Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

SỰ HỌC Ở PA CHEO (Phần 1)

Mình sẽ kể về vùng đất ấy bắt đầu từ câu chuyện của các em học sinh Lý Thị Ghênh, Phàng A Măng và Lý A Sử, vì mình và bạn bè biết và gặp các em trong những chuyến đi tới vùng đất đó đều từ sự học.

Tháng 8/2012 khi chuẩn bị bắt đầu năm học trước, gọi nói chuyện với thầy giáo Đỗ Quốc Minh dạy cấp 2 Pacheo - người thường giúp đón, dẫn mình và đoàn CCT mỗi lần lên Bản, nhân tiện hỏi thăm việc học việc dạy trẻ trên đó. Thầy kể chuyện nghề, bảo học sinh của em toàn hết cấp 2 là nghỉ học. Trường cấp 3 gần nhất và đúng tuyến là trường PTTH số 2 Bát Xát ở Bản Vược cách Pacheo 35km, muốn lên học phải trọ, là phải có tiền trọ và gạo ăn, mà Pacheo cả xã hầu như nhà nào cũng nghèo không lấy đâu ra nổi mấy trăm ngàn một tháng nuôi con đi học như thế. Chợt bật lên ý nghĩ nhóm Giỏ thị mình có thể đỡ đầu những 'dự án rời' như thế này. Hỏi thầy vậy năm học này có em nào học khá muốn học mà khó khăn không, thầy nói Lý A Sử cô ạ. Sử thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 của huyện, muốn đi học lên lắm mà bố mất nhà nghèo quá chắc em phải nghỉ học.
Thế là mình biết đến Lý A Sử.
Những bức ảnh đầu tiên thầy Minh đến nhà Sử và chụp gởi về Hà Nội.

Gia đình - với mẹ và ba em ở bản Tả Lèng (Pacheo - Bát Xát - Lào Cai), Sử mặc áo xanh, bìa phải.

Bố mất rồi chỉ còn mẹ với 7 anh chị em (mới chỉ một chị và một anh có gia đình)

Ngô và mèn mén - bữa 'cơm' chủ yếu mùa 'có ăn' 

Vời vợi buồn

Sắp xếp trực tiếp lên thăm và lấy thông tin cụ thể đặng tìm cách kêu gọi nhóm giúp Sử theo đuổi ước mơ đi học nhưng mãi đến tháng 11/2012, 2 tháng sau khi năm học bắt đầu mới lên được Tả Lèng. Em vừa bỏ học 2 tuần vì không có 20 ngàn nộp một khoản tiền trường quy định. Cũng may kịp hỗ trợ và động viên em trở lại trường. Có sự trợ giúp kinh phí và thầy Minh làm cầu nối dẫn dắt, Sử đi học lại và các thầy ở trường nói em rất chăm ngoan, từ đó đến nay không hề bỏ một buổi học nào.

Trong nhà của Lý A Sử (áo xanh) trong chuyến Pacheo - Ka Lăng 11/2012

Xã Pacheo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) thuộc khu vực miền núi đặc biệt khó khăn và được chính sách hỗ trợ miễn học phí các cấp phổ thông. Nhìn thống kê tiền trọ, gạo, một số khoản tiền ngoài học phí cho các hoạt động với hai bộ quần áo cho Sử để theo học một học kỳ 4 tháng cả thảy chỉ hết khoảng 2 triệu đồng. Mình dùng từ 'cả thảy chỉ...' nhưng với người Mông ở Pacheo cha mẹ lầm lũi làm mong sao đủ ngô cho con đừng tháng nào phải đói thì con số trăm ngàn đã là cái gì đó không thể, đành lại cho con ở nhà quanh quẩn với làm ngô, lấy vợ, đẻ con, nghèo đói, đời này qua đời khác. Thầy Minh bảo học cấp 1 cấp 2 ở ngay xã nhà được lo cho toàn bộ (chính sách phổ cập giáo dục miền núi) lên cấp 3 phải tự lo. Ngoài việc không có tiền trả nhà trọ còn là mặc cảm với bạn bè vì nhà không có gạo không lẽ mang ngô lên nấu. Quần áo cũng là vấn đề vì ở lớp nhỏ gần nhà các em mặc cả quần áo cũ, đồ dân tộc đi học nhưng lên cấp 3 thị trấn phải mặc giống như người kinh, phải sạch sẽ mấy bộ, đâu có tiền mua.

'Theo' Lý A Sử dần dần mới biết cả xã Pacheo lên Bản Vược học cấp 3 ngoài Sử còn Phàng A Măng và Cứ A Vềnh nhà cũng khó khăn chẳng khác. Ba em trọ chung một phòng nhỏ xíu gần trường. Hoá ra gạo giúp Sử nào giờ ba bạn toàn ăn chung. Thiếu đói thì 'anh cả' Phàng A Măng cuối tuần đi làm thuê được 60 ngàn một ngày mua gạo mua rau ba anh em cùng ăn cùng no cùng đói.

Thế là từ Lý A Sử nhóm tình nguyện viên (TNV) cơm thịt - Giỏ thị nhen nhóm phương án góp chung một quỹ nhỏ ổn định giúp ba em Pacheo, gọi là gói (hay quỹ) Măng Vềnh Sử. Tháng 3/2013 một số TNV trong nhóm đã gặp Ban Giám hiệu trường Cấp 3 Bản Vược nơi các em Pacheo theo học vừa hỏi thăm tình hình học tập vừa chia sẻ ý tưởng hỗ trợ nhóm và tìm sự chung tay của nhà trường. Gặp thầy Sa Anh hiệu trưởng trường biết thêm chút nữa về gian nan sự dạy và học ở Pacheo. Thầy Sa Anh có hơn hai chục năm công tác tại phòng giáo dục của Huyện Bát Xát nên hiểu rất rõ "Pacheo là điểm trũng thật trũng về giáo dục, trũng lắm. Bí thư xã nhiều năm Lý Thị Dế không biết viết chỉ biết ký, bí thư mới Hầu A Chúng vừa lên thay mới biết viết. Năm 2006 Pacheo mới bắt đầu có trường cấp 2. Ba em là ba bạn đầu tiên của Pacheo lên học cấp 3 chính quy, ba trí thức nguồn đầu tiên của Pacheo đấy, rất thật đấy". Các TNV trong đoàn một lần nữa ngỡ ngàng.

Giờ thì Măng, Vềnh, Sử vừa học xong lớp 10, chuẩn bị lên lớp 11 ở cấp 3 Bản Vược.

Ba trí thức nguồn đầu tiên của xã Pacheo (Bát Xát, Lào Cai), Lý A Sử đứng giữa, bên trái là Cứ A Vềnh, bên phải là Phàng A Măng (3-2013)

Cùng với các cô bác TNV CCT và thầy cô giáo trong phòng giám hiệu nhà trường - Thầy Sa Anh hiệu trưởng C3 Bản Vược mặc áo vét màu xám ở giữa hình, Thầy Minh Cấp 2 Pacheo ở bìa trái ảnh.

Phòng trọ để trụ học Cấp 3 ở Bản Vược, cách bản nhà gần 40km. Bề ngang chỉ hơn 2m, một cái phản gỗ ba anh em ngủ chung, thuê của một người Kinh 300 ngàn/ tháng (năm nay tăng lên 400 ngàn)

Trong nhóm ba, Phàng A Măng học yếu nhất nhưng lại chững chạc nhất nên được chỉ định làm 'trưởng thôn' chăm lo các em. Măng nhiều tuổi nhất vì học xong lớp 9 Măng phải đi làm thuê 2 năm rồi mới tiếp tục đi học lại vì muốn học. Mẹ mất, bố lấy đến ba vợ nên em cứ tự lo cho mình như thế từ khi nào không biết.

Bữa kết thúc năm học, Sử và Vềnh có người quen đón về bản bằng xe máy. Ngồi trong phòng trọ hỏi Măng có về không, Măng nói em chưa về nhà được, hỏi vì sao hay ở lại làm gì à, Măng nói vì em không có tiền mai em đi làm thuê mới có tiền về. Hỏi tiền về bao nhiêu, nói dạ 20 ngàn. Lại con số 20 ngàn chưa đủ một tô phở ăn sáng ở Hà Nội. 20 ngàn các bạn về nhà Phàng A Măng phải ở lại thêm một ngày đi khuân vác thuê để có tiền về bản Pờ Sì Ngài - Pacheo. 20 ngàn không có nộp trường Lý A Sử phải dừng học. Không đi học thì nghèo biết đến bao giờ. Mình nhìn lên xung quanh chỉ thấy những ánh mắt xót đắng của các TNV đi cùng. Lấy 20 ngàn trong bóp đưa Măng bảo cái này cô cho để chiều nay về bản mà tay run run dù ráng ngăn mắt mũi ậc cay. Chỉ 20 ngàn thôi không được phá nguyên tắc - tiền chi tiêu không đưa trực tiếp các em mà gởi qua Tài khoản thầy Minh, thầy trả tiền thuê nhà mua gạo trả tiền trường giữ bill có chữ ký báo về...

Với 'trưởng thôn' Phàng A Măng trước khu nhà trọ, 3-2013.
* Tiếp theo:
- SỰ HỌC Ở PA CHEO (phần 2)
- THƯ CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG CẤP 2 PACHEO
- SỰ HỌC Ở PA CHEO (phần 3)
(hình trong bài: Liên Nguyễn, Hoàng Minh Hùng, Quốc Minh Đỗ, Lana)

3 nhận xét:

  1. Vâng thưa cô Lana cùng tất cả các anh chị trong chương trình CCT và đặc biêt là nhóm Giỏ Thi. đã nẫng đỡ giúp các em học sinh đi học Cấp 3 trong năn học vùa quà .Nhớ có những tẫm lòng hảo tâm như các anh chị cùng các bạm TNV nhiêt tình ,Đã thấu hiểu được nhưng kho khắn của bà con em người dân tộc sự thiệt thòi của các em so với các ban cùng chang lưa tuổi o miền xuôi ,và thấu hiểu được sự gian khó đỗi với nhũng người thầy gieo cái chứ ở vùng cao. đã động viên khích lệ tinh thân em nói riêng và các thầy cô giáo ơ Pa Cheo nói chúng yêu nghề hơn học sinh yêu trường hơn .nhờ có sự quan tâm động viên kịp thòi của các anh các chị ma năn học này số học sinh học hết lớp 9 đi học cấp 3 đã tăng đột biến 15 em nâng tổng số học sinh Pa Cheo đi học cấp 3 la con số 18 em tất cả

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh02:54 17/8/13

    Cam on Lana da chia xe nhung cau chuyen va lam cau noi cho nhung ban tay den voi cac em. Hien nay Gio Thi co ke hoach giup cac em the nao xin Lana giai thich them nhe. Than ai. Ban San Jose.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn hiền, Lana sẽ post nốt phần cuối, trong đó có dự án của Giỏ thị với Pacheo. Lana xin nói rõ thêm CCT là chương trình lớn có ý nghĩa nhân văn, Giỏ thị lo từng 'dự án' điểm, như các chuyến áo ấm, đồ dùng giúp các em trong khuôn khổ địa bàn CCT phủ sóng, chủ động quyên góp về kinh phí và hạch toán độc lập từng dự án, kể cả dự án đỡ đầu học sinh Pacheo học cấp 3 sắp tới :)

      Xóa