Sáng hôm sau, 04.01, chuẩn bị khởi hành đi Y Tý, xe tôi lại xẹp bánh sau, chắc bị đá đâm từ hôm qua. Vì phải thay bánh xe dự phòng, chúng tôi khởi hành chậm hơn xe anh K. một lúc. Ngang qua con ngầm bữa trước, lại sa lầy. 5 người xuống xe đẩy, chẳng ăn thua gì, càng cố thoát, xe càng trượt ngang về phía bờ suối. Nhà văn TL phải chạy đi tìm thêm người. May sao có một nhóm gần chục công nhân ở công trường gần đó (hình như là xây dựng trạm thủy điện) ra đẩy xe giúp, chúng tôi mới thoát. Nhập được với đoàn ở Mầm Non Dền Thàng.
Mọi chuyện ở các điểm trường Dền Thàng, Y Tý đã được các bạn đồng hành (MTH, Lana, TL) kể khá chi tiết và ấn tượng. Tôi sẽ chỉ post mấy bức hình, và kể về những chuyện khác.
Ở vùng non cao này nhà cửa thưa thớt, người H'Mông ở tản mát, nhà nọ cách xa nhà kia, toàn cheo leo trên núi. Ở đây rất nhiều thứ làm bằng đá: hàng rào quanh nhà xếp đá, đường rải đá, bờ ruộng cũng xếp đá thành từng khoảnh bậc thang theo sườn núi dốc, có những mảnh vườn (bậc thang nốt) chỉ to như cái chiếu. Tường nhà người H'Mông thường làm bằng đất sét chình rất dày, vững chắc.
Ruộng bậc thang vào mùa đổ nước |
Trời vẫn mưa gần như suốt ngày, khi lất phất, lúc ào ào. Hôm nay còn rét hơn hôm qua, ở Dền Thàng, nhiệt kế trên xe chỉ 5-6 độ C, lên đến Y Tý thì chỉ còn 3-4 độ C, trong xe phải bật quạt sưởi hết công suất. Sương mù khá dày, tôi cứ bám theo đèn hậu xe chạy trước mà đi.
Đến Mầm Non Y Tý lúc mưa to. Bọn trẻ con ngồi co ro trong lớp, hầu hết chúng nó mặc không đủ ấm, chỉ có cái áo khoác mỏng hay cái áo nỉ bên ngoài áo sơ mi. Lớp xốp trải sàn tuy mỏng cũng giúp những bàn chân trần đỡ buốt. Bữa trưa, có tài trợ của chương trình "cơm có thịt", mỗi bé được cô chia một tô cơm to và khá nhiều trứng chưng trông thật ngon lành.
Con đường từ Y Tý trên đỉnh núi cao về thị trấn Bát Xát đã được sửa và nâng cấp, khá tốt, trải nhựa phẳng phiu. Tuy nhiên, đường rất hẹp, hai xe con tránh nhau còn khó. Mấy lần chúng tôi gặp xe tải đi ngược chiều, thật đúng như cảnh hai con dê qua cầu, một xe phải lùi, đến chỗ có lề đường rộng hơn chút, xe kia mới qua được. Có lần, một chiếc xe tải chở nặng đi ngược chiều không chịu tránh về bên mép vực sâu hun hút, chúng tôi phải nhường nó đi sát ta-luy.
Hai con dê qua cầu |
Loanh quanh thế nào, chúng tôi bị lạc đường, rẽ nhầm vào con đường đất, chạy hơn 10 km lại thấy quay ra lối cũ. Ở dưới xuôi chạy lạc vài chục cây số không có gì ghê gớm. Với điều kiện không phải con đường như thế này. Bùn đất nhão nhoét và trơn, xe bò lên ì ạch, tiến 3 mét lại lùi một mét.
Xe 7 chỗ cũng bị chạm gầm, mọi người trên xe phải xuống hết cho nhẹ xe, leo bộ ngược lên con dốc cao, nước mưa cuốn theo bùn đất chảy xối xả.
Vượt qua quãng đường lầy lội ở A Lù, xe đổ dốc đi về hướng Trịnh Tường. Từ trên núi cao, chúng tôi thấy thấp thoáng phía dưới có con đường cao tốc rất hoành tráng, cứ thắc mắc sao ở vùng này cũng có đường to thế. Tới lúc xuống đến bờ sông, có tín hiệu điện thoại, xem bản đồ định vị, mới biết mình đang đứng bên Sông Hồng, và trước mặt là con đường vành đai ở bên kia biên giới.
Lúc đó, trong lòng tôi dấy lên một cảm xúc khó tả: nỗi bồi hồi khi lần đầu đi đến mảnh đất địa đầu Tổ Quốc, nỗi buồn khi thấy sự tương phản của hai con đường hai bên bờ sông, biên giới tự nhiên của hai nước.
Kể lể dông dài những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi thực tế, tôi không có ý định "khoe khoang" những sự vất vả của đoàn "cơm có thịt". Bởi lẽ đơn giản, chút gian truân nho nhỏ không thấm vào đâu so với niềm vui lớn lao, những cảm xúc sâu sắc mà chúng tôi có được. Hơn nữa, những trải nghiệm đó làm chúng tôi cảm thấy mình cứng cáp hơn. Như bé Đ., bé N. đang say xe là vậy mà gặp lúc bí, cũng xuống lội bùn đẩy xe, bẻ cành, xúc cát ... lót đường, thế là hết cả say xe.
Chúng tôi ai cũng hiểu rằng mình là những người "đến rồi đi", nếu có tấm lòng, có điều kiện thì thỉnh thoảng quay lại với các em bé nơi này. Nhưng những người dân, những đứa trẻ ở đây thì khác. Đó là cuộc sống hàng ngày, hàng giờ của họ. Họ không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận, phải chịu đựng cái đói, cái rét, phải đi trên những con đường ngập ngụa bùn đất, phải tìm cách vượt qua dòng suối chảy xiết vào mùa lũ để đi học, đi làm, đi chợ vì nhiều nơi không có cầu, phải sinh hoạt trong bóng tối vì nhiều nơi không có điện, phải kỳ công đắp những thửa ruộng bậc thang cheo leo trên sườn núi vì không có đủ đất canh tác ...
Về đến Bát Xát giữa buổi chiều, đoàn chúng tôi chia tay. Một số bạn tình nguyện viên lên tàu đêm từ Lào Cai về Hà Nội, một nhóm đi tiếp lên khảo sát mấy điểm trường ở Mường Khương. Xe nhà tôi 3 người quay về Hà Nội. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng cảm thấy như có món nợ với vùng đất này, ai cũng quyết sẽ phải quay lại nơi đây, vì đã đến, đã nghe, đã thấy, và đã để lại một mảnh tim ở vùng cao Tây Bắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét