Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Thông báo Giỏ thị và các hoạt động

Entry này gởi tới bà con tổng kết các hoạt động của Giỏ thị và số tiền hiện có trong các ngăn Giỏ tính đến 15/7/2013. Từ sau 15/7/2013 sẽ có entry riêng cập nhật sắp tới.
* Entry Kết Giỏ gần nhất bà con coi tại đây.
* Tất cả các khoản thu chi và các con số chi tiết được ghi trong file Giỏ (Excel) được chuyển theo tháng tới TẤT CẢ Giỏ thị viên (những ai đã từng đóng góp cho ít nhất 1 lần, ít nhất một trong các ngăn Giỏ). Lần gần nhất file Giỏ chuyển ngày 15/7/2013.
* Từ 15/7/2013 trở về sau, Giỏ thị chuyển toàn bộ các ngăn Quỹ sang một TK mới lập riêng cho Giỏ, Lana (lana.nguyen2@gmail.com) và bạn Phương (Mẹ Mốc Mít - mocmit2002@yahoo.com) cùng đứng tên, thống kê và cùng giám sát. File Excel cũng sẽ được lập mới tính từ mốc này. Mỗi tháng sẽ tổng kết cập nhật chi tiết thu chi của Giỏ trong tháng và xin phép chỉ chuyển cập nhật tới những ai góp trong 03 tháng gần nhất để tránh spam hộp thư những người ít liên quan tới kỳ thống kê.

Giỏ thị hiện bao gồm 03 ngăn giỏ: 01) Ngăn Giỏ ủng hộ Cơm Có Thịt, 02) Ngăn Giỏ Áo ấm, 03) Ngăn Giỏ hỗ trợ đặc biệt, cụ thể như sau:

A. Ngăn giỏ Ủng hộ Cơm có thịt (CCT) là ngăn Giỏ thị đầu tiên, khởi nguồn từ bài viết "Hôm nay lên Suối Giàng" của bác Trần Đăng Tuấn, Nhóm bạn Blog kẻ ít người nhiều góp chung một Quỹ nhỏ chuyển qua Quỹ CCT ủng hộ kết hợp với thầy cô tổ chức bữa cơm trưa cho các em bé miền núi nghèo tại trường học.
Sau đợt đóng góp đầu tiên, bà con Giỏ thị khi có tiền ủng hộ lại gởi về Giỏ, hết mỗi Quý Ngăn giỏ cho CCT lại gom chung chuyển qua Tài khoản CCT.

Tổng cộng từ 9/2011 đến nay, Giỏ thị viên đã cùng góp Giỏ thị ủng hộ Cơm có thịt, gom theo quý và chuyển qua Quỹ CCT cho các cháu tổng cộng 8 đợt với số tiền 4,075 USD + 93,487,690 VNĐ. Các khoản đóng của Giỏ đều được Quỹ CCT confirm nhận trong thông báo và sao kê ngân hàng của CCT tại địa chỉ trandangtuan.com, có thông báo lại trên mỗi entry tổng kết Giỏ.
Tính từ lần public Kết giỏ gần nhất ngày 2/4/2013, Ngăn Giỏ ủng hộ CCT nhận được thị từ các bạn sau:
- Hai bạn Quyên - Diễm USA (ủng hộ lớp học Lồ Sử Thàng)
- Bạn Lưu Hoa ủng hộ theo tháng (ngày 9/4, 8/5 và 113/6 và 8/7)
- Lana (10/5)
- Huyền Pha Linh (22/5 và 15/7)
* Đợt 8 từ 4/2013 đến hết tháng 6/2013 đã chuyển 300USD ủng hộ Lồ Sử Thàng và 5.653.000 vnđ cơm thịt qua Quỹ CCT (sao kê trên trang website CCT trandangtuan.com, ngày 4/7).
* Đợt thứ 9 bắt đầu từ 5/7/2013 đến hết tháng 9/2013. Số tiền hiện tại trong Ngăn Giỏ CCT là 1,500,000 vnđ

B. Ngăn giỏ Áo ấm
Một việc Giỏ thị làm mỗi mùa đông lạnh là cùng nhau quyên góp 2 đến 3 đợt đem áo ấm, cá khô, đồ dùng học tập... lên cho các em bé vùng cao theo từng chuyến đi. Áo ấm và vật dụng ủng hộ được chuẩn bị trước theo số lượng học sinh từng điểm bản và được trao tận tay các em và thầy cô. Ngăn áo ấm gom quyên góp và chi cho từng đợt tổ chức đi trao quà/ áo.

Đã có 06 chuyến ủng hộ tận nơi 3654 áo ấm (575 + 950 + 1684 + 445) và vật dụng thiết yếu cho gần 4000 em học sinh ở 2 xã thuộc huyện Bát Xát, 7 xã thuộc Mường Khương (Lào Cai) và 01 trường thuộc xã Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu), tổng chi 6 chuyến là 329,596,000 vnđ (bao gồm 3,500.00 USD quy đổi và tiền vnđ), (xin đọc ở đây, ở đây, và ở đây).
Tính từ lần public Kết giỏ gần nhất ngày 2/4/2013, Ngăn Giỏ Áo ấm nhận được thị từ các bạn:
- Bạn Diệu Khanh (08/7)
- Bạn Huyền VNA (15/7)
** Số tiền hiện tại trong Ngăn Giỏ Áo ấm là 1,000 USD + 20,989,385 vnđ

áo ấm đến các em bé Mầm non bản Huổi Chát 1, xã Nậm Manh, huyện Mường Tè, Lai Châu

Sân trường Lồ Sử Thàng, huyện Mường Khương, Lào Cai 1/2013


Sân trường Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu

Vui quá ạ cháu có áo mới và dép mới (phân bản Tiểu học bản Bãi Bằng xã La Pan Tẩn huyện Mường Khương)

C. Ngăn giỏ Hỗ trợ đặc biệt hình thành khi dọc đường công việc CCT / Áo ấm các TNV gặp những em bé mồ côi, nghèo hiếu học, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt mà các TNV có thể trợ giúp/ kết nối trợ giúp trong khả năng. Đây là những 'dự án' rời của các TNV kết hợp với CCT hoặc các nhóm khác, hoặc giúp cá nhân, và tin cậy ủy quyền cho Giỏ thị giữ Giỏ và theo dõi.
Để không lẫn với các chi tiêu hoạt động chung, các trường hợp này các cá nhân tự nguyện hỗ trợ theo nhóm cho từng hoàn cảnh cụ thể. Giỏ thị lập ra một ngăn riêng để hạch toán minh bạch từng 'dự án riêng'.
Về thu, chi của từng dự án được cập nhật và gởi đầy đủ chi tiết trong file excel Giỏ thị trong từng ngăn Giỏ riêng và chuyển email nhóm tới tất cả các cá nhân đóng góp.

Hiện có các nhóm 'dự án' sau:
1) Quỹ Măng - Vềnh - Sử
Măng, Vềnh, Sử là ba em HS đầu tiên của xã Pacheo học lên cấp 3. Trường cấp 3 gần nhất cách xã gần 40km. Trước đây do Pacheo quá nghèo không thể lo tiền trọ và gạo, toàn bộ trẻ em Pacheo chỉ học hết lớp 9 là nghỉ ở lại bản, làm nương, lấy vợ lấy chồng sớm, lại nghèo. Dự án này hỗ trợ các em tiền trọ, tiền gạo và một số vật dụng thiết yếu nhất cho sinh hoạt để theo học lên cấp 3. Năm học 2012-2013 hỗ trợ ba em Măng - Vềnh - Sử, năm học 2013-2014 con số tăng lên 18 em học sinh Pacheo tại cấp 3 Bản Vược huyện Bát Xát, Lào Cai.

TNV tại chỗ cho dự án Măng - Vềnh - Sử là các thầy cô giáo tâm huyết của Cấp II Pacheo, đại diện là thầy giáo Minh, email doquocminh86@gmail.com, đt 0168210151.

Hiện nhóm đang bắt tay kêu gọi dự án xây nhà nội trú trong khuôn viên trường cấp 3 Bản Vược cho nhóm học sinh này (xin đọc tại đây). Chi tiết ủng hộ DA nhà nội trú Pacheo sẽ được cập nhật trong những entry riêng sắp tới dọc theo dự án. 

2) Giúp bé Ly Pacheo khám/ chữa bệnh động kinh: Bé Ly là cô bé xinh xắn, trước đây thường có biểu hiện ngất, lơ mơ trong lớp học, vì bị dân bản, bạn bè nghĩ là 'ma làm', mặc cảm, bỏ học. Năm 2012 bé được các cô bác TNV CCT - Giỏ thị giúp đưa về Hà Nội và nhóm Bác sĩ nội trú Hà Nội (bacsinoitru.vn) nhiệt tình khám, định bệnh, kết nối chương trình của Quóc gia hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị lâu dài. bé Ly đã khỏe lên nhiều, xinh xắn, tự tin, hiện là nữ sinh lớp 8 trường Cấp 2 Pacheo.



3) Giúp bé Lượng mổ hàm ếch:
Bé Lượng là con đầu của cặp vợ chồng trẻ làm nông ở một xã thuộc Nam Định. Bé sinh ra bị dị tật bẩm sinh (hở môi, hở hàm ếch) thể nặng. Để có nụ cười như các em bé khác bé Lượng sẽ phải trải qua ít nhất hai ca mổ (môi, hàm ếch).
Hiện nay nhóm cá nhân thông qua Giỏ thị chung góp giúp bé chi phí điều trị và sữa để đủ điều kiện phẫu thuật (bé cần trên 6 tháng tuổi và cân nặng ít nhất 6kg). Bác sĩ Kiên (nhóm bacsinoitru.vn) - người đã kết nối CCT giúp bé Ly Pacheo đang tích cực giúp để bé Lượng được Chương trình 'Nụ cười cho em' (Operation Smile) phẫu thuật miễn phí.

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

SỰ HỌC Ở PA CHEO (Phần 3)

"Chúng ta hiểu ra được tầm quan trọng của ánh sáng khi chúng ta nhìn thấy bóng tối.
Một đứa trẻ, một thầy giáo, một cuốn sách và một cây bút có thể làm thay đổi cả thế giới".
(Malala Yousafzai 16 tuổi người Pakistan trong bài nói tại Liên Hợp Quốc vào ngày 12/7/2013 (link))

* Bài trước: SỰ HỌC Ở PACHEO (phần 1)
* SỰ HỌC Ở PACHEO (phần 2)
* THƯ CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG CẤP 2 PACHEO

(tiếp theo) Trong hai năm qua sự học ở Pacheo có luồng không khí mới nhờ sự hỗ trợ chăm lo từ những tấm lòng với trẻ vùng cao, xin điểm qua:

Mầm non: Từ năm học 2011-2012 phong trào CCT do nhà báo Trần Đăng Tuấn và những người bạn của ông khởi xướng mục tiêu chính là phối hợp với nhà trường, thầy cô tổ chức bữa cơm trưa cho các em bé miền núi nghèo để 'kéo các em đến lớp, đến chữ'. Mầm non Pacheo được CCT hỗ trợ bữa ăn trưa tại tất cả các điểm bản trong xã. Chương trình có thể coi là hoàn thành sứ mệnh khi hiện nay Nhà nước hỗ trợ khoản tiền ăn trưa này.

Tiểu học (Cấp 1): Dự kiến từ đầu năm học tới, qua kết nối của CCT, tổ chức du học sinh và người Việt định cư tại Nhật Bản lấy tên CCT Nhật sẽ tài trợ đều đặn bữa cơm trưa cho gần 400 em bé ở 1 điểm trường chính và 5 phân hiệu Tiểu học ở 5 bản của xã Pacheo. Bạn sẽ hiểu điều này là hết sức ý nghĩa nếu đọc qua "Chiếc cặp lồng cơm" (Lana)"Tạm biệt con gái yêu..." (Đõ Hương Giang CCT Nhật).

Trung học cơ sở (Cấp 2): Bên cạnh bữa cơm ở lớp, từ 2011 các nhóm thiện nguyện độc lập như Gánh Hàng Xén/ Giỏ thị... mỗi năm lại có những chuyến lên Pacheo đến từng lớp học cả Mầm non, Tiểu học, và Trung học cơ sở tặng quà góp phần động viên trẻ đến trường. Còn nhớ mùa đông năm ngoái đọc thư thầy Cường Hiệu trưởng trường Cấp 2 Pacheo viết về (đọc ở đây) xin nhờ các anh chị "quyên góp ủng hộ 233 chiếc áo ấm mùa đông dù là cũ hoặc đã qua sử dụng đều được" cho học sinh của mình để các em đừng bỏ học vì rét, thương quá, bác Bình BeBo khởi xướng, thế là Giỏ Thị góp 233 áo ấm mới gởi kịp lên ngay trước Tết để mỗi em có một áo ấm mới mặc Tết (ở link này). Những bức hình dưới là không khí thầy cô trò khi nhận quà áo ấm lên trường:

Áo ấm lên trường Cấp 2 Pacheo dịp Tết 2013. Đứng phía sau học sinh của mình là thầy Cường hiệu trưởng (phải) và thầy Thanh hiệu phó Cấp 2 Pacheo (trái).

Kết quả của nhiều người nhiều nhóm chung tay từng việc nhỏ tưởng như không đáng kể đã tạo nên sự khích lệ lớn với việc dạy và học ở Pacheo. Nhưng 'theo' thì biết vẫn còn điều trăn trở lớn của các thầy cô: Các em đi học đến hết cấp 2 là đồng loạt nghỉ ở nhà vì không có tiền trọ tiền gạo đi học cấp 3 xa nhà, không có quần áo tươm tất như các bạn. 14, 15 tuổi nghỉ học ở nhà làm nương, lấy vợ lấy chồng, lại quanh quẩn với nghèo, với đói. Bao nhiêu chữ bao nhiêu công lao các thầy cô dạy được trong mấy cấp học rồi cũng rơi rụng, chỉ hơn cha mẹ là nói được cái tiếng Kinh.

Thế là, như ở phần 1 đã viết, cùng với sự chung tay của các thầy cô Cấp 2 Pacheo, nhóm TNV Giỏ thị đóng góp cá nhân để 'đưa các em đi học cấp 3' như một dự án nhỏ chung với phong trào hỗ trợ sự học ở Pacheo cho 'tới đầu tới đũa' (nhóm hỗ trợ Măng-Vềnh-Sử). Một năm qua nhóm lặng lẽ thực hiện chưa dám kêu gọi rộng vì chưa dám chắc 3 em đầu tiên của Pacheo có trụ được theo học lâu dài hay không. Đến nay bước đầu đã có kết quả khích lệ: Ba 'anh' kiên trì bám học; Thầy cô trường cấp 2 Pacheo lấy gương 3 anh và sự giúp đỡ của các cô bác để động viên các em lứa sau lên học tiếp. Năm học này có 15 trong số 40 học sinh Pacheo tốt nghiệp cấp 2 lên học cấp 3, nâng tổng số HS Pacheo tại Bản Vược lên 18 em, trong đó có hai em nữ. Thầy Cường Pacheo nói đó là một 'sự đột biến' hạnh phúc (thư Thầy Cường gởi về CCT ở đây).


Những học sinh đầu tiên của Pacheo lên học cấp 3 trong 10 năm trở lại đây chụp chung với đoàn các bạn teens Hà Nội trước dãy phòng trọ thuê gần trường cấp 3 nơi các em theo học.

Trái: TNV Giỏ thị và thầy giáo Minh nói chuyện với các em lớp 9 cuối cấp 2 Pacheo (3/2013); Phải: Các em giơ tay hứa quyết tâm học tiếp lên cấp 3, khá nhiều cánh tay giơ cao, bên cạnh đó một số cánh tay vẫn lăn tăn rụt rè.

Lý Thị Dở và Lý Thị Súa - Hai bé gái người H'Mong đầu tiên từ xưa tới nay của Pacheo lên học cấp 3 tại Bản Vược năm học 2013-2014. Bạn có thể nhận ra hai 'cánh tay rụt rè' ngồi đầu bàn số 1 và 2 lớp 9 năm ngoái ở xã nhà (hình trên).

Vậy là có ánh sáng hy vọng tương lai Pacheo sẽ có những tri thức sinh ra lớn lên ở Pacheo, biết cái tập tục của người Mông, nói cái tiếng người Mông, được đi học có đủ kiến thức để quay trở về trợ giúp bản thân, gia đình và bản làng đỡ đói nghèo lạc hậu.

Dự án sắp tới: Nhà nội trú hỗ trợ HS Pacheo học cấp 3 do Giỏ thị đề xuất và thực hiện.

Dự tính theo đà tiến đều vài năm nữa con số học sinh Pacheo học cấp 3 ổn định ở mức 40 đến 50 em (3 khối lớp). Hiện nay đang hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê trọ và gạo ăn bởi cả Pacheo đều nghèo, nếu không có hỗ trợ các em sẽ không thể trụ học. Tin vui là đã có chính sách từ năm học 2013-2014 học sinh xã miền núi khó khăn học cấp 3 được Nhà nước trợ cấp 500 - 550ngàn/tháng/em (chi phí tiền học chiếm một phần số tiền này) và 15kg gạo, như vậy khi chính sách này được triển khai, khó khăn ngăn trở các em Pacheo học lên cấp 3 chủ yếu còn là kinh phí thuê nhà trọ. Đấy là lý do nảy ra ý tưởng xây nhà nội trú cho HS Pacheo, nhất là khi được sự ủng hộ nhiệt thành từ thầy hiệu trưởng trường Cấp 3 nơi 18 HS Pacheo hiện nay theo học: Trường cho đất làm nhà trong khuôn viên của trường đủ để xây 4 gian nhà cấp 4 và công trình phụ.

Phương án thực hiện:
Ba bên chung tay: Trường cấp 3 cho đất làm nhà; Giỏ thị kêu gọi quyên góp tiền xây (giúp kinh phí); Trường Cấp 2 Pacheo giúp trực tiếp thực hiện công trình (thuê nhân công, mua vật liệu xây dựng và phân công thầy giáo Đỗ Quốc Minh trực tiếp giám sát công trình). 


Theo tính toán sơ bộ, kinh phí thực hiện xây nhà khoảng 150 triệu vnđ, chưa kể phát sinh. Hiện nay Trường Cấp 2 Pacheo đang phối hợp làm bản vẽ và dự trù kinh phí chi tiết. 
Ngay sau đó sẽ có cuộc gặp 4 bên tại Cấp 3 Bản Vược: 1) Đại diện nhóm Hỗ trợ và Giỏ thị, 2) Bên thực hiện (Cấp 2 Pacheo), 3) Bên cho đất xây nhà trọ (Cấp 3 Bản Vược), và 4) Đại diện chính quyền xã Pacheo (chính quyền/ con em được thụ hưởng từ dự án). 

Thông tin dự toán và từng bước thực hiện sẽ được cập nhật kịp thời trên Blog Giỏ thị.

BÀ CON MÌNH ƠI,
Lana cùng Giỏ thị xin chính thức kêu gọi sự động viên ủng hộ ý tưởng và vật chất cho nhà nội trú cho HS Pacheo. Lana xin nhận trách nhiệm cá nhân về việc từng đồng đóng góp cho dự án này sẽ được chuyển đến đơn vị thực hiện theo từng bước tiến độ công trình, cùng nhóm thường xuyên liên hệ giám sát việc xây dựng và cập nhật công khai chi tiết thông tin thu, chi cho dự án trên blog Giỏ thị.

Dự tính công trình hoàn thành trong hai tháng. Hy vọng chúng ta sẽ sớm thấy một căn nhà mới và những nụ cười phấn chấn đi học của các em bé Pacheo.

Giỏ thị hiện có TK riêng do Lana và Mẹ Mốc Mít (FB Phuong Nguyen Lien) đồng đứng tên và theo dõi (có trong file excel chi tiết thu chi của Giỏ số mới nhất cho những ai ít nhất một lần đóng góp cho Giỏ).
Bà con ai có lòng chung với Giỏ thị ủng hộ cho nhà nội trú Pacheo xin email cho Lana lana.nguyen2@gmail.com và/hoặc Mẹ MM mocmit2002@yahoo.com để có thông tin Tài Khoản Giỏ thị. Xin thay mặt Giỏ thị cùng thầy trò Pacheo cảm ơn bà con thật nhiều.
Lana.
Thầy Sa Anh (giữa hình), hiệu trưởng trường Cấp 3 số 2 Bát Xát giới thiệu với nhóm TNV CCT - Giỏ thị khu đất dành xây nhà nội trú cho học sinh Pacheo bên cạnh khu nhà tương tự của nhóm học sinh Y Tý (một xã khác thuộc Bát Xát cũng không có cấp 3 gần nhà)


Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Làn gió mát - với sự dạy và học ở Pacheo

THƯ CẢM ƠN TỪ TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ PACHEO

Kính gửi các anh chị trong đoàn tình nguyện "Cơm có thịt",
Trong 2 năm qua chương trình "Cơm có thịt" đã phủ song tới Pa Cheo. Đã có trên 200 học sinh trường Mẫu giáo được nhận hỗ trợ tiền ăn trưa, hơn 300 học sinh trường Tiểu học, và hơn 200 học sinh trường THCS được các anh chị hỗ trợ đồ dung cá nhân. Từng chiếc ủng, từng chiếc áo đến những chiếc chăn mùa động, chiếc bát ăn cơm đã mang lại sự ấp áp, niềm vui cho cả phụ huynh, các thầy cô giáo đến cán bộ địa phương của xã nơi vùng cao khó khăn này.

Trong năm học vừa qua nhờ có sự ủng hộ giúp đỡ của các anh chị đã giúp cho bao nhiêu học sinh nghèo tự tin đến lớp. Những năm trước tỷ lệ huy động học sinh đi học hàng ngày chỉ đạt khoảng 70%. Từ khi có chương trình giúp đỡ nói trên việc huy động học sinh đến trường thực hiện tốt hơn học sinh tự giác đến lớp nâng tỵ lệ đi học thường xuyên lên 90%. Học sinh rất thích đến ở nội trú tại trường những năm học trước chỉ đạt 40% học sinh toàn trường ở nội trú thì đến năm nay đã đạt trên 70%. Từ đó chất lượng giáo dục cũng được nâng lên toàn diện học sinh ngoan lễ phép và có kỹ năng sống tốt hơn, các em đã biết tự chăm sóc bản thân, giao tiếp với người khác tự tin lên rất nhiều. Năm học 2012-2013 chất lượng học lực được nâng cao với 4 học sinh giỏi, 41 học sinh khá. Đặc biệt hơn nữa Pa Cheo năm nay đã được biết đến với 1 học sinh giỏi môn Hóa lớp 8, 1 học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 cấp Huyện, Đạt thành tích đứng đầu về số lượng học sinh giỏi các môn văn hóa cấp huyện các trường vùng cao khó khăn.

Đã từ lâu Pa Cheo cũng vô cùng khó khăn khi huy động học sinh tốt nghiệp lớp 9 tiếp tục học cấp III. Sau 6 năm từ 2006 thành lập trường cho đến năm 2011-2012 mới chỉ có 3 học sinh đi học cấp III chính quy và được "Cơm có thịt" giúp đỡ rất nhiều. Nguyên nhân chính là do đi học xa nhà gần 40km . Gia đình lại quá kho khăn đông con không thể lo cho các cháu đi học được. Năm học 2013-2014 Tiếp tục nhờ chương trình “ Cơm có thịt” giúp đỡ thuê nhà ở mua các đồ dùng nấu ăn cho các em. Nhờ đó đến nay đã có 15/40 học sinh tốt nghiệp đi học cấp III, đó là một kết quả đột biến đối với học sinh Pa Cheo từ trước đến nay. hiện nay nhà trường và UBND xã cũng đang tiếp tục huy động, làm hồ sơ cho các cháu đi học.

Vừa qua chương trình "Cơm có thịt" có kế hoạch xây 4 phòng ở nội trú cho riêng học sinh Pa Cheo đi học tại trường cấp III. Việc này trường THCS đã báo cáo với Đảng ủy- UBND xã, truyền tải những mong muốn, nguyện vọng của các anh chị trong đoàn tình nguyện. Lãnh đạo Đảng Ủy- UBND xã hoàn toàn ủng hộ và cảm ơn tấm lòng của các anh chị tình nguyện giúp đỡ cho học sinh nghèo Pa Cheo. UBND xã sẽ họp xem xét cùng chung tai với các anh chị trong điều kiện có thể, trường THCS cũng sẽ góp công sức cùng các anh chị sớm hoàn thành kế hoạch. Lãnh đạo Đảng ủy- UBND xã cũng mong muốn các anh chị sớm triển khai chương trình như trên cũng như tiếp tục giúp đỡ về đồ dùng cá nhân cho học sinh trường THCS để các cháu học sinh yên tâm học tập, giúp cho phong trào giáo dục của xã ngày càng phát triển hơn.

Xin trân trọng cảm ơn tấm lòng của các anh chị!
HIỆU TRƯỞNG
Đã ký

Phương Việt Cường

Note: Xin nói thêm cho rõ, việc xây nhà nội trú cho học sinh Pacheo theo học cấp 3 là ý tưởng do Giỏ thị đề xuất và sẽ đứng ra thực hiện. Đây là dự án riêng trong phong trào chung CCT, được CCT ủng hộ chủ trương nhưng toàn bộ kinh phí sẽ do nhóm TNV hỗ trợ Măng - Vềnh - Sử phối hợp với Giỏ thị đứng ra kêu gọi đóng góp của các cá nhân, những tấm lòng quan tâm tới sự học của các em bé Pacheo mà không dùng tới Quỹ của Cơm có thịt.

Xưa nay những đợt áo ấm do Giỏ thị thực hiện giúp trẻ em miền núi cũng được thực hiện tương tự: Giỏ thị quyên góp , hạch toán riêng, công khai thu chi trên blog Giỏ thị và thông tin chi tiết qua email chung của toàn bộ Giỏ viên, tuy vậy vẫn đứng chung trong phong trào CCT và có sự bàn bạc, thống nhất về chủ trương và địa bàn thực hiện với bác Tuấn - người khởi xướng và 'làm CCT'. Lý do đơn giản và rõ ràng: CCT là phong trào nhân văn, đang phủ sóng bữa ăn tại trường cho trẻ em dọc nhiều vùng khó khăn biên giới phía Bắc, có đủ thông tin tư vấn cho các nhóm muốn chung tay vì trẻ em miền núi; Và điều căn bản lớn hơn cả là nhiều nhóm nhiều cá nhân cùng chung tay, đứng chung một ý tưởng/ một phong trào sẽ làm được được việc lớn hơn, cho các em. 
Như với sự học ở Pacheo này...

Xin đọc tham khảo loạt bài "SỰ HỌC Ở PA CHEO"
- PHẦN 1 (link ở đây)

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

SỰ HỌC Ở PA CHEO (Phần 2)

* Bài trước: SỰ HỌC Ở PACHEO (phần 1)

(tiếp theo) Lý Thị Ghênh là học sinh lớp 5 ở bản Tả Lèng xã Pacheo thuộc Bát Xát, Lào Cai, xã đa phần người Mông sống bằng lúa ngô tự trồng. Bố mất, bốn chị em Ghênh ở với mẹ trong một căn nhà nghèo khó nhất của một trong những bản nghèo khó nhất của xã đặc biệt khó khăn Pacheo. Chị đầu 12 tuổi, Ghênh là thứ hai. Sau Ghênh còn hai em nữa, nhỏ nhất mới chừng 3-4 tuổi.

Một TNV trước nhà mẹ và chị em Ghênh ở bản Tả Lèng

Cô giáo Hồng chủ nhiệm lớp Ghênh kể nhà em nghèo quá, nhìn học sinh là thấy xót thương. Ở lớp, Ghênh lại là học sinh ngoan và chăm học. Trường tiểu học động viên học sinh mang cặp lồng hoặc túi ni lông cơm trưa để ở lại học chiều, Ghênh nhiều hôm chẳng có cơm nhịn đói vẫn ở lại học đến hết buổi học. Khi biết nhóm CCT lên Pacheo cô Hồng cứ xin liên lạc trước, hỏi các anh chị có chút thời gian sắp xếp vào bản được không ạ ghé thăm nhà em Ghênh học trò em, mong có chút quà nhỏ thôi là động viên Ghênh lắm. Tới vào giữa chiều mà trong nhà tối thui nhủi phải căng mắt và lấy ánh sáng của điện thoại di động mới thấy cô bé đã đứng dậy chào khách ở góc nhà, mấy cậu bé trai lít nhít ngồi thu lu bên bếp lửa leo lét như mấy con chuột, ướt sũng. Mẹ đi làm nương bọn trẻ nhít ở nhà bị mưa nên chị đốt lửa cho các em ngồi hong áo, những chiếc gọi là áo bết bền bệt nhưng còn hơn ở dưới chẳng có quần.


CCT Nhật lên khảo sát để lập dự án bữa cơm trưa cho 386 em Tiểu học Pacheo. Hàng sau: Thầy Minh GV cấp 2 Pacheo và Cô giáo Hồng GV Tiểu học Pacheo

Chuyến tổ chức 'EM ĐI LÊN BẢN' tháng 7/2013 xếp Tả Lèng vào lịch trình, vừa đưa các bạn nhỏ thành phố lên thăm chị em Ghênh vừa tính bàn cụ thể với cô giáo rồi về bàn với Giỏ thị hàng tháng gửi gạo giúp đỡ động viên em học, động viên mẹ cho em đến lớp bám chữ. Đường xấu, mưa và sương mù dày đặc, định trưa mà xẩm tối mới đến Bản Tả Lèng nên không định mà gặp giờ 'cơm' tối nhà Ghênh. Người mẹ chắc chắn tuổi không nhiều nhưng nhìn như một người già đang lúi húi làm gì đó với ít ngô mới bẻ về. Trên cái bàn đen cũ 'mâm cơm' chung của cả nhà có một bát cơm trộn ngô để chia và lưng ca nhựa nước. Chui được vào căn nhà bé xíu, một số bạn tuổi teen Hà Nội đứng lặng khi nhìn thấy hai bát 'cơm' Ghênh và chị bưng trên tay là hai bát nước trắng lõng bõng mấy hạt cơm lẫn với ngô xay chìm dưới lớp nước dầy.

Vô tình tới giữa bữa cơm tối: Bát trắng cơm trộn ngô là bữa tối của cả nhà. Những chiếc bát còn lại là của các thành viên

Lý Thị Khu (váy xanh) 12 tuổi, chị cả của 3 đứa em, lúc nào cũng chực nghỉ học giúp mẹ


Những đứa trẻ Pacheo, 2013

Trước đó hỏi thăm, các thầy cô giới thiệu một danh sách dường như Bản nào của Pacheo cũng có những nhà tương tự như nhà Ghênh. Không đủ thời gian đi hết, chọn đến thăm Ghênh vì các thầy cô nói dù thiếu ăn nghèo đói mà Ghênh chẳng bao giờ biết kêu, em thích học, tiếp thu được so với các bạn và học khá môn văn. Chị cả học lớp 6 trường cấp 2 của xã ở nội trú được trường nuôi nhưng nhiều lần nản nghỉ học về nhà giúp mẹ. Mỗi lần vậy thầy cô lại vào tận bản động viên chị đi học nhưng cũng chỉ động viên thôi chứ chuyện đói thấy xót mà đành, riêng Ghênh vẫn đi học đủ. Hay chị Khu là chị cả nên phải trách nhiệm hơn.

Có một điều nghĩ đến cứ thấy lạnh là không hiểu sao lên đây nghe nhiều em mồ côi cha hoặc mẹ thế. Dường như nơi này người lớn trẻ con cứ bệnh một chút là có thể chết. Sức khỏe, tiền và bệnh viện là những thứ có vẻ quá cao cấp nên ốm bệnh là chết thôi. Các thầy cô còn kể ở đây con gái con trai 14, 15 tuổi đã bị gả lấy vợ lấy chồng để có người làm, lấy lẫn nhau quẩn quanh trong họ trong nhà để giữ của. Không biết có phải vì vậy mà nhiều những đứa trẻ Pacheo cọc còi yếu ớt không như ta thường nghĩ về người núi người rừng, về chọn lọc tự nhiên và nhiều những lý thuyết khác. Rồi nữa, nghèo đói nhưng vẫn đẻ và đẻ, chính sách vận động sinh đẻ kế hoạch hầu như không 'vào' được đến người dân vốn phần nhiều chẳng biết nói tiếng Kinh. Những đứa trẻ chân trần co ro áo không kín rét lít nhít từng đám trong bản nghèo không biết mình nghèo và nghèo đến bao giờ. Đi sâu vào cuộc sống người dân bản nơi này sẽ nhận thấy thật rõ ràng sự nghèo đói lạc hậu rồi lạc hậu đói nghèo vòng tròn quẩn quanh thật tròn.

Càng thấy thật cần sự dạy và học, chính sách không phải không có, nhiều nữa là khác, nhưng vẫn cần thật nhiều sự hỗ trợ chung tay góp phần để kéo các em tuổi đi học đến trường....


Nụ cười
* Tiếp theo:
- SỰ HỌC Ở PACHEO (phần 3)

- THƯ CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG CẤP 2 PACHEO

SỰ HỌC Ở PA CHEO (Phần 1)

Mình sẽ kể về vùng đất ấy bắt đầu từ câu chuyện của các em học sinh Lý Thị Ghênh, Phàng A Măng và Lý A Sử, vì mình và bạn bè biết và gặp các em trong những chuyến đi tới vùng đất đó đều từ sự học.

Tháng 8/2012 khi chuẩn bị bắt đầu năm học trước, gọi nói chuyện với thầy giáo Đỗ Quốc Minh dạy cấp 2 Pacheo - người thường giúp đón, dẫn mình và đoàn CCT mỗi lần lên Bản, nhân tiện hỏi thăm việc học việc dạy trẻ trên đó. Thầy kể chuyện nghề, bảo học sinh của em toàn hết cấp 2 là nghỉ học. Trường cấp 3 gần nhất và đúng tuyến là trường PTTH số 2 Bát Xát ở Bản Vược cách Pacheo 35km, muốn lên học phải trọ, là phải có tiền trọ và gạo ăn, mà Pacheo cả xã hầu như nhà nào cũng nghèo không lấy đâu ra nổi mấy trăm ngàn một tháng nuôi con đi học như thế. Chợt bật lên ý nghĩ nhóm Giỏ thị mình có thể đỡ đầu những 'dự án rời' như thế này. Hỏi thầy vậy năm học này có em nào học khá muốn học mà khó khăn không, thầy nói Lý A Sử cô ạ. Sử thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 của huyện, muốn đi học lên lắm mà bố mất nhà nghèo quá chắc em phải nghỉ học.
Thế là mình biết đến Lý A Sử.
Những bức ảnh đầu tiên thầy Minh đến nhà Sử và chụp gởi về Hà Nội.

Gia đình - với mẹ và ba em ở bản Tả Lèng (Pacheo - Bát Xát - Lào Cai), Sử mặc áo xanh, bìa phải.

Bố mất rồi chỉ còn mẹ với 7 anh chị em (mới chỉ một chị và một anh có gia đình)

Ngô và mèn mén - bữa 'cơm' chủ yếu mùa 'có ăn' 

Vời vợi buồn

Sắp xếp trực tiếp lên thăm và lấy thông tin cụ thể đặng tìm cách kêu gọi nhóm giúp Sử theo đuổi ước mơ đi học nhưng mãi đến tháng 11/2012, 2 tháng sau khi năm học bắt đầu mới lên được Tả Lèng. Em vừa bỏ học 2 tuần vì không có 20 ngàn nộp một khoản tiền trường quy định. Cũng may kịp hỗ trợ và động viên em trở lại trường. Có sự trợ giúp kinh phí và thầy Minh làm cầu nối dẫn dắt, Sử đi học lại và các thầy ở trường nói em rất chăm ngoan, từ đó đến nay không hề bỏ một buổi học nào.

Trong nhà của Lý A Sử (áo xanh) trong chuyến Pacheo - Ka Lăng 11/2012

Xã Pacheo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) thuộc khu vực miền núi đặc biệt khó khăn và được chính sách hỗ trợ miễn học phí các cấp phổ thông. Nhìn thống kê tiền trọ, gạo, một số khoản tiền ngoài học phí cho các hoạt động với hai bộ quần áo cho Sử để theo học một học kỳ 4 tháng cả thảy chỉ hết khoảng 2 triệu đồng. Mình dùng từ 'cả thảy chỉ...' nhưng với người Mông ở Pacheo cha mẹ lầm lũi làm mong sao đủ ngô cho con đừng tháng nào phải đói thì con số trăm ngàn đã là cái gì đó không thể, đành lại cho con ở nhà quanh quẩn với làm ngô, lấy vợ, đẻ con, nghèo đói, đời này qua đời khác. Thầy Minh bảo học cấp 1 cấp 2 ở ngay xã nhà được lo cho toàn bộ (chính sách phổ cập giáo dục miền núi) lên cấp 3 phải tự lo. Ngoài việc không có tiền trả nhà trọ còn là mặc cảm với bạn bè vì nhà không có gạo không lẽ mang ngô lên nấu. Quần áo cũng là vấn đề vì ở lớp nhỏ gần nhà các em mặc cả quần áo cũ, đồ dân tộc đi học nhưng lên cấp 3 thị trấn phải mặc giống như người kinh, phải sạch sẽ mấy bộ, đâu có tiền mua.

'Theo' Lý A Sử dần dần mới biết cả xã Pacheo lên Bản Vược học cấp 3 ngoài Sử còn Phàng A Măng và Cứ A Vềnh nhà cũng khó khăn chẳng khác. Ba em trọ chung một phòng nhỏ xíu gần trường. Hoá ra gạo giúp Sử nào giờ ba bạn toàn ăn chung. Thiếu đói thì 'anh cả' Phàng A Măng cuối tuần đi làm thuê được 60 ngàn một ngày mua gạo mua rau ba anh em cùng ăn cùng no cùng đói.

Thế là từ Lý A Sử nhóm tình nguyện viên (TNV) cơm thịt - Giỏ thị nhen nhóm phương án góp chung một quỹ nhỏ ổn định giúp ba em Pacheo, gọi là gói (hay quỹ) Măng Vềnh Sử. Tháng 3/2013 một số TNV trong nhóm đã gặp Ban Giám hiệu trường Cấp 3 Bản Vược nơi các em Pacheo theo học vừa hỏi thăm tình hình học tập vừa chia sẻ ý tưởng hỗ trợ nhóm và tìm sự chung tay của nhà trường. Gặp thầy Sa Anh hiệu trưởng trường biết thêm chút nữa về gian nan sự dạy và học ở Pacheo. Thầy Sa Anh có hơn hai chục năm công tác tại phòng giáo dục của Huyện Bát Xát nên hiểu rất rõ "Pacheo là điểm trũng thật trũng về giáo dục, trũng lắm. Bí thư xã nhiều năm Lý Thị Dế không biết viết chỉ biết ký, bí thư mới Hầu A Chúng vừa lên thay mới biết viết. Năm 2006 Pacheo mới bắt đầu có trường cấp 2. Ba em là ba bạn đầu tiên của Pacheo lên học cấp 3 chính quy, ba trí thức nguồn đầu tiên của Pacheo đấy, rất thật đấy". Các TNV trong đoàn một lần nữa ngỡ ngàng.

Giờ thì Măng, Vềnh, Sử vừa học xong lớp 10, chuẩn bị lên lớp 11 ở cấp 3 Bản Vược.

Ba trí thức nguồn đầu tiên của xã Pacheo (Bát Xát, Lào Cai), Lý A Sử đứng giữa, bên trái là Cứ A Vềnh, bên phải là Phàng A Măng (3-2013)

Cùng với các cô bác TNV CCT và thầy cô giáo trong phòng giám hiệu nhà trường - Thầy Sa Anh hiệu trưởng C3 Bản Vược mặc áo vét màu xám ở giữa hình, Thầy Minh Cấp 2 Pacheo ở bìa trái ảnh.

Phòng trọ để trụ học Cấp 3 ở Bản Vược, cách bản nhà gần 40km. Bề ngang chỉ hơn 2m, một cái phản gỗ ba anh em ngủ chung, thuê của một người Kinh 300 ngàn/ tháng (năm nay tăng lên 400 ngàn)

Trong nhóm ba, Phàng A Măng học yếu nhất nhưng lại chững chạc nhất nên được chỉ định làm 'trưởng thôn' chăm lo các em. Măng nhiều tuổi nhất vì học xong lớp 9 Măng phải đi làm thuê 2 năm rồi mới tiếp tục đi học lại vì muốn học. Mẹ mất, bố lấy đến ba vợ nên em cứ tự lo cho mình như thế từ khi nào không biết.

Bữa kết thúc năm học, Sử và Vềnh có người quen đón về bản bằng xe máy. Ngồi trong phòng trọ hỏi Măng có về không, Măng nói em chưa về nhà được, hỏi vì sao hay ở lại làm gì à, Măng nói vì em không có tiền mai em đi làm thuê mới có tiền về. Hỏi tiền về bao nhiêu, nói dạ 20 ngàn. Lại con số 20 ngàn chưa đủ một tô phở ăn sáng ở Hà Nội. 20 ngàn các bạn về nhà Phàng A Măng phải ở lại thêm một ngày đi khuân vác thuê để có tiền về bản Pờ Sì Ngài - Pacheo. 20 ngàn không có nộp trường Lý A Sử phải dừng học. Không đi học thì nghèo biết đến bao giờ. Mình nhìn lên xung quanh chỉ thấy những ánh mắt xót đắng của các TNV đi cùng. Lấy 20 ngàn trong bóp đưa Măng bảo cái này cô cho để chiều nay về bản mà tay run run dù ráng ngăn mắt mũi ậc cay. Chỉ 20 ngàn thôi không được phá nguyên tắc - tiền chi tiêu không đưa trực tiếp các em mà gởi qua Tài khoản thầy Minh, thầy trả tiền thuê nhà mua gạo trả tiền trường giữ bill có chữ ký báo về...

Với 'trưởng thôn' Phàng A Măng trước khu nhà trọ, 3-2013.
* Tiếp theo:
- SỰ HỌC Ở PA CHEO (phần 2)
- THƯ CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG CẤP 2 PACHEO
- SỰ HỌC Ở PA CHEO (phần 3)
(hình trong bài: Liên Nguyễn, Hoàng Minh Hùng, Quốc Minh Đỗ, Lana)