Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Một chuyến đi dài... (3)

Cứ lần nữa 'khất nợ' cái vụ 'còn tiếp' của mình, vì thật sự chuyến đi miền núi vào ngày rét cuối năm đã túm áo nhóm tình nguyện đến mức nhà nào cũng viết hồi ức gần đủ hết rồi. Sau chuyến về lại dồn dập chuyện quyên áo ấm và ngay đó là hơn 3000 chiếc áo làm quà Tết, thành ra cái 'chuyến đi dài' của mình càng lùi xa. Mà cái tính mình nó lạ, ít hứa, nhưng đã nói ra lời hứa là tự gắn mình vào, là sẽ thực hiện, nếu không cảm giác 'nợ' không chịu đi. Sống Thật Chậm (STC) vừa nhắn tin chiều mai tụ họp bàn chuyến lên lại Bát Xát sau Tết (như hứa), nhớ ra trả nợ năm cũ vậy.
Sau bữa ăn bản ngủ xe ở Sàng Ma Sáo, đoàn đi tiếp tới Dền Thàng và Y Tý. Dền Thàng có bé Xúa, có cái bảng treo làm nhói cảm xúc, mà theo đó thì tên nó tên là Xúa, không phải Súa (ở cột bên trái, thứ ba từ trên xuống)
(Bấm vào hình để phóng to)

Vẫn nghĩ được ăn "Cơm có thịt" các bé Dền Thàng đã ấm, mà lên vào ngày nhiệt kế chỉ 3 độ C nên shock vì những ám ảnh phong phanh 'áo hở' như thế này:
Xót xa những bàn chân trần cóc cáy cương lên vì rét trên nền lớp lạnh băng:

Lắp xốp cho chúng mà chân đi tất vẫn phải kê trên xốp, vì buốt

Ngay ở đó, Khanh WHO đã gạn bóp nhờ cô giáo gọi mua ngay tất (vớ) cho các bé. Và qua điện thoại một nhà hảo tâm ở xa gởi qua Mai Thanh Hải 4 triệu số để mua hơn một trăm đôi ủng nhỏ.
Xốp trải đã được chương trình 'cơm có thịt' gởi lên hỗ trợ trước đó nhưng các cô bảo mẫu sợ trời mưa nền bẩn chỉ trải vào giờ các con ngủ. Bác T. gọi lên trách, các cô mếu máo khóc. Ngẫm ra "cơm thịt" chỉ là các nhà hảo tâm thương trẻ, không 'quyền hành' gì với các cô, chỉ có thể nhắc nhở tâm tình. Các cô còn trẻ quá, chỉ mới ngoài 20 tuổi.
Vào trang web của 'cơm thịt' được biết tuần sau đó 'Cơm thịt' đem áo lên Dền Thàng, lớp học đã được đốt củi sưởi thế này:
Rời Dền Thành đi Y Tý đường đi càng lúc càng lên cao, mưa lạnh giăng đầy:

Nhiệt kế chỉ nhiệt độ ngoài trời 3 độ C


'Nhà mặt phố'


Cột mốc "Khu vực biên giới" ở lối vào trường Mầm non Y Tý. Cách đó không bao xa là đất Trung Quốc


'Cơm đã có thịt' ở Mầm non Y Tý

Áo ấm Tết đã tới với tiểu học Pa Cheo, Sàng Ma Sáo..., Mầm non Dền Thàng có áo, có ủng, có tất (vớ), bé Xúa đã có tết ấm, không còn rét nữa. "Cơm thịt" đã đều mỗi bữa trưa ở Mầm non Bát Xát, ra Tết chuẩn bị đi Hà Giang, nghe là nơi nghèo cực độ nghèo, xác xơ hơn Bát Xát. Mà mình biết chiếc cặp lồng cơm của em bé tiểu học Hán Nắng vẫn rỗng, tiểu học Dền Thàng vẫn rét... thôi không dám nói không dám nghĩ thêm, sức mọn nghĩ thêm lại xót lòng.
(Hình trong bài: Trần Đăng Tuấn - Mai Thanh Hải - Lana)

*** Phần trước:
- MỘT CHUYẾN ĐI DÀI (1)
- MỘT CHUYẾN ĐI DÀI (2)

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Kết giỏ "Áo ấm cho trẻ Sàng Ma Sáo"

Cả nhà mến,
Hôm nay các bé học sinh Sàng Ma Sáo đã nghỉ học để chuẩn bị đón Tết. Hẳn là trong cái Tết này mỗi 'lít nhít' đều có một chút niềm vui được tặng áo ấm mới toe. Hẳn là sẽ bớt đi những em bé bệnh vì cảm lạnh trong những ngày Tết rộn ràng. Là nhờ những tấm lòng thơm thảo gần xa từ khắp nơi cùng chung giúp, nhờ công của Dự án Cơm thịt gom mua số lượng lớn áo đẹp và ấm với giá rất rẻ chỉ trong thời gian rất ngắn và tổ chức chuyến đi. Nói lời cảm ơn ở đây không sao đủ. Mong cả nhà cùng chia sẻ niềm vui với Lana và những người bạn tình nguyện nha.
Xin chính thức đóng tài khoản cho đợt áo ấm lần này cả nhà nhé, và xin thông báo tổng kết đợt Áo ấm cho trẻ Sàng Ma Sáo Tháng 1/2012:

I. Thứ rất quan trọng mà không phải quan trọng nhứt: Money
a) Tiền thu:
- Tính đến 18:00 hôm nay 18/01/2012, Quỹ 'Áo ấm' nhóm Giỏ thị đã nhận được ủng hộ từ các bạn: ThaiNC, chị em Ba Đậu, Quỳnh Ni, Khanh TSN, Mẹ Mốc Mít, Lana, Dim, Mei, Tuyết, Thu (Michellehuongtran), Thuy Anh (Hải Phòng), Do Quyen, Anh Bắc và đồng nghiệp, Nhóm bạn Trỗi (Anh Đỗ, a Việt, VNQ, a Đạt), Diễm (quyên), Gác Xép, CapriR, bé Nam Anh và mẹ, Chau Thao, LH, Kim (Thoa Tran), Sông , Huyền (Pha Linh), a Dũng (Chu Lai), HY, Phương (Germany). Thông tin chi tiết Lana sẽ chia sẻ trong email chung nhóm ngay trong hôm nay. Cả nhà check giùm nha.
- Cộng thu nhóm Giỏ thị: 1550 USD + 28,755,000 VNĐ (= 61,305,000 VNĐ nếu quy đổi theo tỉ giá 1 USD = 21,000 VNĐ) (1)
p.s: Đây là thông tin cập nhật cho tới 18:00 ngày 18/01/2012. Xin phép đề nghị những ai đã gởi tiền giúp "Áo ấm" nếu thấy cập nhật trên còn thiếu và không nhận được email nhóm thì email gấp cho Lana (lana.nguyen2@gmail.com) để cùng kiểm tra lại với ngân hàng hoặc dịch vụ chuyển tiền. (hụ, sợ nhất là sơ sót tiền bạc, mà chắc ai cũng sợ cái này quá :D)

b) Tiền chi (quyết toán tối qua 17/01/2012):
Áo ấm cho 575 bé học sinh tiểu học Sàng Ma Sáo - Bát Xát, Lào Cai (chung một trường cho cả xã Sàng Ma Sáo, gồm một điểm trường chính và 10 điểm cắm bản) trong chiến dịch 3000 áo ấm cho trẻ nghèo vùng cao của "Cơm thịt" và nhiều nhóm cùng chung tay. Giá áo 115,000 VNĐ/áo.
=> Tiền áo: 575 x 115,000 = 66,125,000 VNĐ (xem biên bản ở hình dưới)
- Xe chuyên chở: 2,000,000 VNĐ
- Chi phí đi lại + tất cả các chi phí khác: Tình nguyện.
* Tổng các nhóm cùng chi cho chuyến áo ấm tiểu học SMS: 68,125,000 VNĐ
Trong số đó:
- Nhóm Khanh WHO góp 20,000,000đ
- Nhóm MTH góp 6,600,000đ (= 200USD + 2,000,000đ)
- Nhóm Giỏ thị (Lana và Tuấn HAT đại diện) góp 41,925,000đ (= 1300 USD + 14,625,000đ, bao gồm cả 2 triệu vnđ tiền xe). (2)

* Vậy hiện Quỹ áo ấm của nhóm Giỏ thị còn: (1) - (2) = 19,380,000 VNĐ (= 250 USD + 14,130,000đ)
(dự định sau Tết nhóm sẽ lên lại Sàng Ma Sáo, xin phép cả nhà được để quỹ này lại tới đó lo cho các bé ủng hoặc những thứ thiết yếu mà chuyến rồi chưa kịp lo).


(bấm vào hình để phóng to lên ạ)

II. Những món lời vô giá
- Là nụ cười vui sướng ngời trong mắt các bé khi nhận áo ấm của các cô bác. Là bớt đi những em bé áo lạnh co chân trần trong rét. Là niềm vui chung của tất cả chúng ta - mỗi người một vài hạt muối nhỏ góp lại thành bát canh mang hương vị đậm đà.
- Là những dòng thơ này từ Thầy Thắng Hiệu trưởng trường tiểu học Sàng Ma Sáo:
Thầy cô và các conTrường TH Sàng Ma Sáo Gửi Lời Cảm ơn đến các cô bác giúp đỡ và các anh chị trong đoàn tình nguyện.
Cái lạnh của vùng cao mạc dù rất lạnh nhưng các con phần nào đã nhận được cái chia sẻ của các bác trong đoàn, lên trường TH Sàng Ma Sáo vào một ngày khá lạnh, cái tết này hơn 500 con của trường TH Sàng Ma Sáo đã được nhận áo ấm của các bác trong đoàn, vẻ mặt của các con rất phấn khởi, suy nghĩ cái lạnh của mùa đông đã có áo ấm của các bác tặng các con rồi, các con hứa với các bác sẽ phải đi học đều, ngoài tết các thầy, các cô không phải đến từng nhà để gọi đi học nữa.
và mong muốm một ngày gần nhất được đón các bác, các anh chi trong đoàn lên thăm trường.


- Và là những giọt nước mắt cảm động, vì sự sẻ chia, Lana đã xin phép trích lên đây một đôi phần:
"Chào chị Lana,
E vẫn đọc blog của chị. E định cư tại... Đọc những bài viết của chị về những trẻ em vùng cao, e khóc. Bên này e rất ít hoạt động những công tác xã hội, phần vì các con em còn nhỏ, phần vì công việc em làm fulltime. E không còn gia đình ở VN nên nhiều lần em có về VN, muốn giúp mà ko biết bắt đầu từ đâu..."

"Chao chi Lana. Toi da chuyen ... vnđ vao tai khoan cua chi tai Vietcombank Hanoi tu ngan hang Dong A o Chu Lai - Quang Nam. Chuc chi va cong su suc khoe, chan cung da mem de mang tam long bo tac den cho cac con chau chung ta o tham son cung coc."

"Chị yêu quý! Em vẫn lang thang "theo dõi" về chương trình cơm có thịt, áo ấm cho trẻ em vùng cao của mọi người. Lòng cũng ấm dần lên khi nhiều em bé ở các vùng lân cận cũng nhận được sự giúp đỡ này. Mỗi lần đọc một bài viết về chuyến đi, là một lần em lại khóc. Thực sự, em rất muốn cùng góp một phần nhỏ cho các em mà chưa làm được. Gửi tiền về VN, số tiền không nhiều, cước phí lại không ít vì thế mà em cứ đắn đo, đợi có người về gửi tay thì sẽ đỡ tốn hơn... "


Và rất nhiều nữa. Thật sự là Lana và tất cả nhóm "Áo ấm" đã như được tiếp thêm sức khỏe và hơi ấm suốt những ngày bận rộn vừa rồi. Cảm ơn thật nhiều. Một lần nữa xin cảm ơn tất cả những tấm lòng gần xa đã cùng góp một chút ấm áp lên với các bé vùng cao, và xin chúc tất cả một cái Tết thật vui và đầm ấm.
Hugs.

Đúng thật là Tết. (hình: TĐT)


Eo ơi áo vẫn còn mác kìa! (hình: PNT)

*** Có thể bạn muốn đọc:

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Tết đến với trẻ Sàng Ma Sáo

Hôm nay Lana đã có thể bình tĩnh để viết rõ hơn về đợt "áo ấm cho trẻ Bát Xát" này với cả nhà, những bạn bè quen và những người chưa quen:

Vì Giỏ thị (một nhóm những bạn blogspot) đã chung góp với dự án "cơm thịt cho trẻ vùng cao" từ những ngày đầu dự án khởi động nên Lana muốn đi theo dự án một lần, cũng để "đi và thấy". Chuyến đi rồi "cơm thịt" đi 'thăm' các điểm trường đã được hỗ trợ (các xã Pa Cheo, Dền Thàng, Y Tý đều thuộc Bát Xát) và 'khảo sát' thêm điểm xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai) và Tả Gia Khâu (Mường Khương, Điện Biên). Hiện Quỹ 'cơm thịt' ưu tiên hỗ trợ tiền mua thịt vào bữa ăn và áo ấm cho trẻ Mầm non. Lên Bát Xát đúng vào ngày mưa lạnh buốt thấy bọn trẻ tiểu học co ro vì đói lạnh thương quá, những tình nguyện viên 'amateur' như Lana và và đội 'com thit' quyết bàn nhau cùng về kêu gọi thêm bạn bè quyên áo ấm. Chia nhóm chịu trách nhiệm từng điểm xã. Nhóm Sống Thật Chậm - Mẹ Còi lo quyên giúp tiểu học Pa Cheo. Nhóm Giỏ thị, Tuấn HAT, Khanh WHO, M.T. HẢI quyên giúp Sàng Ma Sáo, Nhóm chị Thùy Linh - Hà bánh mì lo giúp Tả Gia Khâu (Mường Khương). Những điểm còn lại Dền Thàng, Mù Căng Chải thì "cơm thịt" đảm nhận. Tổng cộng 3000 cái áo cho 3000 em bé (số liệu lấy từ các trường).
Ban đầu cả nhóm chỉ dám bàn nhau chọn áo cũ trong kho đã quyên được, rồi gom thêm, không đủ mới mua áo mới (thì chọn trao những bé học giỏi, ví dụ thế). Nhưng Tết, thời gian lại quá gấp, đành bảo nhau bỏ e ngại trưng biển đi xin (cho chúng nó), nào ngờ được ủng hộ nhiệt tình, Giỏ chả mấy chốc đã lưng lưng, thế là quyết định đợt này toàn áo mới mặc Tết, các bạn đều như nhau!

Các bác "Cơm thịt" giúp lùng mua đem về hơn 3000 chiếc áo ấm rất đẹp với giá không thể tiết kiệm hơn. Vì hàng cồng kềnh nên cần một chiếc xe thật lớn chất đầy hàng đi qua từng điểm trường thả xuống. Các tình nguyện viên của từng nhóm có trách nhiệm tự lên trước đón hàng của mình và trao cho trẻ.
Lại thêm một chuyến đi vất vả của các tình nguyện viên - vì mục đích muốn trao áo đến tận từng em. Để tận mắt nhìn thấy những nụ cười. Để những tấm lòng từ xa hướng về ấm lòng và yên tâm.

Chiếc xe này chỉ còn chỗ cho hai người ở khoang lái. Còn lại chất kín trong xe và trên nóc là áo ấm trẻ em, đi nhiều trăm cây số, tới nhiều bản mường. Trong hình xe đang qua ngầm Mường Hum, là con ngầm nơi chuyến trước đi qua tụi mình đã hát "Em là suối Mường Hum...", cũng ở đó lúc về xe nhà Tuấn HAT bị sa lầy (hình: P.N.Tiến - bác Khoai)

Ngày 12/01, áo đã lên đến hầu hết các điểm chuyến này trừ Tả Gia Khâu. Nhóm tình nguyện đi Sàng Ma Sáo đã bắt đầu rời Sàng Ma Sáo về Hà Nội. Lana không thể thu xếp đi theo chuyến này. Hai chuyến sát nhau quá mà đều mất đến nửa tuần, không vượt qua được cái nhăn mặt của sếp. Kế hoạch đi thay đổi gấp nên hai bạn Dim Mei chuẩn bị tinh thần đi tình nguyện rồi mẹ đành động viên ở lại, hẹn chuyến sau.

Cô giáo Quỳnh Mầm non Sàng Ma Sáo gọi điện, giọng khản đặc vì lo giúp đoàn suốt hai ngày đưa áo đến các điểm bản cho trẻ mà vẫn lấp lánh niềm vui khôn giấu "Chị ơi. Áo ấm lên rồi chị ạ. Chị cho em gửi lời cảm ơn tất cả các cô bác anh chị đã giúp chúng em và các con chị nhé". Thầy Thắng (tiểu học) cũng xin thay mặt các con gởi lời cảm ơn tới các tấm lòng gần xa. (Ai muốn liên lạc với thầy cô Sàng Ma Sáo xin email cho Lana nhé).


M.T.Hải nhận trách nhiệm quảy gánh áo lên Sàng Ma Sáo chuyến này, bạc mặt sau 17 tiếng chạy xe liên tục mà vẫn cười tươi (hình: P.N.Tiến)


Để đưa áo về từng điểm bản đường xá gập ghềnh, phải nhờ các tình nguyện viên bản địa chở bằng xe máy, thậm chí có điểm phải nhờ bạn này (hình: P.N.Tiến)


Chúng cháu Sàng Ma Sáo có áo mới nè, ấm lắm các cô bác (Hình: Cô giáo Quỳnh - MN SMS)

Hơi dài ạ, nhưng mà ấm :) (Hình: T.Đ. Tuấn).
Đây là ở Dền Thàng, trường của bé Súa. Thế là cô bé Sùng Thị Súa cũng có áo ấm giống các bạn. Từ nay nó sẽ mặc áo nỉ hồng ở trong và áo khoác ấm có cả mũ che đầu ở ngoài và chân có ủng. Hết lạnh rồi.

Đợt áo ấm này xin được kết Giỏ ở đây (phần Giỏ thị góp lâu dài theo từng quý chúng mình vẫn duy trì nhé). Sau Tết nhóm tình nguyện lần này muốn liên kết gánh hàng lên Bát Xát lần nữa, bởi các bé trên đó vẫn cần ủng ấm chân và nhiều đồ thiết yếu. Khi đó nếu cùng nhau tổ chức được Lana sẽ thông tin đến cả nhà.
Cảm ơn tất cả những bàn tay đóng góp và những tấm lòng bạn bè gần xa. Xin cảm ơn những tấm lòng thơm thảo đã cùng Lana và Giỏ thị đem một chút ấm áp và niềm vui đến với các bé vùng cao. Xin cảm ơn những email đến trong những ngày này dù không dễ để trả lời hết trước nửa đêm, nhưng khiến Lana và nhóm bạn chung sức lần này thật sự cảm động và ấm lòng. Cảm ơn nhiều lắm.

p.s: Cuối chiều ngày 12/01/2012 sao kê TK VCB Lana có khoản tiền gởi:
"500,000.00 IBVCB.1201120588671001. Giup ao am cho tre Bat Xat".
Vì không có tên người gởi nên ai ơi email cho Lana lana.nguyen2@gmail.com để Lana cập nhật vào sổ thu chi chung nhóm nha. Xin cảm ơn nhiều.

P.S: (16/01) Trái thị này đã tìm ra người gởi rồi ạ :)

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Chung lòng giúp áo ấm cho trẻ vùng cao

Khởi động

10/01/2011: Hiện nay số tiền những tấm lòng hảo tâm đóng góp từ ba hướng đã được khoảng 4/5 số áo ấm cho trẻ Sàng Ma Sáo, và thị thơm vẫn đang về (Lana đã gởi email chung tới tất cả những đ/c đóng góp, bà con check mail nha). Vì học sinh chỉ học hết tuần này là nghỉ tết, thời gian rất gấp nên nhóm đã thống nhất 'mua thiếu' để có đủ số áo cho mỗi bé đều có áo ấm đẹp kịp mặc Tết (các thầy cô bảo đứa có đứa không là chúng tủi thân dỗi không đi học luôn đấy :)
Ba nhóm: Chúng ta, bạn bè Blog Mai Thanh Hải, bạn bè bạn Khanh WHO và Tập thể cán bộ sinh viên trường ĐH y tế công cộng đang chung tay để mỗi bé Mầm non và Tiểu học Sàng Ma Sáo (882 bé) đều có áo ấm mới mặc Tết (bấm vào hình để phóng lớn)
Tại điểm tập kết, Bạn Khanh WHO (khăn len đỏ) hai tay hai bịch áo của 'đội chúng mình'.
Nặng nghĩa tình.

Ưu tiên số 1 cho áo ấm. Nếu trả hết tiền áo ấm mà giỏ vẫn còn thì sau Tết chúng ta sẽ làm gánh hàng ủng + tất (vớ), khăn mũ ấm, quần áo cũ lành lặn, sách vở, thuốc tẩy giun... (hy vọng là thế, để không "chúng ta đến, rồi đi...").
Lần này Lana và Khanh WHO đều không thể theo được. Hai chuyến đi gần nhau quá. Có Mai Thanh Hải thay mặt nhóm trực tiếp đi Sàng Ma Sáo cùng với 17 tình nguyện từ trường Đại học Y tế Công cộng, thêm một bạn sinh viên tình nguyện nữa mà mình chưa kịp nhớ tên.

11h 11/01/2012: Giờ này áo đã đến Sàng Ma Sáo. Có lẽ những kiện hàng đầu tiên đã được mở. Những đứa trẻ đầu tiên đã đang xúng xính áo mới. Một số đứa khác đang sắp hàng. Chúng ngoan lắm. Chẳng bao giờ chen lấn xô đẩy...

còn tiếp tục cập nhật...

------------------------------------------------
Bạn bè Lana Blog và Giỏ Thị mến,
Có một sự thật là Sàng Ma Sáo, Dền Thàng, Y Tý... và tất cả những điểm nghèo tại Bát Xát (Lào Cai) mà chuyến đi rồi Lana theo đoàn 'cơm thịt' đi qua bọn trẻ đều nghèo rét như nhau, tuy nhiên Pa Cheo gây một nỗi niềm đặc biệt cho Lana cũng như tất cả mọi người trong đoàn vì ở Pa Cheo trường Mầm non "ở nhờ" trường Tiểu học, mà chuyến đi rồi nhắm giúp các trường Mầm non nên gánh hàng cho Mầm non được Thật Chậm chuẩn bị rất chu đáo, thật sự không lường được việc các bé Tiểu học ở sát bên là thế nào. Vì cái nghèo nó nghèo quá, chỉ một chút quà cũng giống như phép mầu vậy. Chứng kiến bọn Tiểu học nhìn qua không đòi không hỏi, chắc biết tủi thân mà không dám tủi thân sao thấy xót xa vô tả. Ngay trên đường về mọi người tình nguyện viên đi theo đoàn như Lana đều nóng lòng muốn tìm cách để các bé Tiểu học Pa Cheo được tặng áo ấm và đã bàn nhau cùng đi quyên góp, tuy nhiên sau đó được biết vì cảm giác nặng lòng (Sống Chậm đứng ra tổ chức chính gánh hàng Pa Cheo vừa rồi), Sống Chậm cùng bạn bè sẽ lại cố gắng làm gánh hàng Pa Cheo 2 cho tiểu học Pa Cheo. Mừng vì Hán Nắng của mình sẽ có đủ áo ấm. Bàn tay nào cũng quý. Sống Chậm càng quý vô cùng.

Yên tâm về Pa Cheo lại lan man về những đứa trẻ nghèo đang gồng mình chịu rét ở những điểm khó khăn khác của Bát Xát. Trước chuyến đi Lana tin rằng bọn trẻ trên đó chịu lạnh quen rồi. Nhưng không đúng. Chúng vẫn lạnh. Chỉ là không có cách nào khác. Lớp học nào lúc đoàn đến cũng vắng gần 1/3 số trẻ vì ốm. Miền núi rét thấu mà nhiều đứa chỉ có một, hai cái áo mặc trên người suốt mấy tháng đông, rách, mất cúc thì khâu, túm buộc.
Lúc ở Dền Thàng khi đoàn đến có một đứa bé gái đang run cầm cập. Sờ vào nó thì trời ơi áo quần nó sũng ướt và lạnh tê tái. Nhớ mãi hình ảnh một đồng chí nam trong đoàn đội mưa lao ra xe rồi lao vào với cái áo pull ngắn tay màu xanh xám, tức tốc lột cái áo ướt ra trùm áo pull cho nó. Thì ra nó chỉ mặc duy nhất một cái áo nỉ màu hồng đã ướt ấy, cũng là áo được đoàn bác Tuấn cho từ hồi mùa thu trước.
Các cô bảo nó tên là Súa, Sùng Thị Súa. Nhà nó rất nghèo. Mỗi ngày bé Súa 5 tuổi phải tự đi bộ một mình từ 6h sáng qua hai quả đồi để đến lớp - để được ăn cơm của trường. Ngày nào nó cũng chỉ mặc trên người một cái áo thu được cho ấy, kể cả ngày mưa lạnh buốt như hôm nay.

Nhìn nó ngồi yên trong chỉ một cái áo pull mỏng trong cái lớp học trống thống và tiết lạnh 3 độ C, không ai còn có ý nghĩ so sánh hình ảnh của nó với những đứa trẻ ấm áp ở thành thị. Người ta chỉ so sánh khi còn có thể so sánh. Mình đã không thể kìm được nước mắt khi không tìm được thêm cái gì ủ cho nó. Hạn chế hết sức hành trang vì xe chở chật đồ, chuyến đi bị kéo dài, thời tiết xấu đã làm túi mình chẳng còn cái gì có thể mặc. Lấy cái khăn choàng tím quấn quanh. Ai đó đã kịp trùm chân cho nó bằng một cái áo vải khác. Chỉ thế thôi mà cho đến khi đoàn đi, mình thấy nó thật yên ổn, thỉnh thoảng còn đụng đụng muốn giơ tay như để mân mê 'váy mới'.

Về lại HN, đài báo lạnh còn kéo dài làm Lana cứ mãi nghĩ đến những đứa trẻ như bé Súa. Nhân tuần sau có chuyến xe lên Lào Cai, Lana viết lên đây mong bạn bè kẻ ít người nhiều góp chung cùng lo áo ấm cho trẻ em điểm nghèo Bát Xát. Áo đã có nguồn cung, người bán vừa bán vừa từ thiện, chỉ hơn 100 ngàn VNĐ một chiếc áo đủ ấm và tốt. Nếu kịp gởi được thêm một chiếc áo lên trước Tết thì sẽ có thêm một nụ cười trẻ thơ hạnh phúc. Nhớ xưa mình nhỏ cũng vui biết bao khi Tết được mặc áo mới.

Có điều này Lana không thể không nói, thật ra trước giờ Lana rất ngại kêu gọi từ thiện liên quan đến tiền (Giỏ thị hoàn toàn là tự phát tự nguyện khi bạn bè đọc về chương trình cơm thịt Lana đem về Blog, và Lana chỉ là người gom thị và đem giỏ đi góp giùm). Nhưng sau chuyến đi nhìn những hình ảnh như bé Súa xót quá chẳng biết làm sao, quyết định làm 'cái bang' một lần quyên góp áo ấm cho 'chúng nó'. Rất mong cả nhà hiểu và thông cảm cho Lana.
Phần Lana và nhóm bạn tình nguyện Hà Nội hứa sẽ có trách nhiệm với từng đồng đóng góp sao cho áo ấm đến được các bé một cách ấm áp và hiệu quả nhất.

Mọi đóng góp cho áo ấm lên Bát Xát xin email cho Lana về lana.nguyen2@gmail.com để Lana gởi thông tin TK, địa chỉ liên hệ và cùng chia sẻ thông tin nhé.

Bạn nào không hài lòng xin bỏ qua cho Lana về việc đường đột làm 'cái bang' thế này :)

*** Gác Xép: Phần thưởng để cho Giỏ thị từ câu đố bên Gác, cho phép Lana chuyển và Quỹ áo ấm này nha Gác. Cảm ơn Gác rất rất nhiều.
*** Titi: Chị rất xin lỗi Titi. Cái khăn tím là quà Sinh Nhật Titi tặng. Xưa nay chị Lana luôn giữ gìn quà tặng như những gì quý nhất. Xin lỗi Titi...
*** Giỏ thị: Còn hơn 4tr đợt hai giúp "Cơm có thịt" chưa chuyển Lana xin ý kiến mọi người chuyển qua áo ấm đợt này, ưu tiên áo ấm cho các bé ngày rét, được không?

- THÔNG TIN CẬP NHẬT (1)

Nhật ký Tây Bắc: Đường về

(Bài của HAT đăng tại http://tuanhavn.blogspot.com/)

Tôi đã định kết thúc Nhật Ký Tây Bắc ở phần viết về Dền Thàng, Y Tý. Nhưng trên đường từ Lào Cai về Hà Nội cũng có vài điều mắt thấy tai nghe, và đôi điều tâm tư muốn chia sẻ.

Chia tay các "cơm thịt viên" ở Bát Xát, tôi chạy xe qua Lào Cai, về Hà Nội. Đến Phố Ràng thì trời đã tối mịt, nên gia đình tôi quyết định nghỉ lại đó. Quả thực đi đèo dốc lúc trời tối, lại vào thời điểm các xe tải nặng chạy đầy đường, chẳng thích thú gì.

Sáng hôm sau, 05/01, tỉnh táo sau giấc ngủ ngon, chúng tôi lên đường, đi theo Quốc lộ 70. Qua Đoan Hùng, dừng lại nghỉ gần bến phà trên bờ Sông Lô, con sông mà tên tuổi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp oai hùng. Mua một ít bưởi, vì nghe tiếng bưởi Đoan Hùng từ lâu mà chưa bao giờ có dịp lên đây. Thực ra tôi thấy bưởi Đoan Hùng không ngon bằng bưởi Diễn hay bưởi Năm Roi.

Sông Lô êm ả về xuôi - Con đò nhỏ xíu đưa người qua sông

Trong lúc ngồi uống nước ở ngã tư "Cây Gạo", tôi bắt chuyện với mấy người dân, ngắm nghía mấy dãy phố, và nhìn đoàn người, xe chạy xuống con dốc ra bến phà. Một bác xe ôm bảo: "Cậu chạy theo bờ đê, khoảng 1 km sẽ thấy cầu mới đang xây bắc qua Sông Lô, 300 tỷ đấy cậu ạ, chưa cộng chi phí phát sinh". Ờ thì đi xem cho biết. Thời gian đang nhiều. Đến nơi, tôi mới hiểu ý bác xe ôm. Chẳng có cái cầu nào hết! Không có điều kiện kiểm chứng con số 300 tỷ và phát sinh bao nhiêu, cũng không phải chuyên gia cầu đường để tính xem 300 tỷ đồng để xây một cái cầu dài khoảng 300m là nhiều hay ít. Nhưng đây là những gì tôi thấy.



Công trường không một bóng người hay bóng máy móc, mặc dù hôm nay là ngày làm việc, cũng không phải giờ nghỉ trưa. Thực ra bên này sông có một cái máy xúc, bên kia sông có một cái xe tải, nhưng đều đứng im như chết. Vài cái trụ cầu bê tông đang làm dang dở, chơ vơ phơi nắng phơi mưa, khoe những lõi sắt gỉ hoen gỉ hoét. Cứ như bỏ hoang! Không biết bỏ hoang từ bao giờ và đến bao giờ! Nhìn trụ cầu nhỏ thế, chắc cầu cũng chẳng phải to tát gì. Không biết bao nhiêu tiền đã chi ra để làm mấy cái trụ dở này! Nhưng bây giờ, người dân ở đây chỉ có cách qua sông bằng phà.

Bóng bay ở Pờ Sì Ngài (ảnh: STC)

Trên suốt quãng đường về, còn một việc nữa làm tôi suy nghĩ. Đó là tôi không có điều kiện chụp ảnh phân phát cho trẻ em mấy cái áo khoác (đã qua sử dụng, nhưng còn cực tốt) mà những người bạn của một người bạn tôi đã ủng hộ. Khi trao cho tôi, người bạn nhờ tôi chụp hình khi phát túi áo của chị V.A., để "báo cáo" với chị ấy, rằng đồ quyên góp đã đến tay người nhận. Có điều ở Pa Cheo có nhiều điểm trường khác nhau, số áo khoác cũ do nhiều người quyên góp được phân chia cho điểm trường Pờ Sì Ngài, còn nơi tôi phụ trách là Mầm Non Tả Lèng được phát toàn áo khoác mới, nên tôi không có điều kiện chụp hình áo cũ. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng, những chiếc áo đó đã được chở lên Pa Cheo phát cho các em bé. Từ bao quần áo cũ định bù đắp thêm cho các bé Mẫu giáo ở Pờ Sì Ngài (vì chúng không được nhận áo khoác mới như các bạn ở điểm trường khác), bạn Sống Thật Chậm còn "phải đếm cấp tốc 43 cái chuyển cho 43 em bé tiểu học Pờ Sì Ngài đang rét tím chân tay, chỗ còn lại đem về điểm trường chính bù cho chỗ thiếu hụt" (vì có một số trẻ Mầm Non mới nhập lớp - ngoài danh sách). Tôi chỉ muốn chị V.A. hiểu rằng, chúng tôi đã làm tất cả, để những chiếc áo ấm mà con trai chị đã mặc và đã giữ gìn rất cẩn thận sạch sẽ, tìm được chủ nhân mới của nó. Những chiếc áo này dày dặn và rất tốt, sẽ không chóng rách đâu. Có thể khi những em bé H'Mông đó lớn lên, những chiếc áo ấm áp tình người sẽ tiếp tục sưởi ấm cho các em của bé. Tôi tin là như vậy, và cũng mong các bạn tin vào điều đó.

Áo ấm đến Pờ Sì Ngài (ảnh: STC)

Tuy có đôi chút áy náy nói trên, và còn cảm thấy nặng lòng với Tiểu học Pa Cheo như tôi đã kể, nhưng chúng tôi đều cảm thấy niềm vui khôn tả khi nhìn những ánh mắt hân hoan, những nụ cười sung sướng của bọn trẻ khi được diện áo mới, ủng mới, mũ mới, được phát đồ chơi ... Đối với chúng tôi, đó là một chuyến đi vô cùng thú vị và bổ ích. Chúng tôi học thêm được nhiều điều, mà điều quan trọng nhất là Niềm vui của sự sẻ chia. Chúng tôi cũng nhiều lần rơi lệ vì tận mắt nhìn thấy và đồng cảm với những cảnh nghèo khổ bần cùng. Và chúng tôi cũng vô cùng cảm phục các thầy cô giáo, nhiều người trong số họ từ dưới xuôi lên, trong điều kiện khó khăn thiếu thốn đủ thứ, vẫn sẵn sàng trích một phần tiền lương ra để giúp miếng cơm, miếng thịt cho các em bé, vẫn lặn lội mưa rét đến từng nhà dân xin học trò. Họ làm tất cả để mang "cái chữ" đến cho trẻ em vùng cao. Hy vọng một ngày nào đó, lớp trẻ này lớn lên, có kiến thức, sẽ góp phần làm vùng cao bớt nghèo.

Tôi cũng rất mừng vì sau chuyến đi, cậu con trai gầy gò 14 tuổi của tôi trở nên cứng cáp, người lớn hơn, suốt chặng đường về không say xe, mặc dù lúc đi bị say, nằm bẹp. Có thể nói đó là món lời lớn nhất mà tôi nhận được từ gánh hàng xén lên Pa Cheo. Xin cảm ơn bao người bạn đã "góp vốn" vào gánh hàng xén. Xin cảm ơn những người bạn đã đồng hành cùng tôi trong chuyến đi. Và đặc biệt cảm ơn cô chủ gánh hàng xén đã cho tôi cơ hội tham gia và có được những trải nghiệm này. Xin hẹn gặp lại trong những chuyến đi tiếp theo lên Tây Bắc.

Hai mẹ con bên Sông Lô

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Dền Thàng, Y Tý

(Bài của HAT đăng tại http://tuanhavn.blogspot.com/)

Sáng hôm sau, 04.01, chuẩn bị khởi hành đi Y Tý, xe tôi lại xẹp bánh sau, chắc bị đá đâm từ hôm qua. Vì phải thay bánh xe dự phòng, chúng tôi khởi hành chậm hơn xe anh K. một lúc. Ngang qua con ngầm bữa trước, lại sa lầy. 5 người xuống xe đẩy, chẳng ăn thua gì, càng cố thoát, xe càng trượt ngang về phía bờ suối. Nhà văn TL phải chạy đi tìm thêm người. May sao có một nhóm gần chục công nhân ở công trường gần đó (hình như là xây dựng trạm thủy điện) ra đẩy xe giúp, chúng tôi mới thoát. Nhập được với đoàn ở Mầm Non Dền Thàng.

Mọi chuyện ở các điểm trường Dền Thàng, Y Tý đã được các bạn đồng hành (MTH, Lana, TL) kể khá chi tiết và ấn tượng. Tôi sẽ chỉ post mấy bức hình, và kể về những chuyện khác.

Ở vùng non cao này nhà cửa thưa thớt, người H'Mông ở tản mát, nhà nọ cách xa nhà kia, toàn cheo leo trên núi. Ở đây rất nhiều thứ làm bằng đá: hàng rào quanh nhà xếp đá, đường rải đá, bờ ruộng cũng xếp đá thành từng khoảnh bậc thang theo sườn núi dốc, có những mảnh vườn (bậc thang nốt) chỉ to như cái chiếu. Tường nhà người H'Mông thường làm bằng đất sét chình rất dày, vững chắc.



Ruộng bậc thang vào mùa đổ nước

Trời vẫn mưa gần như suốt ngày, khi lất phất, lúc ào ào. Hôm nay còn rét hơn hôm qua, ở Dền Thàng, nhiệt kế trên xe chỉ 5-6 độ C, lên đến Y Tý thì chỉ còn 3-4 độ C, trong xe phải bật quạt sưởi hết công suất. Sương mù khá dày, tôi cứ bám theo đèn hậu xe chạy trước mà đi.

Đến Mầm Non Y Tý lúc mưa to. Bọn trẻ con ngồi co ro trong lớp, hầu hết chúng nó mặc không đủ ấm, chỉ có cái áo khoác mỏng hay cái áo nỉ bên ngoài áo sơ mi. Lớp xốp trải sàn tuy mỏng cũng giúp những bàn chân trần đỡ buốt. Bữa trưa, có tài trợ của chương trình "cơm có thịt", mỗi bé được cô chia một tô cơm to và khá nhiều trứng chưng trông thật ngon lành.

Con đường từ Y Tý trên đỉnh núi cao về thị trấn Bát Xát đã được sửa và nâng cấp, khá tốt, trải nhựa phẳng phiu. Tuy nhiên, đường rất hẹp, hai xe con tránh nhau còn khó. Mấy lần chúng tôi gặp xe tải đi ngược chiều, thật đúng như cảnh hai con dê qua cầu, một xe phải lùi, đến chỗ có lề đường rộng hơn chút, xe kia mới qua được. Có lần, một chiếc xe tải chở nặng đi ngược chiều không chịu tránh về bên mép vực sâu hun hút, chúng tôi phải nhường nó đi sát ta-luy.

Hai con dê qua cầu

Loanh quanh thế nào, chúng tôi bị lạc đường, rẽ nhầm vào con đường đất, chạy hơn 10 km lại thấy quay ra lối cũ. Ở dưới xuôi chạy lạc vài chục cây số không có gì ghê gớm. Với điều kiện không phải con đường như thế này. Bùn đất nhão nhoét và trơn, xe bò lên ì ạch, tiến 3 mét lại lùi một mét.


Xe 7 chỗ cũng bị chạm gầm, mọi người trên xe phải xuống hết cho nhẹ xe, leo bộ ngược lên con dốc cao, nước mưa cuốn theo bùn đất chảy xối xả.


Vượt qua quãng đường lầy lội ở A Lù, xe đổ dốc đi về hướng Trịnh Tường. Từ trên núi cao, chúng tôi thấy thấp thoáng phía dưới có con đường cao tốc rất hoành tráng, cứ thắc mắc sao ở vùng này cũng có đường to thế. Tới lúc xuống đến bờ sông, có tín hiệu điện thoại, xem bản đồ định vị, mới biết mình đang đứng bên Sông Hồng, và trước mặt là con đường vành đai ở bên kia biên giới.


Lúc đó, trong lòng tôi dấy lên một cảm xúc khó tả: nỗi bồi hồi khi lần đầu đi đến mảnh đất địa đầu Tổ Quốc, nỗi buồn khi thấy sự tương phản của hai con đường hai bên bờ sông, biên giới tự nhiên của hai nước.



Kể lể dông dài những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi thực tế, tôi không có ý định "khoe khoang" những sự vất vả của đoàn "cơm có thịt". Bởi lẽ đơn giản, chút gian truân nho nhỏ không thấm vào đâu so với niềm vui lớn lao, những cảm xúc sâu sắc mà chúng tôi có được. Hơn nữa, những trải nghiệm đó làm chúng tôi cảm thấy mình cứng cáp hơn. Như bé Đ., bé N. đang say xe là vậy mà gặp lúc bí, cũng xuống lội bùn đẩy xe, bẻ cành, xúc cát ... lót đường, thế là hết cả say xe.

Chúng tôi ai cũng hiểu rằng mình là những người "đến rồi đi", nếu có tấm lòng, có điều kiện thì thỉnh thoảng quay lại với các em bé nơi này. Nhưng những người dân, những đứa trẻ ở đây thì khác. Đó là cuộc sống hàng ngày, hàng giờ của họ. Họ không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận, phải chịu đựng cái đói, cái rét, phải đi trên những con đường ngập ngụa bùn đất, phải tìm cách vượt qua dòng suối chảy xiết vào mùa lũ để đi học, đi làm, đi chợ vì nhiều nơi không có cầu, phải sinh hoạt trong bóng tối vì nhiều nơi không có điện, phải kỳ công đắp những thửa ruộng bậc thang cheo leo trên sườn núi vì không có đủ đất canh tác ...

Về đến Bát Xát giữa buổi chiều, đoàn chúng tôi chia tay. Một số bạn tình nguyện viên lên tàu đêm từ Lào Cai về Hà Nội, một nhóm đi tiếp lên khảo sát mấy điểm trường ở Mường Khương. Xe nhà tôi 3 người quay về Hà Nội. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng cảm thấy như có món nợ với vùng đất này, ai cũng quyết sẽ phải quay lại nơi đây, vì đã đến, đã nghe, đã thấy, và đã để lại một mảnh tim ở vùng cao Tây Bắc.

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Một chuyến đi dài... (2)


Phần trước: * MỘT CHUYẾN ĐI DÀI (1)

Ngày thứ hai 03/01/2012
Rời Hán Nắng khởi hành đi điểm khảo sát Sàng Ma Sáo, cách Pa Cheo mấy chục cây số mình không rõ nữa (mình chúa là tệ về các thể loại đường xá xe cộ). Đến Sàng Ma Sáo phải đi qua Mường Hum tiện ăn trưa ở thị trấn Mường Hum luôn. Thị Trấn miền cao chỉ có chừng hai dãy phố với vài chục nóc nhà. Mệt, đồ ăn nóng sốt, cả đội ăn như tằm, veo cái đã xong. Nhớ trước đó qua con Suối rộng, bác K bảo Suối Mường Hum đấy, tụi mình trên xe tự nhiên cùng bật hát Tình Ca Tây Bắc "Em là dòng sông Mã, Anh là suối Mường Hum, cho thuyền em ngược ớ dòng...". Thì, vừa qua Pa Cheo, đang đầy ắp cảm xúc.

15h00. Điểm trường chính Sàng Ma Sáo ở sát ngay gần UBND xã nên có cơ sở vật chất khá hơn một tẹo, tức là có nhà xây cấp 4. Tuy vậy trường chính cũng chỉ có một lớp (dân ở thưa mà), còn lại 11 phân điểm nằm ở các bản nghèo, giống như Hán Nắng của mình. Cô giáo Quỳnh hiệu trưởng sinh năm 1986, vừa mới lấy chồng, chồng cô làm công nhân lái máy xúc ở một huyện sát thị xã Lào Cai, cách Sàng Ma Sáo hơn 80km. Họ gặp nhau mỗi cuối tuần hoặc thậm chí cách hai, ba tuần nếu thời tiết xấu. Hỏi ra thì hầu hết các cô giáo ở đây đều vậy, xa nhà, xa gia đình, vậy mà vẫn kiên trì bám trường bám bản. Bạn có biết các cô khoe với mình điều gì không? "Từ khi tổ chức bữa ăn chung cho các bé cách đây hai tháng, bọn em đã có thêm 8 cháu đi học rồi đấy chị ạ".

Trong khi trưởng đoàn trao đổi với trường, hai tình nguyện viên lên xe máy của hai cô giáo xung phong vào bản. Mượn thêm một chiếc xe, đồng chí bạn đồng hành Hán Nắng kéo tay - "Đi Lana, cùng tớ xuống bản" (kết Lana rồi, ha ha)

Chất theo xe một túi bánh mì. Mình ôm hai hộp sữa. Đường thì khúc trơn như mỡ khúc lại toàn đá lớn lổn nhổn cực kỳ khó đi, những hòn đá mài nhẵn như đá suối í (hay người dân tộc lấy đá suối lên làm đường nhỉ). Đồng chí bảo "ôm vào! cảnh quất nỗi gì. Bà mà rớt thì cùng lắm rớt xuống đường, tôi chỉ xót hai hộp sữa của bọn trẻ, rớt là lăn xuống tận sâu kia hết nhặt, chúng nó chén bánh mì chấm không đấy!". Đi chung với đồng chí này vui phết. Hài hước làm đường xa bớt mệt.

Càng đi càng hun hút cheo leo, lên gần đỉnh núi, nhiệt độ chắc chỉ còn 3 - 4 độ C, mình đi vội không vớ theo khăn với chiếc áo khoác, ngồi sau xe co hết cỡ nấp gió mà cái rét vẫn thấu tận da thịt. Còn đang gập ghềnh với đường đá với rét với cheo leo thì bác K gọi "xong chưa ra thôi sắp tối rồi". Trời, đã tới nơi đâu ạ. Bắt đầu mưa. Điểm đến vẫn chưa bóng dáng. Vừa đó thấy một ngôi trường nhỏ - tiểu học Khu Chu Phìn. Bảo nhau thôi, đành bỏ cuộc, hy vọng hai xe kia quen đường đi nhanh đến được nơi. Mình đem bánh mì vào cho tiểu học. Đều là những vùng nghèo nhất của Bát Xát, 'chúng nó' đâu cũng đói rét như nhau.
Bọn trẻ cũng phong phanh, cũng chân trần, cũng rét run lập cập, mà mới chỉ một ngày mình như đã 'quen hơn' với những hình ảnh ấy. Chỉ những đôi mắt, buồn và trong veo, và cái vẻ hiền lành nhẫn nhịn chấp nhận mình gặp ở mọi đứa trẻ miền núi là luôn gây một cảm giác nhức nhối thương đến vô cùng.


17h00. Chiếc Inova 7 chỗ của nhà Tuấn HAT quay ra bị rệ bánh ngay gần cửa trường. Mưa, đất bở. Thôi là chèn đá, xe kéo người đẩy, chật vật tiếng rưỡi đồng hồ. Khi thở phào rồi khách quay qua vội vàng chào chủ thì trời đã sập tối.

18h00. Bàn đi tính lại mãi. Cuối cùng quyết định hai xe nhà Sống Chậm có nhiều trẻ con quay trở lại nghỉ Sa Pa. Hai xe còn lại đi Dền Thàng rồi sẽ nghỉ đêm tại đó. Nhưng sau mấy cơn mưa đường đất đỏ như được tráng thêm một lớp mỡ. Ra tới con dốc chiếc Inova bắt đầu trượt lùi, bánh quay mù tít. Đi tiếp thì quá nguy hiểm. Trưởng đoàn cân nhắc việc buộc ở lại Sàng Ma Sáo. Chẳng ai bảo ai. Ái ngại vô cùng. Tiến thoái lưỡng nan.
Cô giáo Quỳnh ngay lập tức đội mưa chạy ù vào bản mua hai con gà và ít rau, đậu. Bác K bảo "mua giúp đi tụi anh trả tiền. Đoàn có kinh phí đừng ngại". ('Kinh phí' là chia đều sau chuyến đi, đến hôm nay mình vẫn chưa nộp :))
Các tình nguyện viên xắn tay cùng các cô chuẩn bị bữa ăn. Tám rưỡi tối mới ngồi vào bàn. Nói thật là mình không ăn được. Bếp thì nhỏ lại thiếu thốn. Trời còn có 2 độ. Tới khi ăn món nào cũng nguội ngắt cả. Giữa bản heo hút này có ăn là quý lắm rồi.

Giá như mùa hè thì có thể ngủ đất. Đằng này mừa rét vừa mưa bẩn. Tất cả chỉ có ba phòng cấp 4 nhỏ xíu. Mà tối đó lại có chồng của một cô giáo chạy 30km lên trường thăm vợ. Mình và Hà bánh mì (tài trợ bánh mì) rủ nhau ra xe ngủ. Một mày râu tình nguyện ra cùng. Thế là hai ghế trước ngả ra cho hai đồng chí, mình nằm băng sau (băng cuối đã được gấp lên để lấy chỗ chở đồ ủng hộ). 11h đêm hai bác Tuấn - Tiến ở HN sốt ruột gọi lên đoàn, dặn đi dặn lại nhớ phải hé cửa xe ra đấy. Mình bảo vâng ạ anh yên tâm em sẽ hé kính. Tụi em có biết đã từng có vài đồng chí hy sinh khi ngủ trong xe rồi ạ, mà tụi em thì chưa định hy sinh ở đây giữa núi rừng xa ngái này đâu... (còn nữa)

*** Nghe hai anh chị xuống được đến lớp bản kể 'trường' nghèo lắm, bánh mì sữa bị 'rớt' giữa đường không có gì cho chúng, thấy tội vô cùng. Mình chờ hình để post kèm mà chưa lấy được. Lại thêm một điểm để cần áo ấm cơm thịt... giá mà đừng đi, để đừng thấy...

*** Có thể bạn muốn đọc:
- CHÚNG NÓ ĐANG RÉT, RÉT LẮM

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Sàng Ma Sáo

(Bài của HAT đăng tại http://tuanhavn.blogspot.com/)

Rời Pa Cheo, nửa vui nửa buồn, đoàn "cơm thịt" đi tiếp đến Sàng Ma Sáo, một xã nghèo ở sâu trong núi, cách Pa Cheo hơn 30 km. Dừng lại ăn trưa ở Mường Hum, một thị trấn nhỏ xíu chỉ có hai dãy phố ngắn ngủn. Thấy có xe khách từ Lào Cai chạy vào đây, vậy là sau này cũng có thể gửi đồ lên Sàng Ma Sáo bằng xe khách. Từ Pa Cheo đến Mường Hum gần 30 km đường nhựa, từ Mường Hum đi Sàng Ma Sáo khoảng 5-6 km đường đất.

Chợ Mường Hum

Từ Mường Hum phải qua hai con ngầm mới đến Sàng Ma Sáo. Mùa này nước cạn, xe qua dễ dàng, nhưng có lẽ vào mùa mưa, lũ kéo về, dòng suối sẽ hung hãn chứ không êm ả thế này. Nghe người dân tộc bảo vào mùa lũ, đang lội qua suối mà thấy nước vẩn đục thì phải chạy cho mau kẻo lũ cuốn trôi.

Vượt ngầm

Điểm trường chính của Mầm Non Sàng Ma Sáo nằm cạnh đường, sát bên UBND, HDND xã. Vùng này là một thung lũng khá bằng phẳng, với mấy quả đồi, lọt thỏm giữa các ngọn núi cao. Bọn mình đến đó khi các con vừa ngủ trưa dậy, bèn đem bánh mỳ ra cho chúng chấm ăn với sữa đặc. Trông chúng ăn thật ngon lành. Có một thằng bé ăn được chút thì nôn, chắc vì chưa quen sữa đặc. Nhưng nó không rời bàn, cô lau dọn cho xong, nó lại xông vào ăn tiếp.

Con phải xé bánh mỳ chấm sữa thế này này!

Trong khi Trưởng Đoàn làm việc với cô Hiệu Trưởng, một nhóm tình nguyện viên theo mấy cô giáo đi xe máy khảo sát các lớp cắm bản, ở trên núi. Số còn lại chơi với trẻ con, hoặc ngắm nghía cơ ngơi của Trường. Phải nói là điểm trường chính khá khang trang, không thua dưới xuôi. Một dãy nhà cấp 4 mới xây, có lớp học cho 25 bé, nhà vệ sinh riêng cho trẻ, có phòng giáo viên, phòng họp. Cạnh đó là một nhà xây cấp 4 với 3 phòng ở của giáo viên. Có bể nước, bếp nấu ăn trưa cho trẻ mới làm bằng tranh, tre, nứa. Bọn trẻ ở điểm trường này cũng có vẻ tươm tất sạch sẽ hơn so với bọn ở Tả Lèng. Cô giáo nói đây là Trường chính, học sinh chủ yếu con em cán bộ, còn ở các lớp xa, bọn trẻ con thường dân cũng nghèo rách lắm.

Bếp mới dựng, còn chưa mắc điện

Buổi chiều, bọn trẻ con Mầm Non học bài thơ "Anh em mèo trắng - Vác giỏ đi câu ...". Nghe chúng đọc thơ véo von, hơi nghịu chút, thật thích. Rồi tan học, bọn trẻ từng tốp, từng tốp líu ríu kéo nhau ra về. Ở đây, trẻ con 3-4 tuổi cũng tự đi học, tự về, không ai đưa đón. Chúng vừa đi vừa nói chuyện râm ran, vừa đùa nghịch mà nhanh phết. Loáng cái đã thấy mấy đứa đi đầu thấp thoáng trên sườn dốc núi bên kia.

Tan trường

Mấy bạn đi khảo sát ở điểm trường lâu quá, cứ tưởng gần, khoảng 1 giờ là xong, nào ngờ mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Nghe cô giáo nói từ trường chính đến lớp cắm bản xa nhất phải hơn 10 km, trong đó có đoạn phải đi bộ leo núi vài km, xe máy ở đó cũng không đi nổi. Lúc mọi người về đông đủ thì trời bắt đầu nhá nhem tối. Lại đổ mưa tầm tã, càng về chiều trời càng rét.

Thật không may, xe của tôi sa lầy ở con dốc ngay cổng trường. Đường hẹp, một bên là ruộng sâu, cả đoàn loay hoay xúm vào hơn một giờ nữa mới kéo được nó lên. Các cô giáo mời đoàn chúng tôi nghỉ lại ở trường. Hai xe nhà Sống Chậm vẫn quyết định quay về Sapa, vì muốn cho các cháu bé nghỉ ngơi được thoải mái. Trưởng đoàn K. vẫn muốn 2 xe còn lại đi tiếp lên Y Tý, nhưng sau khi chiếc xe Innova không vượt nổi con dốc đầu tiên, dựng đứng, trơn tuột vì bùn đất trên núi trôi xuống theo nước mưa, thì chúng tôi quyết định nghỉ lại Sàng Ma Sáo.

Xếp bàn làm giường cho đoàn (ảnh: Lana)

Cô Quỳnh hiệu trưởng nhanh nhẹn cử người đi mua đồ về nấu ăn. Các cô giáo thật hiếu khách và chu đáo. Anh K. đưa tiền mua thức ăn, các cô không nhận, nhưng chúng tôi nói nếu không nhận là lần sau chúng tôi không dám lên nữa, các cô phải chịu, hi hi. Các cô dồn 3 phòng làm một, nhường 2 phòng cho 11 người trong đoàn. Chúng tôi thật ái ngại khi giầy dép bê bết bùn đi vào phòng, nhưng dép đi trong nhà không có, bàn chân, dù có tất, tiếp xúc với nền gạch men ẩm ướt lạnh buốt tận óc. Lại nhớ những bàn chân trần của lũ trẻ ngâm trong bùn ở Pa Cheo.


Trong lúc loay hoay kéo điện ra bếp, cô Quỳnh lỡ tay làm vỡ bóng đèn compact, có lẽ là duy nhất của các cô. Thế là chúng tôi nấu ăn trong bóng tối, soi sáng bằng điện thoại di động. Cả bọn xúm bên bếp lửa, hơ những bàn tay lạnh cóng, chia nhau mấy cái xúc xích và 2 củ khoai lang vùi trong than hồng cho đỡ đói chờ cơm. Chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết như vậy đó.

Sắp được ăn rồi (ảnh: Lana)

Lúc đó mới có thời gian nói chuyện nhiều với các cô giáo. Tất cả các cô đều còn rất trẻ, người lớn nhất cũng 8x, từ nhiều miền quê tới đây. Cô Phúc mới hơn 20 tuổi, quê Thanh Hóa, về trường được hơn một tháng, chỉ con cún nhỏ nằm khoanh tròn xó bếp, bảo: "Ngày nghỉ cuối tuần, các anh chị về nhà hết, chỉ còn mình em với con cún này ở lại trông trường". Không TV, không internet, nói gì shopping, xi-nê, cafe, kem ... với bạn trai. May là có điện, chứ mấy bản trên núi cao còn không có điện. Nghe các "cơm thịt viên" đi khảo sát về kể cảnh đi xe máy đường trơn ngã oành oạch, mới thấy phục các cô giáo hàng ngày vẫn phải lặn lội đến các nhà để xin cho trẻ con đi học, mới thấy dân và bọn trẻ nhỏ ở đây khổ cực chẳng kém gì ở Pa Cheo.

Nghe tin một xe nhà Sống Chậm bị sa lầy trên đường từ Sàng Ma Sáo về Sapa. Nghĩ cảnh đêm tối, mưa, rét, đói, cả nhóm nhà Sống Chậm chỉ có 2 anh lái xe, còn lại gần chục người toàn phụ nữ và trẻ em, đang phải bứt lá, bẻ cành lót bánh xe, cả hội lo lắng bồn chồn, chẳng thiết gì chuyện ăn uống. Nhờ cô Quỳnh liên hệ thuê vài trai bản đi xe máy, mang theo dây, rơm rạ ... ra cứu. Chưa kịp đi thì nghe Sống Chậm báo đã cầu viện Pa Cheo, người từ Kin Sáng Hồ đang ra. Hơn 10h tối, mới nghe tin xe thoát lầy, tiếp tục đi Sapa. Thở phào nhẹ nhõm!

Hai căn phòng với 4 cái giường không đủ cho 11 người, 3 bạn trong nhóm leo lên xe, ngả ghế ra ngủ. Gần sáng, trời lại đổ mưa rất to. Kiểu này mai đường trơn lắm đây. Nhưng dù có làm sao thì ban ngày cũng dễ xử lý hơn. Mặc kệ! Ngủ đã!

Tạm biệt Sàng Ma Sáo!