Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

TỔNG KẾT VÀ BÁO CÁO TÀI CHÍNH GIỎ ĐẾN 20/05/2014

I. Ngăn Giỏ ủng hộ CCT (thường xuyên theo Quý, đã chuyển hết)
Lần gần nhất: Quý I.2014 xem tại đây (link).

II. Ngăn Giỏ Áo ấm:
1. Thu: Tính đến 20/5/2014 tổng cộng 119,974,465đ, trong đó:
a) Quỹ Giỏ đến 31/01/2014: 80,248,465 đ (xem tại BÁO CÁO TÀI CHÍNH GIỎ ĐẾN 31.01.2014 (link)).
b) Bà con Giỏ viên góp Giỏ từ 01/02/2014 đến 20/05/2014 tổng cộng 29,014,000 đ, không bao gồm các khoản ủng hộ bằng hiện vật:



(File excel Giỏ chi tiết từng khoản sẽ được gởi qua email chung nhóm tới tất cả những người có tên trong DS trong hôm nay).

c) Bạn bè ủng hộ Giỏ Thị dịp chuyến Pacheo - A Mú Sung, tổng cộng 10,700,000 đ, không bao gồm các khoản ủng hộ bằng hiện vật.
(Những ủng hộ bằng hiện vật cho Pacheo - A Mú Sung được thống kê riêng tại mục V)




2. Chi từ 01/02/2014 đến 20/05/2014: - 50,635,000 đ
a) Chi cho chuyến Pacheo - A Mú Sung - 27,050,000 đ như trong bảng dưới đây (chi tiết xem tại mục III):


b) Các khoản hỗ trợ lâu dài (Học sinh Pacheo tại cấp 3 Bản Vược, bé Mỷ, bé Ghênh) trong kỳ T2-T5, tổng cộng - 23,585,000 đ:
(Chi tiết khoản 22,585,000 đ chi bếp ăn và gạo hỗ trợ học sinh Pacheo tại Cấp 3 Bản Vược xem tại mục IV)


=> Tính đến 20/05/2014 trong ngăn quỹ Giỏ Áo ấm còn: 119,974,465 - 50,635,000 = + 69,339,465 đ

III. Quỹ Giỏ Thị mua cho chuyến Pacheo - A Mú Sung:
- 75 chiếc màn * 34,000đ = 2,550,000 đ (Phương Mốc Mít chuyển khoản sang Chăn Ấm)
- 80 bát tô inox phi 20cm chuẩn bị mang lên cho HS nội trú Pacheo: 80 x 21.000đ = 1.600.800 đ. (Lana mua)
- Mua bánh kẹo liên hoan giao lưu lửa trại Pacheo: 6,620,000 đ. (Thầy Minh + Đức Lào Cai mua)
- Mua hai máy in CANON 2900 ủng hộ thầy cô giảng dạy (Cấp 1 Sàng Ma Sáo và Cấp 2 A Mú Sung): 5,200,000 đ (bạn Đăng Đỗ Thế mua)
- 160kg tép khô Hải Hậu: 11,000,000đ: Cấp 2 Pacheo 60kg, cấp 1 SMS 50kg, cấp 2 AMS 50kg. (Phương Mốc Mít chuyển khoản Cty Đại Đức, Hải Hậu)

IV. Chi tiết khoản chi hỗ trợ tiền bếp ăn và gạo cho HS Pacheo tạo cấp 3 Bản Vược (gạo nộp riêng và bếp thu thêm 10 ngàn/ bữa/ em tiền ăn) cho cả năm học 2013-2014 (đầu năm 18 em, cuối năm còn 13 em), bao gồm khoản chi quyết toán 22,584,600 trong bảng Chi ở mục 2b để bà con cùng tham khảo và Giỏ Thị lên kế hoạch dần cho năm học tới:




V. Những ủng hộ bằng hiện vật từ các nhóm bạn, các cá nhân cho chuyến Pacheo - A Mú Sung 29/4 - 02/5/2014 thông qua nhóm Giỏ Thị, đã được chuyển đến tận nơi như sau:
- Nhóm Chăn Ấm ủng hộ 120 chiếc màn chống muỗi.
- Chau Quynh Nguyen và Cty Ford Thủ Đô tặng 300 gói xà bông giặt cho HS nội trú (Cấp 2 Pacheo 140 gói, cấp 2 A Mú Sung 160 gói).
- Bạn An An ủng hộ 25 chiếc màn.
- Anh Nguyễn Hải Hoàng ủng hộ 01 TV SHARP mới (chuyển Cấp 2 AMS) và bánh kẹo mang theo chuyến đi.
- Anh Hoang Minh Hung ủng hộ 5 set (bộ) đồ cắt tóc bao gồm cả tông đơ máy, tấm phủ cắt tóc...
- Bạn Lan Ngoc ủng hộ toàn bộ số kim chỉ cho các em HS nội trú Pacheo - A Mú Sung, dây buộc tóc và kẹp tóc bé gái, 20 lược chải đầu..
- Một người bạn Giỏ Thị ủng hộ 03 TV cho các cháu nội trú (2 chiếc ủng hộ KS nội trú Cấp 2 Pacheo, 1 chiếc ủng hộ Trường Cấp 1 Sàng Ma Sáo).
- Công ty Minh Hoàng ủng hộ 02 máy in đã qua sử dụng, còn tốt tặng các thầy cô giáo (Cấp 1 và Cấp 2 Pacheo).
- bạn Hương Nguyễn cùng bạn bè góp ủng hộ nhiều thùng quần áo trẻ em đã qua sử dụng, còn tốt.
- Bạn Đông PD ủng hộ 46 bộ SGK mới cho trường cấp 2 Pacheo.

* Có bất kỳ khoản nào bị sơ sót, thiếu mong bà con báo cho Lana Nguyen hoặc Mẹ Mốc Mít để bổ sung, điều chỉnh, Xin cảm ơn những tấm lòng với các em bé vùng cao và sự tin cậy gởi gắm Giỏ thị, cảm ơn thật nhiều.
Cảm ơn Mẹ Mốc Mít, kế toán tuyệt vời của Giỏ.

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

MỘT CHUYẾN ĐI... (phần 6 và lời kết)

* Phần 1: Chuẩn bị (link)
* Phần 2: Lên núi (link)
* Phần 3: Tóc mới, quà, và lửa trại (link)
* Phần 4: Hội nghị tuyển sinh (link)
* Phần 5: Những em bé Tả Lèng (link)

Phần 6: Cho một chuyến đi đủ đầy
* Thăm cô giáo Lý Thị Hồng
Từ Pacheo đi chừng chục cây số là tới Thị trấn Mường Hum, nơi này chập mấy nhánh suối. Cô giáo Lý Thị Hồng là giáo viên Mầm Non dạy điểm bản Ky Quan San của xã Sàng Ma Sáo cũng cách Mường Hum đoạn chừng như Pacheo, mà theo một hướng khác. Từ đường liên xã Bát Xát vào Sàng Ma Sáo phải qua Mường Hum rẽ vào, có mấy con ngầm, những cây cầu tre tạm, chẳng còn đường nào khác.
Bữa đó lũ, mùa lũ năm ngoái. Nhưng ráng vượt nước để đến trường với học sinh cô bị lũ cuốn trôi. Hơn hai ngày sau người thân đồng nghiệp mới vớt được Hồng bị vướng lại cách ngầm nơi cô bị lũ cuốn gần 200m, đá dập không còn nguyên vẹn. Mọi người kể lại Hồng thiêng lắm, báo mộng chỗ bị mắc để mọi người vớt em về.
Trước em ở chính con ngầm đó năm nào cũng có người bị lũ cuốn. Thầy cô giáo, bà con đã kêu rất nhiều lần cho một cây cầu...
Hồng để lại con trai mới vừa 4 tuổi.

Lý Thị Hồng nhận tủ thuốc cho học sinh Ky Quan San trong chuyến Cơm có thịt - Gánh Hàng Xén lên Sàng Ma Sáo 03/2012 từ nhà văn Phạm Ngọc Tiến.


Mỗi lần lên Bát Xát đoàn lại ráng ghé thắp cho Hồng một nén nhang. Lần này, để em vui, vì nơi em bị cuốn, một cây cầu kiên cố đang được xây dựng.
Hình: trước nhà cô giáo (người đàn ông đứng giữa là chồng cô)


CCT từng kêu gọi để xây cầu Lý Thị Hồng sau khi em mất, nhưng Nhà nước đã nhận việc đó. Cây cầu này sẽ giúp đường đến trường của các đồng nghiệp em và bà con Sàng Ma Sáo bớt nhiều hiểm nguy.

* Lũng Pô - A Mú Sung, điểm địa đầu Tổ Quốc
Đến cột mốc 92 biên giới Việt Nam - Trung Quốc A Mú Sung và xuống tận lòng ngã ba sông nơi Sông Hồng nhập vào suối Lũng Pô bắt đầu chảy vào địa phận đất Việt Nam là một mục chính thức trong kế hoạch chuyến đi. Mỗi chuyến đi cùng nhóm Giỏ, ngoài mục đích chính là đưa ủng hộ của bà con cô bác bạn bè lên các em bé miền núi đến tận nơi một cách hiệu quả nhất thì một mục tiêu được xác định hết sức cần là làm sao để chuyến đi thật vui và ý nghĩa với tất cả mọi tình nguyện viên (TNV) tham gia.

Mình và đồng đội cứ tự nhủ, TNV có những người thu nhập cao được ngày rảnh thay vì chọn đi nghỉ dưỡng cao cấp, các bạn rất trẻ thay vì đi bar, cà phê hay lang thang với bạn bè, họ dành thời gian công sức và bỏ tiền túi cùng lo lắng công việc suốt nhiều ngày, cùng lặn lội lên núi với bọn trẻ, thật đáng trân trọng biết bao. Thậm chí từng có những người bạn Giỏ ở thật xa về thăm VN được số ngày ít ỏi cũng ráng sắp xếp đi núi để tận mắt thấy những đồng tiền đóng góp lên với các cháu như thế nào. Vậy nên mỗi chuyến đi, ngoài các cháu, tụi mình chỉ biết hết sức cố gắng để tổ chức sao cho sau mỗi chuyến đi là sự gắn bó, là tình đồng đội, là cảm xúc, là ý nghĩa và thật nhiều niềm vui. Gọi lên sự sẻ chia không khó bằng giữ lửa, để các cháu những lứa sau, nhiều lứa sau vẫn được hưởng, cho đến khi nào không cần nữa, thì chúng ta có thể yên lòng.

Lần này trong box chát suốt quá trình chuẩn bị, nhóm đã có ý tưởng áo dài Việt tung bay ở Lũng Pô thiêng liêng, địa đầu Tổ Quốc.Có những điều chính mình không nghĩ đến cho đến khi được thấy, được hoà vào, cảm nhận, ý nghĩa thiêng liêng mới bùng lên chạm tới sâu trái tim mình.

Từng viên sỏi ngã ba sông... 
là thuộc về Tổ Quốc!

 Tới đồn biên phòng A Mú Sung và lặng người tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh cuộc đời mình bảo vệ từng tấc đất biên cương. 

 Đài tưởng niệm các anh trong khuôn viên Đồn biên phòng A Mú Sung khắc tên 30 liệt sỹ, trong đó 24 chiến sỹ đã ngã xuống cùng ngày 17/2/1979

 Qua các anh đồn biên phòng A Mú Sung và các thầy cô giáo, được biết xã A Mú Sung là xã địa bàn trải rộng tới 11 thôn bản. Chỉ trừ bản ngay sát đường biên có một số bà con biết buôn bán hoặc qua biên giới làm thuê, còn nhiều bản xa xôi, đường đi khó khăn, chưa có điện lưới, rất rất nghèo, lại ước...

* LỜI KẾT
Mỗi hoạt động, mỗi chuyến đi của Giỏ Thị, tuy Giỏ đứng ra tổ chức nhưng bên cạnh luôn có các chương trình/ nhóm cùng chung tâm nguyện cho các em bé vùng nghèo miền núi: Cơm có thịt, Chăn Ấm, Ford Thủ Đô, PSC, ZEN, các cá nhân Sài Gòn/ Hà Nội/ Lào Cai hay cách nửa vòng trái đất, Các TNV, các í tưởng giá trị góp cho việc chuẩn bị chuyến đi, các thầy cô, các anh bộ đội biên phòng vùng biên giới... Vậy nên, MỖI CHUYẾN ĐI về, chẳng còn nhớ liệu có những vất vả. Vốn đọng lại với cả nhóm chỉ là đầy ắp cảm xúc, niềm vui được thay mặt đưa sẻ chia và nhận hạnh phúc đem về.

Xin thay mặt nhóm Tình nguyện viên chuyến đi cảm ơn bà con bạn bè Giỏ Thị đã đồng hành, cảm ơn mọi sự sẻ, ủng hộ cho các em bé vùng núi,
 Xin cùng chia sẻ nụ cười,

 nước mắt,

 hạnh phúc, 

 hy vọng...

để lại hẹn những chuyến đi.

(Hết)
* Hình trong bài của các TNV: Minh Son, Hoang Minh Hung, Liên Nguyên, Hùng Nguyễn.

MỘT CHUYẾN ĐI.. (phần 5)

* Phần 1: Chuẩn bị (link)
* Phần 2: Lên núi (link)
* Phần 3: Tóc mới, quà, và lửa trại (link)
* Phần 4: Hội nghị tuyển sinh (link)

Phần 5: Những em bé Tả Lèng
Gần 3 rưỡi chiều 29/4 mới đến được Pacheo, đoàn phải chia mấy nhóm lập tức vào việc: Tổ tóc hối hả tông đơ, chải, tết nơ, kẹp tóc, Tổ dự Hội nghị đẩy sinh chừng 45 phút rồi vào bản Tả Lèng thăm nhà bé Ghênh, bé Mỷ, nhà Lý A Sử để kịp tối chập lại chuẩn bị cho liên hoan văn nghệ sân trường.

Đường trong bản Tả Lèng
Bé Ghênh
Lý Thị Ghênh học lớp 5 trường bản. Năm ngoái lên thăm trường, cô giáo Hồng chủ nhiệm em ngập ngừng đề nghị nếu như các cô bác có thể giúp nhà em một ít gạo mỗi tháng để em có thể tiếp tục đi học. Bố mất, các bạn nhỏ Hà Nội chuyến 'Em đi lên bản 2013' đến nhà Ghênh đúng bữa tối đã chứng kiến bát cơm mùa có gạo của mấy mẹ con chỉ vài hạt cơm chan đầy nước lã (câu chuyện về bé Ghênh đã được viết ở đây)

Thật lòng, công việc chính mà nhóm bạn Giỏ Thị nhắm đến là đem lại niềm vui đến trường cho từng vùng đất theo đơn vị xã hay trường học chứ không phải từng cảnh ngộ riêng lẻ. Mỗi chuyến vác hàng lên núi là chọn địa bàn và chuẩn bị số áo ấm/ quà/ những hoạt động vui chơi cho toàn bộ các em học sinh Mầm non, Tiểu học (cấp 1), Trung học cơ sở (cấp 2) của cả xã hoặc ít nhất là toàn bộ số học sinh của một trường, để những đứa trẻ không phải thèm thuồng sao bạn có mình không.

Dù vậy, có những cảnh, những em bé như Ghênh khiến nhóm không thể lướt đi.

Trước Tết khi giúp chuyển gạo và mì cô bác Giỏ Thị gởi lên nhà Ghênh, cô giáo Hồng vẫn gặp chị em em và mẹ. Lần gần nhất cách đây một tháng vì bận không thể vào bản, cô nói cô mua gởi thầy giáo chủ nhiệm mới đưa gạo giúp mẹ nuôi mấy chị em em. Nghe qua cô nhóm cũng tạm yên tâm.

Lội đường trơn đến nơi căn nhà Ghênh đóng cửa vắng lạnh. Hỏi thăm được chỉ đến một ngôi nhà gần đó, nghe người bản kể mẹ em từ sau Tết đã đi lấy chồng ở nơi khác đem theo chị gái Ghênh và em nhỏ nhất, gởi Ghênh cùng cậu em kế lại cho bà nội và chú. Vậy là mất bố giờ xa mẹ. Xáo trộn cảm xúc với một chút nhẹ lòng trước ngôi nhà người chú to rộng chắc chắn hơn căn 'nhà' của mẹ con em.

Gạt những giọt mưa tấp trên mặt. mình cùng đồng đội vào nhà, mừng tủi. Bà nội còn khỏe, Ghênh, em trai và hai em con chú đang ở trong nhà. Em ngước đôi mắt ngơ ngác như mọi khi chào khách. Lúi húi cùng đồng đội lấy gói kẹo để chia, nghe Thầy Minh cúi xuống hỏi em có nhớ các cô bác không, bất ngờ con bé nức lên. Ngồi thụp xuống ôm lấy nó, không nghe tiếng khóc chỉ người nó rung, tiếng nức câm nín. Ôi Trời ơi. Một đứa trẻ người Mông tưởng như ngơ ngác biết bật khóc vì tủi thân thúc vào mình một cú nhói thắt, xa xót tận cùng.

Trên xe rời bản, anh Hoang Minh Hung giọng trầm xuống "Những lần trước lên đây, căn 'nhà' bé tẹo chắp vá đói gạo đói ngô nhưng có mẹ có chị có em, đứa trẻ cười. Lần này lên, căn nhà to hơn, 'khá giả' hơn, có gạo có giường ngủ, nhưng đứa trẻ khóc."

Cản nhà im lìm chiều mưa bản muộn.. 

 Những bức ảnh chụp 4 chị em, 07/2013, khi "Em đi lên bản" đến thăm nhà Ghênh.

Cùng mẹ và chị gái, 07/2013

Nhà chú..., 5/2014,

với bà nội

Bé Vàng Thị Mỷ
Đi chừng 5 chục mét từ nhà chú Ghênh để đến nhà cô giáo Hải phụ trách Mầm non bản Tả Lèng gặp bé Mỷ. Ngày nghỉ bé Mỷ về nhà ông bà, nhưng xa, đường ô tô không vào được, lại đã trễ, cô giáo Hải đành vào đón em ra nhà. Mỷ đang bị ho. Đôi mắt em vẫn thế, buồn và ngơ ngác.
Bé Mỷ 3 tuổi, bố mất mẹ đi lấy chồng gởi em lại nhà ông bà nội. Câu chuyện bé Mỷ năm ngày trong tuần ở với cô giáo Tiến hai ngày cuối tuần ở nhà ông bà nội có thể đọc ở bài này (link)

bé Mỷ cùng cô giáo Mộc Thị Tiến, người bé 'bám' cả ngày và đêm 5 ngày mỗi tuần, 01/2014.

Vàng Thị Mỷ cho cô Tiến một ít kinh nghiệm/ trải nghiệm nuôi một đứa trẻ nhỏ. Cô mới lấy chồng và đang có bầu em bé. Tháng 7 tới cô sẽ nghỉ sinh. Rồi sau đó cô sẽ có em bé nhỏ tí tẹo cần chăm sóc. Nhà cô xa trường… Tiến bảo chị yên tâm chị nha, em chỉ nghỉ mấy tháng thôi, chị Việt em (hiệu trưởng Mầm Non Pacheo) cũng quan tâm học sinh lắm, chị ấy sẽ sắp xếp cô giáo lo cho Mỷ.
Biết và tin, nhưng sao khỏi thương bé Mỷ mới 3 tuổi, vừa kịp quen mỗi tối ăn cơm cùng ngủ cùng cô Tiến được cô mua áo quần thủ thỉ chải tóc mặc áo mỗi sáng ngủ dậy.

Cùng cô ruột, 29/4/2014 

Đã lên đi lên lại vùng cao xa ngái này, nơi tuổi thọ trung bình nếu được khảo sát chắc chắn thấp đến mức rùng mình; nơi người trẻ chết vì rét, vì cảm, vì lá ngón, vì gì chẳng biết vì gì; nơi trong mười mấy em của xã mà nhóm Giỏ đã và đang đỡ đầu học cấp 3 đã có thể kể Phàng A Măng, Cứ A Vềnh, Lý A Sử mồ côi cha hoặc mẹ, Hầu A Vàng mồ côi cả hai; đã nghĩ cảm xúc bị chai đi vì gặp quá nhiều những đứa trẻ thiếu ăn thiếu mặc thiếu cả sự chăm sóc, hướng dẫn, thiếu quá nhiều điều; vậy nhưng chuyến đi này, buổi chiều mưa này, gặp hai em bé này, mình và đồng đội như mới đi đến tận cùng cảm nhận hai từ 'bơ vơ', 'côi cút',
chát đắng...

* Phần 6 và Lời kết: Cho một chuyến đi đủ đầy (link)
* Hình trong bài của các TNV Hoang Minh Hung, Liên Nguyên và thầy giáo Đỗ Quốc Minh (Pacheo)

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

MỘT CHUYẾN ĐI... (Phần 4)

* Phần 1: Chuẩn bị (link)
* Phần 2: Lên núi (link)
* Phần 3: Tóc mới, quà, và lửa trại (link)

*Phần 4: Hội nghị tuyển sinh:
'Theo' thầy cô và các em học sinh Pacheo thời gian khá dài nhưng lần đầu dự Hội nghị tuyển sinh miền núi gặp những điều ngỡ ngàng muốn chia sẻ với miền xuôi:
- Hội nghị tuyển sinh vào cấp 3 nhưng lại ở trường Cấp 2 xã nhà, do Thầy cô Trường Cấp 2 tổ chức cùng lãnh đạo xã!
- Đối tượng chính được mời nghe Hội nghị tuyển học sinh Cấp 3 không phải các em học sinh lớp 9 (cuối cấp 2) mà là phụ huynh các em.
- Có lẽ gọi 'Hội nghị đẩy sinh' thì đúng hơn. Thế này nhé, không hề thấy các điều kiện thi cử/ tiêu chí.. Cả buổi họp là để nói tới các bố mẹ: Chỉ cần bố mẹ đăng ký cho con đi học, Hồ sơ các thầy làm hết, cứ nộp là Trường Cấp 3 nhận hết, khó khăn có các cô bác Giỏ Thị hỗ trợ, mang mỗi người là đi học thôi.
- Một bản danh sách 25 trên tổng số 52 học sinh lớp 9 đã đăng ký đi học tiếp Cấp 3 được Thầy Thanh hiệu phó đọc chậm rãi từng em. Chỉ tiêu Huyện Bát Xát ra cho Trường và xã là con số này phải đạt 60%!
- Ở bản danh sách, mỗi học sinh thầy đọc Tên học sinh rồi đọc 'con của' Tên cha mẹ học sinh ở cột kế tiếp. Xã Pacheo 98 - 99% dân số người Mông. Thầy giáo đọc tiếng Kinh nhiều cha mẹ chỉ nghe rõ mỗi tên mình... Câu hỏi chỉ là: Cha mẹ nào chưa thấy đọc tên là chưa đăng ký cho con đi học đấy.
- Trong cuộc họp có hai thứ tiếng, tiếng Kinh và tiếng Mông. Lại có bác Chủ tịch xã và các em học sinh phiên dịch được hai chiều.

Dưới đây là một số ảnh phóng sự của nhóm TNV Giỏ Thị:

Thầy Phương Việt Cường "Phó chủ tịch Huyện đã yêu cầu trường Cấp 3 trong huyện phải nhận hết các em đăng ký học, phụ huynh không lo con thi trượt, khó khăn có thầy cô và các cô bác Giỏ Thị hỗ trợ, mang mỗi người là đi học thôi"

Thầy giáo đã giải thích rất nhiều nhưng danh sách này mới có 25 gia đình đăng ký cho con đi học, các bác phụ huynh phát biểu cho thầy giáo nghe xem còn những vướng mắc khó khăn gì nào

Lần này có cả 13 anh chị đầu tiên của xã đang học lớp 11 và 10 tại Trường PTTH số 2 Bát Xát (Cấp 3 Bản Vược) về dự và nói chuyện với bà con dân bản

Hai đại diện cho các anh chị đang học Cấp 3 Bản Vược nói với bố mẹ các em lớp 9 bằng tiếng Mông. Hình dưới là Cứ A Vềnh, học sinh tiên tiến lớp 11, mình nhờ Lý A Sử ngồi bên phiên dịch "Vềnh nói các em nên đi học, các bố mẹ nên cho các em học". 

Thời lượng nhiều nhất là phần nói chuyện của Chủ tịch xã Má A Páo, căng cả tai chỉ nghe được mỗi câu đầu "Tôi xin phép nói bằng tiếng Mông với bà con", huhu. 


Phía bên ngoài hành lang...

* Vì sao Pacheo?
Vì sao Giỏ Thị chọn theo đuổi, cày đi cày lại trên một thửa ruộng Pacheo? Pacheo vốn là địa bàn trũng nhất về giáo dục của huyện miền núi nghèo Bát Xát. Đến 2006 mới có trường Cấp 2 ở xã. Thầy Sa Anh Hiệu trưởng Cấp 3 Bản Vược (= PTTH số 2 Bát Xát) kể ngày đó Thầy làm ở Phòng giáo dục huyện về kiểm tra chất lượng ở Pacheo, cả xã không tìm được em học sinh nào đọc đúng "con chuột huênh hoang" mà chỉ phát âm được "con chuột hê ha". Cho đến tận năm 2012 dù rất cố gắng, dù bị giao chỉ tiêu... xã chưa 'đưa' được học sinh nào lên học Cấp 3 chính quy.

Hai năm qua Pacheo có sự thay đổi làm nức lòng thầy cô và những người mong muốn sự tiến bộ cho vùng đất này, nhờ sự nỗ lực tâm huyết của các thầy cô giáo, sự ủng hộ của chính quyền, và sự chung tay hỗ trợ không ngừng nghỉ của những tấm lòng từ khắp nơi: Chương trình Cơm có thịt tài trợ bữa ăn trưa tại lớp cho trò Mầm non - Tiểu học, Gánh Hàng Xén ủng hộ vật dụng quần áo sách vở, Giỏ Thị may áo ấm, xây nhà trọ học, hỗ trợ ăn ở cho học sinh của xã lên học cấp 3. Những sự hỗ trợ "đúng và trúng" những điều còn thiếu là cú hích tạo bước tiến đặc biệt cho sự học nơi này (để hiểu rõ hơn mời bạn đọc thêm loạt bài "SỰ HỌC Ở PA CHEO" (link).

* Trước Hội nghị này, suốt hai kỳ học, thầy cô giáo trong trường và cán bộ xã phân công nhau một tuần ba lần vào khắp 7 thôn bản trong xã, đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh, thuyết phục cha mẹ cho các em đi học. Cộng với Hội nghị, sau mười ngày đến hôm nay thầy Cường gọi điện báo có thêm hai em đăng ký, thành 27 em!
Nhưng nếu so với năm học 2012-2013 lần đầu Pacheo có ba em đi học cấp 3 đến giờ trụ lại được 2, năm 2013-2014 có 15 em đăng ký, đến nay trụ được 11, thì con số 27 thật sự không hề nhỏ.

Sự đổi thay không đến dễ dàng, nhưng những hạt giống gieo xuống đã nảy mần và cho hy vọng...
Một TNV kể "bác phụ huynh đứng gần em hỏi đến lần thứ 3 vẫn chỉ nhìn xuống và lắc đầu 'nó không đi học được đâu, nhà không có người làm' nản quá chị ơi. Nhưng những ánh mắt như thế này sẽ giúp chúng ta hy vọng.


 Và cả những hình ảnh đổi thay như thế này: Lý A Sử ở bản Tả Lèng, Pacheo của em khi phải bỏ học... (11.2012)

... khi là nam sinh lớp 10 trường Cấp 3 Bản Vược (05.2013)

* Phần 5: Những em bé Tả Lèng (link)
* Phần 6 và Lời kết: Cho một chuyến đi đủ đầy (link)

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

MỘT CHUYẾN ĐI... (phần 3)

* Phần 1: Chuẩn bị (link)
* Phần 2: Lên núi (link)

* Phần 3: Tóc mới, quà, và lửa trại:
Vượt đoạn đường mưa đất trơn vào sân trường Cấp 2 Pacheo, chỉ mất chưa tới 10 phút để tập kết quà tặng từ các xe vào một gian phòng kho của trường. Liền sau đó một nhóm lên dự Hội nghị Tuyển sinh và Tổ tóc bắt tay triển khai công việc. Trời vẫn vần vũ lúc mưa lúc tạnh.

Tóc mới cho em
Ý tưởng do một TNV ruột Giỏ Thị ấp ủ và chia sẻ cùng nhóm Giỏ Thị từ lâu. Sau nhiều chuyến lên núi, anh nói "Anh nhận thấy sau cái ăn ấm bụng cái mặc ấm người, các bé trên này cần được các thầy cô dần hướng dẫn ý thức gọn gàng, vệ sinh thân thể. Thay vì lời nói, anh rất muốn một chuyến đi nào đó có thể bố trí để TNV mình dạy các bé lau mặt rửa tay, cắt tóc cho các bé trai, chải tóc gọn gàng, kẹp tóc cài nơ cho các bé gái. Cái khó nhất là thời gian, lần nào lên núi lịch cũng sát từng giờ từng phút. Nhưng chỉ cần chúng ta nghĩ và làm, anh nghĩ sẽ làm được".
Chỉ cần chúng ta nghĩ và làm thì sẽ làm được.
Chuyến này, Pacheo?
Dự định 'Tóc mới cho em' đưa ra trong box-chat nhóm ngay lập tức được hưởng ứng rộn ràng. Anh Hoàng Minh Hùng ủng hộ 5 bộ cắt tóc gồm tông đơ máy, kéo, lược và cả tấm khoác cắt tóc rất pờ rồ. Bạn Lan Ngọc đăng ký đóng góp dây cột tóc nhiều màu, kẹp tóc xinh cho đủ cho tất cả các bé gái. Tổ tóc tích cực chủ động toàn bộ, nhà cái chẳng phải lo thêm gì.
Số tiền nhúp từ Quỹ Giỏ cho mục Tóc mới là 0.0 đồng. Món lời thu về là vô cùng nhiều niềm vui của TNV, của các em, và sự thân thiện tuyệt vời giữa họ. Viết đến đây luống cuống hết cả vốn từ, đành bốt hình ảnh thay lời:

Làm nóng không khí sân trường thật chẳng khó khăn đâu

Nụ cười rạng rỡ của người Thầy

Sao có thể hình dung là í tưởng tóc mới cho em lại được nhà văn Phạm Ngọc Tiến (áo phao sẫm màu) và thầy Sa Anh hiệu trưởng cấp 3 Bản Vược (áo sơ mi xanh sáo) ủng hộ đến thế!

Nhiều khi phải một chị chải (gỡ) tóc một chị tết mới kịp xinh

Tổ tông đơ còn có cả nữ TNV !

Ở thành phố đâu dễ có có cơ hội làm thợ cạo!

Nhà tài trợ tông đơ nhưng trình diễn cắt tóc bằng kéo

Chị lớp 9 Hà Nội tết tóc cho em lớp 8 Pa Cheo


Thân nhau

Tóc trước và tóc sau

Quà
Không nhiều tiền thì mua quà nhỏ nhưng đủ để không bé nào không có. Cái lý của người Mông Pacheo chưa đủ để con ai học giỏi mới được quà. Cái lý của người Mông Pacheo là con mình đi học được cơm ăn được áo mặc được quà thì mình cho nó đi học.
Nhưng cũng chẳng hẳn điều đó mới là quan trọng.
Điều quan trọng đôi khi giản dị đến khó ngờ,
"Rất khó quên hình ảnh các bạn trai, buộc dây vào ô tô, nối với 1 vỏ chai nước nhỏ và dắt đi khắp sân trường Lên núi, là nơi cảm nhận được rõ nhất những điều rất nhỏ thôi lại có thể mang đến cho bọn trẻ, cũng như cho chính bản thân ta niềm hạnh phúc đến vậy" (Hoa Nguyễn, TNV trẻ SV mới ra trường),

"Điều ngạc nhiên nữa là sáng hôm sau trên tay các bạn nữ đều cầm búp bê, thấy yêu yêu, đúng kiểu ngày xưa có áo mới mặc cả đi ngủ" (Tố Nga, một TNV trẻ khác).

Mong muốn biết bao để những người bạn đã góp Giỏ cho các em không có mặt có thể hình dung hết niềm hạnh phúc của những đứa trẻ miền núi mười mấy tuổi với những món đồ chơi như thế này..


Liên hoan, trò chơi, và lửa trại
Giá như chúng ta đều được tận mắt nhìn nét mặt háo hức của các em khi được ngồi bàn ghế với bánh kẹo, nước ngọt bày trên đó, với bạn bè thầy cô ngoài sân trường - khái niệm phá cỗ như này là niềm vui đặc biệt với những đứa trẻ những vùng đất nghèo. Thầy Cường Hiệu trưởng đã thốt lên: Tổ chức văn nghệ trên sân trường thì các em được xem nhiều, lửa trại các thầy cô cũng từng tổ chức, nhưng vừa liên hoan vừa trò chơi vừa xem văn nghệ thì đây là lần đầu tiên các em được hưởng. Thật hạnh phúc. Cảm ơn các anh chị thật nhiều.

Chỉ hơi vất vả chút thôi, nhưng chia cho cả nhóm cũng thành nhẹ. Món lời gánh về nặng ấm cả hai vai.


Sân trường đêm rộn rã núi rừng đêm

Cùng chơi trò chơi,

cùng dép tổ ong, cùng lội bùn...

...cùng cười, cùng múa,

và cùng lửa trại

Ông Trời thương. Từ 8h trời chỉ còn vài hạt mưa, rồi tạnh, đủ để đốt lửa trại xong thì mưa lại. Yêu ông í lắm vì những gì ông ấy đã đỡ nhóm góp niềm vui cho những đứa trẻ.

* Phần 4: Hội nghị tuyển sinh (link)
* Phần 5: Những em bé Tả Lèng (link)
* Phần 6 và Lời kết: Cho một chuyến đi đủ đầy (link)
* Hình trong bài của các TNV Minh Son, Hoang Minh Hung, Lien Nguyen, Lana Nguyen.