Rời Pa Cheo, nửa vui nửa buồn, đoàn "cơm thịt" đi tiếp đến Sàng Ma Sáo, một xã nghèo ở sâu trong núi, cách Pa Cheo hơn 30 km. Dừng lại ăn trưa ở Mường Hum, một thị trấn nhỏ xíu chỉ có hai dãy phố ngắn ngủn. Thấy có xe khách từ Lào Cai chạy vào đây, vậy là sau này cũng có thể gửi đồ lên Sàng Ma Sáo bằng xe khách. Từ Pa Cheo đến Mường Hum gần 30 km đường nhựa, từ Mường Hum đi Sàng Ma Sáo khoảng 5-6 km đường đất.
Chợ Mường Hum |
Từ Mường Hum phải qua hai con ngầm mới đến Sàng Ma Sáo. Mùa này nước cạn, xe qua dễ dàng, nhưng có lẽ vào mùa mưa, lũ kéo về, dòng suối sẽ hung hãn chứ không êm ả thế này. Nghe người dân tộc bảo vào mùa lũ, đang lội qua suối mà thấy nước vẩn đục thì phải chạy cho mau kẻo lũ cuốn trôi.
Vượt ngầm |
Điểm trường chính của Mầm Non Sàng Ma Sáo nằm cạnh đường, sát bên UBND, HDND xã. Vùng này là một thung lũng khá bằng phẳng, với mấy quả đồi, lọt thỏm giữa các ngọn núi cao. Bọn mình đến đó khi các con vừa ngủ trưa dậy, bèn đem bánh mỳ ra cho chúng chấm ăn với sữa đặc. Trông chúng ăn thật ngon lành. Có một thằng bé ăn được chút thì nôn, chắc vì chưa quen sữa đặc. Nhưng nó không rời bàn, cô lau dọn cho xong, nó lại xông vào ăn tiếp.
Con phải xé bánh mỳ chấm sữa thế này này! |
Trong khi Trưởng Đoàn làm việc với cô Hiệu Trưởng, một nhóm tình nguyện viên theo mấy cô giáo đi xe máy khảo sát các lớp cắm bản, ở trên núi. Số còn lại chơi với trẻ con, hoặc ngắm nghía cơ ngơi của Trường. Phải nói là điểm trường chính khá khang trang, không thua dưới xuôi. Một dãy nhà cấp 4 mới xây, có lớp học cho 25 bé, nhà vệ sinh riêng cho trẻ, có phòng giáo viên, phòng họp. Cạnh đó là một nhà xây cấp 4 với 3 phòng ở của giáo viên. Có bể nước, bếp nấu ăn trưa cho trẻ mới làm bằng tranh, tre, nứa. Bọn trẻ ở điểm trường này cũng có vẻ tươm tất sạch sẽ hơn so với bọn ở Tả Lèng. Cô giáo nói đây là Trường chính, học sinh chủ yếu con em cán bộ, còn ở các lớp xa, bọn trẻ con thường dân cũng nghèo rách lắm.
Bếp mới dựng, còn chưa mắc điện |
Buổi chiều, bọn trẻ con Mầm Non học bài thơ "Anh em mèo trắng - Vác giỏ đi câu ...". Nghe chúng đọc thơ véo von, hơi nghịu chút, thật thích. Rồi tan học, bọn trẻ từng tốp, từng tốp líu ríu kéo nhau ra về. Ở đây, trẻ con 3-4 tuổi cũng tự đi học, tự về, không ai đưa đón. Chúng vừa đi vừa nói chuyện râm ran, vừa đùa nghịch mà nhanh phết. Loáng cái đã thấy mấy đứa đi đầu thấp thoáng trên sườn dốc núi bên kia.
Tan trường |
Mấy bạn đi khảo sát ở điểm trường lâu quá, cứ tưởng gần, khoảng 1 giờ là xong, nào ngờ mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Nghe cô giáo nói từ trường chính đến lớp cắm bản xa nhất phải hơn 10 km, trong đó có đoạn phải đi bộ leo núi vài km, xe máy ở đó cũng không đi nổi. Lúc mọi người về đông đủ thì trời bắt đầu nhá nhem tối. Lại đổ mưa tầm tã, càng về chiều trời càng rét.
Thật không may, xe của tôi sa lầy ở con dốc ngay cổng trường. Đường hẹp, một bên là ruộng sâu, cả đoàn loay hoay xúm vào hơn một giờ nữa mới kéo được nó lên. Các cô giáo mời đoàn chúng tôi nghỉ lại ở trường. Hai xe nhà Sống Chậm vẫn quyết định quay về Sapa, vì muốn cho các cháu bé nghỉ ngơi được thoải mái. Trưởng đoàn K. vẫn muốn 2 xe còn lại đi tiếp lên Y Tý, nhưng sau khi chiếc xe Innova không vượt nổi con dốc đầu tiên, dựng đứng, trơn tuột vì bùn đất trên núi trôi xuống theo nước mưa, thì chúng tôi quyết định nghỉ lại Sàng Ma Sáo.
Xếp bàn làm giường cho đoàn (ảnh: Lana) |
Cô Quỳnh hiệu trưởng nhanh nhẹn cử người đi mua đồ về nấu ăn. Các cô giáo thật hiếu khách và chu đáo. Anh K. đưa tiền mua thức ăn, các cô không nhận, nhưng chúng tôi nói nếu không nhận là lần sau chúng tôi không dám lên nữa, các cô phải chịu, hi hi. Các cô dồn 3 phòng làm một, nhường 2 phòng cho 11 người trong đoàn. Chúng tôi thật ái ngại khi giầy dép bê bết bùn đi vào phòng, nhưng dép đi trong nhà không có, bàn chân, dù có tất, tiếp xúc với nền gạch men ẩm ướt lạnh buốt tận óc. Lại nhớ những bàn chân trần của lũ trẻ ngâm trong bùn ở Pa Cheo.
Trong lúc loay hoay kéo điện ra bếp, cô Quỳnh lỡ tay làm vỡ bóng đèn compact, có lẽ là duy nhất của các cô. Thế là chúng tôi nấu ăn trong bóng tối, soi sáng bằng điện thoại di động. Cả bọn xúm bên bếp lửa, hơ những bàn tay lạnh cóng, chia nhau mấy cái xúc xích và 2 củ khoai lang vùi trong than hồng cho đỡ đói chờ cơm. Chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết như vậy đó.
Sắp được ăn rồi (ảnh: Lana) |
Lúc đó mới có thời gian nói chuyện nhiều với các cô giáo. Tất cả các cô đều còn rất trẻ, người lớn nhất cũng 8x, từ nhiều miền quê tới đây. Cô Phúc mới hơn 20 tuổi, quê Thanh Hóa, về trường được hơn một tháng, chỉ con cún nhỏ nằm khoanh tròn xó bếp, bảo: "Ngày nghỉ cuối tuần, các anh chị về nhà hết, chỉ còn mình em với con cún này ở lại trông trường". Không TV, không internet, nói gì shopping, xi-nê, cafe, kem ... với bạn trai. May là có điện, chứ mấy bản trên núi cao còn không có điện. Nghe các "cơm thịt viên" đi khảo sát về kể cảnh đi xe máy đường trơn ngã oành oạch, mới thấy phục các cô giáo hàng ngày vẫn phải lặn lội đến các nhà để xin cho trẻ con đi học, mới thấy dân và bọn trẻ nhỏ ở đây khổ cực chẳng kém gì ở Pa Cheo.
Nghe tin một xe nhà Sống Chậm bị sa lầy trên đường từ Sàng Ma Sáo về Sapa. Nghĩ cảnh đêm tối, mưa, rét, đói, cả nhóm nhà Sống Chậm chỉ có 2 anh lái xe, còn lại gần chục người toàn phụ nữ và trẻ em, đang phải bứt lá, bẻ cành lót bánh xe, cả hội lo lắng bồn chồn, chẳng thiết gì chuyện ăn uống. Nhờ cô Quỳnh liên hệ thuê vài trai bản đi xe máy, mang theo dây, rơm rạ ... ra cứu. Chưa kịp đi thì nghe Sống Chậm báo đã cầu viện Pa Cheo, người từ Kin Sáng Hồ đang ra. Hơn 10h tối, mới nghe tin xe thoát lầy, tiếp tục đi Sapa. Thở phào nhẹ nhõm!
Hai căn phòng với 4 cái giường không đủ cho 11 người, 3 bạn trong nhóm leo lên xe, ngả ghế ra ngủ. Gần sáng, trời lại đổ mưa rất to. Kiểu này mai đường trơn lắm đây. Nhưng dù có làm sao thì ban ngày cũng dễ xử lý hơn. Mặc kệ! Ngủ đã!
Tạm biệt Sàng Ma Sáo! |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét