Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

CHIẾC CẦN CÂU Ý NGHĨA

(Bài của NV Phạm Ngọc Tiến, trên Nhân Dân hằng tháng, 15/01/2017)
Những đứa trẻ ở đây là học sinh miền núi. Trong đó có nhiều em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ở đó điều kiện vật chất thiếu thốn, khó khăn hơn nhiều những đứa trẻ miền xuôi và thành thị. Các em không chỉ ở nơi điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, lạc hậu với những tập tục có từ ngàn đời mà còn phải chịu thiệt thòi từ những điều kiện khác như nghèo khó, thiếu điện, thiếu nước, giao thông chia cắt, nền sản xuất nhỏ lẻ, du canh du cư, đất đai canh tác eo hẹp, cằn cỗi. Những đứa trẻ miền núi đến trường tìm con chữ đang phải đối mặt với vô vàn thách thức.

Việc học từ nhiều năm nay luôn là một bài toán khó giải dù học sinh miền núi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ chính sách của Nhà nước đến sự chia sẻ của cộng đồng xã hội. Cách nay chỉ 20 năm ngoài đường liên huyện và những thắng cảnh nổi tiếng như Sapa, Mẫu Sơn... đường giao thông thuận tiện, các bản làng xa trung tâm hầu như bị chia cắt. Để vào được những nơi đó chủ yếu phải dùng các phương tiện như xe máy hoặc đi bộ. Nhưng chỉ sau đó miền núi đã được đầu tư đồng bộ bằng Chương trình 135 bắt đầu từ năm 1998. Nội dung cơ bản nhất của Chương trình 135 là giải quyết xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng địa phương thiết yếu như làm đường giao thông, điện lực, trường học, trạm y tế, nước sạch và nâng cao đời sống cũng như văn hóa. Sau các giai đoạn của chương trình được kéo dài đến 2010 về cơ bản giao thông đã bê-tông hóa về đến các trung tâm xã. Ngoài đường giao thông, các trường học ở điểm chính đã được xây dựng kiên cố. Các xã có trạm xá. Những hộ nghèo cũng được quan tâm trợ giúp thường xuyên. Bên cạnh đó là những chính sách đãi ngộ trẻ miền núi về nhiều mặt. Trẻ em học nội trú từ bậc tiểu học được chu cấp tiền ăn tháng. Trẻ mầm non được tiêu chuẩn ăn trưa phát bằng tiền. Sách vở đồ dùng học tập được tài trợ cho các cấp học... Tất nhiên những chính sách này chỉ giải quyết được một phần nhu cầu của trẻ em đến trường và đời sống của đồng bào. Đặc biệt tình trạng trẻ em đến trường không đều và trẻ ngại học, bỏ học hoặc không đủ điều kiện học lên trung học phổ thông và các cấp học cao hơn. Đó là một sự thật.

​Từ lâu trong xã hội đã nảy ra những cuộc tranh luận về thuyết cần câu và con cá. Sở dĩ có việc này là vì đã thành truyền thống của người Việt lá lành đùm lá rách, nên người dân miền xuôi trước thực trạng thụt lùi về mặt bằng xã hội của miền núi đã luôn luôn có những động thái chia sẻ. Cá nhân hoặc nhóm, một cơ quan hay là cả một tập đoàn, những tổ chức thiện nguyện có pháp nhân hay không có đều luôn có mặt ở miền núi đặc biệt là những khi có thiên tai như bão lụt hay băng tuyết. Chống đói thì có gạo mỳ thực phẩm. Quần áo, khăn ủng, chăn để chống rét. Trường học vẫn là đối tượng tài trợ chính. Sách vở, bút giấy, những đồ dùng học tập và tất nhiên cái ăn, cái mặc cho các em được coi trọng. Lớn hơn nữa là dựng trường ở những nơi chính sách Nhà nước chưa với tới được hoặc ở các điểm trường cắm bản hẻo lánh. Sự tương trợ này nhiều nhưng không đồng nhất vì là tự phát và tập trung vào một số nơi thuận tiện hơn về giao thông. Là người có mặt rất sớm và tham gia nhiều chuyến đi tôi hiểu rằng tất cả những thứ vừa nêu chỉ là những con cá, có nghĩa nó chỉ là giải pháp tình thế. Rất cần, nhưng những con cá ấy không thay đổi căn bản được tình trạng miền núi vẫn giậm chân ở một khoảng cách tụt hậu khá xa so với miền xuôi và trẻ em thất học nhiều. Cần phải tạo ra chiếc cần câu cho miền núi. Vậy chiếc cần câu đó là gì?

​Là phải thay đổi nhận thức của đồng bào thiểu số về sản xuất và tổ chức đời sống mà không làm phương hại đến bản sắc dân tộc của họ. Nhưng thay đổi bằng cách nào? Chương trình 135, những chính sách về giáo dục cho học sinh, sự trợ giúp ào ạt của người dân miền xuôi đối với miền núi với rất nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Nhiều giải pháp như chọn công nghệ nuôi trồng, cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác nhưng chưa đủ để thay đổi. Vậy có cách gì?

​Pa Cheo là một xã nghèo nhất huyện miền núi Bát Xát, Lào Cai. Đất đai canh tác thiếu dù diện tích rộng nhưng toàn núi đá. Năm 2011, tôi đi cùng quỹ Trò nghèo vùng cao đến huyện Bát Xát tài trợ việc tổ chức nấu ăn trưa cho các cháu mầm non ở một số xã. Đến Pa Cheo khảo sát thấy đây là điểm trũng nhất huyện về giáo dục. Cho đến năm 2011 chưa hề có một học sinh nào đi học trung học phổ thông. Người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông, dân trí thấp, nhiều hộ nghèo, lạc hậu. Phát hiện ra Pa Cheo có không ít nhóm bạn từ Hà Nội đã tổ chức các đợt giúp đỡ học sinh nơi đây. Vẫn là đồ chống rét, dụng cụ học tập như truyền thống. Trong đó có một nhóm bạn gồm các doanh nhân, viên chức, bác sĩ, nhà báo gọi là nhóm Giỏ Thị đã áp dụng một phương thức mới đó là liên hệ với chính quyền địa phương và hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bát Xát để cách nào đó động viên các em tốt nghiệp THCS lên học tiếp. Thầy giáo Sa Anh vốn là một lãnh đạo Phòng Giáo dục Bát Xát cũ nay là hiệu trưởng hiểu vấn đề nên rất ủng hộ phương thức này. Nhóm đã cùng nhà trường và chính quyền xã tổ chức cuộc gặp mặt với học sinh và phụ huynh của họ động viên và cam kết sẽ bảo trợ các em ở những năm học xa nhà. Thậm chí có trường hợp nhóm đến tận nhà để thuyết phục. Sau đó tổ chức cho các em đến tham quan trường để tạo quyết tâm. Trường THPT số 2 Bát Xát cách Pa Cheo vài chục cây số. Kết quả đã có một số học sinh đủ tiêu chuẩn điểm đồng ý đi học chuyển cấp. Giỏ Thị đã xây dựng một nhà nội trú, hỗ trợ tiền đóng các khoản học ngoài tiêu chuẩn Nhà nước, trang bị đồ dùng, ti-vi, may đồng phục, hết năm học tổ chức cho các em tham quan Hà Nội. Từ năm học 2012 đến nay đã lần lượt thu hút được học sinh Pa Cheo đi học và lứa đầu tiên đã ra trường. Số học sinh tốt nghiệp tiếp tục được tài trợ đi học tiếp. Hiện Pa Cheo có 11 học sinh theo học cao đẳng chuyên nghiệp và trung cấp, sơ cấp nghề. Em Lý Thị Xúa là học sinh nữ đầu tiên của Pa Cheo học hết THPT, hiện đang học cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Lý A Sử, Cứ A Vềnh học Trung cấp Y tế Lào Cai. Các trường hợp này đều đặc biệt khó khăn. Sử mồ côi cha, Vềnh không có mẹ từ nhỏ. Cá biệt có em Hầu A Vàng mồ côi cha mẹ phải ở với chú là Hầu A Chúng, Bí thư Đảng ủy xã, nhóm bằng mọi cách động viên để em đi học Trường cao đẳng nghề Cơ khí Nông nghiệp ở Vĩnh Phúc. Pa Cheo hiện nay với sự trợ giúp của Quỹ Trò nghèo vùng cao cho 414 học sinh tiểu học là diện không nội trú, không được hưởng tiêu chuẩn Nhà nước có bữa cơm trưa tại trường thay cặp lồng với số tiền cho năm học 2016-2017 hơn 400 triệu đồng, cộng với nhóm Giỏ Thị bảo trợ cho học sinh THPT và sau khi ra trường học lên cấp, học nghề đã thật sự là một điểm sáng giáo dục của huyện Bát Xát.

​Tỉ mỉ những điều này bởi tôi nghĩ đây chính là chiếc cần câu mà chúng ta đang tìm lời giải. Phải mang được chiếc cần câu chữ nghĩa về cho các em. Những con chữ với lớp học sinh hôm nay sẽ là chủ nhân của Pa Cheo tương lai. Chính các em sẽ thay đổi cuộc sống của quê hương mình. Tôi tin thế. Từ dẫn chứng Pa Cheo, thiết nghĩ với miền núi ngoài chính sách của Nhà nước cần xã hội hóa sự trợ giúp của đồng bào. Nếu các nhóm thiện nguyện khoanh vùng để cụ thể từng trường học thì chắc chắn sẽ có nhiều Pa Cheo khác. Dĩ nhiên lúc đó với những chiếc cần câu chữ nghĩa, miền núi của chúng ta sẽ khác. Sự thay đổi là tất yếu cho dù không phải trong một tương lai gần. Xin hãy bắt đầu.
Em Hầu A Vàng (đứng giữa) trong ngày nhập trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét