Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Bé Mỷ

Tháng 8 tháng 9 thời điểm đầu năm học các thầy cô giáo vùng cao có thêm một nhiệm vụ là vào thôn bản vận động học sinh đến tuổi đi học theo yêu cầu quy định về phổ cập giáo dục vùng cao. Cô giáo trẻ người dân tộc Dáy Mộc Thị Tiến ở điểm bản Tả Lèng, xã Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai cũng vậy. Ra trường năm 2012 được phân công về bản Tả Lèng dạy Mầm Non, tháng 9. 2013 cô nhận nhiệm vụ vận động gia đình bé Vàng Thị Mỷ cho em ra lớp. Hai tuần ròng rã đến thuyết phục, bà nội chỉ nói tiếng Mông, ông nội nói được một chút tiếng Kinh, cô chỉ nhận được câu trả lời: Nó không có bố không có mẹ, nhà không có tiền không có gạo không có ai đưa đi lớp. Nó không đi học được đâu.

Bé Mỷ khi đó 3 tuổi. Bố mất năm trước khi Mỷ mới 2 tuổi, rồi mẹ bỏ đi nghe nói lấy chồng ở xã khác bế theo em gái Vàng Thị Cở để lại Mỷ ngơ ngác cho ông bà nội già yếu khó nghèo. Cô giáo Tiến kể em cứ đến nói chuyện như thế hai tuần, đứa bé mặt lúc nào cũng nhem nhuốc và buồn trong ngôi nhà nhỏ tối, "Nó không đi học đâu cô giáo về đi". Về và khóc. Người đồng nghiệp có kinh nghiệm và nói được tiếng Mông là cô giáo Hải cùng trường đã đến nói chuyện với ông: Vậy thì gia đình cho bé đi, các cô giáo sẽ nuôi bé cho bé ăn từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, chỉ gửi về ông bà vào cuối tuần khi các cô giáo về nhà. Ông nội đồng ý. Bé Mỷ vào lớp của cô giáo Tiến từ đó.

bé Mỷ trong lớp học Mầm non Tả Lèng, tháng 10.2013

Tháng 11.2013 chuyến Ấm Pacheo - Sàng Ma Sáo của Giỏ Thị - Chăn Ấm/ Mỷ áo đỏ ngồi đầu bìa phải


số phận/ cơ duyên/...
(bé Mỷ cùng người mẹ thứ hai - cô giáo vùng cao Mộc Thị Tiến)

Tâm sự, Tiến bảo chỉ giản đơn là để Mỷ được đi học như những đứa trẻ khác bởi nếu trễ lại quá tuổi theo quy định bé sẽ hết cơ hội đến lớp, em nhận chăm sóc bé Mỷ ở căn phòng nhỏ dành cho giáo viên ở trọ của mình. Tiến sinh năm 89 vừa lập gia đình và chưa từng làm mẹ, bỗng dưng có một đứa con gái rơi vào lòng, tình yêu cứ vậy mà tự thành. Chồng Tiến sinh năm 91 làm công nhân cao su gần nhà, ở cùng bố mẹ đẻ ở xã Bản Qua cách Tả Lèng 29km, Tiến ở cắm bản Tả Lèng cả tuần, vợ chồng trẻ chỉ gặp nhau ngày cuối tuần khi Tiến về nhà xum họp. Chiều chủ nhật trở lên trường Tiến lại ghé nhà ông bà của Mỷ đón bé về căn phòng trọ chăm sóc, hàng ngày đưa bé theo đến lớp, tối về chia sẻ bữa cơm đạm bạc, dạy bé nói tiếng Kinh, mua quần áo ấm cho bé bằng số tiền lương giáo viên có hạn. Tiến kể "Mỗi khi em lên đón Mỷ vui mừng ra mặt, như là bé nhớ, em cũng vậy chị ạ".

So với hình thầy Minh Pa Cheo gởi về khi kể chuyện về Mỷ, trong hình các TNV chụp trong chuyến đi Pa Cheo – Sàng Ma Sáo tháng 11.2013 cùng Nhóm bạn Giỏ thị, bé Mỷ ấm áp hơn nhiều trong chiếc áo mùa đông màu đỏ chiếc quần nỉ đi đôi dép có quai, sạch sẽ xinh xắn rất dễ thương, duy chỉ có ánh mắt vẫn đượm buồn.

Bé Mỷ thường im lặng, không biết vì gặp người lạ hay vì vốn tiếng Kinh còn ít ỏi

Trở về, nhóm thành viên Giỏ thị đã bàn nhau và trao đổi với cô Sìn Thị Việt hiệu trưởng MN Pa Cheo để Giỏ Thị sẽ gởi một phần kinh phí đều đặn phụ giúp cô Tiến nuôi bé Mỷ như một cách cùng các cô giáo đỡ đầu bé lâu dài, cũng để đứng cạnh bên nói với cô giáo trẻ có tấm lòng đẹp Mộc Thị Tiến rằng có chúng mình hiểu, yêu mến, và luôn bên cạnh, cô giáo hãy yên tâm, chúng ta sẽ cùng nhau ráng nuôi dạy bé nên người.

Hôm nay gọi điện hỏi thăm, được cô Tiến báo tin cô đã có bầu em bé đầu lòng được 4 tháng "tháng trước em hơi nghén mệt mỏi nhưng giờ đỡ rồi chị ạ".

Vậy là Mỷ sắp có em rồi.

* Thông tin trong bài: Cô giáo Sìn Thị Việt, Hiệu trưởng trường MN Pa Cheo, Thầy giáo Cấp 2 Đỗ Quốc Minh, các cô giáo Mầm non Pa Cheo Mộc Thị Tiến, Đỗ Thị Hải.
* Hình: thầy Đỗ Quốc Minh và các TNV Giỏ Thị - Chăn Ấm: chị Liên Nguyễn, Nguyễn Quỳnh Châu, Hoàng BlackViva, anh Lâm TCB.

2 nhận xét:

  1. Nặc danh06:46 21/2/14

    Muốn gởi cho cô giáo chút ít quà cho bé Mỹ thì gởi làm sao vậy chị? em ở Mỹ. Mai Anh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @Mai Anh: Cảm ơn bạn, bạn có thể gởi về Giỏ Thị sẽ giúp chuyển đến tay cô giáo và bé. Nếu gởi kịp thì cuối tháng Tư đầu tháng Năm tới tụi mình có chuyến đi trực tiếp lên Pa Cheo bạn ạ.
      Nếu là sự giúp đỡ bằng tiền thì chúng mình nên có sự chung 1 đầu mối và cùng bàn để sự giúp đỡ thật sự ý nghĩa và hiệu quả, đây cũng là cách làm của nhóm bạn Giỏ thị trước giờ Mai Anh à. Bạn có thể email cùng trao đổi thêm: lana.nguyen2@gmail.com
      Cheers.

      Xóa