Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

DỰ ÁN CÂY DÀI NGÀY GIỎ THỊ - cập nhật 09/2016

Bắt đầu từ những đứa trẻ Hmong Pa Cheo...
Qua những chuyến đi, qua thầy cô miền núi xã Pa Cheo huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai hiện ra là vùng trũng giáo dục của huyện Bát Xát nhiều năm liền. 94% hộ nghèo, 6% hộ cận nghèo tính theo tiêu chuẩn nghèo của VN, lạc hậu và đói nghèo. Nút thắt sự học ở Pacheo do xã quá nghèo lại quá xa cả hai trường Cấp 3 của Huyện, cha mẹ bán hết mùa ngô cũng không thể có nổi vài trăm ngàn cho một đứa trẻ ra khỏi bản đi học.
Suốt nhiều năm Pacheo không thể có con em mình đi học sau lớp 9. Nhiều nhất chúng chỉ học hết cấp 2 trường xã rồi nghỉ học, lại bẻ ngô, chăn trâu thuê, lấy vợ lấy chồng, đẻ con, đói nghèo.
Bắt đầu từ 11.2012 Giỏ Thị nhận hỗ trợ ba bạn đầu tiên của Pacheo đi học cấp 3 tại Bản Vược huyện Bát Xát - trường PTTH số 2 Bát Xát cách Pa Cheo 40 km. Lứa tiếp theo được Giỏ Thị đón đỡ trọn vẹn từ lớp 9 trong xã Pacheo xuống Bản Vược, được đi "Em Về Hà Nội" - ban đầu có 18 bạn nay còn 11 bạn kiên trì học tập và tháng 7 này chính thức Tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Mong muốn để những đóng góp hỗ trợ không ngừng nghỉ được tới thành quả, Giỏ Thị hỗ trợ cho các em tiếp tục học nghề, đi làm nuôi sống bản thân; làm gương/ động lực kéo các lứa sau trẻ em vùng núi nghèo đi học, có chữ, có tri thức, có nghề, dần dần dần dần giúp gia đình mình, giúp thôn bản mình thoát lạc hậu đói nghèo.

Khóa đầu, Vềnh và Sử hiện đang học Trung cấp Y Lào Cai

Thâng 6/2016, trước dịp tốt nghiệp, đại diện Giỏ Thị lên làm việc với trường Cấp 3 Bản Vược. Dưới đây là "lớp tri thức nguồn Pa Cheo thứ hai", bản đăng ký học nghề của 13 học sinh Giỏ Thị năm nay tốt nghiệp phổ thông: 11 bạn Pacheo và hai bạn trong nhóm học sinh hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt ở các xã khó khăn khác của huyện Bát Xát, và Bảng cập nhật việc học/ nhập học thực tế đến tháng 9/2016.
Việc chọn nghề được các TNV Giỏ thị phối hợp với Nhà trường Bản Vược tìm hiểu, phối hợp với các trường đào tạo nghề và tư vấn tận tình cho từng con, cố gắng khả năng các con có việc làm sau khi ra nghề.



Và đây là bảng theo dõi thực tế tình hình học - đăng ký học - nhập học của 13 cháu tốt nghiệp năm nay - cập nhật Tháng 9/2016

Việc huy động Quỹ ủng hộ chủ yếu qua trang facebook "GIỎ THỊ CHO TRẺ VÙNG CAO". Mọi thông tin về các khoản ủng hộ, cập nhật quỹ, chi tiết các khoản thu chi được thực hiện thường xuyên, công khai trên trang FB Giỏ.
Điều đáng khích lệ là sau 03 năm học các em hiểu biết, tự tin lên nhiều. Ngày từ Pa Cheo ra đứa trẻ nào nhìn cũng buồn buồn, rụt rè, ít cười ít nói. Còn bây giờ, Trang A Chính - lớp công nghệ ô tô Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc kể "Hôm đi xuống trường, chưa dám nghĩ được hỗ trợ, bố em bán hết ngô cho em mang theo được 1,5tr đồng nộp học, không đủ, bố bảo thôi về thôi. Nhưng em nói với bố nhà đã nghèo rồi phải học để còn thoát nghèo".

Hiện Giỏ duy trì quỹ hỗ trợ các cháu, với những cách chung tay của bạn bè nhóm Giỏ:
- Một số người CHỌN ĐỠ ĐẦU CÁ NHÂN (01 hay một số em)
- Các anh/chị/bạn khác chọn GÓP CHUNG QUỸ GIỎ cùng hỗ trợ theo cách "cùng góp sỏi thành đống sỏi".

Mạnh thường quân đỡ đầu cá nhân chọn hình thức hỗ trợ trực tiếp hoặc gửi gói thông qua Giỏ Thị. Trường hợp đề nghị hỗ trợ trực tiếp Giỏ sẽ kết nối, tiền học phí và ăn ở người bảo trợ có thể đóng trực tiếp cho trường các con học, tuy nhiên vẫn yêu cầu có sự chia sẻ thông tin, phối hợp cùng nhóm để theo dõi hướng dẫn các con và có cộng đồng.

Xin thay mặt nhóm và các cháu nhận sự ủng hộ và cảm ơn những tấm lòng.



 Lý A Cở và Sùng A Lừ học nghề Nấu ăn Á, Trung cấp KT và DL Hoa Sữa, Hà Nội

Trang A Chính nhập học nghê công nghệ ô tô, Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc

 Lý Thị Xúa nhập học Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên


Lý A Cở sau 2 tháng học nghề



MÁ THỊ DÍNH - VIẾT TIẾP VỀ SỰ HỌC THOÁT NGHÈO Ở PA CHEO

Có những tia sáng lặng lẽ lan toả theo thời gian
đọng thành giọt nắng ấm trả cho những tấm lòng.

Xin chia sẻ với cô bác anh em Giỏ Thị câu chuyện này:
Khoá học sinh huyện biên giới Bát Xát (tỉnh Lào Cai) Giỏ Thị đỡ đầu năm nay tốt nghiệp Cấp 3 có hai bạn Lý A Cở và Sùng A Lừ cùng người Hmong xã Pa Cheo do nóng lòng đã bắt xe xuống Hà Nội nhập trường Trung cấp nghề Hoa Sữa từ 15/7 dù cô Lana thông báo khoá học khai giảng đầu tháng 8. 02 ngày sau, 17/7 bác Má A Páo xã Pa Cheo (người Hmong Pa Cheo làm Chủ tịch xã 2010 đến 2014) đưa con gái là Má Thị Dính xuống Hà Nội xin cho con cùng học khoá nấu ăn 12 tháng ở Hoa Sữa như các bạn.
Má Thị Dính học cấp 2 trường xã thì nghỉ học. Dính cùng tuổi với Lý A Sử, trước Cở và Lừ 1 năm, tức là tới năm Dính tốt nghiệp Cấp 2 thì cả xã Pacheo trẻ con chỉ học hết Cấp 2 là nghỉ ở nhà chăn trâu bẻ ngô lấy vợ lấy chồng. Dính cũng vậy.
Chuyện Pa Cheo bao nhiêu năm không có nổi học sinh lên Cấp 3 do dân Pa Cheo quá nghèo mà xã quá xa trường Cấp 3 của huyện chỉ được nhóm Giỏ Thị biết đến vào cuối 2012, khi thầy giáo Đỗ Quốc Minh ở xã cố gắng tiếp cận kể cho nhóm chuyện cậu học trò nghèo Lý A Sử thầy động viên xuống Bản Vược học lớp 10 được hơn 1 tháng thì phải bỏ học vì không có đủ 50 ngàn thuê nhà 1 tháng và 20 ngàn đóng học.
Năm đó, ngoài Sử, Giỏ Thị giúp được 2 bạn nữa của xã Pacheo học Cấp 3 Bản Vược là Phàng A Măng và Cứ A Vềnh. Giờ Vềnh và Sử đang học năm thứ 2 Trung Cấp Y Lào Cai.
Sau 4 năm, số các bạn nhỏ từ xã Pacheo học tiếp Cấp 3 đã vượt con số 40, thầy Sa Anh, người thầy 30 năm gắn bó với giáo dục Lào Cai mỗi khi bắt tay anh chị em Giỏ Thị lại nói với niềm hy vọng ấm áp "đã thấy những tri thức nguồn của Pa Cheo".
Dù vậy, trong hàng chục bạn 'nguồn dẫn đường' ấy số bạn gái đếm chưa qua nổi một bàn tay. Nhiều bạn gái không biết để muốn đi học, một số bạn khác muốn nhưng không được cho đi, có bạn đang học phải nghỉ làm rẫy giúp cha mẹ, lấy chồng, sinh con.
Má Thị Dính có bố Páo lặng lẽ để ý các bạn Pa Cheo được Giỏ Thị đỡ học Cấp 3, hết Cấp 3 được đi học nghề lại nghe ra trường sẽ được giới thiệu việc làm, bố quyết định tự đưa em xuống Hà Nội xin học.
Thầy cô Hoa Sữa khen Dính chăm học và ngoan.
Cô bé có khuôn mặt sáng, hiền, nghị lực và nụ cười rất tươi.
Nhà em Pa Cheo cũng rất nghèo.
Nhóm Giỏ Thị quyết định bổ sung Dính vào danh sách hỗ trợ như các bạn, con gái ạ. Hãy làm tấm gương để người Pacheo, các lứa trẻ Pacheo biết phấn đấu vươn lên, học tập, học nghề, thoát nghèo thoát lạc hậu cho bản thân, và dần dần, cho vùng đất ấy.


Buổi gặp mặt với cô bác Giỏ Thị 17/9/2016 cùng các bạn Bát Xát - Hoa Sữa (hàng ngồi), Dính thứ ba từ trái qua, trước chú Hoang L. Doan và chú Vu Anh Nguyen