Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

KHẢO SÁT BẢO LÂM, CAO BẰNG (2)

3. Khảo sát
Đường xấu khó đi, xuất phát 7h sáng gần 9h 3 chiếc 2 cầu chở 11 TNV mới tới được TT xã Đức Hạnh. Có Đồn trưởng Cốc Pàng gọi báo trước, bộ đội biên phòng Lê Bá Hùng kiêm bí thư Đảng ủy xã Đức Hạnh đón chúng tôi trước dãy nhà đơn sơ của ủy ban xã. Cô giáo Lương Thị Nụ người dân tộc Tày phụ trách khối Tiểu học vừa phụ trách công đoàn Phòng giáo dục huyện Bảo Lâm và thầy Chức hiệu phó Tiểu học Cốc Lỳ cũng đã có mặt. Sống và làm việc ở Trung tâm thị trấn Bảo Lâm, ngày nghỉ Thứ Bảy, gởi con nhỏ 2 tuổi, Nụ chạy xe máy 35 km đường núi để vào xã gặp, đi cùng đoàn tới mọi điểm khảo sát của hai xã Đức Hạnh và Lý Bôn tới tối sẫm. Về anh Hùng, người bí thư xã biên chế lính biên phòng xấp xỉ 20 năm gắn bó với vùng đất biên ải này, nói tiếng Mông, Nùng, Tày "như gió" với bà con Mông, Nùng, Tày Đức Hạnh được "bà con rất ưng cái bụng", bạn chỉ cần vào google đánh "Lê Bá Hùng Cốc Pàng" là có thể đọc được không ít điều đặc biệt ấn tượng về anh.
Nghe nhu cầu cần anh giúp chỉ dẫn vào thôn bản, loáng một cái, một tờ giấy, vài nét bút vẽ sơ đồ, nhóm đã có chỉ dẫn chi tiết không chê vào đâu được.

Sơ đồ và chỉ dẫn của bí thư Hùng - kim chỉ nam tuyệt vời cho ngày thôn bản không thể hiệu quả hơn

Trong phòng làm việc của bí thư xã - bộ đội biên phòng Cốc Pàng Lê Bá Hùng (áo trắng) cùng nhà văn Phạm Ngọc Tiến (cạnh bí thư Hùng) và nhà báo Đào Tuấn (đối diện) - những TNV của chuyến khảo sát cho chuyến áo ấm Bảo Lâm 

Gập ghềnh đi tiếp 12km đường dân sinh cô Nụ và thầy Chức đưa đoàn vào điểm trường chính Tiểu học Cốc Lỳ. Khoảng 7, 8 thầy cô giáo Tiểu học Mầm non đã đợi để đưa các TNV tới các điểm trường cắm bản. Cả khi chiều sang Khuổi Vin, Lý Bôn cũng vậy, nhiều thầy cô đã đợi sẵn, dù trước chuyến đi đã dặn mỗi nơi chỉ xin một vài thầy cô dẫn đường, bởi vào ngày thứ Bảy, hầu hết các thầy cô cắm bản chỉ cuối tuần mới được về nhà với gia đình.

Sự thật là ngày Bảo Lâm để lại cho TNV đoàn thật nhiều cảm xúc, mà cảm xúc ấm áp nhất là sự chân tình đón đợi những món quà cho bọn trẻ, đón đợi mọi sự khích lệ con em học trò của họ đi học, đến lớp đến trường.

Mời bà con bạn bè cùng chúng tôi tới một số điểm trường cắm bản của Đức Hạnh và Lý Bôn bằng hình ảnh TNV ghi lại. Có những ‘lớp học’ hở chứ không phải là trống nữa, bạn TNV đi lần đầu duy nhất của đoàn cao to huỳnh huỵch đứng hỏi ngẩn ngơ “lớp học thế này thì làm sao bọn trẻ con học được”. Có căn phòng chừng 9 mét vuông vách liếp ngăn đôi cho 03 cô giáo với một em bé nhỏ con gái cô giáo ở suốt những ngày dạy/học trong tuần. Có đám mẩu phấn góc bàn giáo viên làm cay mắt - những mẩu phấn được gạn viết đến chỉ còn bằng nửa hạt ngô. Có con đường mòn cheo leo vòng theo sườn núi dốc ngược rộng đúng 01 bước chân, thầy cô muốn giúp mà chỉ có thể cho TNV mượn xe máy tự chạy vì không thể "xe chở hai không đi nổi đâu”, cuối đó là lớp học của "thầy giáo Nùng lấy cô giáo Tày dạy học trò Lô Lô bằng tiếng Kinh".

À, cũng có cả bữa trưa thứ Bảy giao lưu ở hiên lớp học thịnh soạn với cơm nắm muối vừng giò ruốc rượu ngô, và chuyện ông TNV to nhất cao không nhất đoàn lên núi chạy xe máy vù vù mà lên ô tô cứ mỗi 50m lại đòi dừng xe gặp Huệ.

Các thầy cô dẫn đoàn đi mọi điểm trường thôn bản khảo sát. Không thể có chuyến khảo sát hiệu quả tranh thủ mấy ngày cuối tuần nếu không có sự nhiệt tình đến cảm động của thầy cô

Điểm trường Tiểu học thôn Cà Pẻn B xã Đức Hạnh. Áo gió đen khăn choàng hồng là cô Nụ PGD huyện Bảo Lâm

Toàn cảnh, trên cao là 'trường' Tiểu học, phía dưới là lớp của các em Mầm non vừa được xây

 Lớp học và cô giáo Cà Pẻn B cùng con gái nhỏ cắm bản dạy chữ

Hai phòng học điểm trường Tiểu học Cà Pẻn B nhìn từ "phía sau"

Thứ 7 các con nghỉ thì mẹ có em và các bác làm học trò

Các thầy vừa dẫn vừa dọn đường giúp xe vào trường bản

Chiếc bàn giáo viên thần thánh

 Và những mẩu phấn vùng cao


 Bữa trưa chuẩn bị từ trước mang theo, thịnh soạn cơm nắm muối vừng giò ruốc dưa cải muối nhờ có chuyên gia ẩm thực xinh đẹp nhiệt thành Xuân Đỗ, rượu nếp cái của Hoàng Black và rượu ngô của thầy cô góp tiệc


Chuẩn bị ăn trưa cơm nắm thấy một cô giáo bê đặt lên hiên lớp một chậu nước, hóa ra nơi này hiếm nước sạch, các cô lấy nước cho TNV rửa tay. Cảm động.


Xe máy 2km đường leo núi.
"Cưỡi xe máy anh chả ngán bố con thằng nào nhá!" (cóp y nguyên giọng Hoàng tử Đen, thề)!
Nói thật lúc nhận xe mình cũng hơi 'ngẫm nghĩ' có tí run trong lòng, chưa từng làm chuyện ấy. Nhưng phải cố gắng, cuối cùng vẫn tới chẳng ngã lần nào!



Tay lái lụa cả ô tô đường trường lẫn xe máy đường mòn núi cao. Tiếc là những đoạn khó chỉ có giữ tay lái chạy không thể dừng nên không có ảnh phóng sự. Chỗ này sắp tới nên xe trước có chỗ dừng chụp xe sau

 Đội xe máy đường núi tự thưởng tại điểm trường Cà Đổng B


Nhà công vụ giáo viên, nơi ba cô giáo và một em bé cùng cắm bản

 Anh cũng muốn check in :)


Cũng có một số điểm vừa được dự án xây mới như thế này (Cà Pẻn A)

Nhưng không đủ nên vẫn phải sử dụng cả những phòng học tạm (Cà Pẻn A). Mấy bé nhà ngay gần trường thấy thầy cô tới nên vào lớp chào


Leo dốc và thở lên điểm trường Tiểu học - Mầm non Nà Tồng xã Lý Bôn
Đường bọn trẻ đến trường. Thầy cô nói những ngày nước lên thầy cô từ điểm trường trên núi xuống đón dẫn học trò qua suối 

 dốc là thế này


nên anh Hoàng Black chốc chốc lại gọi em Huệ. Sau chuyến này đồng đội cùng phòng Tuấn Anh Nguyễn đặt cho anh nick mới là Hoàng tử Đen. Anh nói chuyến phát áo anh sẽ xách con bán tải tự chạy, bảo đảm không say


p.s Hình trong bài sử dụng của anh Hoàng Minh Hùng, cô giáo Lương Thị Nụ và các tình nguyện viên khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét