Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

CHUYẾN ẤM TÁ BẠ (KA LĂNG) - NẬM NHÙN, LAI CHÂU TRƯỚC TẾT NGUYÊN ĐÁN

Còn chưa đầy 2 tuần đến Tết Nguyên Đán, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Giỏ Thị phối hợp cùng CCT, Áo Ấm, Ford Thủ đô, Zen, bạn bè và Giỏ viên tổ chức chuyến đi mang Ấm lên đường cho các em bé ở 03 xã: 1) Tá Bạ (tách xã từ Ka Lăng) huyện Mường Tè, và hai xã 2) Nậm Hàng, 3) Nậm Manh thuộc huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu.
Chuyến đi sẽ xuất phát Hà Nội sáng sớm Thứ 7 ngày 18/01/2014 kéo dài đến Thứ Tư 22/01/2014 (22 tháng Chạp). Xin chia sẻ cùng bà con bạn bè một số thông tin ban đầu, nhóm đi sẽ cố gắng cập nhật chia sẻ hình ảnh từ Ka Lăng, Nậm Nhùn dọc chuyến đi.

Lịch trình:
Thứ Bảy 18.01.2014
- 06:00 tập kết xuất phát đi Điện Biên.
- Tối ăn cơm, nghỉ Điện Biên.

Chủ Nhật 19.01 - 07:00
- Ăn sáng, check out KS, xuất phát đi Tá Bạ (Ka Lăng).
- Ăn trưa Nậm Nhùn.
- Chiều vào Tá Bạ. Ăn tối, ngủ tại Tá Bạ.

Thứ Hai 20.01
- Ăn sáng trên bản, mì hộp + cà phê.
- Hoạt động tại Tá Bạ, đi thăm thực tế bà con bản Tá Bạ, tặng quà, giao lưu với các cháu (cả học sinh và trẻ bản) tại điểm trường chính.
- Chiều rút về nghỉ tối Mường Lay.

Thứ Ba 21.01
- Ăn sáng, check out KS, xuất phát đi Nậm Hàng, tặng quà chung MN, Tiểu học số 2, Cấp 2 Nậm Hàng (các thầy cô mặc áo cho học sinh); Đoàn vào điểm bản Huổi Van thăm và tặng quà.
- Ăn trưa xôi suối Huổi Van (nhờ Hà Hưng Cty Thành Long lo xôi).
- Chiều đi Nậm Manh, tặng quà chung MN, Tiểu học, Cấp 2 Nậm Manh (các thầy cô mặc áo phát quà cho học sinh); Đoàn lên điểm bản Huổi Chát 2 thăm và tặng quà.
- Tối về Điện Biên, ăn tối, nghỉ ĐB.

Thứ Tư 22.01.2014
- Ăn sáng, checkout KS,
- (Qua tượng đài ĐBP) xuất phát về HN.

Hàng hóa chuẩn bị cho chuyến đi và một số hình ảnh trong quá trình chuẩn bị:

(bấm vào hình để phóng to về kích cỡ ban đầu)

Trước chuyến đi nhiều ngày nhiều TNV đã dành thời gian nghỉ cuối tuần của mình để giúp lao động phân loại quần áo cũ được ủng hộ, chọn những cái còn tốt

Và, mua thêm quần nỉ mới...

Cho những đứa trẻ Ka Lăng (hình chụp 11.2012)

10.2013

Chia sẻ tấm hình này trên FB Giỏ Thị, một TNV đã viết "Ngắm tấm hình này suy ngẫm ra nhiều điều. Trong nhóm đóng hàng có các kĩ sư, bác sỹ, sinh viên...,và vài chủ doanh nghiệp trong tay có vài chục, vài trăm nhân viên vẫn xắn tay đóng hàng cho các bé vùng cao. Sự nhiệt tình, cẩn thận và đầy trách nhiệm với mỗi món đồ khi đóng gói, phân chia đã nói lên cái tâm sáng, tấm lòng nhân ái của các bạn. Chỉ một hai ngày nữa, những món quà này sẽ được đưa tới Ka Lăng, Nậm Nhùn xa xôi. Những quần áo ấm, ủng, chăn ấm sẽ tới tay các cháu đúng vào dịp Tết để đón chào một mùa xuân mới".

 Nền lớp lạnh lắm nên các cô xin thảm lót nền cho các con

 Tiểu học và cấp 2 thì mong lắm những vật dụng thể thao đơn giản thế này: quà cho mỗi thôn bản chỉ một bộ vợt cầu lông và một trái bóng đá

Bình lọc nước để các em đỡ phải uống nước lấy trực tiếp chảy từ đất

Cần thời gian và công sức TNV để từng loại hàng ủng hộ và quà được phân chia đóng gói dán nhãn cho đủ 03 xã Tá Bạ, Nậm Hàng, Nậm Manh, từng điểm thôn theo sĩ số học sinh các thầy cô cung cấp, cũng có cả quần áo bánh kẹo cho các em sẽ gặp dọc đường hay trong thôn bản, ..

..., tập kết và bốc hàng lên xe tải

Làm việc nhóm rất vui khi đồng lòng

 Nữ nhi thì đứng xa thôi vì công việc này thật sự nặng nhọc và khó khăn

310 chăn ấm được đóng gói hút chân không để giảm thể tích đủ chỗ cho xe tải 3.5 tấn..

...kín mít thế này, xuất phát đi Ka Lăng...

Tuyến đường Hà Nội - Tá Bạ (Ka Lăng) cực Tây Bắc Tổ quốc do Google vẽ, tuyến thực tế sẽ phải vòng qua Điện Biên xa hơn vì QL6 không thể thông đường

Sớm mai 5 xe chở 16 TNV lên đường...

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

TÁ BẠ - NƠI NGHÈO CẢ NỤ CƯỜI

(Đào Tuấn - LĐ) Lai Châu nghèo nhất cả nước. Mường Tè nghèo nhất Lai Châu. Còn Tá Bạ, xã vừa tách ra từ xã nghèo Ka Lăng, thì nghèo nhất Mường Tè. Tá Bạ nghèo từ nguồn nước, "ký điện", nghèo trong mỗi bữa ăn của người La Hủ, nghèo đến cả những nụ cười.
(Tác giả Đào Tuấn báo Lao Động đi cùng chuyến CCT - Giỏ thị - PSC 11.2012, bạn có thể đọc lại ở đây)

Kỳ 1: "Con hổ" chờ cứu đói
Người La Hủ thường tự hào giải thích rằng: La là hổ, Hủ là sóc, La Hủ nghĩa là mạnh như con hổ, khéo léo và nhanh như con sóc. Nhưng giờ đây, "con hổ" trong hình hài một người đàn ông đang ngồi hút thuốc lào vặt chờ cứu đói. Còn "con sóc", trong cái dáng một người đàn bà, lúc nhúc một bầy con, lờ đờ ngước nhìn với khuôn mặt ngơ ngác.

Đuổi hình bắt sóng
Ủy ban vắng hoe, chỉ còn Vàng Pha Ly - Chủ tịch HĐND xã Tá Bạ trực ở nhà. Sự tạm bợ có thể nhìn thấy ở bãi hoang đỏ choét đất mới đang bị mưa lũ mài mòn dần, và những căn nhà tạm đề biển UBND run bần bật trong gió. Cái tạm, ở việc còn thiếu sự tối thiểu của văn minh: Một buồng WC có nước. Hỏi cán bộ đi đâu hết rồi? Đáp: Cán bộ xin về nhà "làm lý". Đang đúng bữa Hò sư trà (tết năm mới của người Hà Nhì, La Hủ). Việc chính quyền không lớn hơn chuyện "làm lý" ở nhà. Thực ra, dân cũng chẳng mấy khi tới uỷ ban. Bởi việc chính của dân vẫn là kiếm miếng đút miệng. Bao đời nay vẫn thế. "Đói ư ? Một năm được tính thành hai mùa. Mùa no và mùa đói. "Nhưng giờ đây, mùa đói kéo dài đến 9-10 tháng trong năm" - Vàng Pha Ly - vị chủ tịch hội đồng đen đúa nói thế.

Tá Bạ vừa tách ra từ Ka Lăng. Trụ sở uỷ ban nằm tơ hơ trên một bãi đất trống, không nước sạch, không điện lưới. Cả ủy ban trông vào một chiếc máy thủy điện liên tục “hắt hơi sổ mũi”. Đèn, quạt, tivi nhìn ra cũng đủ cả, nhưng chỉ để làm cảnh, vì “cứ dùng là cháy”. Khoát tay với rừng núi điệp trùng trước mặt, Vàng Pha Ly than rằng Tá Bạ đất thì nhiều ruộng thì ít. Với diện tích tự nhiên 11.375ha, nhưng cả xã chỉ có 279 hộ/1.696 khẩu. Sự mênh mông không đồng nghĩa với ruộng đất. Cả xã chỉ có một con mương, đủ nước tưới cho 5-7ha. Còn lại thì trông cả vào ông giời. Cái thiếu của Tá Bạ chính là những công trình thủy lợi để biến đất hoang thành ruộng vườn. Tá Bạ 98% là người Hà Nhì và La Hủ. Trình độ canh tác lạc hậu một ngàn năm với chỉ một phương thức duy nhất là chọc lỗ tra hạt. Vì thế, chẳng có gì lạ khi có tới 93% là hộ nghèo.

Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động và chương trình "Cơm có thịt" có mặt tại Tá Bạ.
Vàng Pha Ly ít nói, chậm nói nhưng không ít hài hước khi ông kể câu chuyện sóng di động ở Tá Bạ. Đó là thứ sóng mà mỗi độ muốn gọi điện thoại, cán bộ xã chạy như cuồng từ mỏm đồi này sang vách núi nọ. "Ở đây chúng tôi chơi trò đuổi hình bắt sóng" nếu muốn cái máy điện thoại thay chân người. Xã mới Tá Bạ đang thực hiện gom dân, thứ việc giống y với cách thức chính quyền vào rừng thuyết phục người La Hủ, đang lang bạt ở rừng xanh núi đỏ nào đó ra ngoài lập bản. Rồi sau đó, bắt đầu với những bài toán không thể giải nổi: Đất cho bà con, để an cư lạc nghiệp. Miếng ăn, để không phải ngày ngày chui rừng xuyên núi. Và xa hơn, là việc thúc bọn trẻ đến trường.

Chính thầy Xỳ Xì Phạ - Hiệu phó Trường Trung học cơ sở Tá Bạ - cũng nói lên niềm mơ ước lớn nhất của những người thầy ở đây, là biết đâu, một ngày nào đó một học sinh La Hủ - đang học tiếng Việt qua các thầy giáo người Hà Nhì - sẽ vào đại học, sẽ trở về xây dựng quê hương. Nhưng tương lai đó xa lắm. Bởi cái gần là bây giờ Tá Bạ mới bắt đầu mở lớp chuyển. Gần hơn nữa là miếng ăn hằng ngày mà chữ "đủ" vẫn còn quá xa xỉ.

Bản không tên
Người La Hủ sinh sống nơi đây với trình độ thâm canh quá lạc hậu. Có một câu để nói về đồng bào, đã được nói tới tại nghị trường Quốc hội: "Đói không kêu. Cho không mừng". Nhưng thế là thế nào? Tôi hỏi Xỳ Xì Phạ khi cưỡi xe máy trùi trượt xuống bản. "Đồng bào không biết là họ đang đói" - Phạ - thầy giáo người Hà Nhì - trả lời. Câu chuyện "không biết mình đang đói" được chứng thực chỉ ngay sau đó.
Cảnh ở tạm bợ của thầy và trò Tá Bạ

Phả Gió Nu (35 tuổi) 5 con và 1 chồng, đang ở trong một căn chòi cỡ 2 chiếc chiếu đôi. Gió lạnh rùng rùng qua vách liếp. Vật dụng trong căn nhà trống trước trống sau chỉ là một chiếc đèn pin, 3 chiếc gùi đi nương, 2 con dao và 1 chiếc điếu cày. Trưa đó, cả nhà chỉ còn đúng một bắp chuối vừa lượm về từ đâu đó. Hỏi: Trưa nay ăn gì? Lắc đầu. Ngày mai ăn gì: Lắc đầu. Thực ra, người La Hủ vẫn được Nhà nước cứu trợ gạo mỗi tháng. Nhưng số gạo đó không đẻ ra được thóc. Rất nhanh chóng, những người dân lại phải vác dao vào rừng.

Nhà Gió Nu, cùng với 17 hộ khác vừa được di ra khỏi rừng để lập bản mới. Không đất. Không nước. Không điện. Không cả cái ăn. Cuộc sống là sự bòn nhặt từ rừng, một bắp chuối, vài đọt măng và những con cua suối nướng vội. Từ bữa chuyển từ Chổng Phú Thơ (đầu nguồn thủy điện Pác Ma) về đây, gia đình 7 người đó ôm gối hút thuốc lào vặt chờ cứu trợ để ăn cho thực no một bữa rồi ôm bụng đói, dài cổ chờ kỳ cứu trợ kế tiếp.

Ngay bên cạnh là nhà Lò Phù Sứ. Bà cụ năm nay đã già lắm rồi. Bàn chân trần cả đời chưa từng xỏ dép, dày lên một lớp chai, mốc thếch. Bà cụ đương ôm bụng đói ngồi hút thuốc lào vặt. Trên bếp, bắc một ấm nước đun cho có mùi khói. Những lời than vãn của bà được Xỳ Xì Phạ dịch ra rằng: Chồng mất rồi. Con trai đang đi rừng. Lấy được gì ăn đó thôi. Không có thì đi xin.

Câu chuyện sinh kế nói ra đây thực vô duyên, khi bản mới không một mảnh đất cắm dùi dù xung quanh bạt ngàn đất hoang. Chính Vàng Pha Ly - Chủ tịch HĐND xã - cũng nói năm tới sẽ “nói câu chuyện khai hoang” với người dân bản mới, một bản nghèo tạm bợ đến không có cả một cái tên, thậm chí, không có trưởng bản để mỗi độ tết Hò sư trà đứng ra "làm lý". Những mái nhà, căng bạt xanh Nhà nước cho, nhưng có lẽ, sẽ nhanh chóng chuyển sang "màu vàng", bởi mái lá xanh đó không khiến những cái bụng ngừng sôi réo.

Rất nhiều tiền của đã được đổ vào ngõ hầu giúp người La Hủ từ bỏ cuộc sống du canh du cư, nay đây mai đó của họ. Tấm bạt xanh thay cho những túp lều lợp lá chuối đơn sơ như những cái tổ chim. Kỹ thuật trồng lúa nước được tay chỉ tay. Trâu bò được cho không. Thậm chí, cả việc xây nhà vệ sinh. Nhưng cái thiếu nhất của người La Hủ vẫn là những con chữ. Những con chữ để làm nên thứ gọi là dân trí. Trong những câu chuyện cười ra nước mắt về người La Hủ ở Tá Bạ, có những cắc cớ, rằng vì sao phải nuôi con heo nửa năm trong khi nửa ngày ra suối đã có con cá, con cua đút miệng? Tại sao phải trồng rau khi "măng đã mọc sẵn trong rừng"? Và tại sao phải lấy ngô nuôi gà khi ngay cả con người còn chưa có miếng gì va miệng?

Thiên nhiên đã ở trong máu của người La Hủ và từ bỏ lối sống, từ bỏ tập quán từ ngàn đời nay không dễ, khi mà những bàn chân chai sần cả đời không xỏ dép quen lội rừng vượt núi hơn là đi trên mặt đất bằng.

Vẫn biết, một cách bền chặt là việc cho những đứa trẻ của ngày hôm nay học cái chữ, để ngày mai ít nhất cũng biết "Kêu khi đói và mừng khi nhận". Nhưng việc học ở Tá Bạ, ở vùng cao không đơn giản chỉ là chuyện đến trường.

Kỳ 2: Nụ cười Tá Bạ