* Phần 2: Lên núi (link)
* Phần 3: Tóc mới, quà, và lửa trại (link)
* Phần 4: Hội nghị tuyển sinh (link)
Phần 5: Những em bé Tả Lèng
Gần 3 rưỡi chiều 29/4 mới đến được Pacheo, đoàn phải chia mấy nhóm lập tức vào việc: Tổ tóc hối hả tông đơ, chải, tết nơ, kẹp tóc, Tổ dự Hội nghị đẩy sinh chừng 45 phút rồi vào bản Tả Lèng thăm nhà bé Ghênh, bé Mỷ, nhà Lý A Sử để kịp tối chập lại chuẩn bị cho liên hoan văn nghệ sân trường.
Đường trong bản Tả Lèng
Bé Ghênh
Lý Thị Ghênh học lớp 5 trường bản. Năm ngoái lên thăm trường, cô giáo Hồng chủ nhiệm em ngập ngừng đề nghị nếu như các cô bác có thể giúp nhà em một ít gạo mỗi tháng để em có thể tiếp tục đi học. Bố mất, các bạn nhỏ Hà Nội chuyến 'Em đi lên bản 2013' đến nhà Ghênh đúng bữa tối đã chứng kiến bát cơm mùa có gạo của mấy mẹ con chỉ vài hạt cơm chan đầy nước lã (câu chuyện về bé Ghênh đã được viết ở đây)
Thật lòng, công việc chính mà nhóm bạn Giỏ Thị nhắm đến là đem lại niềm vui đến trường cho từng vùng đất theo đơn vị xã hay trường học chứ không phải từng cảnh ngộ riêng lẻ. Mỗi chuyến vác hàng lên núi là chọn địa bàn và chuẩn bị số áo ấm/ quà/ những hoạt động vui chơi cho toàn bộ các em học sinh Mầm non, Tiểu học (cấp 1), Trung học cơ sở (cấp 2) của cả xã hoặc ít nhất là toàn bộ số học sinh của một trường, để những đứa trẻ không phải thèm thuồng sao bạn có mình không.
Dù vậy, có những cảnh, những em bé như Ghênh khiến nhóm không thể lướt đi.
Trước Tết khi giúp chuyển gạo và mì cô bác Giỏ Thị gởi lên nhà Ghênh, cô giáo Hồng vẫn gặp chị em em và mẹ. Lần gần nhất cách đây một tháng vì bận không thể vào bản, cô nói cô mua gởi thầy giáo chủ nhiệm mới đưa gạo giúp mẹ nuôi mấy chị em em. Nghe qua cô nhóm cũng tạm yên tâm.
Lội đường trơn đến nơi căn nhà Ghênh đóng cửa vắng lạnh. Hỏi thăm được chỉ đến một ngôi nhà gần đó, nghe người bản kể mẹ em từ sau Tết đã đi lấy chồng ở nơi khác đem theo chị gái Ghênh và em nhỏ nhất, gởi Ghênh cùng cậu em kế lại cho bà nội và chú. Vậy là mất bố giờ xa mẹ. Xáo trộn cảm xúc với một chút nhẹ lòng trước ngôi nhà người chú to rộng chắc chắn hơn căn 'nhà' của mẹ con em.
Gạt những giọt mưa tấp trên mặt. mình cùng đồng đội vào nhà, mừng tủi. Bà nội còn khỏe, Ghênh, em trai và hai em con chú đang ở trong nhà. Em ngước đôi mắt ngơ ngác như mọi khi chào khách. Lúi húi cùng đồng đội lấy gói kẹo để chia, nghe Thầy Minh cúi xuống hỏi em có nhớ các cô bác không, bất ngờ con bé nức lên. Ngồi thụp xuống ôm lấy nó, không nghe tiếng khóc chỉ người nó rung, tiếng nức câm nín. Ôi Trời ơi. Một đứa trẻ người Mông tưởng như ngơ ngác biết bật khóc vì tủi thân thúc vào mình một cú nhói thắt, xa xót tận cùng.
Trên xe rời bản, anh Hoang Minh Hung giọng trầm xuống "Những lần trước lên đây, căn 'nhà' bé tẹo chắp vá đói gạo đói ngô nhưng có mẹ có chị có em, đứa trẻ cười. Lần này lên, căn nhà to hơn, 'khá giả' hơn, có gạo có giường ngủ, nhưng đứa trẻ khóc."
Cản nhà im lìm chiều mưa bản muộn..
Những bức ảnh chụp 4 chị em, 07/2013, khi "Em đi lên bản" đến thăm nhà Ghênh.
Cùng mẹ và chị gái, 07/2013
Nhà chú..., 5/2014,
với bà nội
Bé Vàng Thị Mỷ
Đi chừng 5 chục mét từ nhà chú Ghênh để đến nhà cô giáo Hải phụ trách Mầm non bản Tả Lèng gặp bé Mỷ. Ngày nghỉ bé Mỷ về nhà ông bà, nhưng xa, đường ô tô không vào được, lại đã trễ, cô giáo Hải đành vào đón em ra nhà. Mỷ đang bị ho. Đôi mắt em vẫn thế, buồn và ngơ ngác.
Bé Mỷ 3 tuổi, bố mất mẹ đi lấy chồng gởi em lại nhà ông bà nội. Câu chuyện bé Mỷ năm ngày trong tuần ở với cô giáo Tiến hai ngày cuối tuần ở nhà ông bà nội có thể đọc ở bài này (link)
bé Mỷ cùng cô giáo Mộc Thị Tiến, người bé 'bám' cả ngày và đêm 5 ngày mỗi tuần, 01/2014.
Vàng Thị Mỷ cho cô Tiến một ít kinh nghiệm/ trải nghiệm nuôi một đứa trẻ nhỏ. Cô mới lấy chồng và đang có bầu em bé. Tháng 7 tới cô sẽ nghỉ sinh. Rồi sau đó cô sẽ có em bé nhỏ tí tẹo cần chăm sóc. Nhà cô xa trường… Tiến bảo chị yên tâm chị nha, em chỉ nghỉ mấy tháng thôi, chị Việt em (hiệu trưởng Mầm Non Pacheo) cũng quan tâm học sinh lắm, chị ấy sẽ sắp xếp cô giáo lo cho Mỷ.
Biết và tin, nhưng sao khỏi thương bé Mỷ mới 3 tuổi, vừa kịp quen mỗi tối ăn cơm cùng ngủ cùng cô Tiến được cô mua áo quần thủ thỉ chải tóc mặc áo mỗi sáng ngủ dậy.
Cùng cô ruột, 29/4/2014
Đã lên đi lên lại vùng cao xa ngái này, nơi tuổi thọ trung bình nếu được khảo sát chắc chắn thấp đến mức rùng mình; nơi người trẻ chết vì rét, vì cảm, vì lá ngón, vì gì chẳng biết vì gì; nơi trong mười mấy em của xã mà nhóm Giỏ đã và đang đỡ đầu học cấp 3 đã có thể kể Phàng A Măng, Cứ A Vềnh, Lý A Sử mồ côi cha hoặc mẹ, Hầu A Vàng mồ côi cả hai; đã nghĩ cảm xúc bị chai đi vì gặp quá nhiều những đứa trẻ thiếu ăn thiếu mặc thiếu cả sự chăm sóc, hướng dẫn, thiếu quá nhiều điều; vậy nhưng chuyến đi này, buổi chiều mưa này, gặp hai em bé này, mình và đồng đội như mới đi đến tận cùng cảm nhận hai từ 'bơ vơ', 'côi cút',
chát đắng...
* Phần 6 và Lời kết: Cho một chuyến đi đủ đầy (link)
* Hình trong bài của các TNV Hoang Minh Hung, Liên Nguyên và thầy giáo Đỗ Quốc Minh (Pacheo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét