Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

MỘT CHUYẾN ĐI... (phần 6 và lời kết)

* Phần 1: Chuẩn bị (link)
* Phần 2: Lên núi (link)
* Phần 3: Tóc mới, quà, và lửa trại (link)
* Phần 4: Hội nghị tuyển sinh (link)
* Phần 5: Những em bé Tả Lèng (link)

Phần 6: Cho một chuyến đi đủ đầy
* Thăm cô giáo Lý Thị Hồng
Từ Pacheo đi chừng chục cây số là tới Thị trấn Mường Hum, nơi này chập mấy nhánh suối. Cô giáo Lý Thị Hồng là giáo viên Mầm Non dạy điểm bản Ky Quan San của xã Sàng Ma Sáo cũng cách Mường Hum đoạn chừng như Pacheo, mà theo một hướng khác. Từ đường liên xã Bát Xát vào Sàng Ma Sáo phải qua Mường Hum rẽ vào, có mấy con ngầm, những cây cầu tre tạm, chẳng còn đường nào khác.
Bữa đó lũ, mùa lũ năm ngoái. Nhưng ráng vượt nước để đến trường với học sinh cô bị lũ cuốn trôi. Hơn hai ngày sau người thân đồng nghiệp mới vớt được Hồng bị vướng lại cách ngầm nơi cô bị lũ cuốn gần 200m, đá dập không còn nguyên vẹn. Mọi người kể lại Hồng thiêng lắm, báo mộng chỗ bị mắc để mọi người vớt em về.
Trước em ở chính con ngầm đó năm nào cũng có người bị lũ cuốn. Thầy cô giáo, bà con đã kêu rất nhiều lần cho một cây cầu...
Hồng để lại con trai mới vừa 4 tuổi.

Lý Thị Hồng nhận tủ thuốc cho học sinh Ky Quan San trong chuyến Cơm có thịt - Gánh Hàng Xén lên Sàng Ma Sáo 03/2012 từ nhà văn Phạm Ngọc Tiến.


Mỗi lần lên Bát Xát đoàn lại ráng ghé thắp cho Hồng một nén nhang. Lần này, để em vui, vì nơi em bị cuốn, một cây cầu kiên cố đang được xây dựng.
Hình: trước nhà cô giáo (người đàn ông đứng giữa là chồng cô)


CCT từng kêu gọi để xây cầu Lý Thị Hồng sau khi em mất, nhưng Nhà nước đã nhận việc đó. Cây cầu này sẽ giúp đường đến trường của các đồng nghiệp em và bà con Sàng Ma Sáo bớt nhiều hiểm nguy.

* Lũng Pô - A Mú Sung, điểm địa đầu Tổ Quốc
Đến cột mốc 92 biên giới Việt Nam - Trung Quốc A Mú Sung và xuống tận lòng ngã ba sông nơi Sông Hồng nhập vào suối Lũng Pô bắt đầu chảy vào địa phận đất Việt Nam là một mục chính thức trong kế hoạch chuyến đi. Mỗi chuyến đi cùng nhóm Giỏ, ngoài mục đích chính là đưa ủng hộ của bà con cô bác bạn bè lên các em bé miền núi đến tận nơi một cách hiệu quả nhất thì một mục tiêu được xác định hết sức cần là làm sao để chuyến đi thật vui và ý nghĩa với tất cả mọi tình nguyện viên (TNV) tham gia.

Mình và đồng đội cứ tự nhủ, TNV có những người thu nhập cao được ngày rảnh thay vì chọn đi nghỉ dưỡng cao cấp, các bạn rất trẻ thay vì đi bar, cà phê hay lang thang với bạn bè, họ dành thời gian công sức và bỏ tiền túi cùng lo lắng công việc suốt nhiều ngày, cùng lặn lội lên núi với bọn trẻ, thật đáng trân trọng biết bao. Thậm chí từng có những người bạn Giỏ ở thật xa về thăm VN được số ngày ít ỏi cũng ráng sắp xếp đi núi để tận mắt thấy những đồng tiền đóng góp lên với các cháu như thế nào. Vậy nên mỗi chuyến đi, ngoài các cháu, tụi mình chỉ biết hết sức cố gắng để tổ chức sao cho sau mỗi chuyến đi là sự gắn bó, là tình đồng đội, là cảm xúc, là ý nghĩa và thật nhiều niềm vui. Gọi lên sự sẻ chia không khó bằng giữ lửa, để các cháu những lứa sau, nhiều lứa sau vẫn được hưởng, cho đến khi nào không cần nữa, thì chúng ta có thể yên lòng.

Lần này trong box chát suốt quá trình chuẩn bị, nhóm đã có ý tưởng áo dài Việt tung bay ở Lũng Pô thiêng liêng, địa đầu Tổ Quốc.Có những điều chính mình không nghĩ đến cho đến khi được thấy, được hoà vào, cảm nhận, ý nghĩa thiêng liêng mới bùng lên chạm tới sâu trái tim mình.

Từng viên sỏi ngã ba sông... 
là thuộc về Tổ Quốc!

 Tới đồn biên phòng A Mú Sung và lặng người tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh cuộc đời mình bảo vệ từng tấc đất biên cương. 

 Đài tưởng niệm các anh trong khuôn viên Đồn biên phòng A Mú Sung khắc tên 30 liệt sỹ, trong đó 24 chiến sỹ đã ngã xuống cùng ngày 17/2/1979

 Qua các anh đồn biên phòng A Mú Sung và các thầy cô giáo, được biết xã A Mú Sung là xã địa bàn trải rộng tới 11 thôn bản. Chỉ trừ bản ngay sát đường biên có một số bà con biết buôn bán hoặc qua biên giới làm thuê, còn nhiều bản xa xôi, đường đi khó khăn, chưa có điện lưới, rất rất nghèo, lại ước...

* LỜI KẾT
Mỗi hoạt động, mỗi chuyến đi của Giỏ Thị, tuy Giỏ đứng ra tổ chức nhưng bên cạnh luôn có các chương trình/ nhóm cùng chung tâm nguyện cho các em bé vùng nghèo miền núi: Cơm có thịt, Chăn Ấm, Ford Thủ Đô, PSC, ZEN, các cá nhân Sài Gòn/ Hà Nội/ Lào Cai hay cách nửa vòng trái đất, Các TNV, các í tưởng giá trị góp cho việc chuẩn bị chuyến đi, các thầy cô, các anh bộ đội biên phòng vùng biên giới... Vậy nên, MỖI CHUYẾN ĐI về, chẳng còn nhớ liệu có những vất vả. Vốn đọng lại với cả nhóm chỉ là đầy ắp cảm xúc, niềm vui được thay mặt đưa sẻ chia và nhận hạnh phúc đem về.

Xin thay mặt nhóm Tình nguyện viên chuyến đi cảm ơn bà con bạn bè Giỏ Thị đã đồng hành, cảm ơn mọi sự sẻ, ủng hộ cho các em bé vùng núi,
 Xin cùng chia sẻ nụ cười,

 nước mắt,

 hạnh phúc, 

 hy vọng...

để lại hẹn những chuyến đi.

(Hết)
* Hình trong bài của các TNV: Minh Son, Hoang Minh Hung, Liên Nguyên, Hùng Nguyễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét