Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

TỔNG KẾT VÀ BÁO CÁO TÀI CHÍNH GIỎ ĐẾN 31.01.2014

*** Tổng kết Giỏ Thị sau chuyến Áo ấm Sàng Ma Sáo (đến 10.12.2013) tại bài này

Từ 10.12.2013 đến 31.01.2014 Quỹ Giỏ thị có những khoản thu chi như sau (thể hiện trong sao kê Tài khoản Giỏ thị do Mẹ Mốc Mít và Lana đồng kiểm soát):

A. Ngăn Giỏ ủng hộ CCT (thường xuyên theo Quý), đợt Quý I.2014 tổng cộn 6,000,000 đ, từ
- Một người bạn nhà Mốc Mít
- Lana Dim Mei
- Nhà Mốc Mít
Giỏ thị chuyển sang TK CCT của bác Trần Đăng Tuấn - 6,000,000 vnđ ngày 20.02.2014. Bác Tuấn đã thống kê nhận trên FB cá nhân và trang FB "CHƯƠNG TRÌNH CƠM CÓ THỊT" note "THỐNG KÊ ỦNG HỘ CCT NGÀY 20.02.2014"

B. Ngăn Giỏ Áo ấm:
I. Góp Giỏ
1) Còn lại sau chuyến Ấm Sàng Ma Sáo: 25,525,695
2) Tổng các Giỏ thị viên góp ủng hộ: 57,480,000 đ từ các bạn:
10.12.2013 Lưu Hoa
15.12.2013 Lại Thị Chín
16.12.2013 Nhóm bạn CAP,Anh BM, HANH THI
22.12.2013 Chị Liên Nguyen
22.12.2013 Đỗ Trọng Dũng
30.12.2013 Mr Loi 
30.12.2013 Gemini Vinh
30.12.2013  Ngọc Dũng Melbourne
30.12.2013 Ban SAN JOSE
07.01.2014 Lưu Hoa
15.01.2014 Lại Thị Chín
16.01.2014 Sông - Hoàng Oanh
16.01.2014 Đỗ Thanh Huyền
16.01.2014 Anh Hùng
16.01.2014 Bạn Thắng Pentax

(chi tiết từng khoản/ cá nhân đóng góp của Giỏ đã được chuyển qua email ngày 25.02.2014 tới từng Giỏ viên liên quan).

3) Tổng bà con ủng hộ cho chuyến áo ấm Ka Lăng - Nậm Nhùn thông qua Giỏ thị: 69,652,500 đ, chi tiết:
16.12.2013 Góp ủng hộ thông qua chai Chivas 18 4,630,000
16.12.2013 Quỳnh Châu ck ọp ngày 13/12/2013 1,000,000
23.12.2013 Bạn Tiến (Bạn Natalie Nguyễn) 9,455,000
22.12.2013 Đổi áo cũ ra áo ấm mới và ủng    500,000
26.12.2013 Nguyễn Thị Hà (Hà Nguyễn) 5,000,000
28.12.2013 Phạm Thị Thùy Linh cùng nhóm bạn 2,200,000
30.12.2013 Phạm Hương Giang (USA)    500,000
30.12.2013 Osin Nguyen (TEXAS) 7,402,500
30.12.2013 Dã Quỳ và nhóm bạn 14,805,000
03.01.2014 Mai Đào  2,000,000
03.01.2014 Bạn Mai Đào mổ heo 1,300,000
10.01.2014 Chị Bùi Tú Ngọc 10,000,000
10.01.2014 CLB doanh nhân phụ nữ thượng đỉnh 5,000,000
10.01.2014 Cô Brooke (TT tiếng anh Etalents) 2,000,000
11.01.2014 Bạn Quỳnh Anh 2,000,000
26.01.2014 Bác Hưng Vũ 1,010,000
26.01.2014 Bạn Hương Nguyễn (Viện tim)    850,000

Cộng ủng hộ tính đến 10.12.2013 (1) + (2) + (3): 152,658,465 đ (4)
II. Chi:
1) Các khoản chi cho chuyến Ka Lăng - Nậm Nhùn: - 56,460,000 đ (5)
Thanh toán tiền ca + cặp lồng -6,990,000
Thanh toán bổ sung 120 đôi ủng -3,000,000
Thanh toán tiền Gối -6,700,000
Thanh toán tiền khăn mặt -2,500,000
Thanh toán tiền SGK, Vở, Bảng.. -9,540,000
Thanh toán tiền Bóng + vợt cầu lông -5,890,000
TT tiền quần nỉ + xốp trải sàn -7,350,000
TT bổ sung 100 quần nỉ 20K -2,000,000
TT tiền bánh kẹo + Bột canh           -12,490,000
Cộng            -56,460,000

2) Hỗ trợ lâu dài cho Học sinh Pa Cheo: - 15,950,000 đ (6)
Chuyển khoản tài khoản thầy Minh -11,450,000 TT tiền bếp ăn cho hs Pa Cheo- Bản Vược T9-12/2013
Chuyển khoản tài khoản thầy Minh -3,500,000 Tạm ứng tiền mua gạo & bếp ăn Bản Vược T1
Chuyển khoản tài khoản cô Hồng -500,000 Chuyển tiền gạo và quà tết cho bé Ghênh
Chuyển khoản tài khoản cô Tiến -500,000 Chuyển tiền gạo và quà tết cho bé Mỷ

Quyết toán sau chuyến Ka Lăng - Nậm Nhùn, hiện còn lại ở ngăn Giỏ thị áo ấm: (4) + (5) + (6) = 80,248,465 đ.

Số tiền này ngoài hỗ trợ tiền ăn hàng tháng cho các em Bản Vược, một số em nhà quá khó khăn nhưng hiếu học (Ghênh, Mỷ), tổ chức một chuyến lên Pa Cheo / Bát Xát động viên các em chuẩn bị cho năm học tới thì dự định trong hè sẽ may dần áo ấm, áo nỉ cho mùa đông sau.

Bà con, bạn Giỏ làm ơn check mail và thông báo cho Mẹ Mốc Mít (mocmit2002@yahoo.com) và Lana (lana.nguyen2@gmail.com) nếu có gì sơ sót. Xin thay mặt Giỏ thị và các nhóm tham gia đợt áo ấm SMS cảm ơn bà con thật thật nhiều.

Kế toán Giỏ: Mẹ Mốc Mít - Lana.

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Bé Mỷ

Tháng 8 tháng 9 thời điểm đầu năm học các thầy cô giáo vùng cao có thêm một nhiệm vụ là vào thôn bản vận động học sinh đến tuổi đi học theo yêu cầu quy định về phổ cập giáo dục vùng cao. Cô giáo trẻ người dân tộc Dáy Mộc Thị Tiến ở điểm bản Tả Lèng, xã Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai cũng vậy. Ra trường năm 2012 được phân công về bản Tả Lèng dạy Mầm Non, tháng 9. 2013 cô nhận nhiệm vụ vận động gia đình bé Vàng Thị Mỷ cho em ra lớp. Hai tuần ròng rã đến thuyết phục, bà nội chỉ nói tiếng Mông, ông nội nói được một chút tiếng Kinh, cô chỉ nhận được câu trả lời: Nó không có bố không có mẹ, nhà không có tiền không có gạo không có ai đưa đi lớp. Nó không đi học được đâu.

Bé Mỷ khi đó 3 tuổi. Bố mất năm trước khi Mỷ mới 2 tuổi, rồi mẹ bỏ đi nghe nói lấy chồng ở xã khác bế theo em gái Vàng Thị Cở để lại Mỷ ngơ ngác cho ông bà nội già yếu khó nghèo. Cô giáo Tiến kể em cứ đến nói chuyện như thế hai tuần, đứa bé mặt lúc nào cũng nhem nhuốc và buồn trong ngôi nhà nhỏ tối, "Nó không đi học đâu cô giáo về đi". Về và khóc. Người đồng nghiệp có kinh nghiệm và nói được tiếng Mông là cô giáo Hải cùng trường đã đến nói chuyện với ông: Vậy thì gia đình cho bé đi, các cô giáo sẽ nuôi bé cho bé ăn từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, chỉ gửi về ông bà vào cuối tuần khi các cô giáo về nhà. Ông nội đồng ý. Bé Mỷ vào lớp của cô giáo Tiến từ đó.

bé Mỷ trong lớp học Mầm non Tả Lèng, tháng 10.2013

Tháng 11.2013 chuyến Ấm Pacheo - Sàng Ma Sáo của Giỏ Thị - Chăn Ấm/ Mỷ áo đỏ ngồi đầu bìa phải


số phận/ cơ duyên/...
(bé Mỷ cùng người mẹ thứ hai - cô giáo vùng cao Mộc Thị Tiến)

Tâm sự, Tiến bảo chỉ giản đơn là để Mỷ được đi học như những đứa trẻ khác bởi nếu trễ lại quá tuổi theo quy định bé sẽ hết cơ hội đến lớp, em nhận chăm sóc bé Mỷ ở căn phòng nhỏ dành cho giáo viên ở trọ của mình. Tiến sinh năm 89 vừa lập gia đình và chưa từng làm mẹ, bỗng dưng có một đứa con gái rơi vào lòng, tình yêu cứ vậy mà tự thành. Chồng Tiến sinh năm 91 làm công nhân cao su gần nhà, ở cùng bố mẹ đẻ ở xã Bản Qua cách Tả Lèng 29km, Tiến ở cắm bản Tả Lèng cả tuần, vợ chồng trẻ chỉ gặp nhau ngày cuối tuần khi Tiến về nhà xum họp. Chiều chủ nhật trở lên trường Tiến lại ghé nhà ông bà của Mỷ đón bé về căn phòng trọ chăm sóc, hàng ngày đưa bé theo đến lớp, tối về chia sẻ bữa cơm đạm bạc, dạy bé nói tiếng Kinh, mua quần áo ấm cho bé bằng số tiền lương giáo viên có hạn. Tiến kể "Mỗi khi em lên đón Mỷ vui mừng ra mặt, như là bé nhớ, em cũng vậy chị ạ".

So với hình thầy Minh Pa Cheo gởi về khi kể chuyện về Mỷ, trong hình các TNV chụp trong chuyến đi Pa Cheo – Sàng Ma Sáo tháng 11.2013 cùng Nhóm bạn Giỏ thị, bé Mỷ ấm áp hơn nhiều trong chiếc áo mùa đông màu đỏ chiếc quần nỉ đi đôi dép có quai, sạch sẽ xinh xắn rất dễ thương, duy chỉ có ánh mắt vẫn đượm buồn.

Bé Mỷ thường im lặng, không biết vì gặp người lạ hay vì vốn tiếng Kinh còn ít ỏi

Trở về, nhóm thành viên Giỏ thị đã bàn nhau và trao đổi với cô Sìn Thị Việt hiệu trưởng MN Pa Cheo để Giỏ Thị sẽ gởi một phần kinh phí đều đặn phụ giúp cô Tiến nuôi bé Mỷ như một cách cùng các cô giáo đỡ đầu bé lâu dài, cũng để đứng cạnh bên nói với cô giáo trẻ có tấm lòng đẹp Mộc Thị Tiến rằng có chúng mình hiểu, yêu mến, và luôn bên cạnh, cô giáo hãy yên tâm, chúng ta sẽ cùng nhau ráng nuôi dạy bé nên người.

Hôm nay gọi điện hỏi thăm, được cô Tiến báo tin cô đã có bầu em bé đầu lòng được 4 tháng "tháng trước em hơi nghén mệt mỏi nhưng giờ đỡ rồi chị ạ".

Vậy là Mỷ sắp có em rồi.

* Thông tin trong bài: Cô giáo Sìn Thị Việt, Hiệu trưởng trường MN Pa Cheo, Thầy giáo Cấp 2 Đỗ Quốc Minh, các cô giáo Mầm non Pa Cheo Mộc Thị Tiến, Đỗ Thị Hải.
* Hình: thầy Đỗ Quốc Minh và các TNV Giỏ Thị - Chăn Ấm: chị Liên Nguyễn, Nguyễn Quỳnh Châu, Hoàng BlackViva, anh Lâm TCB.

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

PHÀNG A MĂNG

Chiều nay ngày làm việc đầu tiên sau Tết, ko bận rộn, nhận được tin nhắn từ Phàng A Măng, một trong ba em học sinh đầu tiên của Pa Cheo lên học cấp 3 Bản Vược năm học trước (Phàng A Măng, Cứ A Vềnh, Lý A Sử). Pa Cheo khi đó chưa từng có học sinh đi học cấp 3 chính quy kể từ năm 2006 thành lập trường cấp 2 tại xã. Hết cấp 2 muốn học cấp 3 phải ra Bản Vược cách bản gần 40km, phải ở trọ, xa và không có tiền, nên ở nhà luẩn quẩn với lấy chồng, lấy vợ, trồng ngô.

Măng nhiều tuổi nhất trong nhóm 3 Măng-Vềnh-Sử, mẹ mất, bố nhiều vợ, em phải tự lo cho mình, hết cấp 2 đi làm bốc vác ở cửa khẩu 2 năm rồi quay trở lại đi học lên cấp 3 vì muốn học. Khi chưa được nhóm Giỏ thị phát hiện và hỗ trợ Măng vừa học vừa đi làm bốc xếp cuối tuần lấy 70 ngàn đồng một ngày để tự trang trải cho mình ở trọ và theo học, vì thế Măng học yếu nhưng lại chững chạc và 'kiên trì' nhất trong 3 anh em, được các cô chú nhóm hỗ trợ và thầy cô tin cậy quý mến. Tháng 9/2013 lứa Măng-Vềnh-Sử lên lớp 11 tạo đà cho 14 em tiếp theo từ Pacheo lên học cấp 3 hiện còn trụ lại 11, mà như bí thư Hầu A Chúng, chủ tịch Mã A Páo (đều người Mông sinh ra tại Pa Cheo), các thầy cô giáo nói rằng đó là một đột biến hạnh phúc với giáo dục của Pa Cheo.
Dù vậy câu chuyện các em đi học vẫn là một câu chuyện dài.

Măng nhắn tin không phải chào Năm Mới. "Cô ơi em xin lỗi cô, đã có những tấm lòng giúp em trong những thời gian vừa qua, vì bố em chửi em và bỏ em rồi. Từ thứ 7 tới em đành bỏ học và em chỉ sống cùng với anh trai".
Lập tức gọi. Măng nói mùng 4 Tết bố em chửi và đuổi em với anh trai ra khỏi nhà. Anh trai đã lấy vợ ở riêng gần nhà bố. "Anh trai em khóc em cũng khóc, anh trai em nói em bỏ học ở nhà đi làm với anh kiếm tiền sang năm lấy vợ".

Cái khổ cứ vòng quanh. Mình đã gặp ông bố của Măng lần đến điểm bản Pờ Sì Ngài của Pa Cheo, một người Mông cả đời quẩn quanh trong bản như hầu hết đàn ông Mông ở đây, lần mò trong đói nghèo mông muội, hẳn là ngày Tết say rượu rồi chửi bới. Cậu anh trai nói em bỏ học để đi làm lấy vợ để sống riêng hẳn cũng lại là cái lý quẩn quanh của người Mông Pa Cheo chưa ra khỏi đói nghèo.

Nói với Măng "nào Măng cho cô biết nhé, em muốn bỏ học thật hay em vẫn muốn đi học",
- Em không muốn bỏ học nhưng anh trai em nói nghỉ ở với anh đi làm lấy vợ, chắc em nghỉ thôi cô ơi.
- Thế này nha, nếu em thật sự, thật sự còn muốn học thì em đừng bỏ cuộc chỉ vì lời mắng của bố, có thể vì say rượu, có thể vì tức giận lúc đó, hay chỉ vì theo anh trai muốn. Đi học hay bỏ học là quyết định lớn cho cả cuộc đời mình, đừng bao giờ quyết định điều gì mình không muốn/ chưa thấy đúng chỉ vì í muốn của một người khác bất kể đó là ai. Cô là phụ nữ cô còn nói vậy, em là đàn ông em càng cần nhớ điều đó.
Cô cho em từ giờ đến tối bình tĩnh suy nghĩ, nếu em vẫn quyết định nghỉ học cô sẽ không thuyết phục em nữa Măng à. Còn nếu muốn tiếp tục học, cô sẽ gọi cho thầy Cường, thầy Minh và nhờ bác Chúng, bác Páo đến nói chuyện với bố và anh trai em, thế được chưa nào.

Măng "dạ".

Măng - Vềnh - Sử trong gian trọ năm lớp 10 gần trường cấp 3 Bản Vược (Măng mặc áo trắng gắn logo học sinh) tháng 8.2013 trước khi các cô bác Giỏ Thị cùng nhà trường cấp 3, các thầy cô Pa Cheo xây cho 3 anh em và các em lứa sau của Pa Cheo một khu nhà trọ học trong khuôn viên trường

Nói thì vậy nhưng liền đó bàn nhanh với vài thành viên của nhóm rồi liên lạc liền với thầy Cường thầy Minh. Thầy Cường hiệu trưởng Cấp 2 Pa Cheo nói các thầy cô vừa cùng bí thư chủ tịch xã đi thôn bản vận động học sinh đi học trở lại "việc Phàng A Măng em sẽ bàn với bác Páo chủ tịch quay lại bản tới nhà Măng. Các anh chị dưới đó còn lo lắng trên này nhất định sẽ cố gắng. Chị yên tâm nhé".

Mùng 9 Tết học sinh mới đi học nhưng các thầy cô cấp 1 cấp 2 Pa Cheo đã nghỉ Tết ngắn hơn quy định, lên tập trung trên trường đầy đủ từ mùng 6, cùng lãnh đạo xã đến từng thôn vào từng nhà có học sinh vận động cha mẹ cho các em đến trường sợ dư âm nghỉ của kỳ nghỉ Tết dài.
Càng thấm thía cái vất vả khó khăn đòi hỏi kiên trì nếu muốn làm được điều gì đó với cái chữ/ tri thức cho lớp trẻ vùng cao...

Lại thấy nhiệt huyết trở về.

Bố Phàng A Măng (đứng giữa) với đoàn TNV CCT Nhật - Giỏ Thị và các cô giáo Tiểu học cắm bản Pờ Sì Ngài, Pa Cheo (Bát Xát, Lào Cai) khi nhóm tới thăm điểm trường bản Pờ Sì Ngài của em, 05.2013 

*** Về Măng Vềnh Sử, nhóm Giỏ Thị và Dự án nhà trọ học Pa Cheo có thể đọc loạt bài "SỰ HỌC Ở PA CHEO" (link).