Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Trở lại Sàng Ma Sáo

(Bài của HAT đăng tại http://tuanhavn.blogspot.com/)
Tôi trở lại Sàng Ma Sáo vào một ngày nắng ấm.
Nhờ trời khô ráo, đường không trơn, chiếc xe tải nhỏ chở hàng vượt qua con dốc mà lần trước cả Captiva và Innova đều không lên được, vào thẳng sân trường Mầm Non. Rất may là 4 ngày chúng tôi ở Tây Bắc, thời tiết đều nắng đẹp, trong khi đó ở Hà Nội mưa gió sụt sùi, sương mù dày đặc.

Các cô Mầm Non và các thầy giáo Tiểu học đã chờ sẵn, giúp tôi mau chóng chuyển đồ trên xe xuống. Tôi vẫn có chút áy náy vì chiếc xe tải phải quay về Hà Nội gấp, không kịp chở giúp hàng vào tận các điểm trường ở bản xa. Chiều và tối hôm đó, các thầy cô, cùng với một số phụ huynh dùng xe máy chở hàng về các điểm trường, để hôm sau đoàn đến là có sẵn đồ phát cho các con.


Kiểm đếm, bàn giao hàng hóa xong cho 2 trường, cũng là lúc bọn trẻ Mầm Non bắt đầu ăn trưa, tôi sà ngay vào với chúng nó. Blogger MTH đã kịp chụp ảnh lia lịa. Ngay ngày hôm sau trên blog của anh có bài phóng sự "Nhìn chúng nó ăn "cơm có thịt". Có lẽ MTH chỉ chú ý chụp những khuôn mặt ngây thơ, xinh xắn của các bé, ít chú ý đến bát cơm, nên trong các bức hình ở bài phóng sự khó nhìn ra thịt. Nhiều bạn đọc bài viết đó thắc mắc: "Sao chẳng thấy thịt đâu?". Là người đóng góp thường xuyên (dù ít ỏi) cho chương trình "cơm có thịt" do anh TĐT khởi xướng, tôi quan tâm đặc biệt đến chất lượng bữa ăn của các con. Hy vọng bức ảnh sau đây, mà tôi chụp cùng lúc với MTH, sẽ xua tan những nghi ngại về chuyện "cơm có thịt" hay "cơm không có thịt":
Thịt băm kho với đậu phụ ...

... và canh rau cải
(trưa 05.03, tại Trường chính, MN SMS)

Nhẩm tính, với 5.000 đồng cho mỗi bữa trưa của một cháu, được thế này đã là tốt lắm. Cũng cần ghi nhận công sức của các cô giáo, nhất là ở các điểm bản xa, hàng ngày phải đi cả chục km đến chợ mua thịt, mua đậu phụ, rau ... rồi cặm cụi nấu ăn cho các con. Chuyến đi này, Gánh Hàng Xén tặng cho mỗi điểm trường 5 kg cá khô, thế là các con sẽ có thêm nguồn đạm, phốt-pho ... bổ sung vào thịt, đậu. Hy vọng sẽ có thể gửi cá cho các con thường xuyên hơn. Chúng tôi nghe nói cá khô ở đây còn quý hơn thịt.

Bọn trẻ nghe lời cô, khi ăn không đứa nào nói chuyện. Nhưng hôm nay có khách, chúng phấn khích hẳn lên, mấy cậu con trai thấy cô quay đi là lại thì thào gì đó bằng tiếng H'Mông, tôi không hiểu. Còn một chi tiết khiến tôi chú ý, đó là bọn trẻ 3-4-5 tuổi này tự xúc cơm ăn rất gọn gàng, hầu như không vãi ra ngoài. Có một cậu chàng trộn đều cơm với thức ăn (theo hiệu lệnh của cô) hăng hái quá, văng mấy hạt cơm ra bàn, nó vội vàng nhặt từng hạt cơm vãi bỏ vào miệng, loáng cái không sót hạt nào.

Đầu giờ chiều, các "lít nhít" ngủ dậy, tôi xin phép cô vào lớp chơi cùng các con. Chúng nó đã quen với tôi, bạo dạn lắm, xúm quanh chiếc máy ảnh. Mấy đứa chạy ra đằng trước, đứng cho tôi chụp, cả lũ bám đằng sau, ghé mắt nhìn màn hình, chỉ trỏ, bàn tán gì đó bằng tiếng H'Mông, cười ré lên.


Rồi tôi tranh thủ dạy bọn trẻ cách xì mũi, lau mũi bằng khăn giấy. Gần như 100% các bé đều chảy mũi. Có đứa phải thay khăn giấy 4-5 lần mới tạm sạch. Bọn trẻ có vẻ cũng khoái "trò chơi" này. Cứ hỏi "mũi ai còn bẩn nào?" là chúng giơ tay rào rào.

Chiều hôm sau, 06.03, tôi quay lại Sàng Ma Sáo (một thầy giáo bảo tiếng H'Mông có nghĩa là núi mào gà) cùng đoàn GHX, sau khi thăm Pa Cheo.
Đoàn chia thành thừng nhóm 3-4 người, vào từng điểm bản. Nhóm tôi đi Nậm Pẻn 2. Từ trường chính đi ô tô khoảng chục km, rồi đi xe máy và đi bộ 6 km nữa. Lớp Mầm Non và Tiểu học Nậm Pẻn 2 là mấy căn nhà tranh vách nứa, dựng tạm nơi đất kẹt giữa những nhà dân. Có nghĩa là để vào trường, mọi người phải đi qua sân, vườn, trèo qua rào nhà dân.
Bậc thềm lớp MN rất hẹp, cao đến 2m, bên dưới là sân lớp TH.
Chúng tôi thắc mắc nếu trời mưa, đất trơn thì bọn nhỏ có ngã không.
Cô giáo nói ít khi ngã, chưa có chuyện gãy tay gãy chân.



Bọn trẻ MN ở đây thật đáng yêu, ngoan ngoãn, lễ phép.
Chúng ngồi yên trên ghế, khoanh tay chờ được chia quà.

Các con chỉ phấn khích chạy khỏi chỗ ngồi khi tôi lại lôi trò chơi "chụp ảnh" ra cho chúng vui. Tôi đoán có lẽ chúng chưa bao giờ nhìn thấy cái máy ảnh. Chắc chưa bao giờ được chụp riêng một bức hình. Nhất định tôi sẽ quay lại đây, tặng mỗi đứa một vài bức ảnh làm kỷ niệm, và cũng để chúng hiểu rằng các người lớn của "cơm thịt" và "gánh hàng xén" không chỉ "đến rồi đi".

Khi tôi mải chơi với lớp MN, các bạn trong nhóm đã kịp phát áo, ủng cho các con TH ở sân. Tiếc rằng áo ấm phát bổ sung cho các con (đợt 1 đã trao trước Tết) có một số cái hơi rộng, còn ủng thì một số đôi hơi bé, chắc nhiều con mang về lại cho anh chị hoặc em chăng? Tôi vào luôn các lớp học, xem bọn trẻ học thế nào. Ở bản này không có điện, nên lớp học hơi tối, lúc nào cũng phải mở toang cửa ra mới tạm đủ ánh sáng. Mùa đông gió lùa rét lắm đây!

Giờ Toán lớp 1

Còn đây là bài văn của bé Hạng A Thếnh, lớp 5A4 mà tôi xin được:
Đề bài: Kể một câu chuyện về điều kiện học tập nơi em ở và nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình, nếu được sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các tổ chức từ thiện đối với em và các bạn.


"Nhà em ở thôn NP 1 xã SM Sáo ở đây đường đi rất khó khan, trời mưa đường rất trơn, vì là đường đất.
Từ nhà em đi học xa dốc còn về thì lên dốc, mỗi ngày đi học em mang một cặp lồng cơm để ăn, trưa song rồi học buổi chiều vì nhà ở của em rất xa trường học trường em đã xây, bàn ghế ngồi học chỗ, em còn nhớ, ngày em học Lớp 1, 2 en ngồi bàn mà phải với vì cái bàn cao quá, còn giờ em học Lớp 5, em đã ngồi vừa với em. Em nghĩ mà thương các em Lớp 1, 2 cũng phải với như em em mong muốn áo, có bộ [HAT - cán bộ?] quan tâm đên en Lớp 1, 2 để có bàn ghế vừa với các em đó"

Bài văn còn nhiều lỗi chính tả, câu từ lủng củng cứ phải vừa đọc vừa luận, nhưng tôi thích vì ý nghĩ độc lập, khác hẳn những bài viết khác khá giống nhau (chắc được thầy cô gợi ý?!). Mong sao các con có nhiều những bài viết độc lập và sáng tạo!

Sáng hôm sau, ngày 07.03, nhóm chúng tôi đi thăm Trường chính TH SMS, ở trung tâm xã. Trưởng đoàn Sống Thật Chậm sắp xếp vậy vì hôm qua nhóm chúng tôi đã phải cuốc bộ khá nhiều, chứ thực lòng ai trong số tình nguyện viên cũng muốn đi đến bản xa nhất - Trà Phà.

Ở Trường chính, trong khi phát áo, vở viết và đồ dùng học tập cho các bé, chúng tôi để ý ngay đến dãy cặp lồng cơm để trên bệ cửa sổ. Bạn Lana đã có bài viết thật xúc động về "chiếc cặp lồng cơm", còn tôi thì tỷ mẩn đếm: trong số 12 chiếc cặp lồng, có duy nhất một chiếc có thức ăn mặn (thứ gì đó giống cá kho), 8 chiếc chỉ có rau cải muối hoặc luộc, 1 chiếc chỉ có củ gừng và tý muối, 2 chiếc hoàn toàn không có bất kỳ thức ăn gì. Mà như mọi người biết, đây là điểm trường chính, thường có nhiều con em cán bộ, gia đình cũng ít người nghèo hơn so với các thôn bản sâu trong núi.

Lại có thêm chút vân vi (xin phép anh PNT), chút đắng đót. Lại phải nghĩ, làm thế nào để các con Tiểu Học (hiện chưa được hỗ trợ của cơm thịt) có thêm tý chất đạm, ít nhất là vào bữa cơm trưa, để còn có sức mà học.

Trước khi chia tay các con, các thầy cô giáo, chúng tôi ghé thăm khu học sinh tiểu học nội trú. Chỉ có 5 cháu bé, 2 phòng nhỏ, 3 cái giường tầng. GHX trang bị riêng cho các con đầy đủ bộ xoong, chảo, bát thìa cốc inox, và túi cá khô, để các con tự tổ chức nấu ăn hàng ngày.

Cái giường cao, lại kê ngược thế này
Làm sao con gái trèo lên được tầng trên nhỉ?

Nhà tắm

Rời Sàng Ma Sáo, chúng tôi cứ tiếc sao lúc ở Hà Nội không cố nhồi thêm, nhét thêm ít áo, ít bánh kẹo, ít ... bất cứ thứ gì, vào những chiếc xe vốn đã chật cứng đồ, để có thể chia thêm cho bọn trẻ. Và chúng tôi cũng hiểu, còn nhiều, rất nhiều việc chúng tôi sẽ phải làm để góp một phần nho nhỏ cải thiện điều kiện sống và học tập của các bé ở SMS nói riêng, và ở vùng cao Tây Bắc nói chung này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét