Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

KHẢO SÁT BẢO LÂM, CAO BẰNG (1)

1. Chuẩn bị 
Để dễ hình dung, trước mỗi chuyến áo ấm lên miền núi của Giỏ Thị là một chuỗi công tác chuẩn bị: Dự kiến địa phương sẽ tới, thu thập thông tin, kiểm tra chéo, lựa chọn điểm đến, lấy dữ liệu học sinh/ điểm trường, nhu cầu hỗ trợ.
Một khâu không thể thiếu là khảo sát thực tế. Tất cả để nơi đến và những sẻ chia mang lên là “đúng và trúng”, hiệu quả nhất có thể. Các chuyến khảo sát cho thấy dù thông tin được chuẩn bị đủ tới đâu thì những chuyến khảo sát thực địa luôn rất cần và nhiều giá trị.
Trở lại Bảo Lâm – huyện biên giới giáp với Hà Giang thuộc tỉnh Cao Bằng, các bước nắm thông tin đã cho danh sách một loạt các xã đặc biệt khó khăn: Đức Hạnh, Nam Cao, Tân Việt, Thái Học, Lý Bôn… trong đó Đức Hạnh có đường biên giới với Trung Quốc. Các xã này đều nằm trên núi cao đất chen với đá, thiếu điện thiếu nước sạch, mùa đông rất lạnh; người dân thuần phác, các con học sinh ngoan nhưng điều kiện sống/đi lại quá khó khăn khiến thầy cô rất khó gọi trò đi học đủ, nhất là những ngày trời rét.

Sức quỹ có hạn, thôn bản vùng cao cách trở, thời gian mỗi chuyến tặng áo không thể kéo quá dài ngày, vì vậy nhóm chỉ chọn hai địa bàn khảo sát đợt này: Cụm trường Tiểu học – Mầm non Cốc Lỳ gồm 6 trong số 15 thôn có điểm trường thuộc xã Đức Hạnh và cụm Tiểu học – Mầm non Khuổi Vin phủ 7 trong số 15 thôn có điểm trường thuộc xã Lý Bôn kế bên.

Một box chat nhóm được lập, chia sẻ thông tin, bàn kế hoạch. Và nhóm xung kích lên đường.

Khác mọi lần thường chỉ nhóm nhỏ tranh thủ ‘ba lô lên đường’, chuyến khảo sát lần này mời cả các TNV nhiệt thành của một số nhóm/ chương trình thiện nguyện khác cùng tham gia, bởi biết sẽ có rất nhiều việc để làm/có thể làm giúp nơi này.

2. Lên đường 
Sẽ không thể có chuyến khảo sát hiệu quả nếu không có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng Cốc Pàng, chính quyền xã, chị Hoài Phương công tác tại Đài truyền hình Cao Bằng - người có tâm kết nối không ít cá nhân/nhóm thiện nguyện đến với những địa chỉ khó khăn, và đặc biệt là sự nhiệt tình của các thày cô giáo nơi này. Sự nhiệt tình chân tình đến cảm động mà mình xin viết ở phần sau.
Mất đúng một ngày để chạy miết từ Hà Nội tới thị trấn Bảo Lạc, Cao Bằng. Nghỉ đêm lấy sức. Sáng sớm hôm sau xuất phát đi Đức Hạnh. Có nhà báo nào đó đã từng mô tả "chặng đường thị trấn Bảo Lạc qua xã Cốc Pàng (Bảo Lạc) đến xã Đức Hạnh (Bảo Lâm) hơn 40 km đường núi dốc cao, vực thẳm hun hút". Đâu có lựa chọn nào tốt hơn, mà đi đường này lại ghé được thăm anh em đồn Biên phòng Cốc Pàng (dù đã nhờ Hoài Phương báo biên phòng xin phép trước - theo nguyên tắc các đoàn từ nơi khác tới khu vực biên giới luôn cần thông báo và được sự chấp thuận của biên phòng phụ trách địa bàn).
15 phút, ấm trà nóng làm quen, câu hỏi đầy sự quan tâm của Trung tá Hoàng Anh đồn trưởng "đoàn có tính bữa trưa thế nào", những cái bắt tay thật chặt, chào và hẹn gặp lại, đoàn lên đường lên Đức Hạnh.
(còn tiếp)
vị trí hai xã Đức Hạnh và Lý Bôn, Bảo Lâm, Cao Bằng

Với anh em đồn Biên phòng Cốc Pàng, 05.11.2016. Đứng phía trái mình là Thượng úy Hoàng Văn Sự, người con của Bảo Lâm, đội trưởng trinh sát biên phòng Cốc Pàng.

Có một xúc cảm kỳ lạ khi lên với bọn trẻ nơi này, những thanh niên tương lai của biên cương

Ở miền núi ai nấy đều dễ thương, tất cả các bác tài các loại xe nhường nhau từng gang đường

Vào xã Đức Hạnh rẽ hướng này đúng không bác? Ừ hướng này là tới mà.

* Bài đọc tham khảo về Đức Hạnh, Cốc Pàng:
- GỠ KHỔ... ĐỨC HẠNH - báo Cao Bằng điện tử (link)
- Người con của bản mang quân hàm xanh (link)
- 14 năm tỏa bóng giữa đỉnh trời đá xám - báo Lao Động, 2014 (link)

1 nhận xét: