Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

GIỎ THỊ - CÂU CHUYỆN "ĐỨC NGỖNG"

Như một cái duyên, tháng 9/2013 các TNV lên Y Tý tặng quà cho mầm non gặp đội thanh niên thị xã Lào Cai đi "phượt xe máy" cũng lên tặng quà tại đó. Chuyện trò, chụp ảnh chung rồi cậu thanh niên Đức (fb Duc Tran) trong nhóm "phượt" cặp duyên Giỏ Thị.
Một cách tự nhiên Đức trở thành TNV Giỏ Thị tại tp Lào Cai, nơi đầu mối trung chuyển đi các điểm của huyện Bát Xát, Mường Khương,... Quá may, từ đó hàng hoá, sách vở, quần áo, dụng cụ học tập..., nếu được vận chuyển bằng xe khách, xe tải từ Hà Nội lên đều được Đức giao nhận.
Không những thế, Đức còn bỏ công việc của mình để tham gia các chuyến đi của nhóm Giỏ Thị trên địa bàn Lào Cai. Bốc vác, vận chuyển, dẫn đường...Làm tất. Làm một cách hồn nhiên như là trách nhiệm, niềm vui. Cả nhóm đều quý Đức ở điểm đó và gọi vui là Đức Ngỗng, bác Tiến khi vui còn gọi là thằng Ngỗng, một phần do Đức có cuộc sống tự lập từ nhỏ, cùng bạn bè mở quán chuyên bán ngỗng các món ở Lào Cai, phần khác do Đức hay ngượng và lóng ngóng trước các ạnh chị lớn tuổi từ Hà nội lên (và cả lóng ngóng trước mấy cô giáo xinh xinh trẻ trẻ :))

Mọi lần chỉ nhớ tới Đức Ngỗng như một cậu em khi có việc nhóm hay có chuyến đi lên núi khi vực Lào Cai. Hôm nay Đức khiến mọi người rưng rưng cảm động bằng dòng tin nhắn trong inbox "Em mổ con lợn cắp nách chắc cũng đổi được mấy chiếc áo cho bọn trẻ..." và hình chụp xấp tiền lẻ được xếp buộc gọn khi cậu đập lợn đất tiết kiệm.

Nó "Ngỗng" mà chẳng 'ngỗng', những đồng tiền lợn đất tiết kiệm của nó sẽ đổi thành những chiếc áo ấm cho trẻ em vùng núi cao biên giới Cao Bằng. Những đồng tiền nhỏ thôi mà ấm áp, từ một tấm lòng.

Đức ngỗng mổ lợn đất góp Giỏ mua áo ấm cho các em nhỏ vùng cao khó khăn hơn

Hình chụp ngày đầu Giỏ Thị gặp Đức "Ngỗng" tại Y Tý, 2013



XE HÀNG LÊN XÃ VÙNG BIÊN ĐỨC HẠNH

Mùa đông phía bắc, đến hẹn lại lên, cùng sự chung tay góp sức của bạn bè Giỏ thị đang tích cực chuẩn bị gánh hàng lên Đức Hạnh, Bảo Lâm, Cao Bằng tháng 12/2016:

Bảng hàng cập nhật ngày 22/11/2016. Ban đầu bảng danh mục hàng chưa tô được Giỏ Thị đưa lên trang fb của nhóm kêu gọi huy động ủng hộ. Mỗi khi có một cá nhân/ nhóm đăng ký ủng hộ mục nào mục đó sẽ được tô sang màu tím. Ủng hộ có thể bằng cách góp tiền theo giá tham khảo thông báo trong bảng (y/c chất lượng bảo đảm) hoặc bằng hiện vật theo số lượng, chất lượng Giỏ Thị đặt hàng.

Riêng góp với áo ấm, người ủng hộ góp tiền cùng với quỹ Giỏ đặt may toàn bộ lô áo với mẫu mã chất lượng thống nhất. Hợp đồng may hơn 1300 áo ấm cho Đức Hạnh như ở dưới. Sĩ số học sinh toàn xã gồm các điểm trường rải rác tại 15 điểm thôn bản của Đức Hạnh có 1287 bé Mầm non, Tiểu học và Cấp 2. Chuyến đi đặt thêm khoảng 5% áo dự phòng, phòng khi nhiều cháu bế theo em theo đến lớp học, và một số em bé quá lạnh gặp trong thôn.
Xin nói thêm, cơ sở Vừng Đông nơi GT đặt may áo mấy mùa đông nay gồm các bạn khuyết tật tại Thái Bình, được hỗ trợ về nguồn nguyên liệu khá tốt. Mỗi chiếc áo ấm vừa tạo việc làm, thu nhập cho các bạn khuyết tật TB vừa mang ấm cho các bé vùng cao. Giá áo theo cỡ, 90-95 ngàn đồng/chiếc.


Thông thường nhóm Giỏ Thị và các bạn hàng năm gồng gánh lên núi với áo ấm, giầy dép, khăn ấm... cho các bé vùng cao khi mùa đông tới. Nhưng Đức Hạnh 140 đứa trẻ 11 đến 15 tuổi nhà xa không thể hàng ngày đi về, thầy cô tự tổ chức cho ở lại trường để trọ học. Nhìn bọn trẻ tự nấu ăn trong những căn bếp tranh thầy cô tạm dựng sơ sài và thiếu thốn đến quặn lòng, thế là nhóm lại hò nhau giúp các cháu vật dụng ăn, nấu ăn.
Thầy cô nói có sự hỗ trợ bát đũa bàn ghế nồi xoong, nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh tổ chức bếp ăn tập thể cho các con. Hy vọng các cháu sẽ sớm có bếp ăn tập thể để có nhiều thời gian học tập và vui chơi.
(Hình thày Cường Hiệu phó PTCS Đức Hạnh).

"CÂY DÀI NGÀY" - SỰ HỌC Ở PA CHEO (4)

20/11 vừa qua MobiTV phát chương trình truyền hình thực tế (Reality TV) quy mô với những câu chuyện chân thực trên các miền của Tổ Quốc về sự học, giáo dục, về tình thầy trò, tri ân thầy cô.
Trong đó có đoạn clip ngắn về SỰ HỌC Ở PA CHEO, xin chia sẻ với bạn bè/ các nhóm bạn đã chung tay với dự án "Cây dài ngày" Giỏ Thị: Nhóm bạn San Jose, Chăn Ấm, ZEN (Dang DoThe), các Giỏ viên và tất cả bạn bè Giỏ Thị. Cảm ơn thầy Sa Anh Hiệu trưởng Cấp 3 Bản Vược, người thầy tâm huyết và thấu hiểu. Cảm ơn các thầy cô Pa Cheo. Cảm ơn bạn Đoàn Lê MobiTV, lặn lội tìm thông tin bỏ công sức nhiều ngày để làm clip này trong khó khăn :)


(link: https://youtu.be/Fan3vGulkQ4)

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

KHẢO SÁT BẢO LÂM, CAO BẰNG (2)

3. Khảo sát
Đường xấu khó đi, xuất phát 7h sáng gần 9h 3 chiếc 2 cầu chở 11 TNV mới tới được TT xã Đức Hạnh. Có Đồn trưởng Cốc Pàng gọi báo trước, bộ đội biên phòng Lê Bá Hùng kiêm bí thư Đảng ủy xã Đức Hạnh đón chúng tôi trước dãy nhà đơn sơ của ủy ban xã. Cô giáo Lương Thị Nụ người dân tộc Tày phụ trách khối Tiểu học vừa phụ trách công đoàn Phòng giáo dục huyện Bảo Lâm và thầy Chức hiệu phó Tiểu học Cốc Lỳ cũng đã có mặt. Sống và làm việc ở Trung tâm thị trấn Bảo Lâm, ngày nghỉ Thứ Bảy, gởi con nhỏ 2 tuổi, Nụ chạy xe máy 35 km đường núi để vào xã gặp, đi cùng đoàn tới mọi điểm khảo sát của hai xã Đức Hạnh và Lý Bôn tới tối sẫm. Về anh Hùng, người bí thư xã biên chế lính biên phòng xấp xỉ 20 năm gắn bó với vùng đất biên ải này, nói tiếng Mông, Nùng, Tày "như gió" với bà con Mông, Nùng, Tày Đức Hạnh được "bà con rất ưng cái bụng", bạn chỉ cần vào google đánh "Lê Bá Hùng Cốc Pàng" là có thể đọc được không ít điều đặc biệt ấn tượng về anh.
Nghe nhu cầu cần anh giúp chỉ dẫn vào thôn bản, loáng một cái, một tờ giấy, vài nét bút vẽ sơ đồ, nhóm đã có chỉ dẫn chi tiết không chê vào đâu được.

Sơ đồ và chỉ dẫn của bí thư Hùng - kim chỉ nam tuyệt vời cho ngày thôn bản không thể hiệu quả hơn

Trong phòng làm việc của bí thư xã - bộ đội biên phòng Cốc Pàng Lê Bá Hùng (áo trắng) cùng nhà văn Phạm Ngọc Tiến (cạnh bí thư Hùng) và nhà báo Đào Tuấn (đối diện) - những TNV của chuyến khảo sát cho chuyến áo ấm Bảo Lâm 

Gập ghềnh đi tiếp 12km đường dân sinh cô Nụ và thầy Chức đưa đoàn vào điểm trường chính Tiểu học Cốc Lỳ. Khoảng 7, 8 thầy cô giáo Tiểu học Mầm non đã đợi để đưa các TNV tới các điểm trường cắm bản. Cả khi chiều sang Khuổi Vin, Lý Bôn cũng vậy, nhiều thầy cô đã đợi sẵn, dù trước chuyến đi đã dặn mỗi nơi chỉ xin một vài thầy cô dẫn đường, bởi vào ngày thứ Bảy, hầu hết các thầy cô cắm bản chỉ cuối tuần mới được về nhà với gia đình.

Sự thật là ngày Bảo Lâm để lại cho TNV đoàn thật nhiều cảm xúc, mà cảm xúc ấm áp nhất là sự chân tình đón đợi những món quà cho bọn trẻ, đón đợi mọi sự khích lệ con em học trò của họ đi học, đến lớp đến trường.

Mời bà con bạn bè cùng chúng tôi tới một số điểm trường cắm bản của Đức Hạnh và Lý Bôn bằng hình ảnh TNV ghi lại. Có những ‘lớp học’ hở chứ không phải là trống nữa, bạn TNV đi lần đầu duy nhất của đoàn cao to huỳnh huỵch đứng hỏi ngẩn ngơ “lớp học thế này thì làm sao bọn trẻ con học được”. Có căn phòng chừng 9 mét vuông vách liếp ngăn đôi cho 03 cô giáo với một em bé nhỏ con gái cô giáo ở suốt những ngày dạy/học trong tuần. Có đám mẩu phấn góc bàn giáo viên làm cay mắt - những mẩu phấn được gạn viết đến chỉ còn bằng nửa hạt ngô. Có con đường mòn cheo leo vòng theo sườn núi dốc ngược rộng đúng 01 bước chân, thầy cô muốn giúp mà chỉ có thể cho TNV mượn xe máy tự chạy vì không thể "xe chở hai không đi nổi đâu”, cuối đó là lớp học của "thầy giáo Nùng lấy cô giáo Tày dạy học trò Lô Lô bằng tiếng Kinh".

À, cũng có cả bữa trưa thứ Bảy giao lưu ở hiên lớp học thịnh soạn với cơm nắm muối vừng giò ruốc rượu ngô, và chuyện ông TNV to nhất cao không nhất đoàn lên núi chạy xe máy vù vù mà lên ô tô cứ mỗi 50m lại đòi dừng xe gặp Huệ.

Các thầy cô dẫn đoàn đi mọi điểm trường thôn bản khảo sát. Không thể có chuyến khảo sát hiệu quả tranh thủ mấy ngày cuối tuần nếu không có sự nhiệt tình đến cảm động của thầy cô

Điểm trường Tiểu học thôn Cà Pẻn B xã Đức Hạnh. Áo gió đen khăn choàng hồng là cô Nụ PGD huyện Bảo Lâm

Toàn cảnh, trên cao là 'trường' Tiểu học, phía dưới là lớp của các em Mầm non vừa được xây

 Lớp học và cô giáo Cà Pẻn B cùng con gái nhỏ cắm bản dạy chữ

Hai phòng học điểm trường Tiểu học Cà Pẻn B nhìn từ "phía sau"

Thứ 7 các con nghỉ thì mẹ có em và các bác làm học trò

Các thầy vừa dẫn vừa dọn đường giúp xe vào trường bản

Chiếc bàn giáo viên thần thánh

 Và những mẩu phấn vùng cao


 Bữa trưa chuẩn bị từ trước mang theo, thịnh soạn cơm nắm muối vừng giò ruốc dưa cải muối nhờ có chuyên gia ẩm thực xinh đẹp nhiệt thành Xuân Đỗ, rượu nếp cái của Hoàng Black và rượu ngô của thầy cô góp tiệc


Chuẩn bị ăn trưa cơm nắm thấy một cô giáo bê đặt lên hiên lớp một chậu nước, hóa ra nơi này hiếm nước sạch, các cô lấy nước cho TNV rửa tay. Cảm động.


Xe máy 2km đường leo núi.
"Cưỡi xe máy anh chả ngán bố con thằng nào nhá!" (cóp y nguyên giọng Hoàng tử Đen, thề)!
Nói thật lúc nhận xe mình cũng hơi 'ngẫm nghĩ' có tí run trong lòng, chưa từng làm chuyện ấy. Nhưng phải cố gắng, cuối cùng vẫn tới chẳng ngã lần nào!



Tay lái lụa cả ô tô đường trường lẫn xe máy đường mòn núi cao. Tiếc là những đoạn khó chỉ có giữ tay lái chạy không thể dừng nên không có ảnh phóng sự. Chỗ này sắp tới nên xe trước có chỗ dừng chụp xe sau

 Đội xe máy đường núi tự thưởng tại điểm trường Cà Đổng B


Nhà công vụ giáo viên, nơi ba cô giáo và một em bé cùng cắm bản

 Anh cũng muốn check in :)


Cũng có một số điểm vừa được dự án xây mới như thế này (Cà Pẻn A)

Nhưng không đủ nên vẫn phải sử dụng cả những phòng học tạm (Cà Pẻn A). Mấy bé nhà ngay gần trường thấy thầy cô tới nên vào lớp chào


Leo dốc và thở lên điểm trường Tiểu học - Mầm non Nà Tồng xã Lý Bôn
Đường bọn trẻ đến trường. Thầy cô nói những ngày nước lên thầy cô từ điểm trường trên núi xuống đón dẫn học trò qua suối 

 dốc là thế này


nên anh Hoàng Black chốc chốc lại gọi em Huệ. Sau chuyến này đồng đội cùng phòng Tuấn Anh Nguyễn đặt cho anh nick mới là Hoàng tử Đen. Anh nói chuyến phát áo anh sẽ xách con bán tải tự chạy, bảo đảm không say


p.s Hình trong bài sử dụng của anh Hoàng Minh Hùng, cô giáo Lương Thị Nụ và các tình nguyện viên khác.

KHẢO SÁT BẢO LÂM, CAO BẰNG (1)

1. Chuẩn bị 
Để dễ hình dung, trước mỗi chuyến áo ấm lên miền núi của Giỏ Thị là một chuỗi công tác chuẩn bị: Dự kiến địa phương sẽ tới, thu thập thông tin, kiểm tra chéo, lựa chọn điểm đến, lấy dữ liệu học sinh/ điểm trường, nhu cầu hỗ trợ.
Một khâu không thể thiếu là khảo sát thực tế. Tất cả để nơi đến và những sẻ chia mang lên là “đúng và trúng”, hiệu quả nhất có thể. Các chuyến khảo sát cho thấy dù thông tin được chuẩn bị đủ tới đâu thì những chuyến khảo sát thực địa luôn rất cần và nhiều giá trị.
Trở lại Bảo Lâm – huyện biên giới giáp với Hà Giang thuộc tỉnh Cao Bằng, các bước nắm thông tin đã cho danh sách một loạt các xã đặc biệt khó khăn: Đức Hạnh, Nam Cao, Tân Việt, Thái Học, Lý Bôn… trong đó Đức Hạnh có đường biên giới với Trung Quốc. Các xã này đều nằm trên núi cao đất chen với đá, thiếu điện thiếu nước sạch, mùa đông rất lạnh; người dân thuần phác, các con học sinh ngoan nhưng điều kiện sống/đi lại quá khó khăn khiến thầy cô rất khó gọi trò đi học đủ, nhất là những ngày trời rét.

Sức quỹ có hạn, thôn bản vùng cao cách trở, thời gian mỗi chuyến tặng áo không thể kéo quá dài ngày, vì vậy nhóm chỉ chọn hai địa bàn khảo sát đợt này: Cụm trường Tiểu học – Mầm non Cốc Lỳ gồm 6 trong số 15 thôn có điểm trường thuộc xã Đức Hạnh và cụm Tiểu học – Mầm non Khuổi Vin phủ 7 trong số 15 thôn có điểm trường thuộc xã Lý Bôn kế bên.

Một box chat nhóm được lập, chia sẻ thông tin, bàn kế hoạch. Và nhóm xung kích lên đường.

Khác mọi lần thường chỉ nhóm nhỏ tranh thủ ‘ba lô lên đường’, chuyến khảo sát lần này mời cả các TNV nhiệt thành của một số nhóm/ chương trình thiện nguyện khác cùng tham gia, bởi biết sẽ có rất nhiều việc để làm/có thể làm giúp nơi này.

2. Lên đường 
Sẽ không thể có chuyến khảo sát hiệu quả nếu không có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng Cốc Pàng, chính quyền xã, chị Hoài Phương công tác tại Đài truyền hình Cao Bằng - người có tâm kết nối không ít cá nhân/nhóm thiện nguyện đến với những địa chỉ khó khăn, và đặc biệt là sự nhiệt tình của các thày cô giáo nơi này. Sự nhiệt tình chân tình đến cảm động mà mình xin viết ở phần sau.
Mất đúng một ngày để chạy miết từ Hà Nội tới thị trấn Bảo Lạc, Cao Bằng. Nghỉ đêm lấy sức. Sáng sớm hôm sau xuất phát đi Đức Hạnh. Có nhà báo nào đó đã từng mô tả "chặng đường thị trấn Bảo Lạc qua xã Cốc Pàng (Bảo Lạc) đến xã Đức Hạnh (Bảo Lâm) hơn 40 km đường núi dốc cao, vực thẳm hun hút". Đâu có lựa chọn nào tốt hơn, mà đi đường này lại ghé được thăm anh em đồn Biên phòng Cốc Pàng (dù đã nhờ Hoài Phương báo biên phòng xin phép trước - theo nguyên tắc các đoàn từ nơi khác tới khu vực biên giới luôn cần thông báo và được sự chấp thuận của biên phòng phụ trách địa bàn).
15 phút, ấm trà nóng làm quen, câu hỏi đầy sự quan tâm của Trung tá Hoàng Anh đồn trưởng "đoàn có tính bữa trưa thế nào", những cái bắt tay thật chặt, chào và hẹn gặp lại, đoàn lên đường lên Đức Hạnh.
(còn tiếp)
vị trí hai xã Đức Hạnh và Lý Bôn, Bảo Lâm, Cao Bằng

Với anh em đồn Biên phòng Cốc Pàng, 05.11.2016. Đứng phía trái mình là Thượng úy Hoàng Văn Sự, người con của Bảo Lâm, đội trưởng trinh sát biên phòng Cốc Pàng.

Có một xúc cảm kỳ lạ khi lên với bọn trẻ nơi này, những thanh niên tương lai của biên cương

Ở miền núi ai nấy đều dễ thương, tất cả các bác tài các loại xe nhường nhau từng gang đường

Vào xã Đức Hạnh rẽ hướng này đúng không bác? Ừ hướng này là tới mà.

* Bài đọc tham khảo về Đức Hạnh, Cốc Pàng:
- GỠ KHỔ... ĐỨC HẠNH - báo Cao Bằng điện tử (link)
- Người con của bản mang quân hàm xanh (link)
- 14 năm tỏa bóng giữa đỉnh trời đá xám - báo Lao Động, 2014 (link)

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

TỔNG KẾT THU CHI QUỸ GIỎ THỊ ĐẾN HẾT 30.09.2016

I. PHẦN THU:
1.1 Tổng số dư TK Quỹ Giỏ đến hết 15/4/2016 + 174,472,771 đ (1) - Xin xem bài QUYẾT TOÁN QUỸ GIỎ THỊ ĐẾN 28.01.2016 VÀ TỔNG KẾT CHUYẾN BẢN VƯỢC - NẬM CHẠC 01.2016 (ở đây).
* Để dễ cho các lần cập nhật, xin được tách Thống kê riêng phần ủng hộ và Lãi NH.

1.2 Thành viên Giỏ và bạn bè góp quỹ Giỏ Thị từ sau đợt kết quỹ trước (ngày 15/4/2016) đến 30/9/2016, bao gồm cả các khoản cha mẹ ủng hộ chuyến EDLB-2016, số tiền + 128,536,000 đ (2), chi tiết như ở bảng dưới.
(những khoản ủng hộ sau 30/9 được cập nhật thường xuyên trên fb Giỏ Thị và tính vào đợt kết Quỹ lần tới)

II. PHẦN CHI:
Theo nguyên tắc của Giỏ Thị, toàn bộ tiền ủng hộ được chi ủng hộ cho các cháu học sinh vùng cao, chi phí đi lại ăn ở dọc đường của tất cả các chuyến đi do các tình nguyện viên tự túc chi trả.
2.1) Chi mua bánh kẹo, quà tặng Em Đi Lên Bản 2016 tổ chức liên hoan  tặng quà cho các bé Na Ư (Điện Biên): - 12,650,000 đ (3),
2.2) Các khoản chi hỗ trợ lâu dài học sinh Pacheo - Bản Vược từ sau đợt quyết toán 15.04.2016, bao gồm Tổng kết năm học 2015-2016, các con ôn thi tốt nghiệp, và các khoản chi cho 12 bạn tiếp tục học nghề: - 143,765,000 đ (4), cụ thể:


=> Tính đến hết ngày 30/9/2016 trong ngăn quỹ Giỏ Thị chưa bao gồm lãi NH có: (1) + (2) + (3) + (4) =  + 146,593,771 đ (dùng để quy chiếu cập nhật tiếp kỳ sau).

III. Cộng dồn lãi suất NH: 4,910,717 đ (5) 

=> Cộng lãi NH, tính đến 30/9/2016 Tổng số dư trong Tài khoản Giỏ Thị có: 146,593,771 + 4,910,717 = 151,504,488 đ.
Trong đó trích gởi sổ TK 100,000,000đ từ 15/05/2015 lấy lời NH góp Quỹ, Tài khoản VCB của Giỏ Thị thời điểm 30.9.2016 có số dư khả dụng 51,504,488 đ.

* Trường hợp có khoản nào bị thiếu hay sơ sót mong bà con báo cho Lana Nguyen hoặc Mẹ Mốc Mít để bổ sung, điều chỉnh, Cảm ơn thật nhiều.

Xin chân thành cảm ơn những chung tay ấm áp cùng nhóm cho trẻ em vùng cao.


Người quyết toán: Mẹ Mốc Mít (fb Phuong Nguyen Lien) - Lana (fb Lana Nguyen).

Dưới đây là một số hình ảnh kết quả "Cây dài ngày" Giỏ Thị, các cháu tưởng chừng phải thôi học từ sau Cấp 2 trường xã do nhà quá nghèo, xa trường đã tiếp tục học nhờ hỗ trợ của cô bác Giỏ Thị, đến năm nay đã có 12 cháu đi học các trường chuyên nghệp/nghề. Cuối năm nay đã có bạn ra trường, tự lập cuộc sống.

Tháng 10.2013 tại Cấp 3 Bản Vược (PTTH số 2 Bát Xát, Lào Cai). Các con trước căn nhà Giỏ Thị được trường dành tặng mảnh đất làm nhà cho các con ở để trụ học
Tháng 10.2016, 4 trong số các con tốt nghiệp Cấp 3 vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Lào Cai, thực hiện ước mơ làm thầy/cô giáo dạy lại các em dân tộc/quê hương mình

Trang A Chính từ thôn Tả Lèng xã Pa Cheo về Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc theo đuổi ước mơ học nghề Cơ khí ô tô. Trường CĐ cam kết giới thiệu việc làm cho Chính sau khi ra trường

Sùng A Lừ và Lý A Cở học nghề nấu ăn nhà hàng, khách sạn. Cuối năm nay các con sẽ ra trường và được bảo đảm giới thiệu việc làm trong 5 năm

Lý A Sử, người anh cả của nhóm học sinh Pa Cheo - Giỏ Thị, hiện là SV năm thứ 2 Trung Cấp Y Lào Cai
Lý thị Xúa, thôn Pờ Sì Ngài, Pa Cheo, học sinh tiên tiến 3 năm liền Cấp 3 Bản Vược, sinh viên CĐ sư phạm Thái Nguyên

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

CHI TIẾT SAO KÊ THU CHI QUỸ GIỎ THỊ TÍNH ĐẾN 30-09-2016

Xin lỗi do quá bận nên các thủ quỹ nhóm Giỏ Thị chưa tổng hợp Kết Quỹ riêng các khoản thu chi báo cáo kỳ. Tạm thời xin chụp đăng toàn bộ các khoản ra/vào Quỹ trong sao kê Tài khoản Ngân hàng của Quỹ Giỏ Thị từ 16/4/2016 (sau đợt Tổng kết Quỹ gần nhất) đến 30/9/2016.
Nhóm sẽ sớm tổng hợp Quỹ trong ngày gần nhất.

Bài kết Quỹ gần nhất đến 15/4/2016 đã đăng tại đây