Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Tả Lèng

(Bài của HAT đăng tại http://tuanhavn.blogspot.com/)

Sáng 03.01, một cơn mưa rào xối xả làm chúng tôi phải xuất phát từ Sapa đi Pa Cheo chậm hơn dự kiến. Lại càng phục bạn Sống Thật Chậm đã tính toán chu đáo, đưa đồ vào Trường từ chiều hôm trước. Chờ mưa ngớt, chúng tôi lên đường. Nhờ mưa nên sương mù ít hơn, nhưng đường cũng trơn hơn. Cảnh vật trên đường đẹp mê hồn, song chúng tôi không có nhiều thời gian để dừng lại chụp hình.

Núi non trùng điệp trong mây

Đường đi Pa Cheo trải nhựa, khá tốt. Nhưng xe phải dừng cách điểm Trường chính - Kin Sáng Hồ - khoảng 1 km, vì người ta đang thi công đoạn đường qua ngầm. Đến nơi, đã có rất đông thầy cô giáo và dân bản đang đội mưa đứng chờ đón, đưa chúng tôi vào từng điểm trường bằng xe máy.

Bản Tả Lèng cách nơi ô tô dừng khoảng 5-6 km. Xe máy chở tôi vừa đi thì bị thủng lốp. Chờ một lúc, có người dân bản đi qua, tôi nhờ chở vào trường, đến chậm mất 10-15 phút. Đưa tiền, anh xe máy nhất định không lấy, tôi chỉ còn biết nói lời cảm ơn anh. Ba người nhóm chúng tôi, ngoài số thức ăn đã chuẩn bị của Gánh Hàng Xén, còn xách theo 3 túi quần áo trẻ em do một người bạn của tôi vừa đưa buổi tối trước hôm đi, mà tôi không kịp chuyển cho Gánh Hàng Xén, và quyết định mang theo để phát dự phòng.

Đến nơi, tôi bàng hoàng khi thấy trường lớp sơ sài đến thế.
Cổng trường dốc ngược, trời mưa đường trơn như đổ mỡ, tôi đi rón rén lắm mới không bị té. Còn sân trường - có lẽ không cần bình luận gì thêm - bạn cũng tự thấy cả rồi.

Leo lên đã khó, leo xuống còn khó hơn!

Sân trường của chúng em.

Chạy vội vào lớp Mầm Non, tôi không kịp để ý thấy mấy lớp Tiểu học bên cạnh, sau mới biết Trường Mầm Non "ở nhờ" Tiểu học. Hơn 20 đứa tý nhau 4-5 tuổi đã ngồi ngoan trong lớp đón khách. Lúc tôi bước vào, cô giáo nói: "Các con chào khách nào!", chúng đồng thanh: "Chúng con chào cô ạ" :). Сó lẽ chúng chưa biết từ "chú" hay "bác".

Lớp chúng cháu có bức tranh đẹp thế !

Sắp được chia áo, chia quà !


Ngoài cửa có rất đông người dân bản đến xem "cán bộ phát thịt phát áo" - họ cứ gọi người miền xuôi là cán bộ. Không biết con bé xinh xắn, khoảng 6 tuổi, chân đất địu em này có được đi học không nhỉ?


Tôi đã ứa nước mắt khi thấy đứa bé khoảng 2 tuổi đứng dựa cửa nhìn vào. Định bụng lát nữa rảnh tay sẽ chia quà cho nó, vậy mà lúc sau không biết nó chạy đi đằng nào mất rồi. Ân hận mãi. Lúc đó nhiệt độ ngoài trời ở Pa Cheo chỉ khoảng 7-8 độ C là cùng, mưa phùn lất phất. Tôi thử cởi áo khoác, chỉ mặc sơ mi và áo gi-lê len. Và có cảm giác rằng, nếu không vận động liên tục, chỉ cần ngồi hay đứng yên 10-15 phút, tôi có thể đông cứng như que kem.


Chúng tôi lần lượt phát áo len, áo khoác, rồi mũ len, truyện tranh, đồ chơi cho từng bé. Còn quần nỉ và tất thì nhờ các cô phát sau.


Khi mặc áo len cho một bé trai, tôi lại một lần nữa ứa nước mắt. Khi cởi cái áo khoác ngoài rách bươm của nó, tôi phát hiện ra hai ống tay áo ướt sũng, và bên trong áo khoác, có duy nhất cái áo thun cộc tay. Hay cánh tay thằng bé lạnh như đá, tím ngắt. Vội vàng mặc áo len, áo khoác mới cho nó và nhờ cô giáo phơi cái áo khoác cũ cho khô.

Sách của ai đẹp hơn?


Tôi có thể cam đoan với các bạn rằng những cuốn tranh màu xinh xắn, đính kèm cái nơ và bức thiệp nhỏ ghi tên từng bé, do mẹ con bạn Sống Thật Chậm kỳ công chuẩn bị, và các món đồ chơi mà nhiều người góp vào Gánh Hàng Xén, bất kể cũ hay mới, sẽ là những món quà quý giá nhất đối với các bé. Đơn giản bởi chúng, và có lẽ cả các anh chị, thậm chí cả cha mẹ chúng, chưa bao giờ có những thứ này trong đời.

Búp bê có xinh bằng mình không nhỉ?

Ở lớp Mầm Non lớn mới thêm một bé. Nên áo len áo khoác, đã đặt mua theo danh sách từ trước, không đủ phát cho nó. May sao có túi áo len mới do người bạn gửi để dự phòng, tôi chọn một cái to nhất, nó mặc vừa in, súng sính màu hồng, làm các bé bên cạnh ngoái sang ngắm.

Áo len hồng chen giữa


Xong lớp lớn, phát tiếp cho lớp bé. 15 đứa 3 tuổi học trong căn phòng 8-9 m2, là một nửa căn nhà lá này (nửa còn lại là phòng ở của giáo viên, giờ tạm dùng làm bếp nấu ăn cho trẻ Mầm Non). Chỉ giờ ăn, giờ ngủ chúng mới lên ở cùng phòng lớp lớn, trong ngôi nhà xây của Tiểu học.

Lớp học của chúng cháu

Bọn trẻ rất ngoan, chưa đến lượt cứ khoanh tay ngồi chờ. Được quà thì lễ phép cảm ơn, rồi quay sang bạn, cười toe toét khoe quà. Tôi đoán thế, vì chúng nói với nhau bằng tiếng H'Mông, thỉnh thoảng mới được các cô giáo dịch giúp cho vài câu. Chúng nó rất thích thú khi tôi chụp hình, rồi cho từng đứa nhìn thấy hình của mình trên bức ảnh.


Lần thứ ba trong ngày, tôi suýt trào nước mắt khi mặc áo len mới cho thằng bé này. Nó mặc một cái áo sơ mi rách, bên ngoài là cái áo khoác cũng rách. Tôi không thể cởi cái áo khoác ra được, vì nó không có cúc, không có khóa, mà được khâu chỉ hai mép áo. Hỏi cô giáo, cô bảo không cởi được đâu, chúng nó mặc thế cả mấy tháng mùa đông, vì chỉ có chừng đó áo thôi. Đành cắn môi, chọn cái áo len to nhất, mặc chùm ra ngoài áo khoác của nó.



Quá nửa bọn trẻ ở đây luôn luôn trong tình trạng "thò lò mũi xanh", như thằng bé này. Cũng dễ hiểu thôi: trời rét như thế, ăn mặc phong phanh như thế, mũi thò lò còn là chuyện nhỏ, chưa bị sưng phổi còn là may.

Áo mỏng lại ướt, nên mũi thò lò !


Đã 11 giờ, các cháu lớp bé tự xách ghế lên lớp lớn để ăn trưa. Bữa trưa nay chúng được ăn giò, chả, những món ngon dưới xuôi mà có lẽ chúng chưa từng nếm bao giờ. Có lẽ thèm ăn lắm, nhưng tụi nhỏ cứ khoanh tay ngồi chờ, khi nào tất cả các bạn đã có suất ăn, cô nói "Các con ăn nào", chúng nó mới bắt đầu ăn.

Người Hà Nội học làm "hầu bàn"

Mỗi bé được cô xúc cho một tô cơm to, thêm 3-4 miếng giò. Những đứa trẻ nhỏ thành thị có khi còn ỷ eo chê thịt mỡ, thịt dai, các bà các mẹ phải nựng lên nựng xuống mới chịu cho bón nửa bát cơm. Còn bọn trẻ con ở đây tự xúc ăn ngon lành, loáng cái đã hết tô, có đứa còn xin thêm cơm.
Cơm với gì đây nhỉ? (cháu chưa thấy bao giờ)

Món lạ này ngon quá

Trong lúc bọn trẻ Mầm Non ăn ngon lành, tôi tranh thủ ngó kỹ phía ngoài lớp học. Lại thấy đắng lòng vì những cảnh này.

Mút tay cho đỡ đói

Bố con Trưởng thôn


Sẵn có mấy túi áo quần dự phòng nói trên, chúng tôi đem ra phát cho bọn trẻ 1-2 tuổi ở ngoài sân, mỗi đứa 1 áo len, 1 đôi tất, 1-2 cái áo quần thun. Số đồ cũ còn lại (khoảng 50-60 thứ, chủ yếu vừa cho trẻ 2-3 tuổi), nhờ các cô chia nốt cho các cháu nhỏ trong bản, hoặc để lại ở lớp, dự phòng cần thay đồ cho các bé, mỗi khi chúng bị ướt.






Đã 11h30, điện thoại réo, trưởng đoàn thúc giục ra xe để đi tiếp. Chúng tôi vội vàng nhờ các cô làm nốt những việc còn lại: khi bọn trẻ ngủ dậy cho chúng uống thuốc tẩy giun, giữa buổi chiều cho chúng ăn bánh mỳ chấm sữa, ... rồi chào chia tay. Cô giáo trẻ đang nói bỗng nghẹn ngào, quay đi, khóc. Vội quá, chúng tôi cũng chưa kịp xin cô số điện thoại.

Những tưởng được rời trường trong ánh mắt đưa tiễn hân hoan của bọn nhỏ, của dân bản. Nào ngờ chúng tôi lại bị sốc, khi đi ngang qua và ngó vào mấy lớp Tiểu học bên cạnh. Nào chúng nó có được mặc lành lặn, ăn sung sướng gì hơn mấy đứa em bên Mầm Non cho cam. Vậy mà lần này, chúng tôi chẳng mang được gì đến cho chúng nó. Dốc ngược ba-lô, còn một gói kẹo, đem ra chia cho chúng nó đỡ tủi thân, rồi chúng tôi rời trường, thật nhanh, như chạy trốn khỏi cảm giác đau đớn và bất lực.

Chúng cháu học lớp 5 rồi ạ!

Chân trần đến lớp


Trên đường rời Pa Cheo, tôi đã quyết sẽ phải quay lại nơi này, sẽ phải làm gì đó cho bọn Tiểu học, để không bị ám ảnh bởi nỗi xấu hổ trước nụ cười thân thiện, ấm áp và tin cậy thế này đã dành cho chúng tôi.


P/S (07.01.2012; 16h00):
Cách đây ít phút, tôi vừa gọi điện nói chuyện với cô Hải, Mầm Non Tả Lèng. Cô cho biết chiều hôm đó các cô Mầm Non có chia sẻ thức ăn (bánh mỳ, sữa, pate) cho hai lớp Tiểu học cùng nhà với Mầm Non. Còn 3 lớp Tiểu học ở khu nhà khác (cách mấy trăm m) thì chưa đủ để chia :(.
Số quần áo cũ 1-2-3 tuổi chúng tôi để lại, cô cũng đã phân phát hết cho trẻ em trong thôn và một số cháu mẫu giáo bé nhà khó khăn nhất. Dân bản họ biết có áo quần trẻ em, nên đến tận nhà cô giáo để xin, mỗi cháu cũng được 3-4 món nho nhỏ. Cảm thấy chút ấm lòng bạn ơi.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét