Tôi đã định kết thúc Nhật Ký Tây Bắc ở phần viết về Dền Thàng, Y Tý. Nhưng trên đường từ Lào Cai về Hà Nội cũng có vài điều mắt thấy tai nghe, và đôi điều tâm tư muốn chia sẻ.
Chia tay các "cơm thịt viên" ở Bát Xát, tôi chạy xe qua Lào Cai, về Hà Nội. Đến Phố Ràng thì trời đã tối mịt, nên gia đình tôi quyết định nghỉ lại đó. Quả thực đi đèo dốc lúc trời tối, lại vào thời điểm các xe tải nặng chạy đầy đường, chẳng thích thú gì.
Sáng hôm sau, 05/01, tỉnh táo sau giấc ngủ ngon, chúng tôi lên đường, đi theo Quốc lộ 70. Qua Đoan Hùng, dừng lại nghỉ gần bến phà trên bờ Sông Lô, con sông mà tên tuổi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp oai hùng. Mua một ít bưởi, vì nghe tiếng bưởi Đoan Hùng từ lâu mà chưa bao giờ có dịp lên đây. Thực ra tôi thấy bưởi Đoan Hùng không ngon bằng bưởi Diễn hay bưởi Năm Roi.
Sông Lô êm ả về xuôi - Con đò nhỏ xíu đưa người qua sông |
Trong lúc ngồi uống nước ở ngã tư "Cây Gạo", tôi bắt chuyện với mấy người dân, ngắm nghía mấy dãy phố, và nhìn đoàn người, xe chạy xuống con dốc ra bến phà. Một bác xe ôm bảo: "Cậu chạy theo bờ đê, khoảng 1 km sẽ thấy cầu mới đang xây bắc qua Sông Lô, 300 tỷ đấy cậu ạ, chưa cộng chi phí phát sinh". Ờ thì đi xem cho biết. Thời gian đang nhiều. Đến nơi, tôi mới hiểu ý bác xe ôm. Chẳng có cái cầu nào hết! Không có điều kiện kiểm chứng con số 300 tỷ và phát sinh bao nhiêu, cũng không phải chuyên gia cầu đường để tính xem 300 tỷ đồng để xây một cái cầu dài khoảng 300m là nhiều hay ít. Nhưng đây là những gì tôi thấy.
Công trường không một bóng người hay bóng máy móc, mặc dù hôm nay là ngày làm việc, cũng không phải giờ nghỉ trưa. Thực ra bên này sông có một cái máy xúc, bên kia sông có một cái xe tải, nhưng đều đứng im như chết. Vài cái trụ cầu bê tông đang làm dang dở, chơ vơ phơi nắng phơi mưa, khoe những lõi sắt gỉ hoen gỉ hoét. Cứ như bỏ hoang! Không biết bỏ hoang từ bao giờ và đến bao giờ! Nhìn trụ cầu nhỏ thế, chắc cầu cũng chẳng phải to tát gì. Không biết bao nhiêu tiền đã chi ra để làm mấy cái trụ dở này! Nhưng bây giờ, người dân ở đây chỉ có cách qua sông bằng phà.
Trên suốt quãng đường về, còn một việc nữa làm tôi suy nghĩ. Đó là tôi không có điều kiện chụp ảnh phân phát cho trẻ em mấy cái áo khoác (đã qua sử dụng, nhưng còn cực tốt) mà những người bạn của một người bạn tôi đã ủng hộ. Khi trao cho tôi, người bạn nhờ tôi chụp hình khi phát túi áo của chị V.A., để "báo cáo" với chị ấy, rằng đồ quyên góp đã đến tay người nhận. Có điều ở Pa Cheo có nhiều điểm trường khác nhau, số áo khoác cũ do nhiều người quyên góp được phân chia cho điểm trường Pờ Sì Ngài, còn nơi tôi phụ trách là Mầm Non Tả Lèng được phát toàn áo khoác mới, nên tôi không có điều kiện chụp hình áo cũ. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng, những chiếc áo đó đã được chở lên Pa Cheo phát cho các em bé. Từ bao quần áo cũ định bù đắp thêm cho các bé Mẫu giáo ở Pờ Sì Ngài (vì chúng không được nhận áo khoác mới như các bạn ở điểm trường khác), bạn Sống Thật Chậm còn "phải đếm cấp tốc 43 cái chuyển cho 43 em bé tiểu học Pờ Sì Ngài đang rét tím chân tay, chỗ còn lại đem về điểm trường chính bù cho chỗ thiếu hụt" (vì có một số trẻ Mầm Non mới nhập lớp - ngoài danh sách). Tôi chỉ muốn chị V.A. hiểu rằng, chúng tôi đã làm tất cả, để những chiếc áo ấm mà con trai chị đã mặc và đã giữ gìn rất cẩn thận sạch sẽ, tìm được chủ nhân mới của nó. Những chiếc áo này dày dặn và rất tốt, sẽ không chóng rách đâu. Có thể khi những em bé H'Mông đó lớn lên, những chiếc áo ấm áp tình người sẽ tiếp tục sưởi ấm cho các em của bé. Tôi tin là như vậy, và cũng mong các bạn tin vào điều đó.
Áo ấm đến Pờ Sì Ngài (ảnh: STC) |
Tuy có đôi chút áy náy nói trên, và còn cảm thấy nặng lòng với Tiểu học Pa Cheo như tôi đã kể, nhưng chúng tôi đều cảm thấy niềm vui khôn tả khi nhìn những ánh mắt hân hoan, những nụ cười sung sướng của bọn trẻ khi được diện áo mới, ủng mới, mũ mới, được phát đồ chơi ... Đối với chúng tôi, đó là một chuyến đi vô cùng thú vị và bổ ích. Chúng tôi học thêm được nhiều điều, mà điều quan trọng nhất là Niềm vui của sự sẻ chia. Chúng tôi cũng nhiều lần rơi lệ vì tận mắt nhìn thấy và đồng cảm với những cảnh nghèo khổ bần cùng. Và chúng tôi cũng vô cùng cảm phục các thầy cô giáo, nhiều người trong số họ từ dưới xuôi lên, trong điều kiện khó khăn thiếu thốn đủ thứ, vẫn sẵn sàng trích một phần tiền lương ra để giúp miếng cơm, miếng thịt cho các em bé, vẫn lặn lội mưa rét đến từng nhà dân xin học trò. Họ làm tất cả để mang "cái chữ" đến cho trẻ em vùng cao. Hy vọng một ngày nào đó, lớp trẻ này lớn lên, có kiến thức, sẽ góp phần làm vùng cao bớt nghèo.
Tôi cũng rất mừng vì sau chuyến đi, cậu con trai gầy gò 14 tuổi của tôi trở nên cứng cáp, người lớn hơn, suốt chặng đường về không say xe, mặc dù lúc đi bị say, nằm bẹp. Có thể nói đó là món lời lớn nhất mà tôi nhận được từ gánh hàng xén lên Pa Cheo. Xin cảm ơn bao người bạn đã "góp vốn" vào gánh hàng xén. Xin cảm ơn những người bạn đã đồng hành cùng tôi trong chuyến đi. Và đặc biệt cảm ơn cô chủ gánh hàng xén đã cho tôi cơ hội tham gia và có được những trải nghiệm này. Xin hẹn gặp lại trong những chuyến đi tiếp theo lên Tây Bắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét