là thuyền rồng thì Lana thấy mình bẹ dừa cũng có may mắn được một số bạn blogspot tin tưởng để cùng góp chung cho "bữa cơm có thịt", trong đó có những người Lana còn chưa gặp mặt.
Càng thấy xóm Blog mình rất đời thật, chia sẻ giao lưu, 'văn thật là người', không tô màu, rất ít 'ảo'. Cảm ơn sự ấm áp này biết bao.

Lana có ý nghĩ là nhiều hay ít đều ấm áp vì nó mang theo tấm lòng. Có nhiêu góp nhiêu: góp 9 triệu thì được một tháng cơm thịt cho các em, góp 30 ngàn thì 3 người cũng được cho các em một bữa cơm có thịt. Riêng Lana đã bàn với cả nhà 4 người (Lana, Tuyết, Dim, Mei) mỗi người mỗi tháng sẽ góp một chút từ tiết kiệm cá nhân để được 100 ngàn = 1 bữa cơm có thịt cho cấp 2 Suối Giàng. Góp 1 lần 1 cục thì nhà Lana hơi gò (từ sau khi sửa nhà cạn quỹ) nhưng nhà Lana sẽ góp đều đặn, có lẽ lần đầu sẽ góp cho vài tháng, và hứa rõ với bác Tuấn kế hoạch đóng dài hơi, ít nhất là kế hoạch năm để bác í chủ động.

Một phần là nhà mình nho nhỏ, nếu chung nhóm sẽ ra có tấm có món. Phần bên bác Tuấn phải công khai số tiền quyên góp rõ ràng, đứng cạnh 9tr vài chục nhỏ thấy chút e, dù là cả tấm lòng. Thêm nữa nhà bác Tuấn rất đông người góp, mỗi người một chút bác í sẽ mệt rối (nếu không có thư ký DA, mà phải là thư ký tình nguyện vì DA từ thiện). Nghĩ vậy nên Lana trộm nghĩ sẽ cùng bạn bè xóm Blogspot đã comment ở bài trước (có BeBo, AK7, Việt, Sông, Lana Tuyết Dim Mei, Rita, một người bạn Lana ở Úc tên Mai...) chung làm một mối, mỗi người nhiều ít gom thành một khoản đưa qua Quỹ bác Tuấn, góp 1 lần hay tháng, quý... lúc nào có đều đáng quý. Trong DS bên web bác Tuấn sẽ góp dưới tên "Xóm Blogspot". Thông tin cụ thể tiền góp trong nhóm, tiền đi, đến nơi... Lana sẽ share với mọi người qua email chung nhóm.
Ai chung tay với nhóm xin email cho lana.nguyen2@gmail.com để Lana gởi số Tài khoản Bank và cùng chia sẻ những thông tin cụ thể tiếp sau.

Những tấm chân tình với các em biết thông tin qua blog Lana muốn góp tay cho dự án thẳng qua Quỹ bác Tuấn thì ở địa chỉ này nha bà con.

Lana mong dự án này sẽ lan tỏa. Cũng đợi một dịp nào đó cùng Tuyết Dim Mei đi đến một ngôi trường xa hơn nghèo hơn Suối Giàng cùng dự án 9 triệu và có entry chia sẻ với cả nhà.
Hugs.

p.s: 1) Đã email cho BeBo, Rita, Sông và HY, check mail nha các bạn yêu.
2) Lana xin đ/c email của AK7 + Việt, hoặc là hai ... (gì nhỉ, hihi) email cho lana.nguyen2@gmail.com để Lana có đ/c nhé. Thanks nhiều.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Bữa cơm có thịt

Đọc bài "Hôm nay lên suối Giàng" của Bác Trần Đăng Tuấn, thấy bữa cơm của các em học sinh vùng cao giống như những năm 1970s - 1980s thế kỷ trước.

4 mẹ con cô cháu nhà mình cùng đọc, chảy nước mắt thống nhất mỗi tháng mỗi người sẽ trích một phần số tiền tiết kiệm của mình xin góp chung dự án bữa cơm có thịt của nhóm bác Tuấn và bạn bè. Chỉ cần 100 ngàn đồng VN là 45 em nội trú cấp 2 ở một vùng kia có được một bữa ăn có thịt.

Có một tia nắng trong bài: một điều đẹp đẽ ấm áp (hiếm khi) về hai từ Đảng viên.

Nhân tiện cũng xin giới thiệu Blog Trần Đăng Tuấn (link). Bác Tuấn từng làm phó TGĐ Đài truyền hình VN (to vật), rồi bác í từ chức, chuyển qua làm TGĐ công ty nghe nhìn toàn cầu AVG là một Cty rất mạnh mà tư nhân. Xung quanh việc bác í từ chức một thời xôn xao rất nhiều tin bài, riêng mình ngưỡng mộ bác ấy vì tất cả những gì bác í làm, và cả quyết định thay đổi ấy nữa.

Tự nhiên cứ muốn tự hào ké là mình từng là du học sinh Nga lớp sau bác Tuấn.

-------------------------------------------------------------
(Trần Đăng Tuấn)

Sáng nay, lần đầu tiên lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ. Vào tuổi này, có lúc chợt lo là nhiều cái lạ ở đất nước, mình đã nghe, biết từ lúc còn là trẻ con, mà giờ chưa nhìn thấy tận mắt. Vậy có thời gian thì phải đi để biết. Nhưng quả thật thời gian là cái gần một năm qua mình có ít nhất. Cứ tiếp tục thế này thì cũng gay đây. Gọi cho Tiến trọc, rủ đi cùng. Tiến trọc chối đay đảy, rằng vừa lang thang một tháng (thằng cha này số sướng) ở Tây Nam bộ, nay phải cày kịch bản bù. Thì thôi vậy!

Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường học. Mấy trăm đứa trẻ con đang tập thể dục. Ngay cạnh đó là mấy dãy nhà nội trú của chúng nó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy trẻ con miền núi là mình mê. Cậu chủ quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên, cho biết: Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi tuần hai kg, và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ lục vấn mãi: Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì? Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế. Vừa lúc có một bác H Mông xách xô nước đi ngang, cậu chủ quán bảo: Đấy, ông này nấu cơm cho chúng nó đó. Thế là bọn mình đi theo luôn. Trèo tắt qua mấy dãy nhà trên đồi, đi thẳng vào cổng Ủy ban Xã Suối Giàng, rồi vòng ra sau nhà Ủy ban, thì có cái lều tường che gỗ ván, giữa có cái bếp đang đỏ lửa, ngoài cửa có cái chậu tắm lớn đầy những cái bát to bẩn chưa rửa. Một loại bát như nhau thôi. Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.

Hỏi: 80 đứa chỉ ăn cái nồi cơm này đủ à? Bác H Mông nói: Nồi to lắm đấy, 13, 14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi: Thế ăn cơm với cái gì? – Với canh rau... Bây giờ mới nhìn ra chỗ tối tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa. Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu, chứ không có trong bếp. Hỏi: Sao ít rau thế? - Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy - Thế có thịt cá ăn bao giờ không? - Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt.

Một nồi cơm (hy vọng là đủ) và một nồi canh rau cải (gồm xô nước vừa được xách lên, mấy bó rau, chắc ít muối, mắm, dầu mỡ cho vào nữa - nhưng quả thật bọn mình không thấy chúng được cất chỗ nào, chắc không có trong bếp vì sợ chó mèo hay ăn trộm chăng?). Đó là bữa ăn trưa cho 80 mầm non của đất nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. Tức là khi đất nước đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Là sau một năm tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là năm đầu của nhiệm kỳ Đại Hội 11 ..vv..và ..vv..

Bọn mình nói: Trưa nay bác mua thịt cho chúng nó ăn được không? Bạn mình đưa ít tiền. Mình đưa thêm nữa, hỏi: Đủ mua thịt chưa? Bác H Mong: Đủ chứ, đủ chứ. Chốc nữa lên xem chúng nó ăn thịt mà... Nói xong bác đi xuống chợ ngay, hình như chợ gần thôi, ở mé núi bên kia.
Lúc đi xuống, cậu lái xe vốn ít nói, văng ra: Mẹ, ăn uống thế này trẻ con sống thế nào được!

Sống thì chắc được thôi, nhưng mình nghĩ học khó vào lắm. Hồi đi học, lúc nào mình cũng muốn ăn, dù bố mẹ nuôi nấng đầy đủ hơn bọn trẻ con hàng xóm nhiều. Khi bắt đầu đi học đại học ở Thanh xuân, cả ngày thấy đói. Ăn tập thể, xong bữa, rửa bát cầm về, dọc đường từ nhà ăn đến phòng ở đã thấy thèm ăn nữa. Cơm không thịt ăn đủ suất rồi mà bụng cứ như chưa ăn. Ngồi trên lớp, lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Tối bọn chúng nó rủ sang phòng con gái tán, mình không đi, vì nhìn mặt con gái cũng thích nhưng đang nói chuyện tự nhiên thấy đói thì không thích gì nổi nữa. Mình hình dung sự thèm ăn là một thằng cha khả ố, nó cứ ngồi chồm chỗm trong người ta, lúc nào nó cũng nhắc là nó đang ở đây, ở đây... Nó cứ ngồi đấy thì cảm xúc không từ trong ra ngoài được, chữ nghĩa với toán, tính không từ trên bảng chui vào đầu được.

Từ bếp vào chỗ học sinh nội trú ở. Có giường tầng, mỗi buồng có bảng ghi ở cửa "Nhóm bản Lóp", "Nhóm bản...". Chăn chiếu bẩn lắm. Nhưng thôi, cái này mình nhìn thấy nhiều rồi. Được cái nhà cũng kín, mùa đông trên núi nhà kín là quan trọng nhất.

Sang bên khu nội trú (cũng dân nuôi) của trường trung học thì nhà cửa có vẻ tuềnh toàng hơn nhiều. Mùa đông thế này chết rét mất. Các cô giáo ở ngay cùng dãy với học sinh. Một cô khi từ dưới đi lên nhìn cứ tưởng học sinh, vì thấp nhỏ, mặc cái áo khoác trắng như đồng phục, đến nơi nghe cô ấy nói mới hiểu là cô giáo. Bếp chung luôn với khu giường tầng, cả hai bếp đều đỏ lửa hun hai cái nồi to đen, mở ra thấy một nồi cơm, một nồi canh bí. Mình tò mò cúi hẳn xuống nhìn, thấy mấy miếng xanh xanh cứ nhảy lộn tùng phèo trong đó (lửa rất to, ở đây không thiếu củi). Hình như cũng có ít váng mỡ. Hỏi: Thế có món gì nữa không hả cô? Cô giáo chỉ gói nilon nhỏ trên bàn, mình cầm lên xem, thì ra mấy miếng cá khô. Có 45 đứa cấp hai nội trú ăn ở đây, cũng tiêu chuẩn 5 ngàn/tuần. Nhưng bọn này có vẻ được ăn khá hơn lũ cấp 1. Các cô giáo bớt tiền lương của mình, cộng vào tiền bố mẹ góp, để mua thức ăn.

Theo nhẩm tính thì mỗi tháng 45 đứa có 900 ngàn tiền thức ăn (trừ gạo) do bố mẹ góp. Tiền các cô giáo cho thêm cũng chừng ấy nữa. Bình quân chúng nó mỗi đứa mỗi ngày có được 2.000đ tiền thực phẩm (bên cấp 1 chỉ 1 ngàn/ngày, như ông nấu cơm H Mong nói cho chúng tôi biết). Quy củ hơn bên cấp 1, bên này đều đặn mỗi tuần được một bữa ăn thịt. Cụ thể là: Mua dưới chợ 1 kg loại thịt rẻ nhất, rồi kho lẫn với đậu phụ (cái này mình biết rồi, hôm ở gần Mèo Vạc mình cũng nhìn trẻ con trường nội trú ăn cơm, thấy chúng nó ăn cái món gì cứ trắng trắng, mình cầm bát lên nhìn kỹ, thì ra là đậu phụ màu trắng có lẫn thịt mỡ bèo nhèo, cũng màu trắng, cái bát nhôm méo cũng trăng trắng nữa, hóa ra một món màu sắc như vậy. Hôm đó các thày cô giáo nói thật là có khách đến thăm nên mới thêm món đó, chứ theo lịch thì chưa đến ngày có món ăn mặn).
100 ngàn đồng, thế là cả khu nội trú có món thịt cộng đậu phụ kho. Còn như bây giờ, một tuần may ra chúng nó mới có một lần được như vậy. Mỗi anh em gởi Cô giáo ít tiền, để cô mua thêm thức ăn cho học sinh.

Lại nhớ đã 6-7 năm trước, làm Nối vòng tay lớn lần thứ hai hay thứ ba gì đó, mình cử mấy nhóm đi vào các miền nghèo. Mỹ Linh (Giờ vẫn dẫn Văn hóa- Sự kiện và nhân vật trên VTV3) đi mũi Tây Bắc. Cũng vào chỗ học sinh dân tộc nội trú, quay cảnh bữa cơm của lũ trẻ. Rồi hôm phát trực tiếp từ trường quay S9 Mỹ Linh nói, rằng chỉ cần 2 ngàn đồng/ngày cho mỗi đứa bé thôi thì hàng ngày chúng nó thì bữa ăn có màu sắc hơn, chứ bây giờ chỉ thấy có màu trắng của cơm và trắng của măng nấu muối... Rồi cô nàng không nén được, khóc nấc trước cả bao triệu người xem TV. Khóc thật sự, dù cố nén. Bằng ấy năm trôi qua. Năm vừa rồi là năm đầu tiên mình không còn chủ trì làm Nối vòng tay lớn của VTV. Nhưng hôm nay lên Suối Giàng, vẫn thấy bữa cơm như thế, rồi vẫn thấy con số 2 ngàn đồng thì mỗi ngày sẽ có thịt ăn, nhưng vẫn chưa có được cái hai ngàn ấy. Mà hai ngàn đồng cách đây 7 năm to hơn 2 ngàn đồng bây giờ lắm chứ.

Đi xuống, gặp cô H Mong trẻ bế con chắc mới 7-8 tháng tuổi, ngồi trên tảng đá. Hỏi ra mới biết từ bản xuống thăm con ở nội trú cấp một, đang đợi giờ tan học để gặp con. Và chắc đem 5 ngàn với hai cân gạo xuống nộp tiền ăn một tuần cho con. Đứa bé ngoan thật, người lạ bế cứ cười toe toét. Còn cô mẹ cũng hóm ra phết, mình hỏi đùa "Cho tao mang về nuôi nhé", thì trả lời "Ừ, cho đấy, đẻ đứa khác được mà!". Mấy anh em cho ít tiền gọi là mừng tuổi bé (mới tháng 8, khà khà..) thì đỏ mặt gạt ra, phải dúi vào tay mới chịu lấy.

Trên đường trở ra, mới tính kỹ: Để mỗi khu nội trú (một khu 80 đứa cấp một, bên kia 45 đứa cấp hai) ngày nếu một bữa có thịt kho lẫn đậu phụ, sẽ cần 2kg thịt cho cấp 1, 1kg cho bọn cấp hai, kèm đậu phụ nữa là 300 ngàn/ngày, hay là 9 triệu đồng/tháng. Mỗi năm sẽ cần 108 triệu đồng. Nếu cả hai bữa có thịt trong ngày thì cần gấp đôi: 18 triệu/tháng, hay 216 triệu/năm.
Nếu cứ như thế 10 năm, để 125 đứa học sinh này ngày nào cũng có món thịt kho kèm đậu phụ (chắc chắn học sinh được ăn cơm với tý thịt khác với học sinh chỉ ăn cơm với món canh loãng, vì tuổi ấy, chúng nó cần đạm lắm để phát triển não), cần có từ một tỷ hai đến trên hai tỷ bốn trăm triệu. Với bằng ấy tiền, 125 đứa trẻ con được ăn có đạm trong cả mười năm!. Với từng cá nhân thì đó là món tiền lớn rồi. Nhưng để có 125 đứa trẻ (à, sau 10 năm, đó là các cô cậu thanh niên chứ) khỏe khoắn, đầu óc sáng láng... thì thêm số tiền đó có gọi được là nhiều không?. 10 năm cơ mà, sau 10 năm, cả một thời đại công nghệ mới đã thay thế cái cũ trên thế giới này. Trong 10 năm ấy, ở chỗ này, nếu có từ 1 đến 2 tỷ (VNĐ đấy nhé, đừng nhầm sang USD mà phải tội) – giúp được trên 100 đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn, thông minh hơn để bước vào thời đại đó.
Mình biết nước ta nghèo (nói chung, rất chung thôi). Nhưng có nghèo đến thế không?.

Thôi, không nghĩ chuyện xa xôi, mình quyết định là về nhà, gọi ngay Tiến trọc và Thánh Cô để bàn về dự án cơm thịt kèm đậu cho 125 nhóc Suối Giàng này. Bước đầu là 1 bữa có thịt/ngày, hay còn gọi dự án 9 triệu. Kéo được thêm bạn bè thì chuyển càng nhanh càng tốt sang 2 bữa có thịt/ngày, hay dự án 18 triệu/tháng. Lạy giời, đừng có lạm phát hay tăng giá nữa nhé, mức ấy là mức thịt bạc nhạc rồi, không hạ cấp xuống được nữa đâu!
Hay là bàn với Tiến trọc và Thánh Cô lập hội những người bạn của trẻ con vùng cao?. Bây giờ có bao người đi phượt vùng cao, góp mỗi người một chút cho các nhóc. Lập trang web... Nhưng thôi, chuyện nhỏ làm được thì mới có khả năng làm chuyện to hơn.

Khi rời Suối Giàng được vài chục cây số, chợt nhớ chuyện không biết buổi sáng bọn trẻ con này nó có được ăn gì không. Nói với mọi người trên xe. Mỗi người đoán một kiểu, nhưng không ai dám chắc.
Về đến Phú Thọ, thì mình hiểu ra: từ lúc rời Suối Giàng đến giờ, tâm trạng xót và bi quan, có cả chút phẫn nữa, nhưng lại vẫn có một sợi gì đó ấm áp lẩn khuất, mà rõ ràng là từ các câu nói nghe được. Chợt nhớ lúc ở bếp trường cấp hai, mình hỏi cô giáo: Thế mỗi cô giáo phải bớt bao nhiêu tiền từ lương của mình để mua thức ăn cho các cháu?. Cô giáo trả lời: Dạ không giống nhau, người lương cao hay là Đảng viên thì góp nhiều hơn, giáo viên hợp đồng hay quần chúng thì góp ít hơn... Vậy là Đảng viên thì san từ lương giáo viên miền núi của mình số tiền nhiều hơn người khác để mua thức ăn cho học sinh. Quả thật, đã lâu lắm rồi, mình hiếm khi nghe được một điều đẹp đẽ như vậy về Đảng viên. Mà không phải nghe từ một diễn đàn hay khung cảnh hoành tráng nào. Mà nghe thì tin ngay. Nghe mà thấy lòng đỡ lạnh. Bởi mình cũng là đảng viên đã mấy chục năm rồi.

Về đến Hà Nội, mở máy ra viết dòng đầu của bài này, để gửi cho Tiến trọc, đấy, chính cái dòng "Hôm nay, lần đầu lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ"... mới nhớ ra là sáng nay tất cả đã quên chuyện xem cây chè. Đỗ xe xong, sà vào đám trẻ, bần thần cả người bởi chuyện ăn uống của chúng nó, lên xe về, chẳng ai nhớ mục đích của việc phóng xe lên đỉnh núi Suối Giàng.