Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

SỰ HỌC Ở PA CHEO (Phần 2)

* Bài trước: SỰ HỌC Ở PACHEO (phần 1)

(tiếp theo) Lý Thị Ghênh là học sinh lớp 5 ở bản Tả Lèng xã Pacheo thuộc Bát Xát, Lào Cai, xã đa phần người Mông sống bằng lúa ngô tự trồng. Bố mất, bốn chị em Ghênh ở với mẹ trong một căn nhà nghèo khó nhất của một trong những bản nghèo khó nhất của xã đặc biệt khó khăn Pacheo. Chị đầu 12 tuổi, Ghênh là thứ hai. Sau Ghênh còn hai em nữa, nhỏ nhất mới chừng 3-4 tuổi.

Một TNV trước nhà mẹ và chị em Ghênh ở bản Tả Lèng

Cô giáo Hồng chủ nhiệm lớp Ghênh kể nhà em nghèo quá, nhìn học sinh là thấy xót thương. Ở lớp, Ghênh lại là học sinh ngoan và chăm học. Trường tiểu học động viên học sinh mang cặp lồng hoặc túi ni lông cơm trưa để ở lại học chiều, Ghênh nhiều hôm chẳng có cơm nhịn đói vẫn ở lại học đến hết buổi học. Khi biết nhóm CCT lên Pacheo cô Hồng cứ xin liên lạc trước, hỏi các anh chị có chút thời gian sắp xếp vào bản được không ạ ghé thăm nhà em Ghênh học trò em, mong có chút quà nhỏ thôi là động viên Ghênh lắm. Tới vào giữa chiều mà trong nhà tối thui nhủi phải căng mắt và lấy ánh sáng của điện thoại di động mới thấy cô bé đã đứng dậy chào khách ở góc nhà, mấy cậu bé trai lít nhít ngồi thu lu bên bếp lửa leo lét như mấy con chuột, ướt sũng. Mẹ đi làm nương bọn trẻ nhít ở nhà bị mưa nên chị đốt lửa cho các em ngồi hong áo, những chiếc gọi là áo bết bền bệt nhưng còn hơn ở dưới chẳng có quần.


CCT Nhật lên khảo sát để lập dự án bữa cơm trưa cho 386 em Tiểu học Pacheo. Hàng sau: Thầy Minh GV cấp 2 Pacheo và Cô giáo Hồng GV Tiểu học Pacheo

Chuyến tổ chức 'EM ĐI LÊN BẢN' tháng 7/2013 xếp Tả Lèng vào lịch trình, vừa đưa các bạn nhỏ thành phố lên thăm chị em Ghênh vừa tính bàn cụ thể với cô giáo rồi về bàn với Giỏ thị hàng tháng gửi gạo giúp đỡ động viên em học, động viên mẹ cho em đến lớp bám chữ. Đường xấu, mưa và sương mù dày đặc, định trưa mà xẩm tối mới đến Bản Tả Lèng nên không định mà gặp giờ 'cơm' tối nhà Ghênh. Người mẹ chắc chắn tuổi không nhiều nhưng nhìn như một người già đang lúi húi làm gì đó với ít ngô mới bẻ về. Trên cái bàn đen cũ 'mâm cơm' chung của cả nhà có một bát cơm trộn ngô để chia và lưng ca nhựa nước. Chui được vào căn nhà bé xíu, một số bạn tuổi teen Hà Nội đứng lặng khi nhìn thấy hai bát 'cơm' Ghênh và chị bưng trên tay là hai bát nước trắng lõng bõng mấy hạt cơm lẫn với ngô xay chìm dưới lớp nước dầy.

Vô tình tới giữa bữa cơm tối: Bát trắng cơm trộn ngô là bữa tối của cả nhà. Những chiếc bát còn lại là của các thành viên

Lý Thị Khu (váy xanh) 12 tuổi, chị cả của 3 đứa em, lúc nào cũng chực nghỉ học giúp mẹ


Những đứa trẻ Pacheo, 2013

Trước đó hỏi thăm, các thầy cô giới thiệu một danh sách dường như Bản nào của Pacheo cũng có những nhà tương tự như nhà Ghênh. Không đủ thời gian đi hết, chọn đến thăm Ghênh vì các thầy cô nói dù thiếu ăn nghèo đói mà Ghênh chẳng bao giờ biết kêu, em thích học, tiếp thu được so với các bạn và học khá môn văn. Chị cả học lớp 6 trường cấp 2 của xã ở nội trú được trường nuôi nhưng nhiều lần nản nghỉ học về nhà giúp mẹ. Mỗi lần vậy thầy cô lại vào tận bản động viên chị đi học nhưng cũng chỉ động viên thôi chứ chuyện đói thấy xót mà đành, riêng Ghênh vẫn đi học đủ. Hay chị Khu là chị cả nên phải trách nhiệm hơn.

Có một điều nghĩ đến cứ thấy lạnh là không hiểu sao lên đây nghe nhiều em mồ côi cha hoặc mẹ thế. Dường như nơi này người lớn trẻ con cứ bệnh một chút là có thể chết. Sức khỏe, tiền và bệnh viện là những thứ có vẻ quá cao cấp nên ốm bệnh là chết thôi. Các thầy cô còn kể ở đây con gái con trai 14, 15 tuổi đã bị gả lấy vợ lấy chồng để có người làm, lấy lẫn nhau quẩn quanh trong họ trong nhà để giữ của. Không biết có phải vì vậy mà nhiều những đứa trẻ Pacheo cọc còi yếu ớt không như ta thường nghĩ về người núi người rừng, về chọn lọc tự nhiên và nhiều những lý thuyết khác. Rồi nữa, nghèo đói nhưng vẫn đẻ và đẻ, chính sách vận động sinh đẻ kế hoạch hầu như không 'vào' được đến người dân vốn phần nhiều chẳng biết nói tiếng Kinh. Những đứa trẻ chân trần co ro áo không kín rét lít nhít từng đám trong bản nghèo không biết mình nghèo và nghèo đến bao giờ. Đi sâu vào cuộc sống người dân bản nơi này sẽ nhận thấy thật rõ ràng sự nghèo đói lạc hậu rồi lạc hậu đói nghèo vòng tròn quẩn quanh thật tròn.

Càng thấy thật cần sự dạy và học, chính sách không phải không có, nhiều nữa là khác, nhưng vẫn cần thật nhiều sự hỗ trợ chung tay góp phần để kéo các em tuổi đi học đến trường....


Nụ cười
* Tiếp theo:
- SỰ HỌC Ở PACHEO (phần 3)

- THƯ CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG CẤP 2 PACHEO

10 nhận xét:

  1. Tem phát. Plan thế nào nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Thưa các anh , các chị Quốc Minh đã có 3 năn công tác tại Pa Cheo Minh rất hiểu được nguyên nhân chính đến sự nghèo đói. Và những đứa trẻ mô côi nhiều vậy có thể do một số nguyên nhân chính sau đây .
    Một là :Dân số Pa cheo 98% là đồng bào người Hmong ,không có dan tộc khác vào để mà canh tranh cho sư phát triển
    Hai là : Thời tiết ơ Pa cheo luôn trong tình trạng sương mù quanh năn . địa hình đồi núi nhưng lại không có nước làm ruộng bậc thang .
    Ba là : do tàn dư cửa trươc đây Pa cheo có một bãi vàng cộng với sự thiếu hiểu biết của người dân đã trồng cây thuôc phiên, nên số lượng người nghiện hút cao . dẫn đến tình trạng những đúa trẻ mồ côi cha lẫn mẹ là do nghiên hút chết sớm .Ở Pa cheo không những đàn ông nghiện mà còn cả đàn bà cũng nghiện có nhà ca bố mẹ lẫn con cái đều nghiên . Một Phần là những người phụ nũ khi cái nhau với chồng họ luôn đi tìm cái chết bằng cách ăn lá ngõn.Và Pa cheo là một xã thuộc vùng biên giới giáp Trung Quốc nên một số Phụ nữ trong xã bị một số kẻ xấu lợi dụng bán sang Trung Quốc .Bỏ lại sau lưng những đúa trẻ mồ côi không nơi nương Tựa
    Bốn là ; Đặc biệt nền giáo dục Pa cheo phát triển chậm đến tận năn 2006 mới có trường cấp 2 nghĩa là học sinh học lên lớp 6 nên đến giờ bà con vẫn chưa nhận thức được việc đi học có y ngĩa như thế nào . dù nhà trường đã cố gắng hết mình nhưng lục bất tòng tâm một mình không thể làm nổi, em mong sao có nhiều nhà hảo tâm có Tấm lòng vàng như Chương Trình Cơm Có Thit. để chung tay tiếp sức cho con em đồng bào xã Pa cheo có được niền tin đến lớp hơn . giúp cho nhứng thế hệ hôn nay cắp sách tới trường sau này có đươc cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ cha ông .

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh03:03 17/8/13

    Cam on thay Quoc Minh ve nhung thong tin ve Pacheo. Tre em o Pacheo co den truong va co duoc tuong lai tot dep hon, truoc het la nho tam long cua cac thay co giao. Chung toi neu co gop tay voi Com Co Thit hay Gio Thi thi chi la gop 1 phan qua nho be so voi cong suc cua quy thay co.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bạn. Công sức của các thầy cô giáo hàng ngày dạy dỗ các em thật là to lớn. CCT hay GT chỉ mong làm giảm bớt phần nào khó khăn của các thầy cô và HS.

      Xóa
    2. Cảm ơm các anh chị đã thấu hiểu được công viêc của những giáo viên vùng cao như chúng em , cam ơm . (Nặc Danh , BlackViva)

      Xóa
  4. Cám ơn thầy Minh và các thầy cô giáo khác - ở Pa Cheo cũng như các địa phương khó khăn trên đất nước mình. BlackViva từng một lần đi theo đoàn lên Hà Giang. Bây giờ mới biết, so với Pa Cheo thì Sủng Máng (Hà Giang) vẫn là xứ sở thiên đường kakaka!

    http://black-viva.blogspot.com/2011_05_01_archive.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Oh giờ mới coi bài này trên Blog Viva. Coi ra thì từ 2011. Những cái hình 'bắp cải mọc trong đá' thật tuyệt. Nghe dân CCT và dân phượt đi Hà Giang khen cảnh HG nhiều nhưng mới chỉ nghe 'ngô mọc trong đá' thôi.
      Thanks nhiều vì dẫn link.

      Xóa
    2. Yeah, ngô họ trồng xen trên sườn núi, vì không phải tưới nước. Rau thì trồng ở vũng thấp để tận dụng nước chảy xuống - không biết Pa Cheo thế nào chứ Hà Giang nhìn chung là thiếu nước, lượng mưa ít. Lana check thử mấy trạm quanh vùng Đồng Văn Mèo Vạc xem trung bình năm được bao nhiêu mm.

      Giỏ Thị đừng xây nhà không có toilet như Mèo Vạc nhé - chắc chủ đầu tư ở đấy không được cấp muối i-ốt!

      Xóa