Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Dự án 9 triệu - tới những miền xa hơn

Tuần trước nòng cốt dự án 9 triệu cùng một số tình nguyện viên có chuyến đi dài, thăm, tiếp tế thêm cho các trường 'đã phủ sóng cơm thịt' và khảo sát những trường xa hơn, nghèo hơn dọc ba tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào cai.

Mình ở nhà, dõi theo chuyến đi của nhóm bằng cách đọc đủ tất cả những bài cảm nhận của những người tình nguyện theo đoàn. Nhâm nhi hoài câu này của Blogger 'Sống thật chậm' "Theo chân đoàn lần này chỉ muốn tìm câu trả lời cho một số băn khoăn của mình". Mình đoán một trong những băn khoăn ấy là muốn nhìn tận mắt cơm thịt đến với các cháu như thế nào. Và chuyến đi đã thật sự làm chị cảm động. Những bài viết của chị đầy ắp cảm nhận của một người giàu trắc ẩn, của một người làm mẹ trước những đứa trẻ thiếu thốn, lấm lem.

Mình sẽ trích một ít từ các blog bạn về chuyến đi này của Dự án 9 triệu chia sẻ nhé:

Dù đã rất cố gắng, bọn mình cũng chỉ lên được Suối Giàng vào lúc đã tối hẳn. Gần hai trăm đứa học sinh nội trú Tiểu học và Trung học sơ sở vẫn đợi. Quà mang lên khá nhiều: 200 áo gió người bạn ở Vinatex tặng, 340 chiếc áo ấm mua bằng tiền bạn MH gửi đến, Nhóm Giỏ Thị gửi lên 130 mũ len, 80 khăn len, rồi sách truyện... Dọc đường, dừng lại chợ ngã ba mua quà "đặc biệt". Chính là thịt. Quầy miền núi, chỉ có một vài cân, thế là người bán ới các quầy khác ở xa. Mấy bà chạy rầm rập đến với các miếng thịt trên tay... Gom được gần chục ký ngon nhất. Như sống lại thuở bao cấp, thăm người thân bằng thịt là quý nhất, mà không thì lạc, cá khô, trứng... cũng quý vô cùng. (Một chuyến đi dài - TĐT)

Bọn trẻ con nội trú được báo trước có khách Hà Nội lên, đã ngóng chờ từ chiều. Một số đứa nhà rất xa, không đợi được, phải về để hôm sau mang gạo đến trường. Mới sà vào lân la bắt chuyện với chúng, thì bác Tuấn, bác Trâm, bác Linh đã bắt đầu phát áo khoác ấm cho bọn tiểu học. Các bác Tiến, bác Khôi thì làm phụ tá. Nhìn bọn trẻ háo hức nhận quà, mặc áo, đội mũ với vẻ mặt hân hoan mà thấy sướng quá.
... Bác Tuấn gửi lời chào và cảm ơn các bạn Giỏ Thị nhé
.
(Lên Suối Giàng - Phần 2 - HAT)

Tiện đường rẽ vào Lao Chải thăm trường tiểu học. Sau khi nhận được tiền hỗ trợ từ quĩ "cơm thịt", nhà trường đã tổ chức nấu ăn cho tụi nhỏ nội trú... "Trứng gà, trứng vịt" ở Lao Chải không còn phải cúi rạp người thổi lửa nấu cơm sau buổi học nữa. Mà hơn chục trứng gà, trứng vịt này còn phải cõng thêm "trứng chim cút" nữa chứ. Vì em nhỏ học mẫu giáo gần đấy nên đến bữa lại sang anh chị chúng bên tiểu học để ăn... ké. Lần này lên, "cơm thịt" quyết định chi tiền luôn cho "trứng chim cút" để khỏi phải "ấp nhờ" ổ của anh chị. Tổ chim của chúng cheo leo bên sườn núi hiu hắt trong nắng chiều.
... Nghe các thầy cô nói, khu nội trú đã tăng lên 60 đứa so với 50 lúc cơm chưa có thịt.

Trên đường đi Y Tý rẽ qua Pa Cheo, một xã nghèo nhất của huyện Bát Xát. Quả danh bất hư truyền. Nghèo mạt rệp. Hai lớp học mẫu giáo của xã nằm không xa đường quốc lộ từ Sa Pa đi Y Tý nhưng cảm giác như bị bỏ quên. Xơ xác từ vật chất đến con người. Đám trẻ co ro trong cái lạnh 14 độ C. Quần áo phong phanh, có đứa đi chân đất, nhiều bé gái mặc váy lộ ra cẳng chân khẳng khiu tím tái. Thương các con chảy nước mắt... Mình có cảm giác khi lên xe rời Pa Cheo như là chạy trốn. Chạy trốn khỏi sự lãng quên, vô cảm, tội ác...
Ngay như trên đường từ Y Tý về Lào Cai, đã biết thêm ba trường mẫu giáo nghèo nữa là Tả Ngải Thầu, A Lù và Trịnh Tường. Toàn xã vùng biên. (Chủ nhân của IQ cao - Thùy Linh)

Có lẽ ai cũng biết, cái nghèo còn nhiều lắm nên càng đi càng thấy chưa đủ. Nói riêng một xã nghèo huyện nghèo, giúp được điểm này thầy cô và bà con các điểm khác trong xã trong huyện sẽ ngóng trông: Cái trường kia may mắn quá, bao giờ cái người tốt mới đến trường con mình?
Thế nên, càng đi, sẽ càng thấy nặng lòng.
Thế nên, cần lắm tiếp tục bàn tay chung góp của những tấm lòng với trẻ vùng cao.
Mình, ngày xưa, thời sơ tán, cũng từng là một đứa trẻ vùng cao...
Chờ em tan trường
Đứa được ấm (Tiểu học Suối Giàng),
Đứa còn rét tím chân... (Mầm non Pa Cheo)

*** Mời bạn đọc:
- ÁNH SÁNG CỦA NGÀY
- GIỎ THỊ XÓM BLOGSPOT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét